Tiêu Chảy

Triệu chứng và nguyên nhân

Tiêu chảy là vấn đề về tiêu hóa cực kỳ phổ biến hầu như ai cũng đã gặp phải ít nhất một lần, xuất hiện ở cả trẻ em và người lớn. Nguyên nhân gây ra tình trạng này chủ yếu là do các vấn đề ăn uống, thực phẩm không đảm bảo hoặc cũng liên quan đến nhiều bệnh lý về tiêu hóa khác nếu diễn ra quá thường xuyên.

Định nghĩa

Tiêu chảy có tên khoa học là Diarrhea, chỉ tình trạng đi ngoài có phân lỏng kèm theo gia tăng số lần đi ngoài bất thường. Theo cơ chế hoạt động của hệ tiêu hóa, thức ăn khi đưa vào cơ thể sẽ được hấp thụ hết lượng nước cũng như các dưỡng chất từ thực phẩm sau đó đào thải các chất cặn bã ra ngoài chính là phân. Phân thường có hình dạng rõ ràng, không lỏng cũng không nát, có thể đi ngoài dễ dàng.

Trung bình một người có thể đi nặng hằng ngày từ 1-2 lần, tùy theo lượng thức ăn và dạng thức ăn. Tuy nhiên nếu người bệnh có dấu hiệu đi nặng trên 3 lần kèm theo phân lỏng nát, không thành hình, phân nhiều nước thì chính là đang bị tiêu chảy.

Khi bị tiêu chảy, bạn sẽ kèm theo một số triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, đau đầu, toàn thân rã rời. Cơn đau bụng có thể xuất hiện lâm râm hoặc quặn lên dữ dội và muốn nhanh chóng đi nặng. Khi đã đi nặng được cơn đau có thể giảm nhưng vẫn rất khó chịu. Cơ thể lúc này cũng rơi vào trạng thái mệt mỏi, lả người đi, ăn uống không ngon và có thể sụt vài cân ngay sau đó.

Tùy theo từng nguyên nhân, tình trạng phân, Diarrhea được chia làm 4 dạng chính bao gồm

  • Tiêu chảy cấp tính: xuất hiện đột ngột và có thể kéo dài đến 1 - 2 tuần. Nguyên nhân gây ra tình trạng này thường là do dị ứng thức ăn, nhiễm khuẩn, nhiễm virus hay ký sinh trùng, chẳng hạn như E.coli, tả, lỵ, thương hàn, virus Rota.. Tuy nhiên tình trạng này có thể kết thúc nhanh nếu người bệnh dùng thuốc hỗ trợ
  • Tiêu chảy mãn tính: thường xuất xuất hiện tái đi tái lại nhiều lần, có thể kéo dài trên 4 tuần liên tục trong 1 đợt tiêu chảy. Nguyên nhân thường liên quan đến các hội chứng, vấn đề bệnh lý có liên quan đến hệ thống tiêu hóa, chẳng hạn như viêm loét ruột kết, hội chứng kém hấp thu...
  • Tiêu chảy thẩm thấu: nguyên nhân thường liên quan đến việc không hấp thụ được một chất nào đó mà người bệnh không biết, tiếp tục ăn vào hoặc cũng có thể liên quan đến tác dụng phụ từ một số loại thuốc. Tuy nhiên nếu người bệnh ngưng thuốc hay ngừng ăn món đó sẽ hết.
  • Tiêu chảy xuất tiết: nguyên nhân có liên quan đến sự rối loạn trong việc  vận chuyển ion trong các tế bào biểu mô của ruột khiến quá trình bài tiết gia tăng đồng thời giảm quá trình hấp thụ của cả hai chất này.

Trong đó chủ yếu thường xài hai khái niệm tiêu chảy cấp và mãn tính nhiều hơn. Nhưng dù thuộc nhóm nào, Diarrhea cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và chất lượng đời sống sinh hoạt hằng ngày nên cần được kiểm soát càng sớm càng tốt.

Hình ảnh

Nguyên Nhân

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng tiêu chảy, thường liên quan đến các vấn đề ăn uống, vệ sinh thực phẩm. Hiểu rõ nguyên nhân sẽ giúp bạn có hướng giải quyết hay phòng tránh tình trạng này một cách phù hợp nhất.

Nhiễm khuẩn đường ruột

Các tác nhân gây tiêu chảy thường liên quan đến các vi khuẩn, virus từ bên ngoài theo thức ăn vào bên trong kích thích các tế bào trong hệ tiêu hóa và dẫn tới tình trạng đi ngoài lỏng, đau bụng, mệt mỏi. Các vi khuẩn, virus thường gặp như Salmonella, khuẩn tụ cầu, e coli, ký sinh trùng,. thường có trong các thực phẩm không đảm bảo vệ sinh..

Ngoài ra sử dụng nguồn nước bị nhiễm bẩn cũng là nguyên nhân khiến rất nhiều người bị tiêu chảy mãn tính, tăng nguy cơ gây ra các vấn đề trầm trọng hơn ở hệ thống tiêu hóa mà không hề hay biết.

Những người thường có thói quen ăn đồ sống như rau sống, sashimi, gỏi cá sống mà không biết rõ nguồn gốc thực phẩm cũng dễ bị nhiễm khuẩn hay ký sinh trùng và gây ra tình đi ngoài ra phân lỏng liên tục.

Vệ sinh kém gây tiêu chảy

Không rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, dùng tay bẩn bốc trực tiếp thức ăn hay sống gần các môi trường bị ô nhiễm cũng đều là những nguyên nhân khiến các vi khuẩn, ký sinh trùng có con đường xâm nhập và tấn công hệ tiêu hóa.

Tiêu chảy do chứng không hấp thụ lactose

Thường gặp ở một số ít người mắc chứng không hấp thụ lactose nên nếu vô tình ăn trúng các thực phẩm có chứa chất này cũng sẽ gặp phải tình trạng tiêu chảy. Một số thực phẩm chứa lactose như sữa và các chế phẩm từ sữa, một số loại trái cây có vị ngọt hay mật ong.

Do đường ruột của những người mắc bệnh này cực kỳ nhạy cảm nên dù chỉ vô tình ăn một lượng nhỏ cũng có thể khiến họ bị đau bụng, đi ngoài ra phân lỏng suốt nhiều này.

Ngộ độc thực phẩm

Đây là một những những nguyên nhân phổ biến gây tiêu chảy mà rất nhiều người gặp phải. Người bệnh có thể ăn phải các thực phẩm bẩn, đồ ăn ôi thiu hết hạn, đồ ăn có nấm mốc hoặc có thể chứa các dưỡng chất có hại khác. khi bị ngộ độc thực phẩm, người bệnh không chỉ bị tiêu chảy mà còn kèm theo đau bụng, nôn ói dữ dội, sốt cao..

Người bị ngộ độc nặng phải nhanh chóng tiến hành cấp cứu khẩn cấp vì có thể dẫn đến co giật, ngất xỉu, tử vong .. rất nguy hiểm.

Rối loạn hệ vi sinh đường ruột

Hệ thống thống đường ruột bị rối loạn, không hoạt động theo chu trình bình thường khiến việc tiêu hóa, phân hủy và đào thải thức ăn cũng gặp rất nhiều ảnh hưởng. Nhu động ruột tăng khiến nhu cầu đi nặng cũng tăng lên, kèm theo đó là tình trạng phân nhão, có mùi tanh hôi khó chịu.

Tình trạng này thường gặp chủ yếu ở những người đang điều trị bệnh phải dùng thuốc, đặc biệt là các loại kháng sinh. Do nhóm thuốc này sẽ tiêu diệt cả các vi khuẩn có lợi trong đường ruột và khiến hệ vi sinh mất cân bằng. Với những người mắc các bệnh mãn tính cũng sẽ dễ bị tiêu chảy mãn tính.

Một số bệnh lý liên quan

Một số bệnh lý cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng tiêu chảy mãn tính ở rất nhiều người. Nếu liên quan đến những nguyên nhân này người bệnh cần phải tiến hành thăm khám sớm, tìm chính xác được các vấn đề bất thường, qua đó mới có hướng điều trị triệt để.

Các bệnh lý có liên quan đến tình trạng này như:

  • Hội chứng ruột kích thích: nếu tình trạng tiêu chảy, đau bụng, khó chịu đã kéo dài ít nhất 3 tháng thì rất có thể đây là dấu hiệu của hội chứng ruột kích thích. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, bao gồm cả yếu tố tâm lý, môi trường, ăn uống và di truyền. Táo bón cũng là một trong số những triệu chứng của hội chứng này nhưng thường được điển hình bằng tiêu chảy nhiều hơn.
  • Viêm đại tràng: các triệu chứng rối loạn tiêu hóa ở bệnh nhân viêm đại tràng cũng được điển hình bằng tình trạng tiêu chảy. Bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng nên càng được phát hiện và điều trị sớm càng tốt.

Ở những người gặp vấn đề về dạ dày, đại tràng, đường ruột cũng có thể thường xuyên bị tiêu chảy nhưng thường khá mơ hồ nên cũng không dễ dàng phát hiện.

Biến chứng

Tiêu chảy tưởng chừng chỉ là một vấn đề đơn giản nhưng thực sự lại là một vấn đề cực kỳ phức tạp, tiềm ẩn rất nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không can thiệp điều trị kịp thời. Theo các nghiên cứu, tiêu chảy là nguyên nhân gây khiến các trẻ em tử vong nhiều hơn ở trẻ em so với bệnh sởi hay sốt rét.

Khi bị tiêu chảy, người bệnh sẽ bị mất người trầm trọng, cân nặng giảm sút đồng thời cả cơ thể đều vô cùng mệt mỏi. Cơ thể có thể suy kiệt nhanh chóng nếu tiêu chảy kéo dài. Ở người lớn tình trạng tiêu chảy có thể dễ dàng kiểm soát hơn, tuy nhiên đối với trẻ em mức độ nguy hiểm thường cao hơn rất nhiều.

Một số biến chứng có thể xuất hiện do tiêu chảy như:

  • Hăm loét đỏ quanh hậu môn: điều này có thể khiến các bé đau nhức, bị xót khi nằm, đặc biệt với các bé nhỏ đang mặc bỉm.
  • Mất nước: khi tiêu chảy cơ thể sẽ bị mất nước và mất chất điện giải kèm theo tiêu chảy, buồn nôn.. bé thậm chí có thể sốt cao và co giật, đây cũng là nguyên nhân gây tử vong ở rất nhiều trẻ nhỏ mà phụ huynh không hề hay biết.
  • Suy dinh dưỡng: tiêu chảy mãn tính có thể dẫn đến suy dinh dưỡng do khả năng hấp thụ chất ngày càng kém, cơ thể suy kiệt thậm chó có thể dẫn đến tử vong, đặc biệt ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi

Những đối tượng có nguy cơ tiêu chảy cao và dễ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như người sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, người có thói quen ăn uống mất vệ sinh, người có hệ thống miễn dịch suy giảm, người mắc các bệnh mãn tính cần phải điều trị dài ngày.

Phòng ngừa

Không khó để phòng tránh được chứng tiêu chảy, người bệnh chỉ cần điều chỉnh lại chế độ dinh dưỡng phù hợp hơn, chú ý giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm hơn.

Cụ thể cách để hạn chế tối đa tình trạng tiêu chảy như sau

  • Lựa chọn nguồn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng, không sử dụng các thực phẩm bẩn.
  • Nếu sinh sống ở gần những nơi ô nhiễm hay có nguồn nước ô nhiễm, nên xem xét chuyển chỗ ở càng sớm càng tốt. Nguồn nước ô nhiễm có thể gây ra rất nhiều bệnh lý khác, không chỉ riêng tình trạng tiêu chảy.
  • Ăn chín uống sôi, hạn chế ăn các món ăn tái sống, bao gồm cả rau.
  • Rửa tay sạch sẽ với xà phòng diệt khuẩn trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
  • Rửa sạch thực phẩm trước khi dùng, nên ngâm nước muối hay có thể tham khảo sử dụng một số loại dung dịch rửa thực phẩm an toàn để đảm bảo chất lượng thức ăn trước khi chế biến hơn.
  • Thay đổi chế độ dưỡng chất khoa học hơn, hạn chế các thực phẩm có quá nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng do cũng có thể làm tổn thương hệ tiêu hóa và làm tăng nguy cơ mắc bệnh
  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên tiêm phòng vacxin phòng chống Rota virus nhờ đó cũng hạn chế được tình trạng tiêu chảy có liên quan đến nguyên nhân này.
  • Sử dụng các máy lọc nước cho gia đình.
  • Ưu tiên việc nấu ăn tại nhà, hạn chế việc ăn hàng quán hay các thực phẩm bán lề đường quá nhiều.
  • Thăm khám bác sĩ sớm nếu các triệu chứng này xuất hiện thường xuyên.

Mặc dù tiêu chảy là tình trạng phổ biến gặp ở nhiều người nhưng không nên vì vậy mà chủ quan. Mỗi người cần tự bảo vệ bản thân và gia đình bằng cách thay đổi chế độ ăn uống, lựa chọn nguồn thực phẩm an toàn để nâng cao sức khỏe, phòng tránh được rất nhiều bệnh lý hiệu quả nhất.

Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp điều trị

Với tình trạng tiêu chảy cấp tính, người bệnh có thể áp dụng vài phương pháp đơn giản để kiểm soát tạm thời tình trạng này.

Tuy nhiên nếu bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm độc, ngộ độc hay tiêu chảy mãn tính sẽ cần phải thực hiện một số kiểm tra như xét nghiệm phân, xét nghiệm máu, nội soi đại tràng để xác định rõ nguyên nhân gây bệnh, từ đó mới có thể đưa ra hướng điều trị triệt để.

Điều trị khẩn cấp

Với các triệu chứng tiêu chảy mới xuất hiện và chưa quá nguy hiểm, người bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát tại nhà bằng một vài biện pháp đơn giản. Mục đích chính của các phương pháp này chính là bù nước và chất điện giải, hạn chế tình trạng suy kiệt hay ngất xỉu khi mất quá nhiều chất cùng một lúc.

Biện pháp đơn giản nhất để bù nước và chất điện giải chính là uống thật nhiều nước kết hợp với dùng dung dịch Oresol. Có thể dùng Oresol cho cả người lớn và trẻ em, quan trọng nhất là cần phải dùng đúng liều lượng, đúng cách, tuyệt đối không được lạm dụng. Người dùng cần phải xem xét kỹ hướng dẫn sử dụng trên bao bì để đảm bảo an toàn cho người dùng.

Cụ thể liều lượng an toàn khi dùng Oresol cho bệnh tiêu chảy như sau

  • Trẻ nhũ nhi: Uống 50ml/lần, ngày uống khoảng 2 – 3 lần.
  • Trẻ 2 – 6 tuổi: Uống 100ml/lần, ngày uống 2 – 3 lần.
  • Trẻ 6 – 12 tuổi: Uống 150ml/lần, ngày uống 2 – 3 lần.

Chú ý chỉ pha Oresol với nước đun sôi để nguội, không được pha với nước khoáng do có thể làm thay đổi tỷ lệ các chất điện giải. Một số tác dụng phụ cũng có thể xuất hiện như buồn nôn nhẹ, mi mắt nặng tuy nhiên không đáng kể, bạn không cần quá lo lắng. Uống quá liều có thể xuất hiện các triệu chứng co giật, chóng mặt, tim đập nhanh, bàn chân hay cẳng chân sưng... Nếu gặp các triệu chứng này người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời can thiệp.

Ngoài ra người bệnh cũng có thể bù nước và bù điện giải thông qua nước nấu cơm nóng, cháo loãng, nước gạo rang.. Chú ý cũng uống từ từ từng ít một, không nên uống quá mức một lúc để hệ tiêu hóa dần dần ổn định trở lại. Người bệnh cũng chỉ nên ăn cháo, ăn súp hay các món lỏng, nhạt cho đến khi kết thúc tình trạng tiêu chảy để phù hợp hơn.

Tuy nhiên nếu bệnh nhân mất nước nhiều hơn 5% cơ thể, tình trạng nguy hiểm sẽ phải truyền tĩnh mạch. Các dung dịch truyền phổ biến thường được dùng như Glucose 5%, NaCl 0,9%, NaHCO3 1,4%... Tuy nhiên cần phải có sự hỗ trợ từ bác sĩ để đảm bảo an toàn.

Riêng với tình trạng là trẻ sơ sinh và trẻ đang bú mẹ chỉ nên bú sữa mẹ liên tục để bù nước bù khoáng, tránh sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định từ bác sĩ. Mẹ cũng cần thay đổi chế độ dưỡng chất phù hợp hơn để bổ sung chất cần thiết cho con.

Điều trị bằng thuốc

Để tránh tình trạng suy kiệt quá nhiều đặc biệt với những người bị tiêu chảy nặng, bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc để kiểm soát. Việc dùng thuốc cần phải có chỉ định từ bác sĩ để đảm bảo an toàn tuyệt đối, tránh các biến chứng khác nguy hiểm hơn.

Một số loại thuốc phổ biến thường được sử dụng trong tình trạng tiêu chảy như

  • Kháng sinh: Ciprofloxacin, Ofloxacin, Pefloxacin…  dùng cho các trường hợp nhiễm lỵ trực khuẩn, E.coli, Salmonella hoặc dùng Tetracyclin, Cloramphenicol hoặc Biseptol với các trường hợp bị nhiễm khuẩn tả
  • Thuốc giúp giảm hấp thụ và tạo khuẩn cho phân: Attapulgite, polycarbophil... sẽ giúp giảm được số lần đi ngoài tối đa
  • Thuốc giảm nhu động ruột: opiate, loperamide, diphenoxylate

Nếu tiêu chảy liên quan đến các bệnh lý bác sĩ cũng sẽ chỉ định các loại thuốc để điều trị lâu dài, giải quyết tối đa các triệu chứng. Nếu liên quan đến việc dùng kháng sinh bác sĩ sẽ điều chỉnh lại lượng kháng sinh đang dùng.

Các bài thuốc dân gian trị tiêu chảy

Dân gian cũng áp dụng rất nhiều phương pháp đơn giản từ các dược liệu tự nhiên để kiểm soát nhanh chóng các triệu chứng tiêu chảy.

Dù có hiệu quả khá tốt tuy nhiên các phương pháp này chỉ phù hợp với các tình trạng tiêu chảy nhẹ, không quá nghiêm trọng, với những tình trạng quá nặng thì người bệnh nên hạn chế.

Một số bài thuốc đơn giản mà người bệnh có thể tham khảo như

  • Bài thuốc từ lá ổi: lá ổi có tính kháng viêm khá tốt, đặc biệt còn chứa chất tanin có thể làm săn niêm mạc, giảm sự hoạt động của nhu động và giảm tiết dịch ruột nên cũng có thể kiểm soát được các dấu hiệu tiêu chảy. Bạn chỉ cần dùng vài ngọn ổi non rửa thật sạch, ngâm với nước muối sau đó nhai và nuốt phần nước từ từ. Bạn cũng có thể dùng vài ngọn lá ổi rửa sạch, ngâm nước muối rồi sắc với 2 chén nước trong 30 phút rồi dùng để uống ngay khi còn ấm.
  • Bài thuốc từ lá mơ: trong lá mơ có chứa chất sulfide dimethyl disulphide có thể tiêu diệt các vi khuẩn hiệu quả. Bạn có thể dùng 1 nắm lá mơ, rửa sạch, ngâm nước muối sau đó thái nhỏ, đem chiên cùng trứng rồi ăn ngay khi còn nóng. Chú ý hạn chế dầu mỡ khi chiên sẽ phù hợp hơn với người đang bị tiêu chảy.
  • Bài thuốc từ lá vối: trong lá vối cũng có chứa chất tanin nên cũng có tác dụng tương tự như lá ổi. Mẹ chỉ cần nấu nước hay hãm lá vối làm trà để uống cũng cải thiện được tình trang này đáng kể.

Tuy nhiên đây vẫn chỉ là phương pháp tạm thời trong các trường hợp tiêu chảy cấp, không thể giải quyết triệt để các triệu chứng lâu dài nếu liên quan đến các bệnh lý. Việc điều chế cũng gây tốn thời gian nên cần có người hỗ trợ do lúc này tình trạng mất nước đã khiến cơ thể rất mệt mỏi và suy kiệt, khó có thể tự thực hiện.

Chuyên sâu

Câu hỏi thường gặp

Người bị tiêu chảy nên uống các loại nước như: Nước cam, nước lọc, nước khoáng bù điện giải, trà gừng, trà vỏ cam, nước chanh, nước lá ổi, trà thì là,... Bạn có thể uống từng ngụm nhỏ và uống nhiều lần trong ngày. Những loại nước này không chỉ giúp bạn bù nước mà còn cung cấp khoáng chất để cơ thể nhanh phục hồi.

Bên cạnh đó, khi bị tiêu chảy bạn nên kiêng uống các loại nước có chứa caffein, đường, rượu, sữa vì chúng gây mất nước, khiến tình trạng viêm ruột trở nên nặng hơn.

Xem chi tiết

  • Bà bầu bị tiêu chảy nên ăn những thực phẩm như chuối, táo, cơm trắng, bánh mì trắng, khoai tây, khoai lang nghiền và nước dừa.
  • Hạn chế sử dụng đồ ăn dễ gây nhiễm khuẩn, chứa nhiều chất béo, đường, các chất kích thích sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh.
Xem chi tiết

Người bị tiêu chảy nên có chế độ ăn uống lành mạnh, ăn chín uống sôi. Cụ thể:

Nên ăn:

  • Bổ sung nước: Uống nhiều nước, nước oresol, nước canh, nước ổi, táo.
  • Thực phẩm giàu tinh bột, dễ tiêu hóa: Cháo, súp, cơm nát, bánh mì, khoai lang, chuối.
  • Thực phẩm lợi khuẩn: Sữa chua.
  • Bù điện giải: Gừng, trà thảo mộc.

Nên kiêng:

  • Thực phẩm khó tiêu hóa: Đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ, đồ sống.
  • Thực phẩm kích thích: Rượu bia, cà phê, nước ngọt có gas.
  • Sữa và các chế phẩm từ sữa (trừ sữa chua).
Xem chi tiết

Trẻ bị tiêu chảy, cha mẹ nên bổ sung cho bé các loại thực phẩm mềm, giàu chất xơ, tinh bột và vitamin, có khả năng hút nước tốt, dễ tiêu hóa hoặc thực phẩm giàu men vi sinh.

Xem chi tiết
Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
BS.CKI Trần Văn Hiền
BS.CKI Trần Văn Hiền
ThS.BS.CKII Trần Kinh Thành
ThS.BS.CKII Trần Kinh Thành
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android