Thay Khớp Gối

Tổng quan

Thay khớp gối là phương pháp điều trị được áp dụng cuối cùng khi khớp gối bị hư tổn nặng, không thể phục hồi và gây khó khăn khi thực hiện chức năng khớp. Lúc này, phần khớp bị hư sẽ được cắt bỏ và thay thế bằng khớp nhân tạo. Phương pháp này có thể xem xét thực hiện cho mọi đối tượng nhưng phổ biến nhất là người trong độ tuổi từ 60 – 80.

Tổng quan

Thay khớp gối còn được gọi là phẫu thuật thay thế toàn bộ khớp gối hay tạo hình khớp gối. Phương pháp điều trị này được tiến hành bằng cách can thiệp ngoại khoa nên mang lại hiệu quả rất nhanh chóng, thích hợp áp dụng đối với những trường hợp khớp bị tổn thương nặng nề do bệnh lý. Bác sĩ chuyên khoa cho biết, mục đích của việc phẫu thuật thay thế khớp gối là tái tạo lại khớp gối bị tổn thương, cải thiện triệu chứng đau nhức mạn tính, phục hồi chức năng khớp gối và hạn chế nguy cơ tàn tật.

Hiện tại, y khoa có 3 loại khớp gối nhân tạo thường được sử dụng để thay thế khớp gối là khớp gối nhân tạo hạn chế một phần, khớp gối nhân tạo hạn chế toàn phần và khớp gối nhân tạo không hạn chế. Trong đó, thay khớp gối nhân tạo không hạn chế là phương pháp được áp dụng phổ biến nhất. Ngoài ra, bác sĩ còn dựa vào mức độ tổn thương ở từng trường hợp cụ thể để chỉ định phẫu thuật thay thế toàn bộ khớp gối (thay thế cả hai bên khớp gối) hay thay thế một phần khớp gối (chỉ thay thế một bên khớp gối).

Một số loại hình phẫu thuật khác sẽ được xem xét thực hiện trong quá trình thay khớp gối là phẫu thuật cắt xương, khử trùng và rửa trôi, ghép khảm,… Sau thay khớp gối nhân tạo, nếu người bệnh chăm sóc đúng cách và tiến hành theo dõi chuyên khoa thường xuyên thì tuổi thọ của khớp có thể kéo dài lên đến 15 năm.

Chuyên gia cho biết, phẫu thuật thay khớp gối có thể áp dụng với bất kỳ đối tượng nào, không phân biệt độ tuổi hay giới hạn cân nặng. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ được khuyến khích thực hiện với những người trưởng thành bị tổn thương khớp gối nghiêm trọng, không thể điều trị bằng phương pháp khác. Trong đó, nhóm đối tượng có xu hướng thay khớp gối nhân tạo nhiều nhất là bệnh nhân từ 60 – 80 tuổi. Một số đối tượng nên làm phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo là:

  • Bị đau khớp gối dai dẳng ở mức độ nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày
  • Khớp gối bị mài mòn gây ảnh hưởng đến khả năng vận động và chức năng của khớp.
  • Sụn khớp bị tổn thương nặng nề và không thể điều trị nội khoa
  • Khớp gối bị hư hỏng nặng do ảnh hưởng từ bệnh lý như viêm khớpgout, dính khớp,…

Những đối tượng không nên tiến hành phẫu thuật thay khớp gối là:

  • Khớp gối bị tổn thương ở mức độ nhẹ hoặc trung bình, có thể điều trị bằng các phương pháp không can thiệp.
  • Bệnh nhân không thể thực hiện phẫu thuật do có sức khỏe yếu hoặc mắc các bệnh lý nội khoa đi kèm.
  • Bệnh nhân trẻ tuổi, người quá béo hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng đầu gối.

Tại sao nó được thực hiện

Phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo được xem là phương pháp điều trị tối ưu nhất dành cho những người bị viêm khớp và thoái hóa khớp gối ở mức độ nặng. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ được thực hiện cuối cùng khi khớp gối đã bị hư hỏng nặng và không đáp ứng điều trị với các phương pháp khác như dùng thuốc, tiêm thuốc, vật lý trị liệu, phẫu thuật khác,…  Ưu điểm của phương pháp trị bệnh này là:

  • Điều chỉnh những biến dạng tại khớp, giúp người bệnh có thể thực hiện các hoạt động sống một cách bình thường.
  • Ít gây tổn thương đến phần mềm xung quanh khớp nên sẽ hạn chế được nguy cơ nhiễm trùng khi điều trị.
  • Thời gian nằm viện ngắn hơn so với các phương pháp phẫu thuật khác, thời gian phục hồi và ổn định sức khỏe xương khớp cũng diễn ra nhanh chóng hơn.

Thay khớp gối nhân tạo giúp phục hồi lại chức năng của khớp gối, hạn chế nguy cơ tàn phế
Thay khớp gối nhân tạo giúp phục hồi lại chức năng của khớp gối, hạn chế nguy cơ tàn phế

Ngoài các ưu điểm ở trên thì phương pháp phẫu thuật này cũng có tồn tại nhược điểm là khớp nhân tạo khi sử dụng quá lâu cũng sẽ bị hư hại. Vì thế, người bệnh cần hỏi bác sĩ thật kỹ về tuổi thọ của khớp để có thể cân nhắc việc tiến hành phẫu thuật thay khớp lần hai khi cần thiết.

Nguy cơ

Phẫu thuật thay khớp gối là phương pháp can thiệp ngoại khoa nên tiềm ẩn nhiều rủi ro gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Tuy nhiên, khả năng phát sinh biến chứng rất thấp, chỉ khoảng 2% trường hợp gặp phải biến chứng sau phẫu thuật. Thường gặp nhất là nhiễm trùng khớp, đau tim và đột quỵ.

Chuẩn bị

Trước phẫu thuật, người bệnh sẽ được thăm khám kỹ để xác định mức độ tổn thương tại khớp và tình trạng sức khỏe. Dựa vào đó để đưa ra đánh giá nguy cơ phát sinh biến chứng. Một số xét nghiệm cần được thực hiện lúc này là xét nghiệm máu, chụp x-quang, chụp CT, điện tâm đồ,… Sau thăm khám, người bệnh cần đồng ý và ký xác nhận vào các biên bản cam kết đồng ý chữa bệnh.

Sau khi đã chấp nhận làm phẫu thuật thay khớp gối, người bệnh cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa về việc sử dụng thuốc trước khi phẫu thuật. Nếu vùng da ngoài khớp gối có xuất hiện vết thương hở sẽ được xử lý trước khi làm phẫu thuật. Trường hợp bị viêm nhiễm bên trong khớp cũng cần được điều trị khỏi rồi mới tiến hành phẫu thuật.

Thực hiện

Người bệnh cần nhịn ăn hoàn toàn trong vòng 6 tiếng trước khi lên bàn mổ. Nếu mổ sau khi ăn, thức ăn còn tồn trọng trong dạ dày sẽ khiến bệnh nhân bị sặc và gây ngưng thở khi đang thực hiện phẫu thuật. Sau đó, quá trình thay khớp sẽ được thực hiện thông qua các bước sau đây:

  • Tiến hành gây tê tủy sống hoặc gây mê cho người bệnh giúp quá trình phẫu thuật diễn ra thuận lợi hơn.
  • Bác sĩ sẽ dùng dao phẫu thuật rạch một đường dài khoảng 10 – 15 cm, vết mổ sẽ kéo dài từ phần lồi của xương chày đến trên xương bán chè.
  • Tiến hành mở vết mổ rồi cắt bỏ phần sụn khớp bị tổn thương. Tiếp tục cắt lát tạo hình rồi đặt khớp nhân tạo vào bên trong.
  • Sau đó, bác sĩ sẽ kiểm tra độ chính xác, xem khớp đặt vào có vừa và vững hay không.
  • Ống dẫn lưu sẽ được đặt vào bên trong khớp rồi tiến hành khâu vết mổ lại. Sau khoảng 48 giờ, ống dẫn lưu sẽ được rút ra.

Phẫu thuật thay khớp gối cần được thực hiện theo một quy trình chuẩn để đảm bảo an toàn và hiệu quả mang lại
Phẫu thuật thay khớp gối cần được thực hiện theo một quy trình chuẩn để đảm bảo an toàn và hiệu quả mang lại

Thông thường, quá trình phẫu thuật thay khớp gối chỉ kéo dài từ 1 – 3 giờ. Sau khi quá trình phẫu thuật kết thúc, người bệnh sẽ được đưa về phòng hồi sức để phục hồi và theo dõi. Nếu người bệnh tỉnh dậy, bác sĩ sẽ cho xuất viện về nhà hoặc đưa vào phòng bệnh. Dựa vào tình trạng sức khỏe của mỗi người mà thời gian nằm viện sẽ kéo dài từ 3 – 5 ngày hoặc lâu hơn.

Kết quả

Sau phẫu thuật, khớp gối cũng cần có thời gian tái tạo và phục hồi. Thông thường, người bệnh phải mất 2 năm để khớp gối có thể phục hồi hoàn toàn. Để quá trình phục hồi diễn ra nhanh chóng và tốt hơn, bạn cũng cần có các biện pháp chăm sóc sao cho phù hợp.

  • Giảm đau:
    • Sử dụng thuốc giảm đau như Acetaminophen, thuốc chống viêm không steroid, nhưng chỉ trong thời gian ngắn để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
  • Chăm sóc vết thương:
    • Bảo quản vết thương bằng cách thay băng thường xuyên và tránh tiếp xúc với nước để ngăn ngừa nhiễm trùng.
    • Gỡ bỏ kim ghim và mũi khâu khi vết thương đã lành.
  • Vật lý trị liệu:
    • Tập thể dục đầu gối ngay sau phẫu thuật để phục hồi cử động và ngăn cản cứng khớp.
    • Sử dụng máy tập chuyển động thụ động khi nằm giúp phục hồi chuyển động chân và đầu gối.
  • Ăn uống khoa học:
    • Ưu tiên thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa trong vài tuần sau phẫu thuật.
    • Bổ sung sắt từ thực phẩm như thịt bò, bơ, hạt và vitamin C để tăng sức đề kháng và giảm viêm.
  • Tập thể dục sau 3-6 tháng:
    • Tham gia hoạt động như leo cầu thang, đứng lên ngồi xuống sau 3-6 tháng.
    • Thực hiện bài tập tại nhà để tăng cường sức mạnh và chuyển động khớp.
  • Phòng ngừa biến chứng:
    • Sử dụng kháng sinh để tránh nhiễm trùng.
    • Thận trọng trong hoạt động hàng ngày, tránh té ngã hoặc va đập.
    • Sử dụng thuốc chống đông máu theo hướng dẫn của bác sĩ để ngăn chặn cục máu đông hình thành.

Tất cả những biện pháp trên nhằm mục đích hỗ trợ phục hồi sau phẫu thuật thay khớp gối và giảm nguy cơ biến chứng.

Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
Bác Sĩ Lê Hữu Tuấn
Bác Sĩ Lê Hữu Tuấn
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh
TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh
Verified
Chuyên sâu
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android