Táo Bón Ở Người Già

Triệu chứng và nguyên nhân

Táo bón ở người già là triệu chứng xảy ra khá phổ biến và ít gây ra các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Tuy nhiên, người bệnh vẫn nên chủ động đưa ra các biện pháp chăm sóc và cải thiện hợp lý để tránh gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày. Bài viết dưới đây là tổng hợp những thông tin cần biết về tình trạng táo bón ở người già bạn có thể tham khảo để hiểu rõ hơn.

Định nghĩa

Táo bón ở người già là tình trạng xảy ra ngày càng phổ biến do ảnh hưởng bởi quá trình lão hóa diễn ra bên trong cơ thể, điều này đã khiến cho hoạt động của hệ tiêu hóa bị suy yếu. Ngoài ra, táo bón ở người già cũng có thể là hệ quả của một chế độ ăn uống và sinh hoạt thiếu lành mạnh. Táo bón khiến người bệnh gặp khó khăn khi đi đại tiện hoặc, nhiều trường hợp còn không thể đi đại tiện được.

Thông thường, số lần đi đại tiện ở người bị táo bón sẽ ít hơn 3 lần/tuần. Ngoài ra, người bệnh còn phải tốn rất nhiều thời gian cho việc đi đại tiện hoặc bị căng thẳng khi đi đại tiện.

Một số dạng táo bón thường gặp ở người già là:

  • Táo bón vận chuyển bình thường: Đây là dạng táo bón thường gặp nhất ở người già. Lúc này, phân vẫn có thể di chuyển bình thường qua đại tràng nhưng lại gặp khó khăn trong việc đào thải ra ngoài. Táo bón vận chuyển bình thường dễ xảy ra ở người già bị hội chứng ruột kích thích thể táo bón.
  • Táo bón vận chuyển chậm: Dạng táo bón này xảy ra khi chuyển động ruột bị chậm dần, điều này đã khiến quá trình đào thải phân diễn ra kéo dài. Triệu chứng đặc trưng của thể táo bón này là hay tiểu gấp, đại tiện ít và phải dùng nhiều sức để rặn. Táo bón vận chuyển chậm là thể bệnh thường gặp ở phụ nữ lớn tuổi.
  • Rối loạn chức năng sàn chậu: Dạng táo bón này xảy ra khi cơ sàn chậu hoặc cơ quanh hậu môn gặp vấn đề. Khi người bệnh đi đại tiện, các cơ liên quan có khả năng phối hợp kém và gây ra tình trạng đi đại tiện không hết.

Hình ảnh

Triệu chứng

Người già cần đặc biệt chú ý đế tình trạng sức khỏe của bản thân để sớm phát hiện ra bệnh lý và có biện pháp can thiệp đúng cách ngay từ sớm. Khi bị táo bón, người già sẽ đi đại tiện với số lần rất ít kèm theo các biểu hiện sau đây:

  • Phân đào thải ra bên ngoài bị rắn cứng và vón cục, đôi khi có lẫn máu.
  • Gặp căng thẳng khi đi đại tiện, phải dùng sức rặn để đẩy phân ra ngoài.
  • Cảm giác đi đại tiện không hết, mót rặn và đau đớn.

Một số triệu chứng có liên quan là:

  • Đau bụng, bụng phình to
  • Cảm giác no bụng và chán ăn
  • Chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu
  • Hay mệt mỏi và cáu gắt

Thống kê y khoa cho biết, có khoảng 2/3 số người già trên 65 tuổi bị táo bón, thường gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới. Nếu táo bón xảy ra không thường xuyên hoặc với mức độ không quá nghiêm trọng thì không cần quá lo lắng.

Lúc này, người bệnh chỉ cần có các biện pháp cải thiện đơn giản tại nhà và chú ý chăm sóc bản thân đúng cách để hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng táo bón, phòng ngừa bệnh táo bón tái phát.

Nguyên Nhân

Tình trạng táo bón ở người già có thể xảy ra do tác động của rất nhiều nguyên nhân. Việc xác định chính xác nguyên nhân sẽ giúp việc điều trị và phòng ngừa diễn ra thuận lợi hơn.

Dưới đây là tổng hợp các nguyên nhân gây táo bón ở người già thường gặp bạn có thể tham khảo:

  • Do lão hóa: Tuổi tác càng cao, quá trình lão hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Điều này đã khiến cho hoạt động của hệ tiêu hóa cũng bị ảnh hưởng. Lúc này nhu động ruột sẽ giảm đi khiến cho khối phân di chuyển bên trong ruột cũng bị chậm dần, khi đến hậu môn phân đã trở nên khô cứng và khó đào thải ra ngoài.
  • Ít vận động: Vận động cơ thể sẽ có tác dụng tăng nhu động ruột, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn và phòng ngừa táo bón. Nếu người già lười hoạt động thể chất sẽ làm gia tăng nguy cơ bị táo bón. Đồng thời, thói quen nhịn đi đại tiện ở người già cũng khiến phân trở nên khô cứng và khó thoát ra khỏi ông tiêu hóa.
  • Do bệnh lý: Táo bón ở người già cũng có thể xảy ra do ảnh hưởng của một số bệnh lý như bệnh về đại tràng hoặc trực tràng, bệnh về thần kinh, bệnh tiểu đường, bệnh về nội tiết tố,… Ở những trường hợp này cần tiến hành thăm khám và điều trị chuyên khoa.
  • Chế độ ăn uống không phù hợp: Đây là nguyên nhân gây táo bón ở người già thường gặp nhất. Nếu người già có các thói quen ăn uống ít chất xơ hoặc ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn sẽ làm gia tăng nguy cơ táo bón.
  • Lạm dụng thuốc nhuận tràng: Thuốc nhuận tràng thường được sử dụng cho những người bị táo bón nặng, thành phần dược tính trong thuốc sẽ hỗ trợ đẩy phân ra ngoài và giúp quá trình đi tiêu diễn ra thuận lợi hơn. Nhưng nếu người già sử lạm dụng thuốc nhuận tràng sẽ dẫn đến tình trạng phụ thuộc thuốc và không thể đi ngoài nếu không có thuốc. Việc sử dụng thuốc nhuận tràng kéo dài còn phát sinh nhiều rủi ro không mong muốn như đầy bụng khó tiêu, mất nước, mất cân bằng điện giải,…
  • Tác dụng phụ của thuốc Tây y: Người già thường gặp nhiều vấn đề về sức khỏe nên phải dùng rất nhiều loại thuốc khác nhau để trị bệnh như thuốc giảm đau, thuốc ức chế dẫn truyền xung thần kinh, thuốc kháng histamin, thuốc giảm đau NSAIDs,… Việc dùng thuốc Tây trị bệnh trong thời gian dài sẽ gây ra tác dụng phụ không mong muốn, thường gặp là táo bón. Để tránh gây hại đến sức khỏe, người già nên tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng thuốc mà bác sĩ chuyên khoa đưa ra.

Biến chứng

Táo bón ở người già thường diễn ra không quá nghiêm trọng, có thể tự cải thiện tại nhà bằng các liệu pháp tự nhiên. Ngược lại, nếu người bệnh không có biện pháp xử lý phù hợp, để tình trạng táo bón diễn ra kéo dài sẽ gây ra một số biến chứng sau đây:

  • Ứ đọng phân: Phân không thể thoát ra ngoài sẽ ứ đọng bên trong ruột già. Lâu dần chúng sẽ trở nên khô cứng và gây tắc nghẽn.
  • Bệnh trĩ: Táo bón khiến người già phải thường xuyên dùng sức rặn mỗi khi đi vệ sinh. Điều này đã khiến cho tĩnh mạch hậu môn bị tổn thương, trở nên sưng viêm và hình thành nên búi trĩ. Có thể nói, trĩ là biến chứng thường gặp ở người già bị táo bón.
  • Rò hậu môn: Táo bón khiến cho phân trở nên khô cứng, khi người bệnh dùng sức rặn để đào thải ra bên ngoài sẽ gây tổn thương đến niêm mạc hậu môn và hình thành nên các vết rách. Nếu không chăm sóc đúng cách sẽ gây nhiễm trùng và rò hậu môn.
  • Sa trực tràng: Đây là biến chứng nặng nhất của bệnh táo bón ở người già. Sa trực tràng xảy ra khi bệnh trĩ không được phát hiện và điều trị đúng cách. Đây là hiện tượng búi trĩ bị lòi ra khỏi hậu môn.
Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp điều trị

Dùng thuốc nhuận tràng theo đơn kê

Sau khi áp dụng các liệu pháp tự nhiên ở trên để trị táo bón mà tình trạng bệnh không có chuyển biến tốt, người bệnh nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn sử dụng thuốc nhuận tràng. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về sử dụng khi chưa có đơn kê để tránh phát sinh tác dụng phụ gây hại cho sức khỏe.

Một số loại thuốc nhuận tràng trị táo bón cho người già được sử dụng phổ biến là:

  • Thuốc bổ sung chất xơ: Thuốc sẽ bổ sung thêm chất xơ giúp làm mềm và tơi xốp phân, điều này sẽ giúp cho người bệnh đi ngoài dễ dàng hơn. Thường dùng là canxi polycarbophil, methylcellulose, psyllium,…
  • Thuốc nhuận tràng thẩm thấu: Thuốc sẽ kéo nước vào trong đường ruột để làm mềm phân và bôi trơn niêm mạc ruột. Được dùng phổ biến là magie citrat, magie hydroxit, lactulose, polyethylene glycol,…
  • Thuốc nhuận tràng kích thích: Thuốc có tác dụng tăng cường co bóp ruột bằng cách kích thích lên hệ thần kinh trong niêm mạc ruột, từ đó việc đi đại tiện sẽ diễn ra thuận lợi hơn. Thường dùng là Bisacodyl, Dulcolax, Correctol,…
  • Thuốc nhuận tràng bôi trơn: Loại thuốc này được điều chế dưới dạng đạn đặt với thành phần chính là dầu khoáng. Chúng có tác dụng bôi trơn niêm mạc ruột giúp phân dễ di chuyển ra bên ngoài.
  • Thuốc nhuận tràng làm mềm phân: Thuốc có tác dụng hút nước vào trong phân để làm mềm phân, từ đó người bệnh sẽ đi đại tiện dễ hơn. Được sử dụng phổ biến là docusate natri.
  • Thuốc đạn đặt hậu môn: Loại thuốc này được đặt trực tiếp vào hậu môn giúp người bệnh đi ngoài nhanh hơn. Tuy nhiên, người già không nên lạm dụng loại thuốc này để tránh phát sinh tác dụng phụ không mong muốn. Thường dùng là glycerin hoặc bisacodyl.

Phẫu thuật trị táo bón

Với trường hợp bị táo bón do mắc các bệnh lý về vùng chậu, bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện phẫu thuật điều chỉnh cơ xương chậu để cải thiện tình trạng táo bón. Ngoài ra, phẫu thuật còn được chỉ định điều trị với những trường hợp táo bón biến chứng sang tắc nghẽn trực tràng, nứt hậu môn, trĩ, sa trực tràng,…

Phẫu thuật trị bệnh mang lại hiệu quả nhanh chóng nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro trong và sau khi phẫu thuật. Vì thế, người bệnh cần cân nhắc thật kỹ và tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi thực hiện.

Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà

Ở những trường hợp táo bón nhẹ, người già có thể tự cải thiện tại nhà thông qua việc điều chỉnh lại thói quen ăn uống cũng như lối sống hàng ngày theo hướng tích cực.

  • Bổ sung đủ nước cho cơ thể giúp làm ẩm niêm mạc đại tràng và làm mềm phân. Chỉ nên uống các loại chất lỏng lành mạnh như nước lọc, nước ép trái cây, trà thảo dược,.. Nói không với đồ uống chứa cồn, đồ uống chứa cafein,…
  • Sử dụng thêm các loại thực phẩm giàu chất xơ trong thực đơn ăn uống hàng ngày như rau xanh, khoai lang, trái cây tươi, các loại đậu,… Đây là cách trị bệnh táo bón có độ an toàn cao và mang lại hiệu quả tốt. Chất xơ khi đi vào đường ruột sẽ làm tăng khối lượng phân và giúp phân trở nên mềm xốp hơn. Không nên sử dụng các loại thực phẩm làm gia tăng nguy cơ bị táo bón như bánh mì trắng, thịt đỏ, sữa và chế phẩm từ sữa,…
  • Dành thời gian vận động cơ thể mỗi ngày thông qua các bài tập như đi bộ, tập thể dục, tập dưỡng sinh,… Duy trì thói quen này mỗi ngày sẽ làm tăng nhu động ruột, giúp phân di chuyển nhanh chóng và đẩy lùi tình trạng táo bón.
  • Đi đại tiện ngay khi có nhu cầu, tuyệt đối không được nín nhịn hoặc trì hoãn việc đi đại tiện. Nên hình thành thói quen đi đại tiện vào một khung giờ cố định trong ngày, đặc biệt là vào buổi sáng sớm và sau khi ăn. Cách này cũng có tác dụng hỗ trợ điều trị và phòng ngừa táo bón khá tốt.
  • Sử dụng các mẹo trị bệnh được lưu truyền trong dân gian như uống nước sắc phan tả diệp, uống nước nha đam,… Cần sử dụng đúng liều lượng và đúng cách để tránh phát sinh tác dụng phụ gây hại đến sức khỏe.
Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
BS.CKI Trần Văn Hiền
BS.CKI Trần Văn Hiền
ThS.BS.CKII Trần Kinh Thành
ThS.BS.CKII Trần Kinh Thành
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android