Tê Chân

Triệu chứng và nguyên nhân

Hiện tượng tê chân thường xuất hiện kèm theo cảm giác ngứa ran, đau nhức ở chân trái hoặc chân phải làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc đi lại và sinh hoạt của người bệnh. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu là do mắc các bệnh lý ở cơ xương khớp và cột sống gây chèn ép dây thần kinh và cản trở quá trình lưu thông máu đến chi dưới.

Định nghĩa

Tê chân là một dạng rối loạn cảm giác xảy ra ở chân, chủ yếu là khu vực bàn chân. Tình trạng này có liên quan đến các vấn đề bất thường ở mạch máu, cột sống hoặc dây thần kinh làm nhiệm vụ dẫn truyền cảm giác.

Một cá nhân có thể chỉ bị tê chân trái, tê chân phải hoặc tê cả hai chân cùng lúc. Trong hầu hết các trường hợp, cảm giác tê bì xuất hiện thoáng qua trong thời gian ngắn. Nhưng đôi khi cảm giác này có thể kéo dài kèm theo nhiều triệu chứng khó chịu khác như đau, ngứa ra, tê buốt ở chân khiến bạn mất cảm giác hoặc đi lại, vận động khó khăn.

Hình ảnh

Triệu chứng

Chứng tê chân có biểu hiện khá rõ ràng. Các triệu chứng bệnh có thể ảnh hưởng đến chân trái, chân phải hoặc bị tê cả hai chân với nhiều mức độ khác nhau.

Các dấu hiệu tê chân có thể gặp bao gồm:

  • Bàn chân bị giảm hoặc mất cảm giác khiến cho việc đi lại, hoạt động trở nên khó khăn. Khả năng giữ thăng bằng kém.
  • Có thể không cảm nhận được khi để bàn chân chạm đất.
  • Có cảm giác châm chích hoặc ngứa ran ở chân. Cảm giác này có thể lan rộng lên trên bắp chân hay đùi nếu tình trạng tê chân trái hoặc tê chân phải có liên quan đến các vấn đề ở dây thần kinh tọa.
  • Đôi khi chân bạn có cảm giác giống như bị điện giật hoặc bị kim châm.
  • Yếu chân, không thể đứng lên đi lại bình thường.
  • Cảm giác tê chân có thể giảm sau khi xoa bóp.
  • Các triệu chứng khác: Khó thở, hay quên, co giật, đau đầu, chóng mặt...

Nguyên Nhân

Tình trạng tê chân có thể xảy ra sau khi bạn vận động sai tư thế, bị chấn thương hoặc ăn uống thiếu chất... Đôi khi, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề về sức khỏe, nhất là các bệnh lý ở cột sống và dây thần kinh. Nếu tình trạng tê chân kéo dài, bạn cần thăm khám để xác định rõ nguyên nhân, từ đó có hướng điều trị đúng đắn, kịp thời.

Các nguyên nhân gây tê chân trái, tê chân phải thường gặp là:

1. Tê chân do hoạt động sai tư thế

Hoạt động sai tư thế chính là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây tê chân. Điển hình là các tư thế như ngồi chồm hổm, nằm đè lên một bên chân trong thời gian dài, quỳ hoặc ngồi lâu, bắt chéo chân khi ngồi. Chúng có thể gây chèn ép vào các dây thần kinh lẫn mạch máu, khiến máu lưu thông xuống chân kém, từ đó làm phát sinh cảm giác tê bì ở chân.

May mắn là tình trạng tê chân do tư thế hoạt động xấu thường chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Cảm giác tê bì khó chịu có thể biến mất sau vài phút nghỉ ngơi tại chỗ và xoa bóp làm nóng chân.

2. Mặc trang phục không phù hợp

Thói quen mặc quần áo bó sát, mang tất quá chật đều có thể ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu xuống chi dưới và khiến cho một hoặc cả hai chân bị tê.

Đôi khi, cảm giác tê bì chân còn xuất hiện khi bạn mang giày dép quá nhỏ so với kích cỡ chân. Thói quen mang giày cao gót thường xuyên cũng gây áp lực lên dây thần kinh, các cơ bắp và dây chằng ở chân, từ đó dẫn đến tê chân và nhiều vấn đề khác như gai gót chân, thoái hóa khớp cổ chân...

3. Bệnh thoát vị đĩa đệm

Cảm giác tê chân trái hoặc chân phải có thể thường xuyên xuất hiện ở những bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm nặng. Trong trường hợp này, bao xơ đĩa đệm bị rách khiến cho nhân nhầy bên trong thoát ra ngoài và chèn ép lên tủy sống cùng rễ thần kinh gây tê bì chi dưới.

Các triệu chứng khác có thể gặp khi bị thoát vị đĩa đệm bao gồm:

  • Đau lưng trên hoặc đau thắt lưng. Cơm đau có thể lan xuống mông và chân.
  • Giảm phạm vi chuyển động của lưng.
  • Tê yếu tay.
  • Thường xuyên có cảm giác ngứa ran, châm chích ở chân.
  • Bắp đùi trong hoặc phía sau chân có thể bị mất cảm giác.
  • Mất tự chủ trong hoạt động đại tiểu tiện.
  • Đi lại khó khăn.

4. Đau dây thần kinh tọa

Triệu chứng tê chân được bắt gặp ở hầu hết bệnh nhân bị đau thần kinh tọa. Cảm giác tê bì thường bắt đầu ở vùng thắt lưng rồi lan qua hông xuống mông, đùi rồi kết thúc tại các ngón chân. Đây cũng chính là đường đi của dây thần kinh tọa.

Các triệu chứng khác của đau thần kinh tọa:

  • Đau nhói, đau dữ dội hoặc đau như bị dao đâm ở chân bị ảnh hưởng. Cơn đau tăng lên khi vận động.
  • Cảm giác châm chích, nóng rát có thể kéo dài từ lưng dưới xuống bàn chân
  • Yếu cơ ở chân hoặc bàn chân
  • Vận động chân khó khăn hoặc không thể đi lại.
  • Có dấu hiệu của hội chứng chùm đuôi ngựa, không thể tự kiểm soát được hoạt động ở ruột, bàng quang.

5. Chấn thương tủy sống

Tủy sống là nơi chứa nhiều dây thần kinh chạy dọc bên trong ống sống. Cơ quan này có thể bị tổn thương do tai nạn, va đập mạnh hoặc do mắc các bệnh lý gây thu hẹp ống sống. Tình trạng này có thể gây cảm giác tê bì chân, đau lưng, yếu cơ. Nhiều trường hợp bị chấn thương tủy sống còn bị liệt nửa người.

6. Mang thai

Hiện tượng tê chân ở bà bầu thường xuất hiện từ tháng thứ 4 của thai kỳ. Một số người chỉ có cảm giác tê bì chân tay nhẹ, thoáng qua nhưng cũng có nhiều mẹ bầu bị đau nhức, nóng rát hoặc tê buồn râm ran như có kiến bò ở các chân vô cùng khó chịu. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tê chân khi mang thai, bao gồm sự gia tăng của hormone Relaxin, tăng cân, ít vận động, ăn uống thiếu chất...

7. Bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng gây tê chân

Bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng xảy ra khi đĩa đệm cùng với lớp sụn chêm giữa các đốt sống bị hao mòn, tổn thương. Người bệnh thường có biểu hiện đau lưng, cứng cột sống, co cơ, khó thực hiện các cử động thông thường như xoay người, gập mình.

Đặc biệt, khu vực bị thoái hóa còn phát triển các gai xương khiến cho ống sống bị thu hẹp và gây chèn ép lên thần kinh, mạch máu cũng như các mô mềm xung quanh. Tê chân chính là một hậu quả tất yếu.

8. Lạm dụng chất kích thích

Lạm dụng bia rượu hay hút thuốc lá đều là những thói quen xấu làm tăng nguy cơ bị tê ngón chân, bàn chân. Các chất kích thích có thể gây kích thích, tổn thương cho dây thần kinh và mạch máu, làm giảm lượng máu cung cấp xuống chi dưới khiến cho tình trạng tê chân thường xuyên xảy ra.

9. Tê chân do bệnh tiểu đường

Lượng đường trong máu tăng cao ở những bệnh nhân bị tiểu đường có thể gây ra những tổn thương không phục hồi cho mạch máu và dây thần kinh. Điều này khiến cho người bệnh phải đối mặt với tình trạng tê tay chân và nhiều dấu hiệu bất thường khác như mệt mỏi, hay mót tiểu hoặc khát nước, ngứa da, sút cân nhiều, giảm thị lực.

10. Bệnh đa xơ cứng

Đây là một căn bệnh tự miễn có liên quan đến sự tấn công nhầm lẫn của hệ miễn dịch vào lớp vỏ bọc bảo vệ bên ngoài dây thần kinh. Tình trạng này gây cản trở đến khả năng liên lạc, truyền phát tín hiệu giữa não bộ đến các cơ quan.

Ngoài triệu chứng tê yếu các chi, người bị đa xơ cứng còn phải đối mặt với nhiều dấu hiệu bất thường khác như: Run tay chân, mệt mỏi, chóng mặt, giảm hoặc mất thị lực, suy giảm chức năng hoạt động tình dục, đau và ngứa ran các chi, mất kiểm soát hoạt động của ruột, bàng quang.

11. Tê chân do hội chứng Guillain Barre

Hội chứng Guillain Barre có thể gây tê tay, bàn chân và các ngón chân. Đây là một căn bệnh hiếm gặp khởi phát khi hệ miễn dịch tấn công vào dây thần kinh. Tình trạng này cũng khiến cho bệnh nhân thường xuyên có cảm giác ngứa ran, châm chích, đau nhức chân, khó thở. Kèm theo đó là một số triệu chứng khác như rối loạn huyết áp, khó thở, khó cử động mặt hoặc không thể kiểm soát được hoạt động của ruột, bàng quang.

12. Ăn uống thiếu chất

Chế độ ăn uống không hợp lý gây thiếu chất cũng có thể dẫn đến tê chân. Nguy cơ này xảy ra cao hơn ở những người bị thiếu hụt vitamin B12, canxi, kali, magie... - những dưỡng chất cần thiết cho hoạt động của xương khớp và dây thần kinh.

13. Bệnh động mạch ngoại vi

Khi có nhiều mảng bám tích tụ bên trong thành mạch sẽ khiến mạch máu bị thu hẹp, giảm khả năng lưu thông máu đến các chi, từ đó dẫn đến bệnh động mạch ngoại vi. Ở những người mắc căn bệnh này, tình trạng tê chân có thể xảy ra thường xuyên kèm theo cảm giác đau rát, ngứa ran ở bàn chân hay cẳng chân. Các vết thương hở ở chân của những người mắc chứng động mạch ngoại vi thường lâu lành và người bệnh có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn so với những đối tượng không bị bệnh.

14. Bệnh u thần kinh Morton

Căn bệnh này còn có tên gọi khác là u thần kinh giữa cổ chân. Ở những người bị u thần kinh Morton, các mô xung quanh dây thần kinh bị tổn thương hoặc bị chèn ép khiến cho các ngón chân bị sưng nề, tê bì, ngứa ran. Người bệnh cũng gặp khó khăn khi đi lại hoặc giữ thăng bằng.

15. Các nguyên nhân gây tê chân khác

Hiện tượng tê chân có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác như:

  • Do ảnh hưởng của bệnh mạch máu ngoại vi, bệnh Charcot-Marie-Tooth, hội chứng Raynaud, bệnh Frostbite, bệnh lyme, giang mai, viêm mạch máu, hội chứng ống cổ chân, xơ vữa động mạch, rối loạn chuyển hóa lipid...
  • Chấn thương ở não bộ.
  • Đột quỵ.
  • Gặp tác dụng phụ khi sử dụng các thuốc điều trị ung thư.
  • Căng thẳng kéo dài.
  • Thời tiết lạnh.

Biến chứng

Tình trạng tê bì xảy ra thường xuyên khiến cho cảm giác ở chân bị giảm, thậm chí là mất cảm giác hoàn toàn. Điều này có thể gây mất thăng bằng khi đi lại, vận động chân khó khăn hoặc phản xạ chậm trong một số điều kiện, chẳng hạn như rút chân ngay khi chạm phải vật nóng.

Ngoài ra, tê chân còn là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề tiềm ẩn về sức khỏe. Các bệnh lý này nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe hoặc khiến người bệnh bị tàn phế suốt đời.

Người bệnh nên nhanh chóng tới bệnh viện khám khi có các dấu hiệu nghiêm trọng sau:

  • Cảm giác tê bì ở chân kéo dài trong nhiều ngày liên tục và đã áp dụng các phương pháp tự nhiên nhưng không thể làm hết tê chân.
  • Tê chân đi kèm với các triệu chứng mãn tính hay bệnh lý khác.
  • Màu sắc, nhiệt độ hay hình dạng ở chân, bàn chân bị thay đổi.
  • Lú lẫn, trí nhớ giảm sút.
  • Chóng mặt, khó thở hoặc co giật.
  • Đau nhức đầu dữ dội.
  • Khó kiểm soát ruột và bàng quang.
  • Chân bị tê liệt sau khi gặp chấn thương ở đầu hay cột sống.

Phòng ngừa

Để phòng ngừa chứng tê chân tái phát trở lại, bạn có thể áp dụng các biện pháp dưới đây:

  • Chăm chỉ tập thể dục hàng ngày, chăm chỉ vận động, rèn luyện thể chất để nâng cao sức khỏe cho cột sống, đồng thời kích thích lưu thông máu đến các chi dưới.
  • Mặc đủ ấm khi trời lạnh và tắm với nước ấm để máu được lưu thông tốt.
  • Ăn uống đầy đủ các nhóm chất. Hạn chế sử dụng các thức ăn nhiều dầu mỡ và tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu vitamin B12, kali, magie, axit folic tốt cho thần kinh.
  • Hạn chế sử dụng bia rượu. Các trường hợp có hút thuốc lá nên cai thuốc càng sớm càng tốt.
  • Kiểm soát tốt cân nặng, tránh để tăng cân làm gia tăng áp lực lên cột sống, dây thần kinh, các cơ và khớp ở chân.
  • Mang giày có kích thước phù hợp. Không mặc quần áo bó sát.
  • Đứng lên đi lại và xoa bóp nhẹ nhàng cho lưng, chân sau mỗi tiếng ngồi làm việc tại văn phòng.
  • Tránh các tư thế xấu trong sinh hoạt hàng ngày như ngồi vắt chéo chân, ngồi xổm, để laptop trên chân khi làm việc hoặc nằm nghiêng đề lên một chân quá lâu...
  • Không tự ý sử dụng thuốc Tây bừa bãi mà chưa có sự cho phép của bác sĩ.
  • Kiểm soát tốt các bệnh lý ở cột sống hay các vấn đề khác về sức khỏe là nguyên nhân gây tê chân.
Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp chẩn đoán

Quy trình chẩn đoán tê chân được tiến hành theo các bước sau:

- Thăm khám lâm sàng:

  • Kiểm tra tiền sử bệnh, chấn thương, thói quen ăn uống, sinh hoạt hay các loại thuốc đang sử dụng. Những thông tin này có thể giúp bác sĩ đưa ra những chẩn đoán sơ bộ về nguyên nhân gây bệnh.
  • Trao đổi về tình trạng tê chân các triệu chứng đang gặp phải cùng một số thông tin liên quan như thời điểm chân bắt đầu bị tê, mức độ tê...
  • Quan sát, kiểm tra bên ngoài khu vực bị ảnh hưởng.
  • Kiểm tra phản xạ của chân bị tê và đánh giá chức năng vận động.

- Chẩn đoán cận lâm sàng:

Một số xét nghiệm được thực hiện nhằm chẩn đoán chính xác nguyên nhân tê chân. Bao gồm:

  • Chụp X-quang: Người bệnh có thể được yêu cầu chụp X-quang cột sống. Xét nghiệm hình ảnh này giúp phát hiện ra những thay đổi bất thường trong cột sống, chẳng hạn như thoái hóa cột sống, gai cột sống hay tình trạng chèn ép ở dây thần kinh tọa...
  • Chụp CT hay MRI: Những kỹ thuật này giúp phát hiện ra những tổn thương nhỏ khó phát hiện trong cột sống, chẳng hạn như thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.
  • Điện cơ đồ (EMG): Đánh giá phản ứng của các cơ ở chân dưới sự kích thích của điện.
  • Khảo sát dẫn truyền thần kinh (NCS): Giúp xác định vị trí của dây thần kinh bị tổn thương, đánh giá khả năng phản ứng và truyền phát tín hiệu của thần kinh.
  • Xét nghiệm máu: Đo lượng đường hay lipid máu...

Biện pháp điều trị

Các mẹo tự nhiên có thể giúp nhiều người giảm được cảm giác tê bì khó chịu ở chân. Tuy nhiên, một số người cần sử dụng thuốc bác sĩ kê đơn hay áp dụng các biện pháp điều trị chuyên sâu từ y tế để khắc phục bệnh.

1. Mẹo chữa tê chân tại nhà

  • Nghỉ ngơi, xoa bóp: Khi có cảm giác tê chân, bạn nên tạm thời ngừng lại công việc đang làm. Ngồi yên nghỉ ngơi, duỗi thẳng chân và dùng tay xoa bóp để làm nóng, kích thích lưu thông máu đến vùng bị tê, đồng thời làm thư giãn các cơ và dây thần kinh. Có thể nằm ngửa trên giường với tư thế thả lỏng chân, tránh nằm đè lên chân đang bị tê.
  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: Tăng cường các thực phẩm giàu vitamin B12, canxi, sắt hay magie trong thực đơn có thể giúp cải thiện tình trạng tê chân ở một số bệnh nhân. Bao gồm ngũ cốc, các loại cá béo, hạnh nhân, trứng, đậu nành, sữa, phô mai... Kiêng uống rượu, bia hoặc sử dụng các chất kích thích khác nếu bạn không muốn tình trạng tê chân ngày càng nghiêm trọng hơn.
  • Chườm nóng: Phương pháp này có tác dụng trừ hàn, làm ấm cơ thể, tăng tuần hoàn máu dưới da, làm thư giãn xương khớp và dây thần kinh. Chính vì vậy, chườm nóng có thể giúp xoa dịu cơn đau và cải thiện tình trạng tê bì ở chân nhanh chóng. Khi thực hiện, bạn chỉ cần lấy túi nước nóng hay chai nước chườm lên vùng chân bị tê trong khoảng 20 phút là được.
  • Tắm nước ấm: Tắm nước ấm cũng có tác dụng giảm tê chân tương tự như chườm nóng.  Phương pháp này giúp kích thích lưu thông máu toàn thân và cải thiện chất lượng giấc ngủ cho bạn. Hãy pha vào nước tắm vài giọt tinh dầu thảo mộc và ngâm mình thư giãn để xoa dịu căng thẳng ở thần kinh và các cơ.
  • Ngâm chân vào nước gừng hay lá lốt: Dùng gừng tươi hay lá lốt nấu nước ngâm chân mỗi tối trước khi đi ngủ có tác dụng giảm đau nhức, tê bì chân, giữ ấm cơ thể khi trời lạnh và giúp bạn ngủ ngon giấc hơn.
  • Tập thể dục: Các bài tập yoga, đi bộ, bơi lội... có thể giúp ổn định tuần hoàn máu, cải thiện sức khỏe cho cột sống, giảm áp lực chèn ép vào dây thần kinh, qua đó cải thiện tình trạng tê chân cho bạn.

2. Dùng thuốc trị tê chân

Một số loại thuốc có thể được bác sĩ kê đơn để cải thiện tình trạng tê chân, điều trị triệu chứng và các nguyên nhân đi kèm.

  • Thuốc chống trầm cảm: Loại thuốc này có tác dụng an thần, giảm đau dây thần kinh và giúp bạn ngủ ngon giấc hơn. Thuốc thường được chỉ định cho bệnh nhân bị tê chân do đa xơ cứng hoặc do bị căng thẳng kéo dài.
  • Corticosteroid: Thuốc có tác dụng kháng viêm, giảm đau, ức chế miễn dịch, qua đó cải thiện tình trạng tê chân, sưng đau ở cột sống hay dây thần kinh. Thuốc được sử dụng ở dạng uống hay tiêm.
  • Thuốc kháng viêm không steroid: Chẳng hạn như Aspirin, Ibuprofen... Chúng có tác dụng kháng viêm, giảm đau, giảm cảm giác tê bì, đau nhức chân ở mức độ nhẹ đến trung bình.
  • Thuốc chống co giật: Bao gồm Gabapentin hay Pregabalin... Thuốc được chỉ định trong điều trị tê chân do đau cơ xơ hóa hoặc do mắc bệnh thần kinh tiểu đường.
  • Các thuốc khác: Thuốc bổ sung vitamin, thuốc giảm đường trong máu, thuốc điều trị rối loạn chuyển hóa lipid máu...

3. Cách điều trị tê chân bằng phẫu thuật

Bạn có thể được đề nghị phẫu thuật để điều trị tê chân khi các phương pháp bảo tồn không mang lại hiệu quả hoặc có hiện tượng chèn ép vào dây thần kinh, tủy sống gây nguy cơ bị yếu cơ, bại liệt cao nếu không được mổ sớm.

Phẫu thuật nội soi được lựa chọn cho hầu hết trường hợp bởi kỹ thuật này có độ an toàn cao, ít xâm lấn và giúp người bệnh nhanh phục hồi sức khỏe hơn.

4. Các phương pháp hỗ trợ giảm tê chân khác

  • Vật lý trị liệu.
  • Châm cứu.
  • Bấm huyệt.
  • Chữa bệnh tê tay chân bằng thuốc Nam hay thuốc Đông y.
  • Mang nẹp cố định chân hay cột sống.
Chuyên sâu

Câu hỏi thường gặp

Tê chân tay có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm thiếu canxi, thiếu kali, thiếu vitamin B12, thiếu sắt, thiếu vitamin E, thiếu kẽm và thiếu magie.

Xem chi tiết
Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
Bác Sĩ Lê Hữu Tuấn
Bác Sĩ Lê Hữu Tuấn
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh
TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh
Verified
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android