Thoát Vị Đĩa Đệm L2 L3

Triệu chứng và nguyên nhân

Thoát vị đĩa đệm L2 L3 là tình trạng nhân nhầy nằm trong bao xơ đĩa đệm ở giữa các đốt sống thắt lưng L2 và L3 bị lệch ra khỏi vị trí ban đầu. Bệnh gây ra các cơn đau nhức ở vùng thắt lưng và đôi khi còn đau lan xuống chân, kèm theo đó là nhiều biểu hiện khó chịu khác. Các phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm L2 L3 đang được áp dụng chủ yếu nhằm mục đích điều trị triệu chứng, bảo tồn chức năng vận động cho người bệnh.

Định nghĩa

Cột sống thắt lưng được hợp thành từ 5 đốt sống, ký hiệu từ L1 đến L5. Tình trạng thoát vị đĩa đệm có thể ảnh hưởng đến bất kỳ đoạn nào, phổ biến là thoát vị đĩa đệm L2 L3.

Thoát vị đĩa đệm L2 L3 là bệnh lý khởi phát khi nhân nhầy của đĩa đệm cột sống lưng L2 L3 bị thoát ra ngoài và lệch hẳn khỏi vị trí ban đầu. Bệnh phát triển chủ yếu ở người lao động nặng nhọc, có tiền sử bị chấn thương cột sống hoặc thoái hóa cột sống thắt lưng.

Khi mới khởi phát, bệnh thoát vị đĩa đệm L2 L3 có thể gây ra các cơn đau nhẹ ở vùng thắt lưng. Cơn đau có khuynh hướng tăng lên theo thời gian và còn có thể đau lan xuống chân khi dây thần kinh bị chèn ép. Ngoài ra, các triệu chứng khác như yếu cơ thắt lưng chậu hay tê bì, mất cảm giác cũng ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận động, đi lại của người bệnh. Việc phát hiện và điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm L2 L3 từ sớm sẽ giúp bệnh nhân hạn chế được những biến chứng nguy hiểm.

Hình ảnh

Triệu chứng

Các triệu chứng có thể gặp khi bị thoát vị đĩa đệm L2 L3 bao gồm:

  • Thường xuyên có cảm giác đau mỏi ở vùng thắt lưng. Cơn đau có thể lan xuống mặt trước đùi. Đau tăng lên khi vận động hoặc khi ho, hắt hơi.
  • Yếu các cơ ở vùng thắt lưng và khu vực xương chậu.
  • Xuất hiện cảm giác tê bì lan dọc từ thắt lưng xuống đến mông và bàn chân do nhân nhày đĩa đệm chèn ép vào rễ thần kinh.
  • Rối loạn cảm giác hoặc mất cảm giác ở chân
  • Khó kiểm soát hoạt động ở ruột và bàng quang.

Nguyên Nhân

Có nhiều nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm L2 L3. Sự khởi phát của bệnh thường có liên quan đến các yếu tố như tuổi tác, nghề nghiệp, tư thế vận động, chấn thương hay một số vấn đề về sức khỏe.

  • Lão hóa: Người lớn tuổi có nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm L2 L3 cao hơn so với những đối tượng trẻ tuổi. Do ảnh hưởng của quá trình lão hóa theo tuổi tác, đĩa đệm cũng bị thoái hóa, khô và xơ cứng nên dễ bị tổn thương. Từ đó tạo điều kiện cho nhân nhầy đĩa đệm thoát ra ngoài.
  • Nghề nghiệp: Những người lao động chân tay nặng nhọc, phải khuân vác vật nặng thường xuyên cũng dễ bị thoát vị đĩa đệm ở đốt sống thắt lưng L2 L3.
  • Vận động sai tư thế: Tư thế nằm, đứng hay ngồi không phù hợp có thể khiến đĩa đệm L2 L3 bị tổn thương. Một số người có thói quen vặn lưng hoặc cúi xuống đột ngột cũng có thể bị thoát vị đĩa đệm.
  • Chấn thương: Bệnh thoát vị đĩa đệm L2 L3 có thể khởi phát sau khi bị chấn thương ở cột sống thắt lưng.
  • Các bệnh lý ở cột sống: Người có tiền sử bị vẹo cột sống, thoái hóa đĩa đệm, thoái hóa cột sống thắt lưng có nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm L2 L3 cao hơn so với những đối tượng có cột sống khỏe mạnh.
  • Các nguyên nhân khác: Béo phì, ít vận động, hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoát vị đĩa đệm đốt sống lưng L2 L3.

Biến chứng

Ở mức độ nặng, bệnh thoát vị đĩa đệm L2 L3 có thể gây ra một số biến chứng như:

  • Rối loạn đại tiểu tiện do mất kiểm soát ruột và bàng quang.
  • Đau dây thần kinh tọa
  • Teo cơ
  • Rối loạn cảm giác hoặc mất cảm giác
  • Tàn phế, mất khả năng đi lại.

Phòng ngừa

Ngày nay, tỷ lệ người mắc bệnh thoát vị đĩa đệm L2 L3 không ngừng tăng cao. Để giảm nguy cơ mắc căn bệnh này, bạn có thể áp dụng các giải pháp sau:

  • Khuân vác vật nặng đúng cách. Nếu có thể, hãy nhờ sự trợ giúp của người khác hoặc dùng máy móc hỗ trợ khi muốn di chuyển đồ nặng.
  • Không làm việc quá sức. Tùy theo thể trạng của bản thân mà lựa chọn công việc cho phù hợp.
  • Bổ sung canxi và vitamin D cho cơ thể thông qua chế phẩm bổ sung hoặc từ các thực phẩm như tôm, cua, sữa, phô mai, đậu nành, bột yến mạch, các loại rau có lá màu xanh đậm... Chúng giúp xương cột sống chắc khỏe hơn.
  • Hoạt động đúng tư thế. Cố gắng giữ thẳng lưng khi đứng hay ngồi. Tránh các tư thế cong vẹo cột sống và không ngồi yên một chỗ trong nhiều giờ. Các trường hợp làm việc trong văn phòng nên đứng dậy vận động vài phút sau mỗi giờ để xương cột sống được thư giãn và giúp máu lưu thông tốt.
  • Không hút thuốc lá, uống nhiều cà phê hoặc sử dụng các thức uống chứa cồn có hại cho cột sống và đĩa đệm.
  • Tập thể dục mỗi ngày để nâng cao sức khỏe và sự dẻo dai cho cột sống thắt lưng, qua đó giảm thiểu nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm L2 L3.
  • Khám sức khỏe thường xuyên để phát hiện sớm và điều trị kịp thời ngay từ khi bệnh mới khởi phát.
Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp chẩn đoán

Bệnh thoát vị đĩa đệm L2 L3 được chẩn đoán thông qua những phương pháp sau:

Khám lâm sàng:

  • Bác sĩ khai thác tiền sử bệnh và ghi nhận các dấu hiệu nghi ngờ
  • Kiểm tra phần thắt lưng, ấn nhẹ để tìm kiếm điểm đau, mức độ đau
  • Đánh giá chức năng vận động thông qua một số hoạt động như cúi người xuống, đứng thẳng, di chuyển chân...
  • Kiểm tra thần kinh để đánh giá khả năng phản xạ hoặc sức mạnh cơ bắp.

Chẩn đoán cận lâm sàng:

  • Thực hiện các xét nghiệm hình ảnh: Chụp X-quang, CT scanner, chụp cộng hưởng từ
  • Điện cơ đồ ( EMG)
  • Khảo sát dẫn truyền thần kinh (NCS).

Biện pháp điều trị

Nhiều loại thuốc tân dược được bác sĩ kê đơn để điều trị thoát vị đĩa đệm. Thuốc được sử dụng chủ yếu nhằm mục đích giảm đau và điều trị các triệu chứng liên quan, giúp nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân.

Các loại thuốc trị thoát vị đĩa đệm L2 L3 thường được bác sĩ kê đơn gồm:

Thuốc giảm đau thông thường:

Bao gồm:

  • Paracetamol
  • Acetaminophen...

Nhóm thuốc này được chỉ định cho những bệnh nhân có cơn đau ở mức độ nhẹ đến trung bình. Thuốc có tác dụng nhanh nhưng hiệu quả chỉ là tạm thời. Hơn nữa, việc lạm dụng thuốc giảm đau quá mức còn gây ra nhiều tác dụng phụ như đau dạ dày, viêm loét dạ dày, suy thận, tăng men gan... Do vậy, bác sĩ thường chỉ kê đơn thuốc giảm đau cho bệnh nhân trong thời gian ngắn.

Thuốc kháng viêm không steroid:

Bao gồm các loại thông dụng như:

  • Naproxen sodium
  • Advil
  • Tylenol
  • Ibuprofen...

Các thuốc kháng viêm không steroid vừa có tác dụng ức chế phản ứng viêm, vừa giúp giảm các cơn đau ở mức độ nhẹ và vừa. Thuốc được bác sĩ kê đơn để điều trị trong thời gian ngắn. Tránh tự ý mua về uống khi chưa có sự đồng ý của nhân viên y tế.

Thuốc giãn cơ:

Bao gồm:

  • Baclofen
  • Decontractyl
  • Chlorzoxazone
  • Prenuff...

Thuốc có thể giúp hỗ trợ giảm đau bằng cách giảm hiện tượng co thắt ở các cơ cạnh cột sống. Trong quá trình sử dụng thuốc giãn cơ, một số bệnh nhân có thể cảm thấy buồn ngủ, chóng mặt hoặc các phản ứng phụ khác. Hãy theo dõi cơ thể và thông báo cho bác sĩ biết nếu gặp phải bất cứ tác dụng phụ nào nghiêm trọng.

Tiêm Cortisone:

Thuốc Cortisone có thể được tiêm ngoài màng cứng để chống viêm, giảm đau cho các trường hợp sử dụng thuốc dạng uống không có hiệu quả.

Thuốc opioid:

Bao gồm:

  • Codeine
  • Tramadol
  • Morphin

Nhóm thuốc này cũng có tác dụng giảm đau nhưng chỉ được sử dụng cho người bệnh bị đau nghiêm trọng, không đáp ứng được với các loại thuốc khác. Thuốc opioid có thể gây nghiện khi lạm dụng kéo dài, kèm theo đó là nhiều tác dụng phụ khác như lú lẫn, táo bón, nôn ói... Do vậy, người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc khi không được bác sĩ kê đơn.

Ưu điểm của thuốc Tây là cho tác dụng nhanh chóng trong việc cắt đứt các cơn đau cùng những dấu hiệu khác của bệnh thoát vị đĩa đệm L2 L3. Tuy nhiên, thuốc tân dược lại tiềm ẩn nhiều rủi ro và tác dụng phụ có hại cho cơ thể. Người bệnh cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ và tái khám theo dõi thường xuyên để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu là phương pháp điều trị bảo tồn được áp dụng để giảm đau, giảm áp lực chèn ép lên rễ thần kinh, phục hồi chức năng vận động cho người bệnh, đồng thời ngăn chặn sự tiến triển của thoát vị đĩa đệm L2 L3.

Người bệnh có thể được trị liệu bằng các phương pháp sau:

  • Kéo giãn cột sống bằng máy: Kỹ thuật viên sẽ sử dụng một thiết bị tạo ra áp lực âm trong lòng đĩa đệm bị thoát vị nhằm mục đích, kéo giãn cột sống, giải nén, tạo không gian để đưa nhân nhầy đĩa đệm trở về vị trí ban đầu.
  • Điều trị bằng điện: Bao gồm nhiều phương pháp như siêu âm, chiếu sóng ngắn, laser trị liệu hay kích thích điện. Những kỹ thuật này có tác dụng giảm đau, ức chế hoạt động của chất gây viêm, làm tăng tuần hoàn máu và giúp cột sống vận động linh hoạt hơn.
  • Tập phục hồi chức năng: Bên cạnh các phương pháp trị liệu ở trên, bệnh nhân còn được chuyên viên hướng dẫn tập luyện các động tác phù hợp để phục hồi chức năng vận động, giảm đau, cải thiện sức khỏe cho xương cột sống.

Châm cứu

Liệu pháp châm cứu được y học cổ truyền ứng dụng trong điều trị thoát vị đĩa đệm L2 L3 từ rất lâu đời. Phương pháp này tác động trực tiếp lên các huyệt đạo thông qua cây kim nhỏ hay điếu ngải, qua đó mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh như:

  • Làm thông kinh mạch, tăng cường tuần hoàn máu đến nuôi dưỡng vùng đĩa đệm bị tổn thương.
  • Thúc đẩy sản sinh nguồn năng lợi có lợi cho cơ thể.
  • Giảm đau
  • Cải thiện sức đề kháng
  • Phục hồi chức năng vận động cho bệnh nhân.

Mặc dù vậy, châm cứu có thể gây phản tác dụng nếu không được thực hiện đúng cách. Người bệnh cần được điều trị bởi thầy thuốc có kinh nghiệm nhằm đảm bảo an toàn và đạt được hiệu quả tối ưu.

Phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm L2 L3

Các trường hợp bị thoát vị đĩa đệm L2 L3 nặng có thể được chỉ định làm phẫu thuật. Bác sĩ thường đề nghị mổ cho các đối tượng sau:

  • Đã điều trị nội khoa trên 6 tuần nhưng bệnh không thuyên giảm.
  • Bị đau thắt lưng, đau chân, đau dây thần kinh tọa nghiêm trọng và kéo dài
  • Yếu cơ, tê yếu chi dưới
  • Đi lại, vận động khó khăn
  • Rối loạn hoạt động của ruột hay bàng quang gây tiểu són, đại tiện không tự chủ và nhiều dấu hiệu nghiêm trọng khác.
  • Đĩa đệm chèn ép nhiều vào dây thần kinh hoặc tủy sống khiến bệnh nhân có nguy cơ gặp biến chứng cao nếu không làm phẫu thuật.

Có nhiều kỹ thuật mổ thoát vị đĩa đệm L2 L3 như:

  • Mổ hở loại bỏ phần nhân nhầy chèn ép vào rễ thần kinh
  • Mổ nội soi
  • Phẫu thuật vi phẫu qua ống nong.

Trong quá trình phẫu thuật, một số bệnh nhân được hợp nhất xương bằng một dụng cụ kim loại, giúp cố định 2 đốt sống với nhau. Dụng cụ này sẽ không được lấy ra sau đó. Hiếm khi  phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo được chỉ định.

Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà

Song song với quá trình dùng thuốc hay vật lý trị liệu, bệnh nhân có thể áp dụng một số mẹo tự nhiên để giảm nhẹ triệu chứng khó chịu và hỗ trợ chữa trị bệnh thoát vị đĩa đệm L2 L3 nhanh khỏi hơn.

  • Nghỉ ngơi nhiều: Các trường hợp bị đau nặng cần dành nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi. Tốt nhất bệnh nhân nên nằm trên giường phẳng. Hạn chế những hoạt động tác động mạnh lên cột sống, chẳng hạn như bưng bê, khiêng vác đồ nặng, cúi lên cúi xuống liên tục. Tuy nhiên, sau 2 - 3 ngày khi cơn đau đã giảm bớt thì nên đứng dậy, đi lại vận động nhẹ nhàng. Việc nằm yên một chỗ quá lâu có thể gây teo cơ.
  • Chườm lạnh: Phương pháp này có thể giúp giảm đau và chống lại hiện tượng sưng viêm xảy ra ở các mô mềm quanh đốt sống L2 L3. Khi thực hiện, cần bỏ cục đá vào trong túi chườm và áp lên vùng bị đau vài lần trong ngày, mỗi lần khoảng 15 phút. Không lấy cục đá chườm trực tiếp lên da bởi nhiệt độ thấp quá mức cũng có thể gây kích ứng, tổn thương cho các tế bào.
  • Chườm nóng hoặc tắm nước ấm: Nhiệt độ cao sẽ giúp làm giãn nở mạch máu, tăng cường lưu thông máu qua khu vực bị bệnh, đồng thời giảm căng thẳng cho thần kinh và các cơ, xoa dịu cơn đau. Người bệnh có thể sử dụng túi nước nóng chườm nhiều lần trong ngày, mỗi lần cách nhau khoảng 3 tiếng. Kết hợp tắm nước ấm để nâng cao hiệu quả.
  • Massage: Hàng ngày, người bệnh nên nhờ người thân xoa bóp nhẹ nhàng ở khu vực thắt lưng để kích thích lưu thông máu, làm thư giãn thần kinh và giảm nhẹ cơn đau.
  • Sử dụng các công cụ hỗ trợ: Mang đai nẹp cố định ở vùng thắt lưng có thể giúp giảm thiểu tác động tiêu cực từ bên ngoài tới địa đệm L2 L3, qua đó giúp giảm thiểu cơn đau và giải phóng áp lực lên dây thần kinh. Nếu đi lại khó khăn, hãy sử dụng nạng hay gậy chống để hỗ trợ, giúp cơ thể giữ thăng bằng tốt hơn.
Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
Bác Sĩ Lê Hữu Tuấn
Bác Sĩ Lê Hữu Tuấn
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh
TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh
Verified
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android