Thoái Hóa Cột Sống Lưng Có Chữa Khỏi Được Không?
Bệnh thoái hóa cột sống lưng không chỉ gây ra các cơn đau khó chịu mà còn khiến người bệnh có nguy cơ bị tàn phế cao nếu không được kiểm soát tốt. Hiện nay, có nhiều phương pháp đang được áp dụng để điều trị căn bệnh này như dùng thuốc bác sĩ kê đơn, vật lý trị liệu, châm cứu hay phẫu thuật. Vậy bệnh thoái hóa cột sống lưng có chữa được không? Làm thế nào để nhanh khỏi bệnh? Đây chính là mối bận tâm chung của những người đang mắc căn bệnh này.
Bệnh thoái hóa cột sống lưng có chữa được không?
Thoái hóa cột sống lưng là bệnh lý xảy ra khi đĩa đệm cùng với đốt sống bị hao mòn, tổn thương. Bệnh có thể dẫn đến sự hình thành của các mấu gai nhỏ phát triển từ vị trí bị tổn thương và khiến cho người bệnh bị đau lưng trên, đau thắt lưng, cứng cột sống, tê bì chân tay, khó gập mình hoặc xoay vặn người. Trường hợp nặng, thoái hóa cột sống lưng còn làm thu hẹp ống sống và chèn ép vào dây thần kinh tọa gây ra các cơn đau nhức, ngứa ran lan tỏa từ vùng lưng dưới xuống đến các ngón chân.
Thống kê cho thấy, phần lớn các trường hợp bị thoái hóa cột sống lưng tập trung ở lứa tuổi trên 60. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Tuy nhiên, hiện nay cũng có không ít người mắc căn bệnh này khi tuổi đời còn trẻ do ảnh hưởng của lối sống thiếu lành mạnh, ít vận động, chơi thể thao quá sức, chấn thương hoặc do lao động nặng nhọc…
Bệnh thoái hóa cột sống lưng kéo dài có thể gây ra nhiều biến chứng như đau dây thần kinh tọa, biến dạng cột sống hoặc nghiêm trọng hơn là tán phế, mất khả năng đi lại. Chính vì vậy mà vấn đề “bị thoái hóa cột sống lưng có chữa được không?” được đông đảo bệnh nhân quan tâm.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, quá trình thoái hóa diễn ra ở xương khớp nói chung và cột sống lưng nói riêng là một tình trạng mãn tính nên không thể chữa khỏi hoàn toàn. Đốt sống lưng một khi đã bị thoái hóa thì rất khó phục hồi trở lại trạng thái ban đầu.
Mặc dù vậy, bệnh nhân không nên quá lo lắng. Với sự tiến bộ của y học hiện đại, người bệnh có thể tiếp cận với nhiều phương pháp điều trị thoái hóa cột sống lưng mới cho hiệu quả cao trong việc kiểm soát các triệu chứng và có thể giúp làm chậm tốc độ thoái hóa diễn ra ở cột sống. Người bệnh hoàn toàn có thể chung sống hòa bình với căn bệnh này khi được chữa trị sớm và đúng cách.
Thoái hóa cột sống lưng chữa bằng cách nào?
Để điều trị thoái hóa cột sống lưng, người bệnh được chỉ định thuốc, vật lý trị liệu hay phẫu thuật. Các mẹo tự nhiên cũng được nhiều bệnh nhân áp dụng để giảm nhẹ cơn đau và các triệu chứng khó chịu tại nhà, giúp nâng cao chức năng vận động của cột sống lưng.
Các phương pháp chữa thoái hóa cột sống lưng đang được lựa chọn bao gồm:
1. Điều trị thoái hóa cột sống lưng tại nhà bằng mẹo dân gian
Trong dân gian lưu truyền nhiều mẹo chữa thoái hóa cột sống lưng tự nhiên. Chúng khá an toàn và có thể áp dụng để hỗ trợ điều trị bệnh ở mức độ nhẹ đến trung bình. Phương pháp này có thể cho hiệu quả tích cực khi được áp dụng kiên trì và phù hợp cơ địa.
Chườm nóng giảm đau:
Chườm nóng cho tác dụng giảm đau lưng tạm thời, giúp giảm co cơ và cải thiện tình trạng tê cứng cột sống do ảnh hưởng của bệnh. Khi thực hiện, nhiệt độ nóng sẽ thẩm thấu qua da và phát huy tác dụng làm giãn nở mạch máu, tăng cường bơm máu đến cung cấp oxy và các dưỡng chất nuôi dưỡng đốt sống bị thoái hóa, đồng thời làm thư giãn thần kinh, xoa dịu cơn đau nhức khó chịu cho người bệnh.
Để cải thiện các triệu chứng của thoái hóa cột sống lưng, bạn có thể áp dụng một số cách chườm nóng như:
- Dùng nước nóng: Đổ nước nóng vào trong một túi chườm hay chai thủy tinh có khả năng chịu được nhiệt độ cao. Áp vật chườm lên vùng lưng bị đau trong 20 phút. Nếu quá nóng, hãy đắp lên lưng một cái khăn mỏng trước khi chườm và chờ cho nước nguội bớt thì bỏ ra để tránh bị bỏng.
- Chườm muối rang: Muối rang cũng là một chất dẫn nhiệt tốt. Ngoài tác dụng giảm đau, giảm co cứng các cơ ở lưng, muối rang còn có tác dụng tiệt trùng, kháng viêm, ngăn ngừa tình trạng tổn thương, sưng viêm ở các mô mềm xung quanh đốt sống bị thoái hóa. Khi sử dụng, bạn hãy lấy 1 bát muối hạt rang nóng lên rồi bỏ vào trong túi vải chườm lên chỗ đau. Có thể sao muối chung với một số loại thảo dược có sẵn trong vườn nhà như gừng hay lá lốt… để tăng công dụng điều trị.
Chườm đá lạnh:
Chườm lạnh thích hợp cho các đối tượng bị thoái hóa cột sống lưng có biểu hiện sưng viêm cấp tính. Đá lạnh có tác dụng giảm đau, ức chế phản ứng viêm bằng cách gây tê tạm thời các mô bị tổn thương và dây thần kinh cảm giác, ngăn chặn quá trình truyền phát tín hiệu đau về não bộ.
Cách thực hiện:
- Bỏ cục đá lạnh vào trong túi chườm hay bọc vào trong một cái khăn mỏng
- Chườm túi đá lên khu vực bị sưng đau và để từ 10 – 15 phút
- Có thể lặp lại vài lần trong ngày để lưng dưới bớt đau.
Chữa thoái hóa cột sống lưng bằng bài thuốc từ lá mật gấu
Trong lá mật gấu chứa nhiều hoạt chất có tác dụng giảm đau, chống viêm nên được dân gian sử dụng làm thuốc chữa thoái hóa cột sống lưng tại nhà. Bạn có thể sử dụng lá làm thuốc sắc uống trị bệnh.
Cách thực hiện:
- Dùng 1 nắm lá mật gấu rửa sạch, để ráo nước và vò nhẹ
- Bỏ lá vào trong ấm, đổ thêm 500ml nước vào
- Đun sôi và tiếp tục sắc trên lửa nhỏ 15 phút.
- Chia thuốc sắc làm 3 phần, uống sau các bữa ăn chính.
Bài thuốc chữa bệnh từ đinh lăng
Đinh lăng thường được người dân ở các vùng nông thôn trồng trong vườn nhà để lấy lá ăn hoặc làm thuốc chữa bệnh. Thảo dược này chứa nhiều hoạt chất quý tương tự như nhân sâm. Nó có tác dụng an thần, giảm đau, đào thải độc tố, nâng cao sức đề kháng và làm dịu kích ứng ở dây thần kinh
Chính vì lý do trên mà đinh lăng được nhiều người tin dùng để hỗ trợ điều trị bệnh thoái hóa cột sống cổ, thoái hóa cột sống thắt lưng, thoát vị đĩa đệm hay đau dây thần kinh tọa . Sử dụng đinh lăng đúng cách sẽ giúp người bệnh bớt đau lưng, cứng cột sống và có khả năng vận động tốt hơn.
Cách sử dụng:
- Chuẩn bị 30g rễ đinh lăng khô, rửa sạch, thái mỏng
- Đem dược liệu sắc với 1 lít nước cho cô đặc còn một nửa
- Gạn thuốc sắc uống nhiều lần trong ngày thay thế cho trà
- Áp dụng một liệu trình điều trị kéo dài khoảng 14 ngày để thấy được sự tiến triển của bệnh.
2. Dùng thuốc trị thoái hóa cột sống lưng
Trường hợp bị đau nhiều và kéo dài, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh dùng các nhóm thuốc sau:
- Thuốc giảm đau: Acetaminophen, Aspirin, Opioids, Tramadol, Paracetamol… Thuốc có tác dụng giảm đau tốt nhưng nếu lạm dụng quá mức có thể gây viêm loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa hoặc tổn thương gan, thận. Vì vậy, bạn không nên tự ý tăng liều hoặc sử dụng thuốc giảm đau kéo dài.
- Thuốc giãn cơ giúp giảm hiện tượng co thắt ở các cơ, qua đó giảm đau lưng dưới cho người bệnh.
- Thuốc giảm đau thần kinh dùng cho các trường hợp bị thoái hóa cột sống chèn ép dây thần kinh.
- Thuốc steroid được chỉ định cho các trường hợp bị đau nặng và không đáp ứng được với các loại thuốc trên. Nhóm thuốc này có thể được sử dụng ở dạng tiêm và dạng uống.
3. Phương pháp điều trị thay thế
Một số phương pháp điều trị bảo tồn khác có thể được thực hiện để thay thế hoặc bổ trợ cho thuốc. Bao gồm:
- Châm cứu: Bác sĩ sẽ sử dụng điếu ngải hoặc kim châm tác động trực tiếp lên các huyệt đạo giúp đả thông kinh mạch, tăng cường lưu thông máu, giảm đau lưng, đau dây thần kinh tọa, đồng thời tăng cường khả năng hoạt động của hệ miễn dịch. Để đạt được hiệu quả trị liệu tốt nhất và tránh gặp phải các rủi ro phát sinh, bệnh nhân nên tìm đến sự giúp đỡ của các thầy thuốc y học cổ truyền giàu kinh nghiệm.
- Kéo giãn hoặc nắn chỉnh cột sống: Các phương pháp này được tiến hành tại phòng vật lý trị liệu. Chúng được áp dụng khi có biến dạng ở cột sống hoặc chèn ép rễ thần kinh.
- Xoa bóp: Massage, xoa bóp nhẹ nhàng cho vùng lưng dưới có thể giúp xoa dịu cơn đau, giảm co thắt cơ, tăng phạm vi vận động cho cột sống và kích thích lưu thông máu đến chữa lành khu vực bị tổn thương.
- Các phương pháp khác: Điều trị bằng siêu âm, kích thích điện, nhiệt trị liệu…
3. Phẫu thuật chữa thoái hóa cột sống lưng
Trường hợp không đáp ứng được với các phương pháp điều trị nội khoa, bệnh kéo dài gây chèn ép vào thần kinh tọa làm ảnh hưởng đến khả năng vận động cũng như chất lượng sống của người bệnh, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật.
Ca mổ được thực hiện nhằm vào các mục đích sau:
- Cắt bỏ một phần xương ở đốt sống lưng bị bệnh để nới rộng không gian ống sống, giải phóng sự chèn ép lên dây thần kinh.
- Điều chỉnh biến dạng và sửa chữa lại cấu trúc cho cột sống
- Cắt bỏ đĩa đệm nếu một phần đĩa đệm cột sống thoát ra ngoài và chèn ép vào dây thần kinh.
Lưu ý khi chữa thoái hóa cột sống lưng
Để làm chậm quá trình thoái hóa cột sống lưng và nâng cao hiệu quả điều trị, người bệnh cần chú ý:
- Tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ để bệnh được kiểm soát tốt.
- Không đứng lâu, ngồi nhiều, nâng vật nặng quá mức hoặc ngồi với tư thế cong vẹo làm gia tăng áp lực lên cột sống thắt lưng và khiến tình trạng thoái hóa trở nên nghiêm trọng hơn.
- Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức hợp lý. Trường hợp bị béo phì, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn một kế hoạch giảm cân khoa học.
- Không hút thuốc lá và hạn chế sử dụng các thức uống có cồn, cà phê, nước ngọt có ga. Chúng gây tổn thương cho mạch máy, dây thần kinh và có thể gây mất canxi, từ đó thúc đẩy bệnh thoái hóa cột sống lưng phát triển nhanh hơn.
- Duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh. Hạn chế chất béo, đồ ngọt hay các món ăn cay. Bổ sung rau xanh, trái cây, sữa và các sản phẩm từ sữa, ngũ cốc nguyên hạt và cá béo vào thực đơn để cải thiện sức khỏe cho cột sống lưng, giảm sưng đau, ức chế quá trình thoái hóa.
- Tập thể dục mỗi ngày để nâng cao sức khỏe cho xương cột sống, duy trì khả năng vận động của cơ thể.
Những thông tin trên đây chính là lời giải đáp cho thắc mắc “thoái hóa cột sống lưng có chữa khỏi được không?”. Cột sống lưng một khi đã bị thoái hóa thì không thể phục hồi lại nguyên vẹn như ban đầu. Tuy nhiên, những giải pháp chữa trị hiện nay có thể giúp người bệnh ức chế hoặc làm chậm quá trình thoái hóa, phá hủy xương và giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu do bệnh gây ra. Vì vậy, người bệnh cần tích cực điều trị thoái hóa cột sống lưng theo phác đồ của bác sĩ chuyên khoa để bệnh được kiểm soát tốt.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!