Sâu Răng

Triệu chứng và nguyên nhân

Sâu răng là bệnh lý về răng miệng rất phổ biến và có thể bắt gặp ở bất cứ độ tuổi nào, kể cả trẻ em. Bệnh nếu không được chữa trị sớm, răng sâu bị tổn thương sẽ có nguy cơ nhiễm trùng, gãy hoặc mất răng. Vậy những nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng này, dấu hiệu và cách điều trị răng bị sâu sao cho hiệu quả. Theo dõi bài viết dưới đây để tìm lời giải đáp cụ thể cho vấn đề này.

Định nghĩa

Sâu răng là một bệnh lý về răng miệng, vi khuẩn sẽ phá hoạt cấu trúc của răng và tạo thành những lỗ hổng trên bề mặt răng. Tình trạng này có thể diễn ra ở bề mặt chân hoặc thân răng, chúng tiến triển từ từ qua men và ngà răng, nặng nhất là xâm nhập và phá hoại tủy.

Các tổn thương này nếu không được chữa trị sớm sẽ dẫn tới đau nhức, rụng răng, nhiễm trùng. Một số trường hợp nặng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe toàn diện và việc nhổ bỏ răng là điều không tránh khỏi. 

Các triệu chứng và dấu hiệu nhận biết sâu răng của mỗi người là khác nhau, tùy thuộc vào mức độ cũng như vị trí của răng. Khi răng bị sâu mới bắt đầu, người bệnh có thể không có bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, khi tình trạng đã trở nặng, các bạn có thể nhận biết thông qua những dấu hiệu nổi bật sau:

  • Đau răng, các cơn đau có thể tự phát hoặc đau liên tục mà không có nguyên nhân õ ràng.
  • Răng trở nên nhạy cảm.
  • Đau nhẹ đến đau nhức dữ dội khi ăn hoặc uống thứ gì đó quá nóng hoặc quá lạnh.
  • Người bệnh có thể nhìn thấy được lỗ hổng trên răng.
  • Hơi thở tỏa ra mùi hôi cực kỳ khó chịu.
  • Răng bị sâu có màu nâu, đen hoặc trắng trên bề mặt.
  • Đau nhức khi cắn hoặc thở mạnh.

Hình ảnh

Nguyên Nhân

Sâu răng có thể khởi phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên chúng chủ yếu bị phá hủy do một số loại vi khuẩn tạo axit gây ra. Các loại vi khuẩn này có tên là Streptococcus mutans , Lactobacillus và các loài Actinomyces. Vi khuẩn sẽ gây tổn thương cho răng trong môi trường chứa carbohydrate lên men, điển hình là glucose, sucrose, fructose. 

Khi bạn không chăm sóc răng miệng thường xuyên và cẩn thận thì rất dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây nên tình trạng sâu răng. Dưới đây là những nguyên nhân gây nên tình trạng sâu răng phổ biến nhất ở người bệnh:

  • Vệ sinh răng miệng không tốt: Răng cần được làm sạch thường xuyên, vậy nên bạn cần đánh răng 2 lần/ngày, đặc biệt là sau khi ăn đồ ăn nhiều màu, đồ ngọt. Trường hợp răng không được làm sạch đều đặn sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển. Ngoài ra, người bệnh cũng cần quan tâm tới các dụng cụ hỗ trợ làm sạch răng khác như chỉ nha khoa, tăm nước và nước súc miệng để làm sạch sâu và toàn diện hơn. 
  • Đánh răng không đúng cách: Có không ít bệnh nhân mắc bệnh răng miệng do nguyên nhân đánh răng không khoa học. Bạn cần chải răng theo chiều dọc hoặc xoay vòng tròn, kết hợp sử dụng với bàn chải lông mềm để có thể làm sạch các tới bề mặt bao quanh răng được tốt hơn. Ngoài ra, người bệnh cũng nên chú ý làm sạch bề mặt lưỡi sau khi đánh răng. 
  • Thường xuyên ăn vặt: Trong các loại nước ngọt, đồ ăn vặt có chứa nhiều chất axit gây hại cho răng nên nếu thường xuyên sử dụng sẽ dễ khiến răng bị sâu. Chính vì thế, bạn nên hạn chế ăn đồ ăn vặt, thực phẩm chứa nhiều đường, đặc biệt là trước khi đi ngủ để đảm bảo răng miệng tốt hơn. 
  • Hàm răng bị nứt, vỡ hoặc yếu: Khi chân răng yếu, nút vỡ sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn bám vào bề mặt, hình thành những mảng bám khó vệ sinh. Các mảng bám này dần dần sẽ thu hút sự tập trung của vi khuẩn và gây nên tình trạng răng bị sâu. 
  • Thiếu nước: Có nhiều người không biết rằng việc thiếu nước cũng là tác nhân gây nên tình trạng răng sâu. Khi thiếu nước, bạn sẽ bị khô miệng, thiếu nước bọt, mà nước bọt đóng một vai trò rất quan trọng trong việc rửa sạch thức ăn, mảng bám răng. Hơn nữa, các khoáng chất có trong nước bọt cũng hỗ trợ chữa sâu răng sớm cũng như hạn chế vi khuẩn phát triển, đồng thời làm trung hòa các axit gây hại cho răng. 
  • Rối loạn tiêu hóa: Chế độ ăn uống thất thường, ăn quá nhiều, ăn ít, biếng ăn, ăn uống không khoa học đều là nguyên nhân dẫn tới tình trạng rối loạn tiêu hóa. Khi hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng, axit dạ dày dễ bị trào ngược gây nên tình trạng sâu răng.
  • Tụt nướu: Người cao tuổi dễ xảy ra tình trạng tụt nướu do quá trình lão hóa. Nướu bị tụt khỏi hàm sẽ hình thành mảng bám tại chân răng. Lúc này, ngà răng trở thành mục tiêu của vi khuẩn và gây nên tình trạng răng bị sâu.

Tất cả những nguyên nhân gây sâu răng được nêu trên đều có thể phát sinh bất cứ lúc nào nếu chúng ta chủ quan trong việc chăm sóc. Vậy nên các bạn cần chú ý vệ sinh răng miệng thật tốt, khám định kỳ nha khoa thường xuyên để kịp thời phát hiện cũng như có phương án can thiệp xử lý dứt điểm. 

Biến chứng

Sâu răng không chỉ gây nên tình trạng mất thẩm mỹ mà nó còn ảnh hưởng tới sức khỏe răng miệng và sức khỏe tổng thể của người bệnh. Những tác hại và sự nguy hiểm khi răng bị sâu có thể kể đến như:

  • Thiếu tính thẩm mỹ: Tình trạng răng sâu nhẹ sẽ xuất hiện những chấm đen trên bề mặt răng. Nếu tình trạng nặng hơn thì những lỗ hổng màu nâu - đen sẽ có kích thước lớn hơn với nhiều hình dáng khác nhau. Điều này khiến người bệnh không tự nhiên khi cười cũng như nói chuyện. Ngoài ra, tình trạng này còn dẫn đến tình trạng hôi miệng khiến người mắc thiếu tự tin trong giao tiếp.
  • Ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng: Răng bị tổn thương sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe răng miệng. Cấu trúc răng bị phá hủy gây nên tình trạng đau nhức, triệu chứng càng nghiêm trọng thì nguy cơ mất răng càng rõ ràng. Nếu sâu răng phát triển tới tủy răng sẽ gây viêm tủy và nhiều bệnh lý nguy hiểm khác như viêm chóp răng, áp xe răng. Răng sâu sẽ gây hạn chế cho việc ăn uống cũng như ảnh hưởng không tốt cho hệ tiêu hóa.
  • Ảnh hưởng tới tinh thần: Những cơn đau nhức kèm theo đau đầu sẽ thường xuyên xuất hiện khi bạn bị sâu răng. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp tới việc ăn uống, giấc ngủ và khiến người bệnh cảm thấy đuối sức, do đó mà tinh thần sụt giảm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, người bệnh cũng rất dễ cáu gắt, khó chịu. Trường hợp với trẻ nhỏ sẽ có dấu hiệu chán ăn, bỏ bữa, thường xuyên quấy khóc khiến cơ thể suy nhược và làm giảm sức đề kháng do thiếu dinh dưỡng. 
  • Nguy hiểm tới tính mạng: Khi răng sâu mà không được điều trị hoặc xử lý đúng cách sẽ dẫn tới viêm tủy, hoại tử. Vết hoại tử nặng dần khiến cho vùng mặt bị nhiễm trùng, khi mức độ nhiễm trùng ở mức độ báo động nó có thể kéo theo nhiễm trùng máu, lan xuống trung thất và gây nguy hiểm đến tính mạng. Vậy nên khi có những dấu hiệu sâu răng đầu tiên cần tới ngay bệnh viện, nha khoa chất lượng để xử lý dứt điểm. 

Phòng ngừa

Vi khuẩn và lượng đường trong thức ăn lớn là những yếu tố chính hình thành sâu răng. Vi khuẩn, mảng bám thức ăn tích tụ lâu ngày sẽ tạo thành vôi răng và gây nên các bệnh lý về răng miệng, trong đó có sâu răng. Vậy nên việc chăm sóc răng miệng đúng cách để phòng ngừa tình trạng sâu răng là điều cần thiết. Dưới đây là một vài bí quyết giúp bạn “nói không” với sâu răng như:

  • Thay đổi thói quen ăn uống: Một chế độ ăn uống khỏe mạnh và khoa học không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn giúp ngăn ngừa các bệnh lý về răng miệng. Hãy bổ sung các loại rau củ giàu chất xơ, hải sản giàu canxi và vitamin, ngũ cốc nguyên cám. Hạn chế các thực phẩm có đường và axit phytic bởi chúng sẽ ngăn chặn sự hấp thu canxi của răng và khiến răng dễ mắc bệnh. 
  • Đánh răng đúng cách và thay bàn chải thường xuyên sẽ giúp giảm thiểu mảng bám, nguy cơ tiềm ẩn gây nên bệnh răng miệng. Thời gian lý tưởng cho 1 lần chải răng là 2 - 3 phút và không được chải theo chiều ngang mà nên chải theo vòng tròn, chải dọc theo chiều răng mọc. Ngoài ra, bạn cũng nên thay bàn chải ít nhất 3 tháng 1 lần để đảm bảo sức khỏe răng miệng tốt nhất.
  • Lấy cao răng định kỳ, cao răng là một trong những nguyên nhân gây nên sâu răng và một số bệnh lý khác như viêm nướu, viêm nha chu,... Cao răng lâu ngày không được lấy sẽ trở thành ổ vi khuẩn gây hại. Các nha sĩ khuyên rằng bạn nên lấy cao răng định kỳ 6 tháng 1 lần hoặc theo chỉ định của bác sĩ. 
  • Với những kẽ răng sâu bên trong cung hàm như răng hàm số 6,7 và răng khôn sẽ rất khó để làm sạch hoàn toàn bằng bàn chải đánh răng. Do vậy, sau khi chải răng xong bạn nên sử dụng thêm chỉ nha khoa và nước súc miệng. 
  • Ngoài ra, bạn cũng nên tới nha khoa để khám và chăm sóc răng miệng thường xuyên. Điều này sẽ giúp nha sĩ kịp thời phát hiện ra các dấu hiệu của bệnh và xử lý kịp thời, vừa giúp tiết kiệm chi phí lại giúp hạn chế nguy cơ xảy ra biến chứng. 
Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp điều trị

Hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị răng bị sâu hiệu quả, bạn có thể dùng thuốc Tây để giảm các cơn đau, chống viêm. Hoặc có thể tham khảo các bài thuốc Đông y, mẹo dân gian an toàn để giảm cảm giác đau nhức răng do sâu răng. Nếu trường hợp nặng hơn, người bệnh nên tới nha khoa để được điều trị. Cụ thể: 

Mẹo dân gian chữa sâu men răng

Chữa sâu răng bằng phương pháp dân gian được rất nhiều người bệnh áp dụng và cho hiệu quả tích cực. Ưu điểm của phương pháp này là có độ lành tính cao và an toàn, cũng như hạn chế được các tác dụng phụ nguy hiểm. Tuy nhiên các bạn cũng cần lưu ý là các phương pháp chữa sâu răng này chỉ áp dụng cho những trường hợp - triệu chứng ở mức độ nhẹ.

Dùng lá ổi chữa sâu men răng hiệu quả

Người bệnh có thể tận dụng lá ổi non để cải thiện chứng sâu răng an toàn và hiệu quả. Các thành phần trong lá ổi có đặc tính kháng khuẩn, chống viêm nhiễm, sát trùng, đồng thời giúp giảm nhanh các cơn đau nhức khó chịu do sâu răng gây ra. Với những trường hợp bị sâu răng ở mức độ nhẹ, các bạn nên áp dụng cách này thường xuyên để giảm các cơn ê buốt, đau nhức.

Cách thực hiện:

  • Chuẩn bị khoảng 1 nắm lá ổi non đã được rửa sạch, ngâm cùng nước muối pha khoảng tầm 15 phút để loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn trên lá.
  • Cho lá ổi, ít muối và nước vào cối giã nát.
  • Sau khi đã vệ sinh răng miệng thì lấy tăm bông thấm đều nước cốt, bôi vào răng cần điều trị. 
  • Ngậm trong khoảng 5 phút rồi súc miệng với nước để làm sạch khoang miệng.
  • Muốn đạt được kết quả điều trị tốt, người bệnh nên áp dụng theo mẹo này vào buổi tối trước khi đi ngủ sẽ gia tăng hiệu quả.

Chữa răng sâu men từ tỏi

Tỏi là gia vị thường sử dụng trong các món ăn để làm gia tăng hương vị. Ngoài ra, chúng còn là dược liệu phổ biến dùng trong các bài thuốc dân gian chữa nhiều bệnh lý, trong đó có sâu răng. Nhờ hoạt chất kháng sinh tự nhiên, tỏi có thể làm ức chế, tiêu diệt vi khuẩn và ngăn ngừa viêm lợi, giảm đau nhức răng vô cùng hiệu quả.

Cách 1 - Sử dụng độc vị

  • Lấy khoảng 2 - 3 tép tỏi tươi, bóc vỏ và rửa sạch.
  • Người dùng có thể cho vào cối giã nát hoặc đem xay nhuyễn.
  • Sau khi vệ sinh răng miệng, người bệnh lấy một tí tỏi đã xay đắp trực tiếp lên vùng răng bị sâu.
  • Để yên trong khoảng 15 phút rồi súc miệng lại với nước sạch.
  • Mỗi ngày kiên trì thực hiện 2 - 3 lần để giảm các triệu chứng do sâu men răng gây ra.

Cách 2: Kết hợp tỏi với muối

  • Bạn cần chuẩn bị từ 2 - 3 tép tỏi tươi như trên, bóc vỏ, rửa sạch thì giã nát cùng với muối ăn.
  • Vệ sinh qua khoang miệng, lấy lượng vừa đủ hỗn hợp trên đắp trực tiếp lên răng bị tổn thương.
  • Áp dụng đều đặn 2 - 3 lần mỗi ngày cho tới khi các triệu chứng giảm dần. 

Giảm sâu răng hiệu quả với chanh tươi

Chanh tươi là thực phẩm có chứa hàm lượng vitamin C và các acid dồi dào. Những thành phần này có tác dụng diệt khuẩn, sát trùng và chống viêm nhiễm hiệu quả. Vậy nên người bệnh thường tận dụng loại quả này để điều trị sâu răng. 

Bên cạnh việc giảm các triệu chứng do bệnh gây nên, mẹo dân gian này còn giúp làm sạch khoang miệng, bảo vệ răng khỏi một số bệnh lý viêm nhiễm khác.

Cách thực hiện:

  • Chuẩn bị 1 quả chanh tươi, mọng nước, rửa sạch rồi cắt đôi vắt lấy nước cốt chanh.
  • Sau khi vệ sinh răng miệng, người bệnh sẽ dùng tăm bông thấm nước cốt chanh rồi chà vào vùng răng bị sâu. 
  • Để khoảng 2 phút thì súc miệng lại với nước sạch hoặc nước muối.
  • Hãy kiên trì sử dụng trong 1 - 2 lần để cải thiện tình trạng răng miệng bị sâu. Chú ý, do trong chanh có chứa nhiều acid nên người dùng không nên lạm dụng vì dễ khiến men răng bị ăn mòn. 

Sử dụng thuốc Tây y

Kháng sinh và giảm đau là loại thuốc thường được bác sĩ chỉ định để làm giảm nhanh các triệu chứng do viêm và sâu răng gây ra. Khi răng bị sâu mà không chăm sóc đúng cách sẽ gây thêm bệnh viêm nha chu, viêm ổ răng, viêm tủy,... Biến chứng sẽ dẫn tới tình trạng hôi miệng, chảy máu, đau nhức và ê buốt triền miệng. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống sinh hoạt và ăn uống của người bệnh.

Để giải quyết vấn đề này, các bác sĩ thường chỉ định cho bệnh nhân sử dụng một số loại thuốc giảm đau hoặc kháng sinh như sau:

  • Các loại thuốc kháng sinh Tetracyclin, Amoxicillin, Doxycyclin, Spiramycin,... kết hợp cùng Metronidazol đều có tác dụng giảm đau và kháng viêm hiệu quả. Những loại thuốc này thường được sử dụng vì mang lại hiệu quả nhanh chóng và ít gây ra các phản ứng kích thích cho cơ thể.
  • Ngoài ra, một số trường hợp, bệnh nhân sẽ được yêu cầu sử dụng thuốc kháng sinh họ Beta Lactam với Metronidazol để diệt vi khuẩn ái khí, vi khuẩn kỵ khí.
  • Bên cạnh đó, còn có các viên uống hỗ trợ vitamin như: Vitamin A, C, D2 và B2,... nhằm thúc đẩy nhanh quá trình điều trị và góp phần làm lành những tổn thương do viêm nhiễm gây nên. 

Bài thuốc Đông y chữa răng bị sâu

Các bài thuốc Đông y chữa sâu răng đã không còn quá xa lạ với nhiều người. Tuy nhiên để mang lại hiệu quả và đảm bảo tính an toàn, các bạn cần phải thực hiện theo đúng hướng dẫn của bác sĩ/thầy thuốc. Dưới đây là một số bài thuốc Đông y chữa sâu răng, đau nhức răng phổ biến như sau:

Bài thuốc vị hỏa thượng nhiệt

Với những người có triệu chứng lợi sưng lên, thậm chí không thể nhai, chỗ bị sâu có cảm giác nóng rát, đau miệng và hơi thở có mùi, lưỡi đỏ rêu lưỡi vàng, táo bón thì cần thanh nhiệt tả hỏa, tiêu sưng chỉ thống. Cụ thể:

  • Chuẩn bị: Bạch chỉ 10g, liên kiều 8g, sinh địa 12g, quy vĩ 12g, đan bì 10g, hoàng liên 10g, phòng phong 12g, thăng ma 10g, thạch cao 12g, ngưu tất 12g, đại hoàng 6g, tri mẫu 10g, sinh khương 3 lát và đại táo 5 quả. 
  • Thực hiện: Sắc tất cả 14 vị thuốc trên để uống ngày 1 thang. 

Bài thuốc phong tỏa thượng công

Trường hợp bị sưng lợi, đau miên man, răng lung lay và chảy máu chân răng thì người bệnh cần điều trị theo phương pháp giáng hỏa, bổ thận chắc răng. Cụ thể:

  • Chuẩn bị: Thục địa 24g, phục linh 12g, hoài sơn 12g, trạch tả 12g, đan bì 9g, sơn thù 9g, ngưu tất 10g, bổ cốt chỉ 10g, tri mẫu 10g và hoàng bá 6g.
  • Thực hiện: Sắc tất cả thang thuốc 10 vị trên và uống ngày 1 thang. 

Bài thuốc phong hàn

Nếu bệnh khởi phát một cách đột ngột và đau lan trán, hai bên đầu nhưng lợi không sưng đỏ. Các cơn đau di chuyển, đau như điện giật lan qua trán và 2 bên má gọi là đau do phong. Trường hợp đau do tiếp xúc với lạnh thì điểm đau cố định gọi là đau do lạnh. Phương pháp điều trị sẽ phong tán hàn chỉ thống.

Đau do lạnh: Đương quy 10g, xuyên khung 10g, tế tân 6g, bạch chỉ 10g, chỉ xác 10g, huyền hồ sách 5g, cảm thảo 6g.

  • Đau do gió: Quế chi 6g, hạt cải 10g, phòng phong 6g, cát cánh 10g, tế tân 3g, tô diệp 6g, đan bì 10g, trúc diệp 6g, cam thảo 5g. 
  • Cả 2 bài thuốc này đều đun lấy nước để súc miệng trong ngày. 

Trám răng

Đây là phương pháp sử dụng các vật liệu nha khoa để lấp đầy những lỗ hổng do sâu răng gây ra, đồng thời giúp khôi phục, bảo vệ cấu trúc răng thật. Hiện nay, có 2 phương pháp trám răng phổ biến là trám răng thẩm mỹ và trám thông thường. Sự đa dạng này sẽ phù hợp với tình trạng, mức độ sâu cũng như mong muốn của từng bệnh nhân khác nhau. 

Trước khi thực hiện trám răng, nha sĩ sẽ tiến hành xử lý chỗ sâu để loại bỏ vi khuẩn, các yếu tố thuận lợi cho vi khuẩn phát triển để trám các chất liệu nha khoa vào chỗ hổng. Những vật liệu trám thường được sử dụng hiện nay là xi măng silicat, sứ và composite, amalgam.

Bọc răng sứ thẩm mỹ

Trong trường hợp răng bị sâu quá nặng, cấu trúc răng sẽ bị phá hủy hoàn toàn và tủy răng cũng bị ảnh hưởng, tuy nhiên chân răng vẫn còn thì bạn có thể lựa chọn phương pháp bọc răng sứ thẩm mỹ. 

Lúc này, nha sĩ sẽ tiến hành xử lý chỗ răng bị sâu, vệ sinh răng miệng, tiến hành mài cùi và bọc răng sứ bên ngoài. Phần mão sứ thay thế sẽ đảm bảo độ cứng, độ chịu lực cao để phục hồi hoàn toàn cấu trúc và chức năng của răng thật. 

Khi phát hiện ra răng bị sâu, bệnh nhân sẽ cần tới nha khoa để được kiểm tra tình trạng cụ thể của mình và có phương án điều trị phù hợp. Điều này cũng giúp các bạn tránh những hậu quả nghiêm trọng hay các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Nhổ răng sâu

Ở những người bệnh răng sâu đã lan rộng và ăn vào tủy khiến tủy bị hoại tử, gây ra những cơn đau nhức dữ dội. Các phương pháp bọc răng thẩm mỹ, hàn - trám răng không thể áp dụng được thì giải pháp tốt nhất là nhổ bỏ răng và trồng lại răng giả mới. 

Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà

Khi chế độ ăn không đủ chất, thiếu protein có thể làm tăng khả năng mắc răng bị sâu. Vậy nên bạn cần chú ý đến chế độ ăn uống hàng ngày để giảm đau và hạn chế bệnh lý phát triển nghiêm trọng hơn. Người bị sâu răng nên và kiêng những thực phẩm sau đây:

Thực phẩm nên ăn

Khi bị sâu răng, người bệnh cần tham khảo bổ sung thêm các loại thực phẩm dưới đây:

  • Người bệnh nên bổ sung thêm trái cây giàu vitamin C, K, canxi và khoáng chất để tăng cường sức khỏe răng miệng. Bên cạnh đó, các thực phẩm có chứa vitamin cũng góp phần hỗ trợ chống lại các tác hại của vi khuẩn đối với răng miệng. 
  • Cần tăng cường bổ sung thêm protein từ thịt, cá, trứng,... chất béo và photpho để giúp răng cứng cáp và chắc khỏe hơn.
  • Các thành phần như sorbitol, xylitol có trong rượu không lên men đã được chứng minh là có tác dụng bảo vệ răng. Ngoài ra, sữa, vỏ tôm, đậu cũng là những thực phẩm mà người bệnh nên bổ sung để hỗ trợ men răng chắc khỏe hơn.
  • Bưởi, dưa gang, chanh, cà rốt,... là những thực phẩm có chứa nhiều chất xơ nên rất tốt cho việc làm sạch mảng bám trên răng. Từ đó, giúp làm giảm chất kiềm trong miệng, thúc đẩy quá trình lưu thông máu quanh răng cũng như giúp chân răng được chắc chắn. 

Thực phẩm nên kiêng

Ngoài những thực phẩm cần thiết phải bổ sung thì khi bị đau nhức răng, sâu răng các bạn cũng cần hạn chế một số thực phẩm có hại cho sức khỏe răng miệng lúc này như:

  • Hạn chế tối đa việc sử dụng bánh kẹo, bánh quy bơ, mứt,... chúng rất dễ gây ra hiện tượng sâu răng và khiến tình trạng đau nhức răng miệng trở nên trầm trọng hơn. Bên cạnh đó, bánh kẹo cũng có hàm lượng đường cao nên khi kết hợp với môi trường trong khoang miệng sẽ làm cho vi khuẩn phát triển mạnh mẽ.
  • Không nên ăn thức ăn cay, nóng, quá lạnh dễ gây kích ứng khi đau răng. Cơm, bún, phở có chứa một lượng tinh bột nhất định nên việc vệ sinh răng miệng sạch sẽ sau ăn là điều cần thiết để hạn chế nguy cơ bị sâu men răng.
  • Ăn ít thịt đỏ, thịt gà, đồ nếp,... vì chúng dễ bám vào răng và khiến việc vệ sinh trở nên khó khăn. Bên cạnh đó đồ nếp còn khiến cho tình trạng viêm nhiễm, sưng tấy trở nặng hơn.
  • Hạn chế thức uống có ga, rượu hoặc bia,... bởi dễ làm kích ứng nướu.
  • Các loại trái cây khô, trái cây sấy khô cũng nên hạn chế vì lượng đường trong chúng cao hơn so với các loại thực phẩm tươi.
  • Chưa hết, thức ăn quá cứng, quá nhai sẽ khiến hàm phải hoạt động nhiều làm ảnh hưởng tới răng đang bị sâu.

Sâu răng tuy là bệnh lý răng miệng khá phổ biến tuy nhiên không phải vì thế mà mọi người có thể chủ quan. Việc điều trị tình trạng răng bị sâu càng sớm sẽ làm giảm nguy cơ gặp biến chứng cũng như giúp bạn tiết kiệm chi phí tối đa. Mong rằng với những thông tin chia sẻ trên, bạn đã biết cách tự chăm sóc sức khỏe răng miệng tốt hơn để hạn chế gặp các rắc rối về vấn đề răng miệng. 

Chuyên sâu

Câu hỏi thường gặp

Khi bị đau răng bạn có thể uống Panadol để giảm đau tạm thời. Thành phần Paracetamol sẽ giúp đẩy lùi tình trạng viêm nhiễm, tiêu diệt các vi khuẩn gây hại trong khoang miệng nhờ vậy mà cơn đau răng sẽ biến mất nhanh chóng.

Tuy nhiên, bạn cần chú ý đến liều lượng, không nên tự ý sử dụng quá 4 liều/ngày (tương đương với 4000mg/ngày). Panadol nên được dùng sau ăn khoảng 30 phút, dùng thuốc bằng nước ấm để tăng hiệu quả giảm đau răng.

Xem chi tiết
Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android