Tê Đầu Ngón Tay

Cơ bản

Hiện tượng tê đầu ngón tay thường gặp khi bạn hoạt động tay liên tục hoặc duy trì tư thế tĩnh trong thời gian dài. Đôi khi, tình trạng này còn xảy ra khi mắc các bệnh lý ở cơ xương khớp gây chèn ép lên dây thần kinh và khiến các đầu ngón tay bị tê bì, châm chích, mất cảm giác.

Định nghĩa

Tê đầu ngón tay là hiện tượng tê bì, châm chích hoặc đôi khi còn có cảm giác ngứa ran xuất hiện ở đầu các ngón tay. Điều này khiến cho khu vực bị ảnh hưởng mất cảm giác hoặc phản xạ kém khi có tác động từ bên ngoài, chẳng hạn như không cảm nhận được nhiệt độ nóng, lạnh. Đôi khi, cảm giác tê bì còn lan rộng ra hết cả ngón hay bàn tay, thậm chí là cả cánh tay.

Nguyên nhân

Hiện tượng tê đầu ngón tay có thể do nguyên nhân cơ học hoặc sinh lý gây ra. Bao gồm:

  • Hoạt động ngón tay quá mức: Các cử động được lặp đi lặp lại ở ngón tay có thể khiến cho các cơ và dây thần kinh bị căng thẳng, từ đó gây tê đầu ngón tay. Nguyên nhân này thường xảy ra ở những người thường xuyên phải làm việc với máy tính, thợ may, công nhân đóng gói dây chuyền.
  • Thiếu chất: Thiếu vitamin B12 hoặc các khoáng chất như canxi, sắt, kali... có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng chuyển hóa chất dinh dưỡng và hoạt động của các dây thần kinh ở tay. Trong trường hợp này, người bệnh không chỉ bị tê bàn tay, tê các đầu ngón tay mà còn có thể bị tê bắp chân, bàn chân, suy giảm khả năng miễn dịch, mệt mỏi kéo dài và nhiều triệu chứng bất thường khác.
  • Thời tiết: Một số người thường bị tê các đầu ngón tay mỗi khi thời tiết chuyển mùa, thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh hoặc bị tê bì vào mùa đông. Lúc này, thời tiết lạnh sẽ khiến các mạch máu bị co lại làm ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu tới tay nên mới dẫn đến cảm giác tê buốt, khó chịu.
  • Hội chứng ống cổ tay: Căn bệnh này gây áp lực lên ống cổ tay và khiến các dây thần kinh bên trong ống chịu trách nhiệm dẫn truyền tín hiệu từ hệ thần kinh trung ương tới các ngón tay bị tổn thương. Hậu quả là các đầu ngón tay thường xuyên bị tê bì kèm theo cảm giác ngứa ran, yếu các cơ ở ngón và đôi khi đầu ngón tay còn có cảm giác như bị điện giật.
  • Tiểu đường: Người điều trị bệnh tiểu đường lâu năm thường xuyên phải đối mặt với tình trạng tê bì đầu ngón tay, tê cánh tay hay tê cả chi dưới. Nguyên nhân là do lượng đường trong máu tăng cao kéo dài gây tổn thương nghiêm trọng cho mạch máu và các dây thần kinh ở tay.
  • Các chấn thương ở tay: Các chấn thương ở ngón tay, bàn tay hay cổ tay có thể xảy ra khi lao động, chơi thể thao, tai nạn giao thông hay do bị té ngã... Tổn thương có thể ảnh hưởng đến cơ và dây thần kinh ngoại biên khiến cho đầu ngón tay bị tê.
  • Bệnh thần kinh ngoại biên: Bệnh khởi phát khi các dây thần kinh ngoại biên bị viêm nhiễm, tổn thương. Điều này sẽ gây rối loạn hoạt động truyền dẫn tín hiệu từ não bộ đến các chi khiến cho người bệnh bị tê bì, đau nhức, mất cảm giác ở đầu ngón tay.
  • Thoái hóa khớp cổ tay, ngón tay: Sự hao mòn của lớp sụn nằm giữa các khớp nhỏ của ngón tay hay c tay có thể dẫn đến bệnh thoái hóa khớp tay. Bệnh gây cứng khớp, khó vận động, sưng đau khớp và có thể kèm theo cảm giác tê bì ở đầu ngón tay.
  • Duy trì tư thế tĩnh ở tay quá lâu: Cánh tay, bàn tay bất động quá lâu có thể làm giảm lượng máu và oxy cung cấp, đồng thời gây căng thẳng cho các dây thần kinh. Nguyên nhân gây tê đầu ngón tay này thường gặp ở những người chạy xe liên tục trong nhiều giờ, gác tay lên trán khi ngủ hoặc nằm đè lên tay trong nhiều giờ...
  • Đau cơ xơ hóa: Căn bệnh này được đặc trưng bởi tình trạng đau nhức mãn tính ảnh hưởng đến hệ thống gân, cơ, dây chằng, thần kinh cũng như các tổ chức phần mềm. Cảm giác tê bì ở đầu ngón tay có thể xuất hiện khi các dây thần kinh bị tổn thương. Kèm theo đó là nhiều dấu hiệu bất thường khác như mất ngủ, đau nhức ngon tay, mệt mỏi, nhức đầu, cứng khớp ngón tay vào buổi sáng, sưng nề đầu chi...
  • Stress: Căng thẳng quá mức kéo dài có thể ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thần kinh và tuần hoàn máu. Hiện tượng này có thể gây cảm giác tê bì chân tay, nhất là ở đầu ngón tay.
  • Viêm khớp dạng thấp: Bệnh gây sưng viêm, đau nhức cho nhiều khớp xương và có tính chất đối xứng. Khi ảnh hưởng đến các khớp ngón tay, tổn thương có thể chèn ép vào dây thần kinh cảm giác khiến người bệnh bị tê ở đầu ngón tay. Bệnh có liên quan đến tình trạng rối loạn miễn dịch trong cơ thể nên khó điều trị dứt điểm.
  • Hội chứng mãn kinh ở nữ giới: Sự thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ mãn kinh không chỉ khiến phụ nữ thường xuyên bị bốc hỏa, khô âm đạo, rụng tóc, rối loạn giấc ngủ, suy giảm ham muốn tình dục mà còn làm tăng nguy cơ bị tê các đầu ngón tay và nhiều vấn đề khác về xương khớp.
  • Uống nhiều bia rượu: Lạm dụng thức uống chứa cồn sẽ gây tổn thương cho dây thần kinh. Tình trạng này có thể dẫn đến tê buốt chân tay, tê đầu ngón tay và các bệnh lý nghiêm trọng hơn.
  • Các nguyên nhân khác gây tê đầu ngón tay: Vận động không đúng tư thế, tổn thương thần kinh Ulnar, thoát vị đĩa đệm cổ, thoái hóa cột sống cổ, hội chứng Raynaud, chèn ép thần kinh trị, rối loạn lipid máu, đột quỵ, tác dụng phụ của thuốc tây, huyết áp thấp...

Khi nào đi khám bác sĩ?

Trong nhiều trường hợp, hiện tượng tê đầu ngón tay không phải là một tình trạng nghiêm trọng. Cảm giác tê bì chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn và có thể tự hết khi áp dụng một số mẹo tự nhiên, chẳng hạn như xoa bóp, ngâm tay vào nước ấm...

Tuy nhiên, triệu chứng tê đầu ngón tay đôi khi có thể kéo dài và là dấu hiệu cảnh báo một vấn đề y tế nghiêm trọng cần được xử lý, cấp cứu ngay, nhất là đột quỵ. Bạn nên tới bệnh viện khám ngay khi có các biểu hiện nghiêm trọng dưới đây:

  • Tê bì các đầu ngón tay kéo dài kèm theo tình trạng mất cảm giác, không thể cử động các ngón tay
  • Choáng váng, không giữ được thăng bằng
  • Phát âm, nói chuyện khó khăn
  • Rối loạn ý thức
  • Không kiểm soát được hoạt động đại tiểu tiện
  • Tê yếu toàn bộ các chi
  • Yếu sức...

Triệu chứng

Các triệu chứng khác có thể gặp khi bị tê đầu ngón tay bao gồm:

  • Đau ngón tay
  • Đầu ngón có cảm giác tê nhói như kim châm hoặc tê buốt
  • Khó cử động ngón tay, không thể cầm nắm đồ vật trong lúc bị tê
  • Co cơ, yếu cơ ở ngón bị ảnh hưởng hoặc toàn bộ cánh tay
  • Cơ thể mệt mỏi, choáng váng
  • Rối loạn nhận thức
  • Mất kiểm soát hoạt động ở ruột, bàng quang...

Phương pháp chẩn đoán

Tại phòng khám, bác sĩ chuyên khoa sẽ trao đổi với bạn về tình trạng tê các đầu ngón tay, khai thác bệnh sử chi tiết, các loại thuốc đang sử dụng hay nghề nghiệp để đưa ra những chẩn đoán sơ bộ về nguyên nhân gây bệnh. Ngoài ra, bạn sẽ được khám toàn thân và kiểm tra kỹ hơn các cử động từ vùng cánh tay cho đến bán tay và các ngón tay nhằm đánh giá chức năng vận động ở khu vực bị ảnh hưởng.

Một số xét nghiệm lâm sàng có thể được thực hiện để chẩn đoán nguyên nhân gây tê đầu ngón tay tiềm ẩn. Chẳng hạn như:

  • Xét nghiệm máu: Kiểm tra các yếu tố liên quan đến tình trạng thiếu vitamin B12, đái tháo đường, nhiễm trùng hay viêm khớp dạng thấp.
  • Xét nghiệm hình ảnh: Đôi khi, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện thêm các xét nghiệm hình ảnh như chụp X-quang, siêu âm, chụp CT, MRI... Chúng giúp phát hiện ra các bất thường ở xương cổ tay, ngón tay, xương cánh tay, khớp vai hay cột sống cổ.
  • Điện cơ đồ: Cho phép bác sĩ đánh giá được chức năng hoạt động của dây thần kinh cảm giác chi phối đến bàn tay và đánh giá được mức độ nghiêm trọng của chèn ép thần kinh.

Điều trị

Để khắc phục tê đầu ngón tay, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc, vật lý trị liệu hay phẫu thuật. Các phương pháp thường được lựa chọn bao gồm:

  • Điều trị bằng các thuốc không kê đơn có tác dụng giảm viêm đau và loại bỏ cảm giác khó chịu cho đầu ngón tay. Thường được sử dụng là nhóm thuốc kháng viêm không steroid ( NSAID).
  • Bổ sung vitamin nhóm B hoặc dùng thuốc nucleo CMP ở dạng viêm hoặc dạng tiêm giúp làm tăng dẫn truyền thần kinh, khắc phục tình trạng tê bì và khôi phục cảm giác cho đầu ngón tay.
  • Thuốc corticoid được chỉ định cho một số bệnh nhân có biểu hiện viêm khớp hay viêm gân gấp trong ống cổ tay. Thuốc được tiêm tại chỗ hoặc sử dụng theo đường uống.
  • Đối với những bệnh nhân thường xuyên phải cử động cổ tay, bác sĩ có thể đề nghị đeo nẹp cố định cổ tay hay khuỷu tay để hạn chế tác động lên vùng bị tổn thương, giảm áp lực cho dây thần kinh.
  • Tập vật lý trị liệu có thể giúp giảm tê đầu ngón tay, xoa dịu cơn đau nhức khó chịu, giải phóng áp lực chèn ép lên dây thần kinh chi phối cảm giác ở tay, đồng thời phục hồi chức năng hoạt động cho vùng bị ảnh hưởng.
  • Phẫu thuật là sự lựa chọn sau cùng để điều trị cho người bị tê đầu ngón tay khi tất cả các phương pháp khác không mang lại hiệu quả. Ca mổ được tiến hành nhằm mục đích giảm chèn ép cho dây thần kinh hoặc điều trị các bệnh lý liên quan như hội chứng ống cổ tay, thoát vị địa đệm...

Phòng tránh

Để khắc phục tình trạng tê đầu ngón tay, ngoài việc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ bạn có thể áp dụng các mẹo dưới đây:

  • Xoa bóp nhẹ nhẹ cho các ngón tay, bàn tay và vùng cánh tay. Thông thường, sau khi xoa bóp khoảng 5 - 10 phút, cảm giác tê ở đầu ngón tay sẽ giảm rõ rệt.
  • Áp dụng liệu pháp nhiệt với các phương pháp như ngâm tay vào nước ấm, chườm nóng hay tắm nước ấm. Dưới tác động của nhiệt độ, các mạch máu sẽ được giãn nở rộng, giúp bơm máu đến các ngón tay nhiều hơn nên có thể giúp cải thiện nhanh tình trạng tê đầu ngón tay.
  • Tăng cường sử dụng các thực phẩm giàu vitamin nhóm B, vitamin E, sắt và các loại khoáng tố có thể giúp cải thiện tình trạng tê bì ở đầu ngón tay cho các trường hợp ăn uống thiếu chất.
  • Tránh các tư thế xấu trong sinh hoạt hàng ngày như nằm đè lên tay, sử dụng ngón tay liên tục trong nhiều giờ hoặc đưa tay lên cao quá lâu.
  • Tránh duy trì các tư thế tĩnh quá lâu làm ảnh hưởng đến quá trình tuần hoàn máu.
  • Trường hợp làm việc phải sử dụng đôi tay nhiều, thỉnh thoảng bạn nên dành ra vài phút xoa bóp tay để tay được nghỉ ngơi, thư giãn.
  • Không hút thuốc lá
  • Hạn chế uống bia rượu
  • Tránh để thần kinh bị căng thẳng quá mức
  • Giữ ấm cơ thể, nhất là vùng tay khi trời lạnh.
  • Tăng cường các hoạt động thể chất và thực hành một số bài tập tay để cải thiện sức mạnh cho các cơ, đồng thời ổn định lưu thông máu, giúp ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị tê đầu ngón tay hiệu quả hơn.

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android