Tiểu Đường Type 1

Triệu chứng và nguyên nhân

Bệnh tiểu đường type 1 hay còn gọi là đái tháo đường type 1 là tình trạng mãn tính khi tuyến tụy bị suy giảm khả năng tiết insulin cho cơ thể. Đây là bệnh nguy hiểm, có thể xảy ra ở cả người trẻ và vị thành niên, cần được can thiệp điều trị sớm nhất có thể.

Định nghĩa

Thông thường, bệnh tiểu đường được cho là bệnh của người già, người trung tuổi béo phì hoặc do một số bệnh lý khác gây ra. Tuy nhiên, bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 có xu hướng trẻ hóa hơn khi phổ biến là vị thành niên hoặc thanh niên.

Đây là tình trạng mãn tính khi tế bào beta ở tuyến tụy không có khả năng hoặc ít có khả năng tiết ra insulin - một hoạt chất giúp chuyển hóa glucose trong cơ thể để tạo thành năng lượng cho hoạt động của các tế bào.

Việc thiếu hụt insulin khiến lượng đường dư thừa không thể chuyển hóa dẫn tới tình trạng đái tháo đường. Có tiểu đường tuýp 1 và tiểu đường tuýp 2, trong đó tiểu đường tuýp 2 phổ biến hơn.

Tiểu đường tuýp 1 là tình trạng mãn tính, là chứng tiểu đường phụ thuộc vào insulin và bắt buộc phải điều trị bằng cách bổ sung insulin cho cơ thể.

Hình ảnh

Triệu chứng

Các triệu chứng của tiểu đường type 1 có thể xuất hiện rất nhanh chóng và rõ ràng như sau:

  • Khát nước và đi tiểu nhiều: Tình trạng này xảy ra do các chất dịch được kéo từ các mô để giải quyết lượng glucose dư thừa tích tụ nhiều trong máu. Vì thế người bệnh luôn cảm thấy khát nước, uống nhiều nước dẫn tới đi tiểu nhiều hơn.
  • Luôn có cảm giác đói bụng: Đây là cảm giác gây ra bởi lượng glucose không thể chuyển hóa thành năng lượng duy trì hoạt động của các tế bào trong cơ thể. Vì thế dẫn tới cạn kiệt nguồn năng lượng, người bệnh sẽ cảm thấy đói bụng ngay cả khi vừa ăn xong.
  • Giảm cân: Khi cơ thể không được dung nạp đủ glucose dẫn tới tình trạng sụt cân nhanh chóng.

Ngoài ra, bệnh nhân còn cảm thấy mệt mỏi, cảm giác uể oải và cáu kỉnh thường xuyên, mắt nhìn mờ, tê bì chân tay, các vết thương lâu lành hơn và có thể xuất hiện tình trạng nhiễm trùng.

Nguyên Nhân

Hiện nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh tiểu đường tuýp 1. Một số lý giải khoa học cho rằng, tình trạng này do hoạt động của hệ miễn dịch khi nhầm lẫn tế bào beta tuyến tụy - nơi sản xuất insulin là tế bào gây hại, vì thế cơ thể gây ra những phản ứng để chống lại sự hoạt động của tế bào này.

Bên cạnh đó, yếu tố di truyền có thể đóng vai trò quan trọng khiến tuyến tụy hoạt động không hiệu quả khiến tế bào beta bị phá hủy không có khả năng tiết insulin.

Đây chính là điểm khác biệt với bệnh tiểu đường tuýp 2 khi tiểu đường tuýp 2 là tình trạng cơ thể kháng insulin còn tế bào beta không bị phá hủy, vẫn có khả năng tiết insulin cho cơ thể.

Bên cạnh các nguyên nhân được bác sĩ chỉ ra có thể gây ra tiểu đường tuýp 1, một số yếu tố nguy cơ cũng có thể làm tăng khả năng bị chứng bệnh này như sau:

  • Yếu tố di truyền: Yếu tố di truyền có thể do lịch sử gia đình có bố mẹ hoặc anh chị bị tiểu đường tuýp 1 khiến người trong gia đình có nguy cơ bị bệnh cao hơn.
  • Yếu tố địa lý: Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, tỉ lệ người bị bệnh tiểu đường tuýp 1 khi sống ở khu vực gần đường xích đạo sẽ cao hơn so với các khu vực khác.
  • Người tiếp xúc với các virus có thể khiến tế bào beta tuyến tụy bị phá hủy nhiều hơn.
  • Người thiếu vitamin D cũng thuộc nhóm nguy cơ bị tiểu đường type 1.

Biến chứng

Khi người bệnh bị tiểu đường tuýp 1 có thể ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, đôi khi để lại những biến chứng có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.

Biến chứng cấp tính

Biến chứng cấp tính khiến lượng glucose không thể dung nạp vào cơ thể để giải phóng năng lượng có thể dẫn tới tình trạng tụt huyết áp, mạch nhanh, chuột rút, khô da, cơ thể yếu và mệt mỏi dẫn tới rối loạn ý thức, buồn nôn và có thể dẫn tới hôn mê.

Đây là biến chứng cấp tính rất nguy hiểm, cần đưa người bệnh đến ngay bệnh viện để cấp cứu kịp thời.

Biến chứng mãn tính

Các biến chứng mãn tính của bệnh tiểu đường type 1 có thể xuất hiện rất lâu, thậm chí xuất hiện sau nhiều năm bị bệnh.

  • Biến chứng về tim và mạch máu

Tiểu đường là một trong những nguyên nhân dẫn tới các vấn đề về tim và mạch máu. Biến chứng nguy hiểm nhất của chứng bệnh này chính là tình trạng xơ vữa động mạch, đau tim, đột quỵ và huyết áp cao.

  • Biến chứng thần kinh

Đây là biến chứng phổ biến của bệnh tiểu đường với các biểu hiện tê bì, run chân tay. Tình trạng này có thể làm giảm khả năng vận động của cơ thể, đôi khi các biến chứng nặng có thể dẫn tới hoại tử chi dẫn tới tàn phế.

  • Biến chứng thận

Lượng glucose không được dung nạp vào cơ thể dẫn tới dư thừa gây ra áp lực không nhỏ cho thận. Việc hoạt động quá tải trong thời gian dài có thể dẫn tới tình trạng suy thận.

  • Biến chứng mắt

Bệnh tiểu đường nếu không được điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng tới các mạch máu của võng mạc khiến người bệnh có nguy cơ bị đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp và nghiêm trọng hơn có thể dẫn tới mù lòa.

  • Các biến chứng về da và loãng xương

Cơ thể không được cung cấp năng lượng do thiếu hụt insulin chuyển hóa đường khiến hệ miễn dịch của cơ thể bị suy yếu nghiêm trọng. Điều này sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn tấn công vào cơ thể dẫn tới các bệnh về da và miệng.

Ngoài ra, khi bị tiểu đường, người bệnh sẽ có mật độ xương thấp hơn bình thường dẫn tới tình trạng loãng xương.

  • Biến chứng khi mang thai

Tiểu đường tuýp 1 khi mang thai có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và em bé. Đối với mẹ, sẽ có nguy cơ tăng huyết áp và tiền sản giật rất nguy hiểm. Đối với thai nhi có thể làm tăng nguy cơ lưu thai, dị tật bẩm sinh...

Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp chẩn đoán

Chẩn đoán tiểu đường tuýp 1 dựa trên chỉ số đường huyết của cơ thể. Theo đó, chỉ số đường huyết sẽ căn cứ vào thời gian đo. Người bệnh được chẩn đoán tiểu đường khi:

  • Đường huyết đo được lúc bất kỳ > 11,1 mmol/L cùng các triệu chứng tăng huyết áp, tiểu nhiều, sụt cân.
  • Đường huyết lúc đói đo sau 8 giờ nhịn ăn uống > 7mmol/L.
  • Đường huyết đo khoảng 2 giờ sau khi ăn > 11,1 mmol/L.
  • Chỉ số HbA1c > 7%.

Bên cạnh đó, việc chẩn đoán tiểu đường tuýp 1 còn dựa trên các yếu tố lâm sàng như sau:

  • Tuổi bệnh nhân dưới 30 tuổi, các triệu chứng diễn ra rất nhanh chóng.
  • Gia đình có người bị tiểu đường.
  • Chẩn đoán qua xét nghiệm định lượng insulin trong máu, các xét nghiệm cholesterol và tổng phân tích nước tiểu.
  • Soi đáy mắt để tìm các nguy cơ biến chứng võng mạc và điện tâm đồ để tìm nguy cơ biến chứng bệnh tim mạch.

Biện pháp điều trị

Bệnh tiểu đường type 1 có thể dẫn tới các biến chứng rất nguy hiểm. Do đó, việc điều trị bệnh cần được thực hiện càng sớm càng tốt.

Điều trị tiểu đường type 1 bằng Tây y

Đối với bệnh tiểu đường type 1, việc điều trị bằng insulin ngoại sinh là phương pháp điều trị tốt nhất. Khi bị chứng bệnh này, người bệnh sẽ không thể tự sản xuất được insulin qua tuyến tụy, vì thế phương pháp tiêm insulin là phương pháp quan trọng nhất và bắt buộc phải sử dụng.

Việc kiểm soát đường huyết và bổ sung insulin cho cơ thể sẽ tùy vào tình trạng bệnh và nền tảng sức khỏe của bệnh nhân.

Có các loại insulin ngoại sinh như sau:

  • Insulin thường: sẽ tác dụng bổ sung insulin rất nhanh gồm có: insulin Lispro và Actrapid…
  • Insulin bán chậm: tác dụng bổ sung insulin từ từ cho cơ thể gồm các dòng thuốc NPH và Lente…
  • Insulin chậm (ultralente)
  • Insulin hỗn hợp  và insulin nền.

Ngoài ra, dựa vào tình trạng các biến chứng mà các bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc điều trị biến chứng như tim mạch, mắt và thận phù hợp theo phác đồ điều trị.

Đông y chữa bệnh tiểu đường

Điều trị bằng Đông y là phương pháp giúp hỗ trợ điều trị tiểu đường tuýp 1 hiệu quả. Theo Đông y, việc điều trị tiểu đường tuýp 1 sẽ dựa trên phương pháp “tam tiêu” tức là thượng tâm, tâm và phế; trung tiêu gồm phần thân mình là tỳ và vị; hạ tiêu gồm can, thận, đại trường, tiểu trường và bàng quang.

Một số bài thuốc trị Đông y trị tiểu đường như sau:

  • Bài thuốc 1

Nguyên liệu: Bạch hổ, nhân sâm thang, Sinh thạch cao (sắc trước) 60gr, Cam thảo 6gr, Sinh địa 30gr, Sa sâm 15gr, Thiên hoa phấn 15gr, Đẳng sâm 15gr, Tri mẫu 15gr, Mạch đông 12gr, Ngọc trúc 15gr.

Sắc các nguyên liệu trên và uống mỗi ngày 1 thang thuốc. Sử dụng liên tục để thấy được hiệu quả.

  • Bài thuốc 2

Nguyên liệu chuẩn bị: Sinh đại 15gr, Phục linh 12gr, Hoài sơn dược 30gr, Trạch tả 12gr, Bạch thược 12gr, Nữ trinh tử 12gr, Thục địa 15gr, Đan bì 9gr, Sơn thù du 15gr, Cẩu kỷ tử 12gr, Đồng tật lê 12gr.

Sắc các nguyên liệu trên và dùng mỗi ngày 1 thang thuốc. Uống đều đặn trong thời gian dài để có hiệu quả.

Mẹo chữa tiểu đường tại nhà không dùng thuốc

Điều trị tiểu đường tuýp 1 tại nhà không dùng thuốc bằng các phương pháp giúp hỗ trợ ổn định đường huyết có vai trò rất quan trọng.

  • Có chế độ dinh dưỡng khoa học, phù hợp

Việc thay đổi chế độ dinh dưỡng khoa học, phù hợp với người tiểu đường là phương pháp điều trị rất quan trọng giúp giảm lượng đường dư thừa nạp vào cơ thể. Người bệnh khi được chẩn đoán tiểu đường cần cung cấp đủ chất đạm, chất béo và vitamin, đường, muối khoáng và bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể.

Hạn chế sử dụng tinh bột và đường nhân tạo dẫn tới cơ thể không dung nạp được hết glucose gây tăng đường huyết trong máu.

  • Kiểm soát chỉ số đường huyết của cơ thể

Kiểm soát đường huyết của cơ thể không chỉ giúp nhận ra các nguy cơ bị bệnh tiểu đường mà còn giúp kiểm tra mức độ hiệu quả của các phương pháp điều trị. Việc này có ý nghĩa rất quan trọng nên cần người bệnh kiểm tra thường xuyên và chính xác.

  • Thực hiện các mẹo dân gian điều trị tiểu đường

Một số mẹo dân gian từ các thảo dược tự nhiên có thể hỗ trợ điều trị tiểu đường rất hiệu quả. Một số thảo dược rất tốt cho người bị tiểu đường là dây thìa canh, khổ qua rừng, quế, lá ổi và cây chó đẻ…

Có thể sử dụng các thảo dược trên để nấu nước uống hàng ngày. Chú ý liều lượng và kiểm tra đường huyết cơ thể khi sử dụng.

Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà

Khi có các triệu chứng tiểu đường tuýp 1, người bệnh cần đến ngay bệnh viện để được các bác sĩ kiểm tra, chẩn đoán và có phác đồ điều trị phù hợp. Khi điều trị tiểu đường, cần chú ý tới những điều sau:

  • Tuyệt đối nghe theo chỉ dẫn và phác đồ điều trị của bác sĩ trong việc bổ sung insulin ngoại sinh cho cơ thể. Bổ sung insulin vào cơ thể có thể gây ra các phản ứng như hạ đường huyết, phản ứng tại chỗ tiêm… Vì thế cần quan sát và thông báo ngay với bác sĩ các triệu chứng bất thường.
  • Phải kết hợp việc điều trị bằng thuốc với các phương pháp thay đổi lối sống lành mạnh và chế độ dinh dưỡng khoa học.
  • Việc sử dụng thuốc Tây y có thể có những tác dụng phụ không mong muốn. Người bệnh trong khi sử dụng thuốc nếu gặp tác dụng phụ cần dừng thuốc và hỏi ý kiến của bác sĩ để được xử lý kịp thời.
  • Nếu muốn sử dụng kết hợp phương pháp điều trị Tây y và Đông y, cần có sự tham vấn của bác sĩ để tránh tình trạng tương tác thuốc có thể xảy ra.
  • Người bệnh cần theo dõi chỉ số đường huyết thường xuyên để có thể đánh giá hiệu quả của phương pháp điều trị cũng như hiệu quả của thuốc điều trị để từ đó có quyết định nên duy trì phác đồ điều trị này hay cần phải thay đổi.
  • Trong thời gian điều trị, người bệnh cần kết hợp tập luyện thể dục thể thao thường xuyên để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
  • Đây là bệnh mãn tính, vì thế quá trình điều trị sẽ rất dài, cần kiên trì điều trị để có kết quả tốt nhất.

Trên đây là tổng quan về bệnh tiểu đường tuýp 1. Đây là bệnh mãn tính và chỉ có thể thực hiện các phương pháp điều trị giúp bổ sung insulin và ngăn ngừa các biến chứng đối với cơ thể. Người bệnh cần hiểu rõ về căn bệnh này để có sự chuẩn bị tinh thần tốt nhất giúp hỗ trợ quá trình điều trị đạt hiệu quả.

Chuyên sâu
Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android