Tê Chân Tay Sau Sinh

Cơ bản

Tình trạng tê chân tay sau sinh ảnh hưởng đến hầu hết mẹ bỉm. Đây có thể là một hiện tượng sinh lý bình thường do bị thay đổi nội tiết tố, ít vận động trong thời gian ở cữ hoặc do tăng cân quá mức. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể bị tê tay chân sau sinh do bệnh lý và cần điều trị, can thiệp bằng y tế mới khỏi được.

Định nghĩa

Tê chân tay sau sinh là hiện tượng giảm hay mất hoàn toàn cảm giác ở chi trên và chi dưới của người phụ nữ sau khi sinh con. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến bất cứ vị trí nào trên tay chân, đặc biệt là ở bàn tay, bàn chân hay các ngón tay chân.

Triệu chứng tê chân tay ở nữ giới sau sinh có thể chỉ xuất hiện đơn thuần hoặc kèm theo nhiều dấu hiệu bất thường khác như:

  • Có cảm giác châm chích như kim châm hay tê ngứa râm ran như kiến bò ở khu vực bị ảnh hưởng.
  • Yếu cơ dẫn đến khó khăn khi thực hiện các cử động đơn giản ở tay chân, chẳng hạn như cầm nắm đồ vật hoặc đứng lên, đi lại…
  • Không thể giữ thăng bằng khi đi lại khi bị tê chân.
  • Đau nhức tay chân
  • Cảm giác tê buốt khó chịu có thể lan rộng từ tay, chân sang các khu vực lân cận, chẳng hạn như mông, hông hay vai gáy.
  • Khó ngủ, mất ngủ
  • Mệt mỏi
  • Suy nhược cơ thể
  • Nổi nhiều mạch máu hay gân xanh dưới da.

Ngoài ra, tùy theo nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của tê chân tay mà phụ nữ sau sinh có thể gặp thêm các dấu hiệu khác không được đề cập. Hiện tượng này kéo dài không chỉ ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày mà còn gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho các mẹ. Chính vì nếu tình trạng tê tay chân diễn ra liên tục, chị em nên sớm thăm khám để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh và có hướng khắc phục phù hợp, an toàn.

Nguyên nhân

Chứng tê chân tay sau sinh có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau như:

  • Sự gia tăng của nồng độ hormone relaxin khi mang thai và trong thời gian đầu sau sinh khiến cho các khớp xương và dây chằng lỏng lẻo, suy yếu. Điều này có thể làm tăng áp lực lên mạch máu và các dây thần kinh, từ đó ảnh hưởng đến quá trình tuần hoàn máu tới các chi và khiến tay chân bị tê bì, mất cảm giác.
  • Do ít vận động trong thời gian ở cữ làm khí huyết kém lưu thông tới tay, chân
  • Có chân thương ở gân, cơ, dây chằng hay các khớp của chân tay
  • Các cử động ở tay, chân lặp đi lặp lại nhiều lần gây căng thẳng cho hệ thống cơ xương khớp và dẫn đến tê bì.
  • Nằm ngủ, vận động sai tư thế khiến cho mạch máu và dây thần kinh cảm giác ở các chi bị chèn ép.
  • Thời tiết lạnh hoặc thói quen nằm trong máy điều hòa để nhiệt độ quá thấp khiến cho các mạch máu bị co lại. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây tê chân tay sau sinh thường gặp.
  • Tê tay chân sau sinh do gặp tác dụng phụ khi dùng một số loại thuốc tây
  • Do tăng nhiều cân trong thời gian mang thai và sau sinh làm gia tăng áp lực lên các chi và làm giảm khả năng tuần hoàn máu đến tay chân.
  • Chế độ ăn uống không đầy đủ gây thiếu hụt các chất dinh dưỡng thiết yếu như canxi, vitamin B1, B12, magie, kali, acid folic.

Thông thường, nếu xuất phát từ các nguyên nhân trên thì tình trạng tê chân tay sau sinh thường không kéo dài quá lâu. Tình trạng này sẽ được cải thiện khi các mẹ điều chỉnh lại chế độ dinh dưỡng, loại bỏ thói quen xấu trong sinh hoạt hàng ngày, vận động đúng cách và có lối sống lành mạnh hơn.

Tuy nhiên, ở một số phụ nữ sau sinh tình trạng tê chân tay có khuynh hướng tiếp tục kéo dài hoặc ngày càng tăng nặng. Trường hợp này nên thận trọng vì đây có thể là triệu chứng tiềm ẩn của nhiều vấn đề về sức khỏe.

Chăm sóc tại nhà

1. Chườm ấm hoặc tắm nước nóng giảm tê chân tay sau sinh

Chườm nóng hoặc tắm nước ấm là những cách ngăn ngừa và cải thiện tình trạng tê tay chân cho phụ nữ sau sinh khá đơn giản nhưng cho hiệu quả tích cực. Chúng không chỉ giúp làm thư giãn thần kinh, giảm co cơ, xoa dịu cơn đau và còn giúp giảm nhanh cảm giác tê bì khó chịu thông qua việc kích thích lưu thông máu đến các chi.

Mỗi khi bị tê chân tay, các mẹ chỉ cần lấy túi hay chai thủy tinh đựng nước nóng và chườm lên khu vực bị tê trong 15 – 20 phút. Thực hiện đều đặn mỗi ngày 1 – 2 lần kết hợp duy trì thói quen tắm nước ấm nước ấm để cảm giác tê bì ở các chi nhanh chóng biến mất và không còn tái phát trở lại.

2. Tăng cường các hoạt động rèn luyện thể chất

Phụ nữ sau sinh thường ít vận động trong thời gian ở cữ và chăm sóc con nhỏ. Điều này có thể khiến máu kém lưu thông và khiến tình trạng tê chân tay bùng phát nghiêm trọng hơn. Tăng cường vận động, tập thể dục rèn luyện thân thể mỗi ngày có thể giúp cải thiện đáng kể tình trạng tê bì các chi cùng các triệu chứng đi kèm cho các mẹ trong thời kỳ hậu sản.

Chị em có thể tập luyện các động tác đơn giản hoặc tham gia một số bộ môn thể dục nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe. Chẳng hạn như:

  • Đi bộ
  • Tập yoga
  • Chạy xe đạp
  • Tập aerobic…

Trong thời gian ở cữ cũng không nên chỉ nằm yên một chỗ. Thỉnh thoảng, các mẹ nên đứng dậy đi lại, vận động nhẹ nhàng để khí huyết lưu thông tốt. Việc tập thể dục mỗi ngày không chỉ giúp giảm tê chân tay sau sinh và còn làm tăng tính linh hoạt của các khớp xương và giúp chị em có sức đề kháng tốt hơn.

3. Xoa bóp với tinh dầu thảo dược

Xoa bóp có thể giúp giảm nhẹ tình trạng tê bì cùng các cảm giác khó chịu ở tay chân, đồng thời kích thích lưu thông máu, giảm co cơ, giúp thần kinh được thư giãn.

Trước khi xoa bóp, các mẹ nên thoa một ít tinh dầu vào khu vực ảnh hưởng để đạt được hiệu quả tốt hơn. Có thể dùng tinh dầu bạc hà, tinh dầu gừng hay nghệ. Chúng chứa hoạt chất giảm đau, kháng viêm tự nhiên nên giúp cải thiện tình trạng tê chân tay sau sinh nhanh hơn.

4. Chữa tê chân tay sau sinh bằng thảo dược

Một số bài thuốc thảo dược được dân gian sử dụng để chữa tê bì chân tay tại nhà cho phụ nữ sau sinh. Chúng khá an toàn và hầu như không gây ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ khi được sử dụng đúng cách.

  • Bài thuốc từ gừng: Củ gừng tươi dùng 1 nhánh đập dập, bỏ vào nồi nấu với 1 lít nước. Đun sôi trong 5 phút để các hoạt chất trong gừng giải phóng hết vào trong nước. Sử dụng nước gừng ngâm chân tay khi còn ấm mỗi ngày 1 lần trước khi đi ngủ sẽ giúp giảm hiện tượng đau nhức, tê bì các chi. Phương pháp này cũng giúp hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng của bệnh viêm khớp gối, viêm khớp tay, thoái hóa khớp ngón tay hay viêm khớp dạng thấp…
  • Dùng lá lốt: Các mẹ cần chuẩn bị 200g lá lốt, đem rửa sạch và nấu nước ngâm tay chân mỗi ngày 1 lần tương tự như cách trên.
  • Ngải cứu trị tê bì chân tay sau sinh: Lá ngải cứu tươi dùng lượng khoảng 1 nắm to. Sau khi rửa sạch, mẹ đem giã nát rồi cho vào chảo sao nóng cùng với muối hột. Bỏ hỗn hợp vào trong túi vải và chườm lên vùng bị tê bì ở các chi.

Câu hỏi thường gặp

Tê chân tay sau sinh là bị bệnh gì?

Bên cạnh các nguyên nhân sinh lý, cơ học, hiện tượng tê chân tay ở phụ nữ sau sinh có thể xảy ra khi mắc các bệnh lý sau:

  • Huyết áp thấp: Bệnh huyết áp thấp làm giảm khả năng tuần hoàn máu đến nuôi dưỡng các chi và khiến dây thần kinh, xương khớp trở nên suy yếu, dễ bị tổn thương, từ đó gây tê bì chân tay.
  • Tiểu đường: Nhiều phụ nữ bị tiểu đường trong thời gian mang thai và kéo dài cho đến sau sinh. Lượng đường trong máu tăng cao kéo dài sẽ gây tổn thương cho mạch máu và cản trở quá trình lưu thông máu đến các chi.
  • Hội chứng ống cổ tay: Căn bệnh này được đặc trưng bởi tình trạng tê bì ngón tay, bàn tay hoặc toàn bộ cánh tay như có điện giật. Kèm theo đó, người bệnh còn có cảm giác yếu cơ, giảm sức mạnh của tay, cầm nắm đồ vật khó khăn.
  • Suy thận: Chức năng đào thải độc tố của thận bị suy giảm khiến cho các chất độc hại không được loại bỏ hết mà tích tụ nhiều trong cơ thể. Tình trạng này khiến cho phụ nữ sau sinh rất dễ bị ngộ độc thần kinh và nhiều vấn đề khác về sức khỏe, bao gồm cả tình trạng tê yếu tay chân.
  • Bệnh thoát vị đĩa đệm: Tê chân tay là triệu chứng thường gặp khi bị bệnh thoát vị đĩa đệm sau sinh. Trường hợp này, nhân nhầy đĩa đệm cột sống sau khi thoát ra khỏi bao xơ sẽ chèn ép vào dây thần kinh và mạch máu gây rối loạn cảm giác và khiến các chi không được nuôi dưỡng tốt.
  • Thoái hóa cột sống: Bệnh phát triển từ một tổn thương ở đốt sống và có thể phát triển gai xương gây đè nén lên rễ thần kinh và dẫn đến tê tay chân. Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến người già nhưng phụ nữ sau sinh cũng có thể mắc căn bệnh này.
  • Đột quỵ: Hiện tượng tê bì chân tay sau sinh có thể là biến chứng của đột quỵ (tai biến mạch máu não). Đây là một vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của mẹ nếu không được cứu chữa kịp thời.
  • Bệnh xơ cứng bì: Tê chân tay sau sinh là triệu chứng có thể gặp ngay từ giai đoạn đầu của bệnh xơ cứng bì. Bệnh ảnh hưởng đáng kể đến chức năng vận động của các chi, thậm chí khiến các mẹ mất đi cảm giác ở chân, tay, không thể phân biệt được nóng lạnh.
  • Bệnh động mạch ngoại vi: Căn bệnh này khiến cho mạch máu bị thu hẹp. Lưu lượng máu giảm có thể khiến phụ nữ sau sinh bị tê bì tay chân và làm tăng nguy cơ bị đau tim, đột quỵ.
  • Các bệnh lý khác gây tê chân tay sau sinh ít gặp hơn: Bệnh Raynaud, rối loạn tự miễn, hội chứng Guillain-Barré, viêm mạch máu, bệnh thần kinh ngoại vi, hội chứng Guillain-Barré…

Tê chân tay sau sinh có trị khỏi được không?

Trong một số trường hợp, cảm giác tê chân tay ở phụ nữ sau sinh chỉ xuất hiện thoáng qua và có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Nhất là các mẹ bị tê tay, tê chân do ảnh hưởng của sự thay đổi nội tiết tố hoặc do ngồi hay nằm quá lâu…

Tuy nhiên, nếu nguyên nhân gây tê bì các chi sau sinh có liên quan đến yếu tố bệnh lý thì cần có biện pháp can thiệp, chữa trị chuyên sâu từ y tế. Triệu chứng tê chân tay sẽ từ từ thuyên giảm và biến mất sau khi bệnh được chữa khỏi.

Chẩn đoán

Chẩn đoán là bước quan trọng cho phép bác sĩ tìm ra được nguyên nhân gây tê chân tay sau sinh và ảnh hưởng của tình trạng này đến chức năng vận động của các chi. Bên cạnh việc khai thác tiền sử bệnh, thói quen vận động, chế độ dinh dưỡng hàng ngày và các dấu hiệu lâm sàng đang gặp phải, các mẹ có thể được chỉ định thêm một số xét nghiệm như:

  • Chụp X-quang
  • Chụp CT scan
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI)
  • Xét nghiệm máu
  • Điện cơ đồ
  • Xét nghiệm dịch não tủy
  • Sinh thiết da…

Điều trị

Khi lựa chọn phương pháp chữa tê chân tay sau sinh, bác sĩ cần xem xét kỹ lưỡng về những ảnh hưởng của quá trình điều trị tới khả năng tiết sữa và trẻ đang bú sữa mẹ. Các trường hợp chỉ bị tê chân tay nhẹ, thoáng qua và không liên quan đến bệnh lý thường không cần phải điều trị chuyên sâu bằng y khoa. Các phương pháp khắc phục tê chân tay sau sinh thường được ưu tiên lựa chọn để tránh gây ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ trong thời kỳ cho con bú.

Trường hợp bị tê chân tay kéo dài mà không đáp ứng với các mẹo làm hết tê chân, tay tự nhiên hoặc tình trạng tê bì các chi sau sinh có liên quan đến bệnh lý cần được điều trị thì can thiệp y tế là cần thiết. Các phương pháp điều trị y tế có thể được bác sĩ chỉ định để chữa tê chân tay sau sinh bao gồm:

  • Dùng thuốc: Thuốc giảm đau kháng viêm không steroid, thuốc Corticosteroid, thuốc giãn cơ, thuốc giảm đau thần kinh, thuốc chống trầm cảm…
  • Vật lý trị liệu: Bệnh nhân được các chuyên gia vật lý trị liệu hướng dẫn thực hành một số bài tập châm cứu, bấm huyệt hoặc điều trị bằng các phương pháp khác như chiếu hồng ngoại, điện trị liệu hay thủy trị liệu. Chúng có tác dụng giảm tê chân tay sau sinh, phục hồi chức năng vận động cho các chi.
  • Phẫu thuật: Phương pháp phẫu thuật ít khi được chỉ định. Ca mổ thường được thực hiện nhằm mục đích sửa chữa các tổn thương ở cột sống, đĩa đệm, giải phóng áp lực chèn ép lên rễ thần kinh và ngăn ngừa nguy cơ bị bại liệt, tàn phế cho phụ nữ sau sinh.

Nhìn chung, trong hầu hết các trường hợp hiện tượng tê chân tay sau sinh thường không quá nghiêm trọng và có thể được khắc phục khi thay đổi lối sống. Chị em không nên lo lắng quá mức. Hãy tìm gặp bác sĩ để được giúp đỡ nếu tình trạng này kéo dài quá 7 ngày và không được cải thiện nhờ các biện pháp tự nhiên.

 

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android