Tê Ngón Tay Út

Cơ bản

Tê ngón tay út khiến bạn cảm thấy rất khó chịu, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và năng suất lao động hàng ngày. Tình trạng này có thể xảy ra do một số nguyên nhân như dây thần kinh bị chèn ép, mắc bệnh lý có liên quan, tác dụng phụ của thuốc Tây,… Để quá trình điều trị có thể mang lại hiệu quả tốt nhất, bạn cần thăm khám chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân và được tư vấn phương pháp chữa trị phù hợp.

Định nghĩa

Tê ngón tay út là tình trạng mà rất nhiều người gặp phải. Dựa vào nguyên nhân gây tê bì mà người bệnh sẽ có các cảm giác khác nhau. Có thể là châm chích như kim châm, bỏng rát hoặc đau như côn trùng cắn,… Thông thường, tình trạng tê ngón tay út sẽ xảy ra đi kèm với tình trạng mất cảm giác và yếu ngón tay.

Nguyên nhân gây tê ngón tay út phổ biến nhất là do chấn thương khiến dây thần kinh bị tổn thương hoặc bị chèn ép quá mức. Nhiều trường hợp sẽ khởi phát bệnh do ăn uống thiếu dưỡng chất hoặc do tác dụng phụ của thuốc Tây y. Nhưng nếu tình trạng này diễn ra kéo dài thì có thể là do bệnh lý tiềm ẩn. Cụ thể là:

+ Tắc nghẽn mạch máu: Bệnh lý này khiến cho quá trình lưu thông máu bên trong cơ thể bị rối loạn và gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe nguy hiểm khác. Các triệu chứng của bệnh tắc nghẽn mạch máu sẽ trở nên nghiêm trọng hơn vào những ngày trời chuyển lạnh hoặc vào mùa đông.

+ Thoái hóa cột sống: Thoái hóa cột sống khi chuyển biến nặng sẽ khiến hệ xương khớp và hệ thần kinh bên trong cơ thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một số triệu chứng có thể gặp khi bị thoái hóa cột sống là khả năng vận động kém dần, dây thần kinh tổn thương do bị chèn ép quá mức,… Lúc này, người bệnh sẽ đối mặt với tình trạng tê mỏi ở ngón tay út cùng với nhiều vị trí khác trên cơ thể.

+ Viêm khớp dạng thấp: Tê nhức ngón tay cũng là một trong những triệu chứng đặc trưng của bệnh viêm khớp dạng thấp. Ngoài ra, người bệnh còn phải đối mặt với một số triệu chứng đi kèm khác như nóng rát, ngứa ran,… Đây là bệnh lý cần được điều trị và kiểm soát tốt để tránh các biến chứng nguy hiểm.

+ Đau cơ xơ hóa: Đặc trưng của bệnh lý này là gây ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống cơ xương trên cơ thể. Một số triệu chứng có thể gặp khi bị đau cơ xơ hóa là đau nhức cục bộ, tê bì ở ngón tay hoặc cổ vai,… Tình trạng thường khởi phát sau khi tay chân bị chấn thương hoặc quá lạm dụng các cơ quan này. Tuy nhiên, tê ngón tay do đau cơ xơ hóa chỉ diễn ra ở mức độ cấp tính và có thể cải thiện bằng các biện pháp đơn giản. Nhưng nếu bệnh đau cơ xơ hóa đã chuyển biến sang giai đoạn mãn tính sẽ gây đau nhức toàn thân, khiến việc chẩn đoán và điều trị trở nên khó khăn hơn.

+ Hội chứng kênh Guyon: Hội chứng này xảy ra khi dây thần kinh trụ ở ống cổ tay bị chèn ép quá mức. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra hội chứng này như chấn thương, dị tật ở cổ tay, lạm dụng cổ tay, xuất hiện khối u ở cổ tay,… Khi mắc phải hội chứng này, người bệnh sẽ có triệu chứng ngứa ran và châm chích ở ngón út hoặc áp út. Khi bạn vận động sẽ gây ra tình trạng tê rát hoặc đau nhức.

+ Bệnh thần kinh ngoại biên: Đặc trưng của bệnh lý này là gây tổn thương tại các dây thần kinh ngoại vi. Điều này đã khiến cho chức năng dẫn truyền thông tin từ các cơ quan trên cơ thể về thần kinh trung ương và ngược lại gặp vấn đề. Thông thường, bệnh lý này chỉ gây ảnh hưởng đến dây thần kinh phân bố ở bàn tay và bàn chân. Các triệu chứng đặc trưng của bệnh lý này là tê bì tay chân (kể cả ngón tay và bàn tay), ngứa ran hoặc đau nhức. Bị bệnh tiểu đường, lạm dụng rượu bia, người cao tuổi,… là những đối tượng rất dễ mắc bệnh lý về thần kinh ngoại biên.

+ Dây thần kinh trụ ở khuỷu tay bị chèn ép: Dây thần kinh trụ nằm ở bên dưới bề mặt da và gần với khuỷu tay. Khi dây thần kinh trụ bị chèn ép quá mức cũng sẽ gây ra triệu chứng tê ngón tay út. Tình trạng này thường khởi phát khi bạn tác động mạnh lên khuỷu tay, đặt khuỷu tay lên bề mặt cứng trong thời gian dài, gối đầu lên tay khi ngủ,…

Chăm sóc tại nhà

Phương pháp điều trị tê ngón tay út còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh cũng như mức độ tổn thương mà người bệnh đang gặp phải. Dưới đây là các phương pháp điều trị được áp dụng phổ biến hiện nay bạn có thể tham khảo:

1. Dùng vòng nẹp tay

Khi bị tê ngón tay út, bạn nên dành thời gian để nghỉ ngơi giúp thư giãn khuỷu tay, hạn chế gây kích thích đến khu vực bị tổn thương và giúp quá trình điều trị nhanh mang lại hiệu quả. Nếu có tính chất công việc phải sử dụng máy tính thường xuyên thì việc hạn chế hoạt động khuỷu tay là không thể được.

Để ngăn ngừa tổn thương tiếp tục diễn ra, bạn nên sử dụng nẹp tay để giảm các vận động không cần thiết. Đồng thời, nẹp còn có tác dụng ngừa khuỷu tay bị cong khi ngủ, hạn chế tác động không tốt lên các rễ thần kinh đang tổn thương, mang lại hiệu quả giảm tê bì ở ngón tay út.

2. Uống thuốc chống viêm

Khi bị tê ngón tay út ở mức độ nhẹ, bạn có thể sử dụng thuốc chống viêm không kê đơn để cải thiện. Tuy nhiên, bạn chỉ nên dùng thuốc khi thực sự cần thiết. Nếu quá lạm dụng có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn như đau đầu, chóng mặt, buồn ngủ, khó tiêu, kích ứng dạ dày,…

Để đảm bảo an toàn, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng hoặc tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi dùng. Tuyệt đối không tự ý dùng quá liều lượng quy định hoặc sử dụng thuốc kéo dài khi không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

3. Chườm đá

Chườm đá có tác dụng làm co mạch, giảm lượng máu lưu thông đến tay. Cách này thường được áp dụng để cải thiện triệu chứng viêm sưng hoặc đau nhức ở khớp và gân. Ngoài ra, chườm đá còn ức chế hoạt động của rễ thần kinh, ngăn chặn dẫn truyền tín hiệu tê đau về trung ương thần kinh. Từ đó, triệu chứng tê ngón tay út sẽ được cải thiện một cách đáng kể.

Bạn có thể tiến hành chườm lạnh để cải thiện triệu chứng tê ngón tay út theo hướng dẫn bên dưới đây:

  • Cho vài viên đá lạnh vào một cái khăn mỏng, bọc kín lại rồi dùng để chườm trực tiếp lên ngón tay út.
  • Thực hiện từ 10 – 15 phút bạn sẽ thấy triệu chứng tê ngón tay út được cải thiện đáng kể.

Tuyệt đối không được chườm lạnh giảm tê ngón tay út do rối loạn cảm giác ở những người bị tiểu đường, thần kinh bị rối loạn hoặc giảm độ nhạy cảm, những người có tuần hoàn máu kém.

4. Kéo giãn tay

Trong ngày, bàn tay và ngón tay của chúng ta phải hoạt động rất nhiều nên dễ bị tổn thương và gây ra các triệu chứng như tê bì, cứng, yếu,… Vì thế, bạn nên thực hiện động tác kéo giãn tay mỗi ngày giúp cải thiện sức mạnh của cơ quan này, ngăn ngừa các tổn thương không mong muốn và tăng độ linh hoạt của ngón tay. Một số động tác kéo giãn tay đơn giản bạn có thể tự áp dụng tại nhà là:

+ Xòe ngón tay

  • Chụm các đầu ngón tay lại với nhau rồi dùng dây thun hoặc dây buộc tóc cố định lại.
  • Từ từ mở các ngón tay ra giúp làm căng dây thun hết mức có thể rồi trở về vị trí ban đầu.
  • Lặp lại động tác này khoảng 10 lần trong một hiệp tập là được.

+ Căng ngón tay

  • Đặt bàn tay có ngón út bị tê bì lên mặt bàn sao cho lòng bàn tay áp sát với mặt bàn và căng các ngón tay ra hết mức có thể.
  • Tay còn lại nắm lấy ngón tay bị ảnh hưởng kéo ngược lên trên, chú ý chỉ nên kéo với lực vừa phải để tránh gây ảnh hưởng đến các ngón tay còn lại.
  • Giữ yên như vậy trong khoảng 10 giây rồi đưa ngón tay trở về vị trí ban đầu. Thực hiện khoảng 10 lần cho mỗi ngón tay và lặp lại 3 lần trong một hiệp tập là được.

5. Phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp điều trị được áp dụng cuối cùng khi mà tất cả các phương pháp trị bệnh khác đều không mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp bị tê ngón tay út đều đáp ứng tốt với phương pháp điều trị nội khoa nên không cần phải phẫu thuật.

Với những trường hợp bị tê ngón tay út kéo dài trên 6 tuần và khởi phát do các nguyên nhân nghiêm trọng thì sẽ được chỉ định thực hiện phẫu thuật để tránh các rủi ro không mong muốn. Thời gian cần thiết để phục hồi hoàn toàn sau phẫu thuật là từ 6 – 12 tháng. Các liệu pháp phẫu thuật thường được áp dụng là:

  • Cắt dây chằng gây chèn ép lên dây thần kinh
  • Hút dịch lỏng từ u nang hạch để giảm áp lực lên thần kinh

Sau phẫu thuật người bệnh cần tiến hành chăm sóc đúng cách giúp đẩy nhanh tốc độ phục hồi tổn thương, hạn chế gây áp lực lên cổ tay cho đến khi khỏi hoàn toàn. Điều này sẽ giúp bạn phòng ngừa được một số biến chứng không mong muốn sau phẫu thuật. Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên tiến hành tái khám định kỳ theo lịch hẹn giúp kiểm tra tốc độ phục hồi vết thương sau mổ.

Câu hỏi thường gặp

Tê ngón tay út có nguy hiểm không?

Bác sĩ chuyên khoa cho biết, tê ngón tay út là tình trạng không phổ biến nhưng có thể xảy ra ở bất kỳ ai. Nếu bị tê ngón tay do xuất hiện cục máu đông hoặc tổn thương mạch máu thì rất nguy hiểm, điều này sẽ làm giảm lưu lượng máu lưu thông về não và làm gia tăng nguy cơ đột quỵ. Khi có các dấu hiệu của đột quỵ bạn cần nhanh chóng đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời. Các dấu hiệu đó là:

  • Ngứa ran, tê đột ngột ở chi hoặc một bên cơ thể
  • Khó nói hoặc không hiểu người ta đang nói gì
  • Gặp vấn đề về tầm nhìn
  • Đau đầu, khó đi lại

Đồng thời, người bệnh cũng cần nhanh chóng đến bệnh viện nếu bị tê ngón tay út kèm theo các triệu chứng sau đây:

  • Khó thở, đau tức ngực, nói lắp
  • Cảm giác lâng lâng, đau đầu và mệt mỏi
  • Chóng mặt hoặc choáng váng
  • Không thể nâng nhấc cánh tay

Chẩn đoán

Để có thể đưa ra chẩn đoán chính xác về tình trạng tê ngón tay út mà bạn đang mắc phải, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra triệu chứng lâm sàng ở các cơ quan có liên quan như ngón tay, bàn tay và cánh tay. Nếu nghi ngờ bị tê ngón tay út do tổn thương dây thần kinh, bác sĩ sẽ yêu cầu tiến hành kiểm tra chức năng thần kinh. Ngoài ra, bác sĩ còn chỉ định bạn thực hiện thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết khác như:

  • Chụp X-quang hoặc MRI ở vùng cổ, vai, cánh tay và ngón tay
  • Xét nghiệm máu giúp phát hiện bệnh viêm khớp dạng thấp hoặc thiếu vitamin B12

Sau khi đã có chẩn đoán chính xác về vấn đề sức khỏe mà bạn đang mắc phải, bác sĩ sẽ dựa vào đó để lên phác đồ điều trị phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Lúc này, người bệnh cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn điều trị mà bác sĩ chuyên khoa đã đưa ra, giúp nhanh chóng kiểm soát triệu chứng của bệnh và phòng ngừa biến chứng không mong muốn.

Phòng ngừa

Tình trạng tê ngón tay út cũng có thể xảy ra do căng thẳng, chấn thương hoặc lạm dụng tay quá mức. Ở những trường hợp này bạn có thể phòng ngừa bằng các biện pháp sau đây:

  • Hạn chế thực hiện các động tác ở khớp ngón tay trong thời gian dài như gõ phím, cầm nắm, lái xe,… Nên có thời gian nghỉ ngơi giúp khớp ngón tay được thư giãn.
  • Dành thời gian thực hiện một số bài tập có tác dụng cải thiện độ linh hoạt và khỏe mạnh của tay, được áp dụng phổ biến nhất là nâng tạ nhẹ. Ngoài ra, bạn cũng nên tập luyện thể dục thể thao ít nhất 3 ngày mỗi tuần và mỗi lần kéo dài khoảng 30 phút giúp hỗ trợ lưu thông máu đi khắp cơ thể.
  • Cần giữ đúng tư thế khi làm việc, đặc biệt là những trường hợp phải làm việc với máy tính thường xuyên. Nên đặt khuỷu tay sao cho phù hợp và thoải mái nhất cơ thể, tránh tình trạng căng thẳng quá mức.
  • Tiến hành kéo giãn cơ thể bằng cách nâng tay cao hơn đầu, vươn vai hoặc kéo cánh tay ra sau. Cách này giúp thả lỏng các cơ gân và rễ thần kinh đang bị căng thẳng, kích thích tuần hoàn máu diễn ra bên trong cơ thể.
  • Nên dành từ 5 – 10 phút mỗi ngày để thực hiện các biện pháp giảm căng thẳng sau ngày dài làm việc. Ví dụ như thiền định, nghe nhạc, đọc sách,… Đây cũng là một trong những cách phòng ngừa chứng tê ngón tay út khá hiệu quả.
  • Chế độ ăn uống cần bổ sung đầy đủ các nhóm dưỡng chất cần thiết cho cơ thể như canxi, vitamin, magie,… Nên tăng cường bổ sung rau xanh và trái cây tươi vào trong thực đơn ăn uống hàng ngày.

Bài viết trên đây là tổng hợp những thông tin cần biết về tình trạng tê ngón tay út bạn có thể tham khảo để hiểu rõ hơn. Tê ngón tay út có thể khởi phát do nhiều nguyên nhân khác nhau. Khi gặp phải tình trạng này, bạn cần thăm khám chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân và được hướng dẫn điều trị đúng cách. Không tự ý dùng thuốc tại nhà để tránh phát sinh rủi ro không mong muốn.

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android