12 Loại Thảo Dược Chữa Bệnh Gút Hiệu Quả, Dễ Kiếm
Các loại thảo dược chữa bệnh gút như lá lốt, gừng, lá sa kê cây bồ công anh hay tía tô đều khá dễ kiếm và đang được sử dụng rộng rãi trong dân gian. Tuy nhiên, bạn cần sử dụng các bài thuốc này đúng cách để đạt được hiệu quả tối ưu.
12 thảo dược chữa bệnh gút dễ kiếm
Sự gia tăng nồng độ axit uric trong máu chính là nguyên nhân dẫn tới bệnh gút ( hay còn gọi là bệnh gout). Chất này được sản sinh khi cơ thể thường xuyên dung nạp các thực phẩm chứa purin nhưng không được chuyển hóa hiệu quả. Axit uric sẽ tích tụ thành tinh thế muối tích tụ xung quanh khớp và khiến cho khớp bị sưng viêm, đau nhức dữ dội, khó vận động.
Để chữa bệnh gút, dân gian thường sử dụng 12 loại thảo dược dưới đây:
1. Cây bồ công anh chữa bệnh gút
Cây bồ công anh là thảo dược mọc hoang, thường được tìm thấy ở các khu đất trống. Cây có khả năng làm giảm nồng độ axit uric trong máu cho bệnh nhân bị gút thông qua việc cung cấp nguồn chất xơ phong phú cho cơ thể. Khi sử dụng, chất này có tác dụng tăng cường chức năng chuyển hóa purin, tiêu độc và giúp cơ thể đào thải axit uric ra ngoài hiệu quả hơn.
Ngoài ra, bồ công anh còn cung cấp protid, glucid, carotene, vitamin C và nhiều hợp chất khác. Chúng có tác dụng kháng viêm, giảm sưng đau khớp, tăng cường khả năng miễn dịch và thúc đẩy quá trình chữa lành tổn thương ở khớp bị bệnh.
Bộ phận được thu hái làm thuốc chữa bệnh gút là rễ và lá cây bồ công anh. Chúng được sử dụng phổ biến theo các hình thức đắp ngoài hoặc sắc uống.
Bài 1: Thuốc sắc uống
- Thành phần: 12g bồ công anh
- Cách sử dụng: Đem dược liệu rửa với nhiều lần nước cho sạch đất cát. Sau đó sắc bồ công anh với 5 bát nước cho cạn còn 2 bát. Mỗi ngày sắc 1 thang chia làm 2 lần uống, dùng thuốc khi còn ấm để đạt được hiệu quả giảm đau tốt hơn.
Bài 2: Thuốc chườm đắp
- Thành phần: 1 nắm rễ bồ công anh, một ít muối ăn
- Cách sử dụng: Rửa sạch rễ bồ công anh. Bỏ dược liệu vào cối giã nát với muối. Đắp trực tiếp lên khớp cần điều trị trong 30 phút.
2. Lá tía tô chữa bệnh gút
Trong số các loại thảo dược chữa bệnh gút, lá tía tô được nhiều bệnh nhân đánh giá cao. Sử dụng dược liệu đúng cách mang đến nhiều lợi ích cho người bị gút như:
- Tính ấm cùng các hoạt chất có trong lá tía tô giúp làm giãn nở mạch máu, tăng cường tuần hoàn máu qua khớp bị bệnh để tổn thương nhanh được chữa lành.
- Hoạt chất xanthine oxidase trong lá tía tô giúp ngăn chặn sự tích tụ axit uric. Trong khi đó, thành phần lutein lại có tác dụng lợi tiểu, giảm đau, tăng khả năng đào thải axit uric tại thận.
- Ngoài ra, lá tía tô còn cung cấp vitamin A, C, sắt, canxi. Chúng giúp giảm sưng đau khớp, cải thiện hệ miễn dịch và kích thích tái tạo tổn thương tại khớp.
Bài 1: Uống nước ép lá tía tô
- Chuẩn bị: 1 nắm lá tía tô tươi
- Cách dùng: Rửa sạch lá với nước muối. Sau đó bỏ lá tía tô vào máy xay cùng 1 ly nước đun sôi để nguội. Lọc lấy nước cốt uống 1 hoặc 2 lần cho hết.
Bài 2: Thuốc sắc
- Chuẩn bị: 1 bó tía tô, dùng cả lá và thân
- Cách dùng: Dược liệu đem rửa cho sạch sẽ rồi bỏ vào ấm sắc với 500ml nước. Đun sôi cho ấm thuốc cạn còn 300ml thì tắt bếp. Gạn thuốc thay trà hàng ngày để khớp bớt đau nhức, sưng viêm.
Bài 3: Thuốc đắp tại chỗ
- Chuẩn bị: Lá và ngọn non cây tía tô lượng vừa đủ, một ít muối tinh.
- Cách dùng: Rửa sạch nguyên liệu đã chuẩn bị và ngâm trong nước muối loãng 15 phút. Sau đó đem thuốc giã nát với muối và đắp bên ngoài khớp bị gút. Thực hiện mỗi ngày 2 lần, mỗi lần đắp từ 20 – 30 phút.
3. Cây vối – Thảo dược trị bệnh gút dễ kiếm
Nồng độ axit uric trong máu tăng cao là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh gút. Lá vối với đặc tính lợi tiểu tự nhiên có thể giúp tăng cường đào thải axit uric ra ngoài theo đường tiết niệu. Cùng với đó, thành phần Flavonoid, tanin cùng các vitamin và khoáng chất được tìm thấy trong lá vối còn có tác dụng tiêu viêm, giảm sưng đau khớp, đẩy mạnh quá trình trao đổi chất trong cơ thể để khớp bị tổn thương nhanh được chữa lành.
Lá vối rất dễ kiếm. Cây được nhiều hộ gia đình trồng trước nhà hoặc trong chậu để lấy bóng mát. Lá và nụ để làm trà hoặc bào chế thuốc chữa trị bệnh gút cùng nhiều vấn đề khác về sức khỏe như viêm đại tràng, đau bụng, tiêu lỏng, ngứa da… Đặc biệt, thảo dược này chứa lượng purin không đáng kể nên giúp bệnh nhân tránh được tình trạng tăng axit uric trong máu khi sử dụng lâu dài.
Bài 1: Thuốc sắc từ lá vôi tươi
- Chuẩn bị: 5 lá tươi
- Cách dùng: Rửa sạch lá, vò nhẹ cho hơi nát để khi nấu, các hoạt chất trong lá vối dễ dàng hòa tan vào trong nước. Sắc lá chung với 800ml nước và đun sôi khoảng 7 – 10 phút. Gạn thuốc sắc uống vài lần trong ngày.
Bài 2: Trà lá vối khô
- Chuẩn bị: Lá vối khô số lượng lớn để dùng lâu dài
- Cách sử dụng: Bạn lấy 3 – 4 cái lá vối khô, rửa sạch rồi bỏ vào ấm. Thêm nước sôi vào ủ cho đến khi nước chuyển qua màu vàng. Rót uống 2 – 3 tách trong ngày để cải thiện các triệu chứng của bệnh gout cấp và mãn tính.
4. Bài thuốc thảo dược trị bệnh gút từ cây sói rừng
Cây sói rừng còn có tên gọi khác là sói láng hay thảo san hô… Cây có nguồn gốc từ các nước Đông Nam Á và thường phát triển mạnh tại các vùng bìa rừng của Việt Nam.
Phân tích thành phần hóa học của cây sói rừng cho thấy, thảo dược này có chứa hàm lượng cao flavonoid – một chất chống oxy hóa có khả năng ức chế phản ứng viêm, giảm hiện tượng sưng phù, đau nhức tại khớp. Y học cổ truyền cũng ghi nhận, cây sói rừng là dược liệu có vị cay, tính bình giúp tiêu thũng (kháng viêm), chỉ thống (giảm đau), kháng khuẩn, tăng cường hệ thống miễn dịch, ngăn ngừa nhiễm trùng khớp.
Với những tác dụng tuyệt vời trên, cây sói rừng được người dân tin dùng làm thuốc chữa bệnh gút, viêm khớp và nhiều vấn đề khác về sức khỏe. Người bệnh có thể sử dụng rễ cây ở dạng tươi hay phơi khô làm thuốc chữa bệnh gút.
Chuẩn bị:
- 15 – 30g rễ cây
- Ấm sắc thuốc
Cách dùng thuốc:
- Rửa dược liệu cho sạch sẽ rồi bỏ vào ấm
- Đổ thêm 1 lít nước và đun sôi ấm thuốc trong 20 phút
- Uống thuốc khi còn ấm, mỗi ngày 1 thang đến khi các triệu chứng bệnh gút chấm dứt hẳn.
5. Chữa bệnh gút bằng cây nở ngày đất
Tiếp theo trong danh sách các thảo dược chữa bệnh gút thông dụng đó chính là cây nở ngày đất. Một số nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra những tác dụng tuyệt vời của cây nở ngày đất đối với sức khỏe, đặc biệt là với các trường hợp đang bị bệnh gút.
Trong cây nở ngày đất chứa các thành phần quan trọng là saponines cùng flavonoides. Chúng có tác dụng tích cực trong việc giảm đau nhức xương khớp, giúp khớp bị gút bớt sưng đau. Cây thường mọc hoang ở ven đường đi hay các khu đất trống và được người dân thu hái về làm thuốc chữa bệnh gút. Bộ phận sử dụng bao gồm cả rễ, thân, lá.
Chuẩn bị:
- 30 – 70g cây nở ngày đất
Cách dùng thuốc:
- Trước tiên, bạn đem cây rửa dưới vòi nước cho sạch hết đất cát, bụi bẩn
- Bỏ tất cả vào trong ấm, đổ ngập nước rồi đun sôi kỹ trong thời gian khoảng 10 phút
- Lọc lấy thuốc sắc, bỏ bã. Chờ cho thuốc nguội thì chia uống vài lần.
6. Trị bệnh gút với bài thuốc từ lá trầu không
Lá trầu không ngoài việc dùng kèm với quả cau còn được sử dụng như một vị thuốc chữa bệnh. Thảo dược này có tác dụng chữa viêm da cơ địa, vảy nến, á sừng, nổi mề đay và cả bệnh gút.
Sở dĩ, lá trầu không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh gút vì những lý do sau:
- Trong lá cây chứa nhiều tinh dầu, chủ yếu gồm các hoạt chất như Chavibetol và chavicol. Chúng có tác dụng làm giảm axit uric, tăng cường chức năng chuyển hóa các chất trong cơ thể.
- Một số thành phần trong lá còn hoạt động như một loại thuốc kháng sinh, giúp diệt khuẩn, tiêu viêm, xoa dịu cảm giác đau nhức dữ dội tại khớp.
Bài 1: Kết hợp lá trầu không với nước dừa
- Chuẩn bị: 100g lá trầu, 1 quả dừa
- Cách sử dụng: Lá trầu rửa sạch, thái nhỏ. Quả dừa dùng dao chặt hở một đầu rồi gạn bớt nước bên trong. Nhét hết lá trầu vào trong quả, để 20 phút sau hãy gạn nước ra uống. Bạn nên dùng nước dừa lá trầu sau khi ngủ dậy, chờ đến khi tiểu tiện mới ăn sáng. Áp dụng khoảng 1 tuần liên tục để giảm axit uric và cải thiện các triệu chứng của bệnh gút.
Bài 2: Thuốc đắp từ lá trầu
- Chuẩn bị: 1 nắm lá trầu, 1/2 thìa muối ăn
- Cách sử dụng: Bạn đem lá trầu rửa sạch rồi thái nhỏ. Bỏ lá vào cối giã nát với muối. Đảo đều hỗn hợp rồi đắp lên khớp bị gút khoảng 20 phút có tác dụng giảm sưng đau khớp.
7. Điều trị bệnh gút bằng cây trạch tả
Cây trạch tả được sử dụng làm thuốc trị bệnh trong Đông y với tên gọi khác là mã đề nước. Với tác dụng lợi tiểu mạnh, thảo dược này giúp tăng cường đào thải độc tố, axit uric và các chất cặn bã ra khỏi cơ thể, qua đó làm giảm nồng độ axit uric trong máu và cải thiện các triệu chứng của bệnh gút.
Bên cạnh đó, các hoạt chất choline, Alismol có trong cây trạch tả cũng góp phần thúc đẩy quá trình chuyển hóa purin, ngăn chặn sự tích tụ của axit uric, giúp kiểm soát tốt bệnh gút.
- Bài 1: Dùng cây trạch tả tươi rửa sạch, thái nhỏ. Đem nấu với lượng gạo vừa đủ thành cháo ăn. Sử dụng món ăn chữa bệnh gout này hàng ngày trong các giai đoạn cấp tính.
- Bài 2: Trạch tả phơi khô, bảo quản nơi thoáng mát. Dùng hãm với nước sôi làm trà uống hàng ngày để chữa bệnh gút.
8. Lá lốt chữa bệnh gút
Lá lốt là thảo dược chữa bệnh gút sẵn có trong vườn nhà của nhiều gia đình nên được sử dụng phổ biến hơn so với những cây thuốc khác. Với tính ấm tự nhiên, thảo dược này có khả năng trừ lạnh, giữ ấm khớp, giảm đau, tiêu sưng, kích thích lưu thống máu đến xương khớp để tổn thương do gút gây ra nhanh được chữa lành.
Cùng với đó, thành phần flavonoid hay ancaloid được tìm thấy nhiều trong lá lốt còn phát huy tác dụng chống viêm khớp, tiêu diệt các tác nhân có hại cho khớp nhờ tác dụng chống oxy hóa mạnh.
Bài 1: Thuốc sắc uống
- Thành phần: 15 – 30g lá tươi ( tương đương 10 – 15g dược liệu khô)
- Cách sử dụng: Rửa sạch nguyên liệu thuốc rồi đem sắc với 1 lít nước. Chờ cho nước trong ấm cạn còn 1/2 thì tắt bếp. Gạn thuốc sắc uống 2 – 3 lần trong ngày.
Bài 2: Thuốc ngâm trị gút
- Thành phần: 30g lá lốt, 5g muối
- Cách dùng: Bỏ lá vào nồi nấu với 1 lít nước. Đun sôi khoảng 5 phút rồi mới bỏ muối vào, quậy tan. Đổ nước vừa nấu ra chậu, để nguội còn khoảng 45 độ thì nhúng chân hoặc tay vào ngâm. Áp dụng mỗi tối trước khi đi ngủ để giảm bớt cảm giác đau vào ban đêm, giúp bạn ngủ ngon giấc hơn.
9. Bài thuốc thảo dược chữa bệnh gút từ hy thiêm thảo
Hy thiêm thảo (cây chó đẻ hoa vàng) là thảo dược dân gian khá quen thuộc, có tác dụng trị viêm mũi dị ứng, viêm xoang, bệnh ngoài da hay bệnh gút. Cây có khả năng làm giảm nồng độ axit uric trong máu nhờ chứa các thành phần như Dimethylquercetin hay Alkaloid. Sử dụng cây hy thiêm thảo đúng cách sẽ giúp đẩy lùi các triệu chứng của bệnh gút một cách tự nhiên, giảm thiểu sự lệ thuộc vào thuốc tây.
Chuẩn bị:
- Hy thiêm thảo tươi, dùng cả cây
Cách sử dụng:
- Rửa dược liệu cho sạch đất cát
- Cắt thành khúc ngắn, đem phơi hoặc sấy khô. Bảo quản trong hũ hay túi ni lông sử dụng lâu dài.
- Mỗi ngày, bạn lấy 1 nắm nhỏ đem sao vàng. Bỏ vào ấm sắc với 500ml nước, đun sôi khoảng 15 phút.
- Lọc bỏ bã, lấy thuốc sắc chia uống sau các bữa ăn sáng, trưa và tối khoảng 30 phút.
10. Ngải cứu – thảo dược trị bệnh gút hiệu quả
Nhắc đến các thảo dược chữa bệnh gút hiệu quả, dễ kiếm chúng ta cần đề cập đến ngải cứu. Cây nổi tiếng với tác dụng điều trị các bệnh lý về xương khớp như viêm khớp, thoái hóa khớp, gai cột sống hay bệnh gút.
Thành phần xanthine oxydase được tìm thấy trong cây ngải cứu chính là phương thuốc hạ axit uric tự nhiên, an toàn cho cơ thể. Chất này giúp ngăn chặn quá trình tổng hợp và tích tụ axit uric tại khớp. Đặc biệt, tinh dầu lá ngải cứu còn chứa các chất có khả năng tiêu viêm, giảm đau, an thần, giúp hỗ trợ kiểm soát tốt các triệu chứng của bệnh, giảm nguy cơ gặp biến chứng khi bị gút.
Bài 1: Thuốc đắp ngoài độc vị
- Chuẩn bị: 1 nắm lá ngải cứu tươi, phèn chua
- Cách sử dụng: Đem lá rửa kỹ với nước cho sạch rồi đem sao nóng chung với một ít bột phèn chua. Đắp hỗn hợp thuốc vào khớp bị bệnh trong khoảng 30 phút.
Bài 2: Ngải cứu kết hợp với các thảo dược khác
- Thành phần: 60g ngải cứu, 109 củ hành ta, 15g hầu khương tươi, 1/2 bát nước gừng.
- Cách dùng: Giã nát tất cả các dược liệu chung với nhau. Thêm nước gừng vào trộn đều rồi đắp lên khớp cần điều trị mỗi ngày 1 lần.
11. Mẹo chữa bệnh gút bằng gừng
Nhiều bệnh nhân đang sử dụng gừng để chữa bệnh gút tại nhà. Thảo dược này có đặc tính chống viêm, giảm đau nhờ chứa các thành phần như zingeron hay shogaol. Không chỉ giúp giảm sưng đau khớp, chúng còn có tác dụng tăng cường tuần hoàn máu đến khớp, giúp tổn thương ở sụn và đầu xương nhanh được tái tạo.
Để trị bệnh gút, bạn có thể uống 2 – 3 tách trà gừng mỗi ngày. Ngoài ra, gừng còn được sử dụng theo những cách khác như:
Cách 1: Chườm nóng
- Chuẩn bị: 2 nhánh gừng, 1/2 chén muối hạt
- Cách dùng: Rửa sạch và giã nát gừng. Sau đó đem dược liệu sao chung với muối hạt cho nóng lên. Bỏ hỗn hợp vào trong túi vải và chườm lên khớp bị bệnh.
Cách 2: Dùng gừng, bột nghệ và cỏ cà ri
- Chuẩn bị: Dùng 3 nguyên liệu với lượng bằng nhau, mỗi thứ một ít
- Cách làm: Phơi khô dược liệu, sau đó nghiền thành bột mịn và cất vào hũ kín dùng dần. Mỗi lần lấy 2 thìa bột pha với nước ấm uống. Sử dụng vào buổi sáng và buổi tối.
12. Bài thuốc thảo dược chữa bệnh gút từ lá sa kê
Lá sa kê có thể giúp tăng cường đào thải axit uric ra ngoài theo đường tiết niệu nhờ tác dụng lợi tiểu tự nhiên. Hơn nữa, thảo dược này còn cung cấp polyphenol, một chất chống oxy hóa có tác dụng kháng viêm, tiêu độc, tăng cường chức năng hoạt động của gan, thận để chuyển hóa axit uric hiệu quả hơn.
Bài 1: Dùng lá sa kê sắc uống
- Chuẩn bị: 5 lá sa kê già
- Cách dùng: Dược liệu được đem rửa sạch, cắt nhỏ rồi đem sắc với 2 lít nước. Đun sôi khoảng 10 phút cho các hoạt chất từ lá giải phóng hết ra nước rồi tắt bếp. Vớt bỏ bã thuốc, phần nước uống 2 – 3 lần cho hết.
Bài 2: Kết hợp lá sa kê với búp ổi non, đậu bắp
- Chuẩn bị: 3 lá sa kê, búp ổi non 30 gram, đậu bắp 100 gram.
- Cách dùng: Rửa sạch tất cả rồi đem sắc với 1,5 lít nước. Khi nước cạn còn 1/3 thì ngừng nấu. Chia thuốc sắc làm 2 – 3 phần đều nhau uống hết ngay trong ngày.
Lưu ý khi chữa bệnh gút bằng thảo dược
- Các thành phần hoạt chất trong thảo dược có tác dụng khá chậm. Do vậy, bạn chỉ nên dùng thảo dược chữa bệnh gút ở mức độ nhẹ. Phương pháp này không giúp kiểm soát được bệnh gút trong giai đoạn tiến triển mạnh.
- Không dùng thảo dược thay thế hoàn toàn cho thuốc bác sĩ kê đơn.
- Một số cây thuốc có thể tương tác với thuốc trị gút trong Tây y và gây ra tác dụng phụ ngoài ý muốn. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi kết hợp dùng cả hai loại thuốc với nhau.
- Thuốc thảo dược cho hiệu quả chậm nên cần kiên trì khi áp dụng. Không bỏ dở giữa chừng hoặc dùng thuốc không đều đặn.
- Cắt giảm chất béo, chất đạm và các thực phẩm giàu purin trong chế độ ăn để kiểm soát được nồng độ axit uric. Kết hợp tập thể dục mỗi ngày, tăng cường rèn luyện thể chất để xương khớp chắc khỏe và có khả năng đào thải axit uric tốt hơn.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!