Táo Bón Lâu Ngày

Triệu chứng và nguyên nhân

Táo bón lâu ngày sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và làm gia tăng nguy cơ phát sinh các biến chứng như bệnh trĩ, sa trực tràng, nứt kẽ hậu môn, ung thư hậu môn,… Ngoài ra, đây cũng có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác. Khi có dấu hiệu của bệnh, tốt nhất bạn nên thăm khám chuyên khoa để có biện pháp xử lý đúng cách càng sớm càng tốt.

Định nghĩa

Táo bón là hiện tượng đi ngoài phân rắn và vón cục, gặp khó khăn khi đẩy phân ra ngoài và số lần đi tiêu ít hơn 3 lần/tuần. Nhiều người còn xuất hiện triệu chứng đau quặn bụng rất khó chịu. Chuyên gia cho biết, đa số các trường hợp khởi phát bệnh táo bón đều có liên quan đến chế độ ăn uống và sinh hoạt thiếu khoa học.

Hình ảnh

Nguyên Nhân

Ở những trường hợp này, bạn chỉ cần tập trung bổ sung chất xơ cho cơ thể thông qua việc ăn uống và thay đổi lối sống của bản thân thì tình trạng táo bón sẽ nhanh chóng được cải thiện. Nhưng nếu bị táo bón kéo dài và chuyển biến sang giai đoạn mãn tính thì rất có thể là do tác động của các nguyên nhân sau đây:

+ Căng thẳng, lo lắng: Táo bón cũng là một trong những hệ quả của việc căng thẳng kéo dài. Khi căng thẳng, tín hiệu từ não đến hệ tiêu hóa sẽ gặp nhiều gián đoạn và gây ra chứng rối loạn tiêu hóa. Trầm cảm cũng là yếu tố làm gia tăng nguy cơ bị táo bón. Ở những trường hợp này, bạn nên đến gặp chuyên gia tâm lý để được hướng dẫn cách khắc phục. Một số dấu hiệu của trầm cảm bạn cần lưu ý là tuyệt vọng, suy nghĩ muốn tự tử, không còn hứng thú với các hoạt động vui chơi,…

+ Hội chứng ruột kích thích: Đây là hiện tượng rối loạn chức năng đường ruột. Hội chứng này xảy ra khi tương tác giữa não và ruột gặp vấn đề. Nhưng khi thăm khám chuyên khoa bạn sẽ không tìm thấy tổn thương về giải phẫu và tổ chức sinh hóa tại đường ruột. Táo bón là một trong những triệu chứng điển hình của hội chứng ruột kích thích. Ngoài táo bón thì hội chứng này còn gây ra một số triệu chứng khác như đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy,…

+ Suy giảm chức năng tuyến giáp: Tuyến giáp là tuyến nhỏ nằm ở phía trước cổ. Chức năng chính của tuyến giáp là sản xuất ra một số loại hormone tham gia vào quá trình trao đổi chất của cơ thể. Nếu chức năng của tuyến giáp bị ảnh hưởng sẽ khiến quá trình tiêu hóa thức ăn bị chậm lại và gây ra triệu chứng táo bón.

Ngoài táo bón, khi bị suy giảm chức năng tuyến giáp bạn còn phải đối mặt với một số triệu chứng khác như mệt mỏi, da khô, kinh nguyệt không đều, suy giảm trí nhớ,… Suy giảm chức năng tuyến giáp là bệnh lý không quá nguy hiểm, có thể tiến hành cải thiện bằng nhiều biện pháp khác nhau. Bạn cần chú ý đến tình trạng sức khỏe của bản thân để sớm nhận biết ra bệnh và có biện pháp xử lý đúng cách.

+ Bệnh tiểu đường: Tương tự, tiểu đường cũng là bệnh lý về nội tiết. Đây là hiện tượng cơ thể ngừng sản xuất Hormone Insulin để phân hủy lượng đường trong máu. Điều này đã khiến cho nồng độ đường trong máu tăng cao, gây tổn thương đến hệ thống thần kinh kiểm soát hoạt động tiêu hóa và làm gia tăng nguy cơ bị táo bón.

Khi bị tiểu đường, người bệnh cần tiến hành thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt. Nếu để lâu, tình trạng bệnh sẽ trở nên ngày càng tồi tệ hơn. Một số dấu hiệu điển hình của bệnh tiểu đường là luôn khát nước, đi tiểu nhiều, mệt mỏi, gầy sút cân,…

+ Nguyên nhân khác: Táo bón kéo dài cũng có thể xảy ra do các nguyên nhân khác như:

  • Do bệnh lý như tăng canxi trong máu, đa xơ cứng, Parkinson, tắc ruột, ung thư ruột, chấn thương tủy sống, bệnh về đại tràng,…
  • Lạm dụng kháng sinh khiến hoạt động của đại tràng và đường ruột bị ảnh hưởng.
  • Tác dụng phụ của một số thực phẩm bổ sung canxi hoặc sắt.
  • Phụ nữ đang trong thời gian thai kỳ.

Biến chứng

Các triệu chứng của táo bón như đại tiện khó khăn, đau quặn bụng, phân vón cục,… nếu diễn ra kéo dài sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của hệ tiêu hóa. Lâu dần, táo bón có thể phát sinh ra nhiều biến chứng nguy hiểm khác.

  • Tích tụ độc tố trong cơ thể: Đại tiện giúp loại bỏ chất thải và độc tố ra ngoài. Nếu phân bị tích tụ lâu trong đại tràng do táo bón, cơ thể sẽ hấp thu lại độc tốt trong phân và dẫn đến tình trạng nhiễm độc. Nếu tình trạng này diễn ra kéo dài sẽ ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể.
  • Tắc ruột: Táo bón khiến phân bị ứ đọng trong ruột. Ở trường hợp nghiêm trọng có thể gây ra tình trạng bán tắc ruột hoặc tắc ruột. Lúc này bạn sẽ phải đối mặt với các triệu chứng như đau bụng từng cơn, chướng bụng, không thể đi tiêu,…
  • Nứt kẽ hậu môn: Tính chất của phân khi bị táo bón là rắn và cứng. Khi đi đại tiện, chúng sẽ cọ xát với cơ vòng hậu môn và gây tổn thương đến lớp niêm mạc hậu môn. Ở những trường hợp nghiêm trọng hơn sẽ gây nứt kẽ hậu môn với các triệu chứng như ngứa ngáy, đau rát, chảy máu,… Nếu không tiến hành xử lý đúng cách sẽ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng, áp xe, rò hậu môn,… Lúc này, bắt buộc người bệnh phải tiến hành phẫu thuật để trị bệnh.
  • Bệnh trĩ: Khi bị táo bón, người bệnh phải dùng nhiều sức để rặn giúp đẩy phân ra ngoài. Điều này đã làm gia tăng áp lực lên đại tràng, lâu dần sẽ khiến hệ thống tĩnh mạch ở đây bị sưng tấy và hình thành nên các búi trĩ. Tình trạng táo bón diễn ra càng lâu thì mức độ trĩ sẽ càng nặng và gây khó khăn cho việc điều trị.
  • Sa trực tràng: Sa trực tràng thường xảy ra khi không tiến hành điều trị bệnh trĩ đúng cách, để bệnh diễn ra kéo dài và tiến triển sang giai đoạn nặng. Lúc này, các búi trĩ sẽ phát triển với kích thước lớn và sa ra bên ngoài trực tràng. Khi bị sa trực tràng, hậu môn sẽ tăng tiết chất nhầy gây ngứa ngáy, đau rát và chảy máu. Thông thường, ở trường hợp sa trực tràng bắt buộc phải tiến hành phẫu thuật điều trị.
  • Ung thư trực tràng: Bị táo bón lâu ngày sẽ làm gia tăng nguy cơ bị ung thư trực tràng hoặc ung thư hậu môn. Phân do cơ thể đào thải ra ngoài chủ yếu chứa chất cặn bã và độc tố. Nếu chúng bị tích tụ lâu ngày bên trong đại tràng sẽ khiến cơ thể tái hấp thụ độc tố trong phân. Điều này đã tạo cơ hội cho tế bào ác tính phát triển và gây ra căn bệnh ung thư.
  • Tăng biến chứng ở người mắc bệnh mãn tính: Ở những người mắc các bệnh lý mãn tính như tim mạch, tắc nghẽn phổi, xơ gan cổ trướng,… nếu bị táo bón kéo dài sẽ làm gia tăng nguy cơ phát sinh biến chứng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là khi bị táo bón người bệnh phải dùng sức nhiều để đi tiêu. Điều này đã tạo áp lực lên mạch máu, làm gia tăng nguy cơ tắc mạch máu não và xuất huyết não.

Táo bón kéo dài còn tác động tiêu cực đến tâm lý của người bệnh. Lúc này, người bệnh sẽ luôn trong trạng thái khó chịu, bực bội và căng thẳng,… Điều này cũng đã gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe. Đồng thời, các triệu chứng như đầy hơi, khó tiêu, chướng bụng,… cũng trở nên tồi tệ hơn sau khi người bệnh ăn. Lâu dần sẽ khiến họ cảm thấy chán ăn và sợ ăn uống. Nếu tình trạng này diễn ra kéo dài sẽ khiến cơ thể không được cung cấp đầy đủ dưỡng chất và dẫn đến suy nhược.

Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp điều trị

Điều trị bằng thuốc Tây y

Ở những trường hợp bị táo bón liên quan đến bệnh lý, bác sĩ sẽ dựa vào nguyên nhân gây bệnh để lên phác đồ điều trị phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Thông thường, bác sĩ sẽ kê đơn điều trị bằng các loại thuốc sau đây để đẩy lùi triệu chứng táo bón nhanh chóng và giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn:

  • Thuốc trị táo bón mãn tính: (Linaclotide, Plecanatide,…) Thuốc có tác dụng kích thích đi đại tiện và làm giảm các cơn co thắt ở ruột.
  • Thuốc hỗ trợ kích thích ruột: (Misoprostol, Colchicine,…) Công dụng chính của nhóm thuốc này là làm mềm phân và giảm đau rát sau khi đi vệ sinh. Thuốc thường được chỉ định sử dụng cho những trường hợp bị táo bón do rối loạn chức năng sàn chậu. Phụ nữ đang mang thai hoặc đang mắc các bệnh lý về thận tuyệt đối không sử dụng thuốc hỗ trợ kích thích ruột.
  • Chất làm mềm phân: (Colace, Surfak,…) Chất này được bổ sung vào trong ruột giúp hút nước từ ruột để làm mềm phân. Sau khi sử dụng, quá trình đi đại tiện sẽ diễn ra dễ dàng hơn.
  • Chất làm ẩm phân: (Magie hydroxide, Lactulose, Polyetylen glycol,…) Công dụng chính của nhóm thuốc này cũng tương tự như chất làm mềm phân. Sau khi vào đường ruột sẽ giữ nước trong phân và kích thích cảm giác buồn đi đại tiện. Tuyệt đối không dùng chất làm ẩm phân nếu bị suy tim, suy thận hoặc thiếu nước.
  • Chất bôi trơn: Giúp bôi trơn niêm mạc ruột và trực tràng, từ đó phân sẽ dễ dàng di chuyển ra bên ngoài.
  • Chất kích thích ruột: Chất này có tác dụng co ruột và giúp phân dễ dàng di chuyển qua cơ quan này. Tuy nhiên, loại thuốc này chỉ được sử dụng khi tất cả các loại thuốc trên đều không mang lại kết quả khả quan.

Dùng thuốc Tây y trị táo bón tại nhà cần tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa về liều lượng cũng như cách dùng để tránh phát sinh tác dụng phụ gây hại đến sức khỏe. Sau thời gian dài dùng thuốc trị táo bón, nếu tình trạng táo bón vẫn không có dấu hiệu chuyển biến tốt thì nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thay đổi phương án điều trị.

Phẫu thuật

Đây là phương án điều trị cuối cùng, thường được áp dụng khi tất cả các phương pháp điều trị ở trên đều không mang lại hiệu quả tích cực. Việc thực hiện phẫu thuật trị bệnh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng sức khỏe và nguyện vọng của người bệnh. Thông thường, phẫu thuật sẽ được chỉ định thực hiện đối với những trường hợp bị táo bón lâu ngày gây tắc nghẽn ruột, sa trực tràng hoặc rò hậu môn.

Phẫu thuật trị táo bón là phương pháp không được ưu tiên áp dụng do không thể giải quyết được tận gốc nguyên căn gây ra bệnh và có thể để lại nhiều rủi ro trong hoặc sau phẫu thuật. Vì thế, người bệnh cần cân nhắc thật kỹ trước khi tiến hành phẫu thuật trị bệnh.

Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà

Nếu tình trạng táo bón diễn ra với mức độ không quá nghiêm trọng, bạn có thể tự khắc phục tại nhà thông qua việc chăm sóc sức khỏe đúng cách và ăn uống khoa học. Một số điều người bệnh cần phải lưu ý để có thể đẩy lùi các triệu chứng táo bón là:

  • Điều chỉnh lại thói quen ăn uống: Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu chất xơ vào trong thực đơn ăn uống hàng ngày. Chất xơ có tác dụng tăng nhu động ruột, tăng kích thước phân và làm mềm xốp phân. Các loại thực phẩm giàu chất xơ mà người bị táo bón nên sử dụng là rau củ tươi, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt. Nên hạn chế sử dụng các loại thực phẩm quá nhiều đạm để tránh khiến cho triệu chứng táo bón trở nên ngày càng tồi tệ hơn.
  • Uống nhiều nước mỗi ngày: Nước có tác dụng đặc biệt quan trọng đối với hệ tiêu hóa và giúp bạn thoát khỏi triệu chứng táo bón. Khi cơ thể được cung cấp đủ nước sẽ giúp làm mềm phân và tránh gây áp lực lên ống tiêu hóa. Nước còn có khả năng làm ẩm niêm mạc ruột, giúp quá trình vận chuyển phân bên trong đường ruột diễn ra trơn tru hơn.
  • Tập luyện thể dục thể thao: Duy trì thói quen tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày sẽ làm tăng nhu động ruột và giúp quá trình tiêu hóa thức ăn diễn ra tốt hơn. Đồng thời, vận động còn giúp phân di chuyển tốt bên trong ruột và phân dễ bị đào thải ra bên ngoài.
  • Đi vệ sinh ngay khi cần thiết: Cần đi vệ sinh ngay khi có nhu cầu. Việc nín nhịn đi tiêu sẽ khiến phân bị dồn nén bên trong ruột và bị niêm mạc ruột tái hấp thụ nước. Lúc này, phân sẽ trở nên cứng rắn hơn và khiến triệu chứng táo bón trở nên ngày càng tồi tệ hơn. Tốt nhất, bạn nên hình thành thói quen đi đại tiện vào một khung giờ cố định trong ngày, đặc biệt là vào buổi sáng sớm hoặc sau khi ăn khoảng 30 phút. Chú ý duy trì tư thế đi vệ sinh đúng giúp việc đào thải phân diễn ra dễ dàng hơn.
Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
BS.CKI Trần Văn Hiền
BS.CKI Trần Văn Hiền
ThS.BS.CKII Trần Kinh Thành
ThS.BS.CKII Trần Kinh Thành
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android