Loratadin Là Thuốc Gì? Cách Sử Dụng Và Thận Trọng Khi Dùng
Dị ứng thường gây ra các triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi, ngứa ngáy, nổi mề đay, đồng thời khiến cho cơ thể trở nên khó chịu và mệt mỏi. Loratadin là một trong những giải pháp điều trị các triệu chứng hiệu quả cho những trường hợp này. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thêm về loại thuốc dị ứng này trong bài viết dưới đây.
Thuốc Loratadin là gì?
Loratadin là một loại thuốc thuộc nhóm kháng histamin và thường được sử dụng trong điều trị các triệu chứng của dị ứng thời tiết như: Hắt hơi, chảy nước mũi, ngứa, phát ban,…
Thuốc dị ứng Loratadin không có khả năng phòng ngừa phát ban hoặc ngăn ngừa và điều trị tình trạng sốc phản vệ. Vì vậy, trường hợp dị ứng được bác sĩ chỉ định sử dụng Adrenaline (Epinephrine), không được phép thay thế Epinephrine bằng thuốc dị ứng Loratadin.
Nếu người bệnh tự mua thuốc dị ứng thời tiết Loratadin để điều trị khi không được bác sĩ kê đơn thuốc thì cần phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất cũng như hỏi kỹ dược sĩ để biết trong trường hợp nào cần gặp bác sĩ.
Bên cạnh dị ứng thời tiết, Loratadin cũng được sử dụng con các trường hợp:
- Mề đay mãn tính.
- Phù mạch.
- Viêm mũi dị ứng.
- Các bệnh dị ứng thông thường khác như dị ứng phấn hoa hoặc bụi,…
Thuốc dị ứng Loratadin có các dạng viên nén, viên nang dung dịch hoặc viên nhai. Tuyệt đối không sử dụng thuốc cho trẻ em dưới 6 tuổi trừ khi được bác sĩ chỉ định. Thuốc không gây tác dụng lên hệ thần kinh trung ương, do đó không gây ra tình trạng buồn ngủ.
Sử dụng thuốc dị ứng Loratadin như thế nào?
Những trường hợp người bệnh tự mua và sử dụng thuốc dị ứng thời tiết dạng không kê đơn như Loratadin, bạn cần đọc kỹ tất cả các hướng dẫn sử dụng trên bao bì sản phẩm. Trường hợp được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc dị ứng Loratadin, bệnh nhân cần tuân theo chỉ dẫn bác sĩ một cách cẩn thận.
Liều dùng
Liều lượng sử dụng thuốc dị ứng Loratadin sẽ phụ thuộc theo lứa tuổi, tình trạng dị ứng cũng như cơ địa của từng đối tượng người bệnh. Không được tự ý sử dụng quá liều khuyến nghị, sử dụng nhiều lần trong ngày hơn so với hướng dẫn của bác sĩ hoặc thông tin trên bao bì sản phẩm. Ngoài ra, liều thuốc tính theo độ tuổi không sử dụng vượt quá mức khuyến cáo theo tuổi của người bệnh.
Bệnh nhân có thể tham khảo liều lượng khuyên dùng Loratadin như sau:
- Người lớn trên 30kg: Uống liều 10mg/lần, 1 lần/ngày.
- Người già và bệnh nhân suy thận: Không cần điều chỉnh liều.
- Người suy gan nặng: Cần giảm liều theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Trẻ em từ 2 – 12 tuổi: Trên 30kg dùng liều ngang người lớn, dưới 30kg khuyên dùng dạng siro với liều lượng 5mg (5ml) cách ngày thay cho viên uống.
- Trẻ em trên 12 tuổi: Dùng liều ngang người lớn.
Trên đây là liều dùng tham khảo cho các trường hợp dị ứng thời tiết, dị ứng thông thường, điều trị mề đay hay mẩn ngứa. Những trường hợp điều trị các bệnh lý khác bằng Loratadin cần tuân thủ theo liều lượng mà bác sĩ điều trị chỉ định thay cho hướng dẫn trên nhãn thuốc.
Cách dùng
Loratadin có các dạng phổ biến như với cách sử dụng như sau:
- Viên nén, viên nhai cho người lớn: Đối với Loratadin dạng viên nhai, người bệnh cần nhai thật kỹ thuốc trước trước khi nuốt.
- Dạng dung dịch uống cho trẻ em: Đối với dạng dung dịch, cần định liều chính xác bằng thìa đo theo thuốc hoặc dụng cụ chuyên dụng. Không sử dụng các loại thìa gia dụng để đong thuốc vì có thể không chính xác liều lượng.
Thông báo ngay cho bác sĩ nếu các triệu chứng của dị ứng không được cải thiện sau 3 ngày điều trị hoặc tình trạng phát ban mãn tính kéo dài hơn 6 tuần. Người bệnh sẽ cần đến sự trợ giúp y tế càng sớm càng tốt nếu tình trạng bệnh xấu đi hoặc gặp phải các vấn đề y tế nghiêm trọng như xuất hiện phản ứng dị ứng hoặc sốc phản vệ.
Tác dụng phụ của Loratadin
Thuốc dị ứng Loratadin thường sẽ không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào. Thuốc cũng hiếm khi gây ra tình trạng phản ứng dị ứng quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong các trường hợp người sử dụng thuốc có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy liên hệ ngay với bác sĩ hoặc dược sĩ. Đồng thời liên hệ với cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào của phản ứng dị ứng nghiêm trọng như: Nổi phát ban, ngứa, chóng mặt, sưng mặt, lưỡi, họng, chóng mặt,…
Ngoài những dấu hiệu đã được ghi nhận trên, bệnh nhân sử dụng thuốc dị ứng Loratadin hay bất kỳ loại thuốc nào cũng có thể gặp những tác dụng không mong muốn khác tùy theo cơ địa. Khi xuất hiện tác dụng phụ, hãy thông báo sớm nhất cho bác sĩ hoặc dược sĩ đã kê cho bạn đơn thuốc này.
Những thận trọng khi sử dụng Loratadin
Khi sử dụng thuốc Loratadin, để đảm bảo an toàn, hiệu quả, bệnh nhân cần cẩn trọng và lưu ý những vấn đề sau.
Những lưu ý chung trước khi sử dụng thuốc dị ứng Loratadin
Trước khi dùng Loratadin, bạn nên chú ý đến những điều sau để đảm bảo an toàn cho quyết định dùng thuốc:
- Thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ về tiền sử dị ứng Loratadine, Aerius (Desloratadine) hoặc bất kỳ bệnh lý dị ứng nào mà bạn gặp phải trước đây. Thuốc dị ứng Loratadin còn chứa nhiều thành phần tá dược, đây cũng có thể là nguyên nhân gây ra phản ứng dị ứng hoặc các tác dụng không mong muốn khác.
- Những người bệnh thận hoặc gan tuyệt đối không tự ý điều trị bằng Loratadin khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ điều trị.
- Thuốc dị ứng Loratadin thường ít khi gây ra tác dụng phụ buồn ngủ khi dùng đúng liều khuyến cáo so với các loại thuốc dị ứng kháng histamin khác. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, hãy chắc chắn không lái xe hay điều khiển máy móc cho đến khi bạn chắc chắn rằng bản thân hoàn toàn đủ tỉnh táo để thực hiện những công việc đó.
Các tình trạng bệnh cần thận trọng
Mặc dù Loratadin dễ sử dụng, và thường mang lại hiệu quả khá tốt trong hầu hết các trường hợp dị ứng, mẩn ngứa, bệnh nhân vẫn cần quan sát kỹ tình trạng của bản thân và trao đổi với bác sĩ ngay lập tức nếu gặp phải ít nhất một trong những dấu hiệu của tình trạng nghiêm trọng sau thay vì tự ý sử dụng thuốc:
- Nổi mề đay có màu sắc không bình thường.
- Phát ban có cạnh thâm tím hoặc bị phồng rộp.
- Phát ban nhưng không kèm triệu chứng ngứa.
Bên cạnh đó, thuốc dị ứng Loratadin dạng viên nhai hoặc dạng dung dịch thường có chứa đường hoặc chất làm ngọt nhân tạo. Do đó, những bệnh nhân bị đái tháo đường hoặc các bệnh lý cần tránh những loại chất này trong chế độ ăn uống nên thận trọng và xin ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Người già có thể nhạy cảm hơn với những tác dụng phụ của thuốc, đặc biệt là tình trạng buồn ngủ hoặc lú lẫn và có thể làm tăng nguy cơ té ngã.
Đối với phụ nữ đang trong mang thai, chỉ sử dụng thuốc dị ứng Loratadin khi bác sĩ đánh giá lợi ích nó mang lại vượt trội so với những rủi ro cũng như tác dụng phụ không mong muốn có thể xảy ra cho mẹ và bé.
Phụ nữ đang cho con bú cũng cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống Loratadin do thuốc có khả năng đi vào sữa mẹ. Tuy nhiên, Loratadin cũng được đánh giá ít có khả năng gây hại đến trẻ nhỏ đang bú mẹ.
Xem thêm:
Tương tác của Loratadine
Tương tác thuốc là yếu tố ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của thuốc, nó có thể thay đổi tác dụng đồng thời tăng nguy cơ xuất hiện những triệu chứng không mong muốn. Vì vậy, bạn cần liệt kê danh sách toàn bộ các sản phẩm thuốc kê đơn, không kê đơn, thảo dược hay thực phẩm chức năng mà bản thân đang sử dụng cho bác sĩ và dược sĩ khi được kê thuốc.
Một số lưu ý để tránh tương tác khi sử dụng Loratadine bao gồm:
- Không được sử dụng thuốc dị ứng Loratadine và Desloratadine cùng lúc vì chúng có hiệu quả tương tự, có thể gây ra nguy cơ quá liều.
- Loratadine có thể gây ảnh hưởng đến kết quả của một số xét nghiệm cận lâm sàng như xét nghiệm da dị ứng. Vì vậy, hãy thông báo đến bác sĩ và nhân viên phòng thí nghiệm biết bạn đang dùng thuốc khi thực hiện các xét nghiệm này.
Thuốc Loratadin có giá bao nhiêu?
Loratadin được bán rộng rãi tại các nhà thuốc trên toàn quốc theo diện thuốc không kê đơn. Bạn có thể tham khảo mức giá của thuốc theo thông tin tổng hợp bởi Vietmec Group dưới đây:
- Loratadin 10mg: Có giá khoảng 12.000 VNĐ/hộp 2 vỉ x 10 viên.
- Lorastad dạng Siro: Có giá bán khoảng 16.000 VNĐ/chai 60ml.
Thuốc Loratadin là loại thuốc được chỉ định trong việc điều trị các triệu chứng dị ứng thời tiết, ngứa, chảy nước mũi, nước mắt và một số bệnh lý khác. Để tránh những tác dụng phụ không mong muốn có thể xảy ra, người bệnh cần được tư vấn kỹ về tình trạng dị ứng của mình và thực hiện theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!