Vaccine Sputnik V Của Nước Nào? Cơ Chế, Hiệu Quả Ngừa COVID-19
Hiện trên thế giới đã có 70 quốc gia với tổng dân số khoảng 4 tỷ người chiếm 50% dân số toàn cầu phê duyệt vaccine Sputnik V. Tuy nhiên, liệu bạn đã thực sự hiểu rõ về loại vắc xin ngừa COVID-19 này? Hãy tìm hiểu chi tiết nguồn gốc, cơ chế, hiệu quả và những thông tin liên quan khác trong bài viết sau.
Vaccine Sputnik V của nước nào?
Sputnik V là vaccine phòng ngừa COVID-19 được phát triển bởi Trung tâm Dịch tễ và Vi sinh học Quốc gia Gamalaya của Liên bang Nga. Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu vector adenovirus, tiến sĩ Denis Logunov – chủ nhiệm đề tài nghiên cứu nên Sputnik V đã thành công áp dụng công nghệ này để tạo nên loại ngừa COVID-19 đầu tiên của Nga.
Vắc xin có tên ban đầu là GAM-COVID-Vax được đặt theo địa điểm nơi nó được nghiên cứu. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) – nhà tài trợ chính cho đề tài nghiên cứu vaccine đã đổi tên vaccine ngừa COVID-19 thành Sputnik V.
“Sputnik” vốn là tên vệ tinh đầu tiên được phóng lên quỹ đạo bởi nhân loại, còn “V” viết tắt cho “Victory” với ngụ ý “chiến thắng” Đại dịch COVID-19. Vaccine Sputnik V của Nga chính là loại vaccine phòng ngừa COVID-19 đầu tiên được cấp phép tiêm trên thế giới.
Sau khi được phê duyệt sử phụ phổ biến bởi nhiều nước, Nga đã thực hiện chuyển giao công nghệ sản xuất vacxin cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Lô vaccine COVID-19 Sputnik V Việt Nam đầu tiên đã được sản xuất thành công bởi Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH). Đây là một doanh nghiệp trực thuộc Bộ Y tế Việt Nam. Vào tháng 8/2021, lô vaccine Sputnik Việt Nam mã số SV-030721M sản xuất tại VABIOTECH đã được Viện Nghiên cứu Gamaleya – Nga phân tích, thẩm định và đánh giá đạt đáp ứng yêu cầu của tài liệu quy chuẩn.
Từ tháng 3/2021, Bộ Y tế nước ta đã phê duyệt khẩn cấp việc sử dụng Sputnik V nhập từ Nga. Theo kế hoạch Chương trình tiêm chủng toàn dân, vaccine Sputnik Việt Nam do VABIOTECH sản xuất sẽ được sử dụng để tiêm phòng ngừa COVID-19 cho các đối tượng trên toàn quốc.
Tìm hiểu về cơ chế của Sputnik V Việt Nam
Về cơ chế hoạt động và ngừa virus của vaccine Sputnik V Việt Nam được quy theo công nghệ gốc của Nga dựa trên vector adenovirus, tương tự như các nhóm vaccine ngừa COVID-19 khác gồm: AstraZeneca, Convidecia của CanSino, Janssen của Johnson & Johnson và một loại vaccine khác đang được phát triển bởi VABIOTECH.
Công nghệ vector này đã từng được ứng dụng để tạo ra các loại vaccine phòng chống những đại dịch nguy hiểm trong lịch sử như: Cúm, Ebola và MERS-CoV.
Về cơ bản, vector là những virus đã được vô hiệu hóa khả năng sao chép, trở nên vô hại và không thể lây lan. Sau đó, các nhà khoa học đã cấy vào virus này một gen biểu hiện protein gai S của virus SARS-CoV-2 gây nên COVID-19. Sau khi tái tổ hợp, những vector adenovirus cuối cùng được tiêm vào cơ thể người.
Mang theo gen biểu hiện protein gai của virus SARS-CoV-2, vector adenovirus trong vaccine sẽ kích thích hệ miễn dịch cơ thể người tiêm để nhận diện được protein gai của virus gây nên COVID-19. Sau đó, cơ thể sẽ sinh ra các kháng thể và có phương thức để huy động các tế bào miễn dịch chống lại virus SARS-CoV-2.
Vector an toàn và lành tính vì chúng không thể khiến chúng ta nhiễm COVID-19 hoặc bệnh gốc virus gây ra. Thay vào đó, vector adenovirus chỉ đóng vai trò như trung gian vận chuyển vật chất di truyền không thể tích hợp được vào bộ gen người.
Các vector virus thường được sử dụng là: Adeno các type huyết thanh rAd5, rAd26, sởi, Vesicular Stomatitis Virus (VSV) – viêm dạ dày phỏng nước, Modified Vaccinia Ankara (MVA) – vaccine biến đổi Ankara, Chimpanzee adenovirus (ChAdOx1), adeno tinh tinh,…
[pr_middle_post]
Sputnik V tiêm mấy mũi? Lịch tiêm vaccine như thế nào là tốt nhất?
Sputnik V sử dụng công nghệ phối hợp 2 loại vector adenovirus cho 2 mũi tiêm: Mũi tiêm đầu tiên sử dụng Ad26 và mũi tiêm thứ hai dùng Ad5.
- Số mũi tiêm vaccine Sputnik V: 2 mũi.
- Khoảng cách giữa 2 liều: Tốt nhất là 3 tuần (21 ngày).
- Loại vector sử dụng: Ad26 và Ad5.
Đây chính là điểm khác biệt giữa vacxin Sputnik V với các loại vaccine cùng công nghệ khác chỉ dùng duy nhất một loại vector cho cả hai mũi như: AstraZeneca sử dụng ChAdOx1, Janssen chỉ dùng Ad26, Convidecia lại chỉ sử dụng Ad5.
Như vậy, 2 liều Sputnik V thực chất là 2 loại vaccine khác nhau hoặc có thể gọi là loại vaccine kép. Nhờ sự kết hợp đột phá, độc đáo này, Sputnik V mang đến hiệu quả phòng ngừa và kéo dài thời gian miễn dịch hơn.
Mũi đầu tiên sẽ mang theo gen sản sinh protein gai S xâm nhập vào tế bào để hệ thống miễn dịch nhận diện và sản sinh kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2. Vector thứ hai trong mũi tiêm tiếp theo có vai trò tăng cường và kéo dài phản ứng miễn dịch của cơ thể.
Khả năng nhận diện và chống lại virus SARS-CoV-2 của hệ thống miễn dịch sẽ được hoàn thiện tốt nhất, hạn chế hiện tượng cơ thể tiêu diệt luôn vector tại mũi thứ 2 do đã có phản ứng miễn dịch chống lại virus sau mũi tiêm thứ nhất.
Hiệu quả phòng ngừa COVID-19 và tác dụng phụ sau khi tiêm
Sputnik V của Nga là loại vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên được cấp phép. Hiệu quả và độ an toàn của vacxin Sputnik V đã được thí nghiệm lâm sàng và minh chứng trên số liệu thực tế tại các nước cấp phép tiêm.
Cho đến nay, đây vẫn là một trong những vaccine có hiệu quả phòng ngừa COVID-19 cao bậc nhất và được đánh giá là an toàn cho người tiêm:
Vắc xin Sputnik V có hiệu quả ngừa COVID-19 lên đến 91,6%
Từ tháng 2/2021, báo cáo về kết quả thử nghiệm lâm sàng ở Moscow đã được công bố trên tạp chí The Lancet, cho thấy sau khi tiêm đủ 2 mũi Sputnik V thì hiệu quả ngăn ngừa nhiễm COVID-19 cao đến 91,6% (95% CI 85,6–95,2) mà không có tác dụng phụ bất thường:
- Với người thử nghiệm lớn tuổi nhất là 87 tuổi và nhỏ nhất là 18 tuổi, nhóm đối tượng thử nghiệm Sputnik V trên 60 tuổi về cơ bản có cùng hiệu quả (91,8%) như mọi nhóm tuổi khác.
- Sau khi tiêm đủ 2 mũi với 2 loại vector adenovirus, 98% tình nguyện viên xuất hiện kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2.
Độ an toàn đối với sức khỏe của vaccine Sputnik V
Vaccine Sputnik V của Nga trong giai đoạn 3 (21 ngày) của thử nghiệm lâm sàng với hơn 16.000 tình nguyện viên chia làm hai nhóm tham gia tiêm tại 29 trung tâm y tế Nga. Nhóm đầu được tiêm Sputnik-V, trong khi đó nhóm thứ hai được tiêm giả dược.
Kết quả thử nghiệm cho thấy chỉ có khoảng 4% tình nguyện viên được tiêm vaccine có triệu chứng giả cúm trong thời gian ngắn như: Sốt, nhức đầu, mệt mỏi và hoàn toàn không phát hiện bất kỳ hiện tượng bất thường nào.
Sau khi được cấp phép và tiên tại 70 quốc gia trên thế giới, tỷ lệ này vẫn ổn định. Điều này cho thấy Sputnik V có độ an toàn cao, không gây hại đến người tiêm.
Một số tác dụng phụ sau khi tiêm Sputnik V
Tuy nhiên, sau khi tiêm vaccine, cơ thể có thể xuất hiện những phản ứng giống như một dạng nhiễm trùng. Mức độ triệu chứng sẽ tùy theo cơ địa và tình hình sức khỏe của người tiêm.
- Những phản ứng phổ biến xuất hiện tại chỗ tiêm: Cơ thể xuất hiện nổi mề đay, mẩn đỏ, phát ban, vị trí tiêm sưng, hơi ngứa, chai cứng hoặc ửng đỏ.
- Một số phản ứng toàn thân có thể xuất hiện: Sốt, đau nhức người, cơ thể mệt mỏi, buồn ngủ, đau đầu nhẹ, đau cơ và khớp, nôn trớ, chán ăn, tiêu chảy,… Đây chỉ là những triệu chứng thông thường sau khi tiêm bất cứ loại vacxin nào và chúng chỉ xuất hiện trong 1 – 2 ngày đầu.
- Phản ứng quá mẫn sau khi tiêm vắc xin: Khó thở, nôn hoặc sốt cao liên tục, sử dụng thuốc hạ sốt không hiệu quả. Tuy nhiên, chỉ có tỷ lệ cực nhỏ sẽ có các những triệu chứng nặng sau khi tiêm vaccine.
Người dân khi đi tiêm ngừa COVID-19 luôn được khuyến cáo chờ ít nhất 30 phút tại cơ sở tiêm chủng để theo dõi triệu chứng sau khi tiêm. Sau khi về nhà, cần liên tục theo độ sự thay đổi của nhiệt độ và cơ thể. Trong trường hợp có bất cứ dấu hiệu bất thường, phản ứng quá mẫn nào, người tiêm cần liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất.
Đối tượng chỉ định và chống chỉ định tiêm Sputnik Việt Nam
Vấn đề về đối tượng được và không được tiêm vaccine Sputnik cũng được nhiều người quan tâm.
Đối tượng nào được tiêm Sputnik V?
Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế nước ta, người được tiêm Sputnik là từ 18 tuổi trở lên đủ điều kiện tiêm chủng vaccine COVID-19 và không quá mẫn với các hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào có trong thành phần của vaccine.
Hướng dẫn của Bộ Y tế đã nêu rõ các nhóm đối tượng sau phải được khám sàng lọc thận trọng trước khi tiêm vaccine ngừa COVID-19:
- Đối tượng có tiền sử dị ứng, mẫn cảm với các dị nguyên khác.
- Đối tượng có bệnh nền hoặc bệnh mạn tính.
- Đối tượng mất năng lực hành vi, tri giác.
- Những người từng mắc chứng rối loạn đông máu hoặc có tiền sử giảm tiểu cầu.
- Phụ nữ đang mang thai từ 13 tuần trở lên.
- Những ai có dấu hiệu bất thường về nhiệt độ, mạch đập, nhịp thở, huyết áp,…
Bên cạnh đó, một số đối tượng sẽ thuộc nhóm trì hoãn tiêm chủng vaccine chống COIVD-19 gồm: Người có tiền sử đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng vừa qua, những ai đang mắc bệnh cấp tính, phụ nữ mang thai dưới 13 tuần.
Tuy nhiên, một số nhóm đối tượng ở trên sẽ chống chỉ định riêng đối với Sputnik.
Vaccine Sputnik V Việt Nam chống chỉ định cho ai?
Hiện nay, tại Việt Nam, vaccine ngừa COVID-19 nói chung và Sputnik V nói riêng sẽ chống chỉ định tiêm cho đối tượng dưới 18 tuổi hoặc có tiền sử rõ ràng về phản ứng sốc phản vệ với vaccine phòng COVID-19 cùng loại vào lần tiêm trước. Ngoài ra, những đối tượng có bất cứ đặc điểm bệnh lý, dị ứng nào theo công bố của nhà sản xuất cũng không được tiêm.
Bên cạnh đó, theo hướng dẫn tạm thời mới nhất do Bộ Y tế ban hành, riêng đối với vaccine Sputnik V sẽ chống chỉ định cho phụ nữ mang thai và đang cho con bú.
Những lưu ý cần nhớ trước và sau khi tiêm vaccine Sputnik V
Trước và sau khi tiêm Sputnik V để đảm bảo sức khỏe của mình, bạn cần lưu ý một số vấn đề dưới đây.
Lưu ý quan trọng trước khi tiêm vaccine phòng ngừa COVID-19
Trước khi đi đến cơ sở y tế để tiêm chủng Sputnik V, người dân cần chú ý một số điểm quan trọng sau:
- Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ tùy thân như: Chứng minh thư/căn cước công dân, sổ khám bệnh/thẻ bảo hiểm y tế, giấy mời tiêm tại cơ sở y tế tiêm chủng, đơn thuốc đang dùng thời gian gần đây.
- Chuẩn bị trước khi tiêm chủng: Tải ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử trên điện thoại, thực hiện khai báo y tế các ứng dụng trước khi đến trung tâm tiêm chủng, điền tờ khai tại địa điểm tiêm, thực hiện thông điệp 5K và đeo khẩu trang đầy đủ, ăn uống no trước khi đi tiêm,..
- Chủ động báo cho cán bộ y tế đầy đủ và chính xác về tình trạng sức khỏe của bạn thân: Khi khai báo ý tế và thăm khám cùng cán bộ tại địa điểm tiêm, mỗi người dân cần trung thực khai báo: Các bệnh mãn tính đang điều trị, tiền sử dị ứng hoặc sốc phản vệ, tình trạng mang thai hoặc cho con bú, từng nhiễm virus hoặc Covid-19 không, loại vắc xin đã từng tiêm hoặc uống, phản ứng của lần tiêm đầu tiên,…
- Không nên quá hồi hộp: Đừng quá lo lắng nếu bạn không thuộc nhóm đối tượng cần cẩn trọng. Việc quá hồi hộp, đói, mệt hoặc nóng do đứng chờ dưới nắng lâu có thể khiến cơ thể tăng nhiệt độ, nhịp tim đập nhanh, huyết áp cao,… Điều này sẽ khiến bạn không thể đạt tiêu chuẩn đủ điều kiện tiêm chủng khi khám sàng lọc.
Tại trung tâm tiêm chủng, các cán bộ y tế sẽ thực hiện khám sàng lọc trước tiêm chủng theo đúng quy định của Bộ Y tế bao gồm:
- Tiền sử tiêm vaccine phòng COVID-19: Loại vaccine COVID-19 đã tiêm chính xác là gì? Của nước nào? Thời gian đã mũi tiêm vắc xin trước đó cho đến nay là bao lâu? Phản ứng sau mũi đầu ra sao?
- Tiền sử dị ứng: Bạn đã từng có tiền sử dị ứng, mẫn cảm với bất kỳ dị nguyên nào (hải sản, sữa, hoạt chất cụ thể, một loại thuốc hoặc thực phẩm,…)? Có tiền sử dị ứng với vaccine hay bất kỳ thành phần nào của vaccine không?
- Tiền sử mắc COVID-19: Đã từng mặc COVID-19 chưa? Cho đến nay là bao lâu?
- Tiền sử một số chứng bệnh khác như: Suy giảm miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối hoặc đang điều trị hóa – xạ trị, rối loạn đông/cầm máu hoặc đang dùng thuốc chống đông máu,…
Những điều cần chú ý sau khi tiêm Sputnik V
Sau khi tiêm chủng là thời gian quan trọng và nguy hiểm, bạn cần chú ý và làm theo hướng dẫn của nhân viên y tế và ghi nhớ các thông tin và đường dây nóng của cơ sở y tế để đảm bảo an toàn sức khỏe bạn thân. Dưới đây là một số điều cần làm sau khi tiêm ngừa COVID-19:
- Thời gian theo dõi phản ứng sau tiêm: Bạn cần chú ý các triệu chứng và mức độ phản ứng của cơ thể ngay sau khi tiêm, trong 30 – 60 phút sau khi tiêm chờ tại cơ sở tiêm chủng và ít nhất 3 ngày đầu cho đến 1 tuần sau khi về nhà.
- Không nên quá lo lắng: Một số triệu chứng đau nhức tại vị trí tiêm, cơ thể mệt mỏi, đau đầu, ớn lạnh hoặc sốt, đau cơ – khớp, ngứa, sưng đỏ, buồn ngủ,… đều là những phản ứng với vacxin thông thường. Đây là biểu hiện cho thấy cơ thể của bạn đang tạo ra kháng thể để chống lại virus gây bệnh.
- Phát hiện và xử lý những dấu hiệu bất thường: Dựa vào phản ứng và tác dụng phụ sau khi tiêm vacxin Sputnik V như đã liệt kê ở phía trên, cần phát hiện kịp thời những triệu chứng dị ứng hoặc sốc phản vệ, dấu hiệu bất thường nghiêm trọng, báo ngay cho cơ quan y tế để được hướng dẫn xử lý, đảm bảo an toàn sức khỏe.
- Hạn chế vận động mạnh và sử dụng những thực phẩm kích thích: Dù không có bất cứ dấu hiệu mỏi mệt hay đau nhức nào sau khi tiêm vaccine, bạn vẫn cần chú ý tình trạng sức khỏe và hạn chế vận động quá mạnh. Ngoài ra, bạn cũng không nên ăn những thực phẩm kích thích, uống rượu bia, hút thuốc,… trong ít nhất 1 – 2 tuần sau khi tiêm.
Một số câu hỏi thường gặp liên quan đến vaccine Sputnik Việt Nam
Dưới đây là giải đáp chi tiết cho một số thắc mắc thường gặp của nhiều người về vaccine Sputnik V:
-
Vaccine Sputnik V được bảo quản như thế nào? Hạn sử dụng bao lâu?
Nhiệt độ bảo quản vaccine Sputnik V là 2 – 8 độ C, cao hơn so với nhiệt độ bảo quản cần thiết cho một số loại vaccine khác. Do đó, Sputnik V có thể được bảo quản trong tủ lạnh thông thường đã đáp ứng các yêu cầu về an toàn và vô trùng. Từ đó, giúp việc bảo quản, vận chuyển vaccine trở nên dễ dàng hơn, các cơ sở không cần đầu tư thêm vào dây chuyền lạnh.
Quỹ đầu tư trực tiếp Nga đang dự kiến tăng thời hạn sử dụng ban đầu của Sputnik V từ 6 tháng lên 1 năm trong thời gian tới.
-
Có thể tiêm trộn Sputnik V và Pfizer hoặc AstraZeneca không?
Do tình hình dịch bệnh phức tạp, nhiều nước quyết định cho người dân tiêm trộn 2 loại vacxin khác nhau cho 2 mũi. Các nhà khoa học châu Âu không đánh giá việc tiêm trộn vaccine Covid-19 là nguy hiểm cho người tiêm. Hiện nay, các nhà sản xuất vaccine cũng đang thử nghiệm và tính độ an toàn của từng công thức kết hợp 2 mũi tiêm khác loại.
Từ cuối tháng 7/2021, RDIF đã thông báo kết quả thử nghiệm tiêm trộn liều đầu tiên với Sputnik V và liều thứ 2 dùng vaccine AstraZeneca không gây ra bất cứ tác dụng phụ nghiêm trọng nào. Bên cạnh đó, không tình nguyện viên nào nhiễm COVID-19.
Đến nay, tại Việt Nam đã có nhiều loại vacxin được sản xuất theo các công nghệ khác nhau từ bạn bè quốc tế: Astrazeneca và Sputnik V theo công nghệ vector, Pfizer và Moderna theo công nghệ mRNA, Sinopharm theo công nghệ bất hoạt.
Để thực hiện chiến lược tiêm chủng toàn dân phòng COVID-19 kịp thời trước tình hình dịch phức tạp, Bộ Y tế nước ta cũng đã chính thức phê duyệt việc sử dụng kết hợp tiêm trộn hai loại vaccine phòng COVID-19 khác nhau.
-
Trẻ em có thể tiêm Sputnik Việt Nam không?
Tại Việt Nam hiện nay, Sputnik và các loại vắc xin chống COVID-19 đều mới chỉ được chỉ định tiêm cho những người đủ 18 tuổi trở lên. Tại Nga và một số nước trên thế giới vẫn đang tiến hành thử nghiệm loại vắc xin này trên trẻ nhỏ.
Vì vậy, nếu có nhu cầu tiêm phòng COVID-19 cho con, bạn cần đợi thông báo chính thức từ Bộ Y tế, tuyệt đối tránh tự ý tiêm cho trẻ nhỏ dưới 18 tuổi.
-
Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú có tiêm không?
Khác vi các loại vaccine ngừa cOVID khác, Sputnik V hiện nay vẫn chống chỉ định cho phụ nữ có thai và đang cho con bú.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế đối với đối tượng tiêm chủng COVID-19, phụ nữ mang thai vẫn được tiêm vaccine (trừ Sputnik V) nhưng khi khám sàng lọc cần hỏi tuổi thai. Đối với phụ nữ mang thai trên 13 tuần cần được giải thích nguy cơ/lợi ích khi tiêm vaccine phòng COVID-19. Đối tượng phụ nữ mang thai dưới 13 tuần cần trì hoãn tiêm. Phụ nữ đang cho con bú thuộc nhóm chỉ định tiêm.
-
Tiêm vaccine không đúng lịch có nguy hiểm không?
Theo khuyến cáo của nhà sản xuất Sputnik V, loại vacxin này có phác đồ ngừa COVID-1 dự kiến với 2 lần tiêm cách nhau từ 3 tuần (21 ngày). Để đạt được hiệu quả miễn dịch tốt nhất cho cơ thể sau khi tiêm trước sự tấn công của virus SARS-CoV-2, hãy tuân thủ đúng lịch tiêm đã được hẹn.
Tuy nhiên, theo RDIF, khoảng cách giữa hai mũi tiêm Sputnik V Nga có thể kéo dài tới 180 ngày và hiệu lực của vaccine vẫn duy trì. Trường hợp bất khả kháng khiến bạn không thể đến điểm tiêm chủng như đã hẹn, hãy liên lạc sớm nhất với nhân viên y tế để được khắc phục và hẹn lịch gần nhất. Tuyệt đối không được bỏ tiêm mũi vacxin ngừa COVID thứ 2.
-
Mỗi liều Sputnik V Việt Nam giá bao nhiêu?
Hiện nay, trên thị trường quốc tế, vaccine Sputnik V được bán với giá dưới 10 USD và miễn phí cho công dân Nga. Giá bán của Sputnik V trên thị trường quốc tế rẻ hơn so với vaccine do Pfizer-BioNTech hợp tác phát triển (15,5 euro/liều hay 18 USD/liều) và đắt hơn vaccine AstraZeneca (khoảng 2,5 euro/liều tức khoảng 3 USD/liều).
Những lô vaccine Sputnik về Việt Nam hầu hết được Nga hỗ trợ và hoàn toàn miễn phí. Hiện nay tại nước ta chưa có dịch vụ tiêm vacxin tự đóng phí mà sẽ được Bộ Y tế phân về tiêm cho các địa phương, do đó người dân không thể tự mua và đăng ký tiêm Sputnik V.
Trên đây là những thông tin chi tiết về nguồn gốc, liều tiêm, hiệu quả,… của vaccine Sputnik V ngăn ngừa COVID-19 được nghiên cứu sản xuất bởi Nga và đã thành công chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Hy vọng bài viết trên sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về loại vaccine này.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!