Trẻ Bị Gù Lưng

Triệu chứng và nguyên nhân

Trẻ bị gù lưng chủ yếu là do tư thế ngồi học không đúng cách. Dấu hiệu đặc trưng của tình trạng này chính là các cơn đau lưng ở mức độ nhẹ đến nặng kèm theo tình trạng cúi khom người về phía trước hoặc chậm phát triển chiều cao. Điều trị nội khoa là phương pháp được lựa chọn cho hầu hết các trường hợp.

Định nghĩa

Gù lưng là một trong những vấn đề về cột sống thường gặp nhất ở trẻ em, nhất là các bé trai. Tình trạng này thường có những dấu hiệu rõ ràng từ sớm và ảnh hưởng chủ yếu đến trẻ từ 13 - 17 tuổi.

Khi trẻ bị gù lưng, các đốt sống ngực từ T7 đến T11 có khuynh hướng bị sai lệch và khiến cho vùng lưng trên cũng như phần đầu bị cong về phía trước.

Hình ảnh

Triệu chứng

Ban đầu, các triệu chứng gù lưng ở trẻ thường không rõ ràng nên khó phát hiện. Càng về sau, tình trạng này càng trở nên nghiêm trọng hơn. Quan sát tứ thế của bé, cha mẹ có thể sớm phát hiện ra con mình bị gù lưng.

Các dấu hiệu trẻ bị gù lưng có thể gặp bao gồm:

  • Đau lưng: Cơn đau thường nhẹ trong thời gian đầu và có khuynh hướng tăng nặng khi lưng bị gù nghiêm trọng hơn. Trong trường hợp bị chèn ép vào tủy sống hoặc rễ thần kinh, cảm giác đau có thể lan rộng ra xung quanh gây đau cột sống cổ, đau thắt lưng.
  • Khi ngồi hoặc đứng, phần lưng trên xuất hiện một vùng nhô cao thấy rõ.
  • Phần đầu của trẻ thường bị cúi về phía trước.
  • Chiều cao thấp hơn so với trẻ cùng lứa tuổi
  • Hai vai đổ về phía trước quá mức
  • Ngực hướng xuống bụng
  • Căng cứng lưng
  • Mệt mỏi
  • Khó thở...

Nguyên Nhân

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Bao gồm:

Tư thế sinh hoạt không đúng:

  • Ngồi học sai tư thế: Trẻ thường xuyên ngồi khom lưng, cúi đầu sát xuống mặt bàn để viết bài rất dễ bị khom lưng. Thêm vào đó, trong thời gian giãn cách xã hội, các bé phải học trực tuyến ở nhà nên phải dùng các thiết bị điện tử với không gian học tập không phù hợp nên dẫn đến ngồi sai tư thế, từ đó làm tăng nguy cơ bị gù lưng.
  • Tư thế đi, đứng: Tật gù lưng thường xảy ra ở trẻ có thói quen đứng khòm lưng, hai vai thõng xuống, ưỡn bụng hay ưỡn ngực. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến xương cột sống bị lệch lạc, đẩy nhiều về phía trước khiến lưng bị gù.
  • Tư thế nằm: Trẻ nằm ngủ với gối quá cao hoặc nằm uốn cong người quá mức đều có thể khiến cột sống bị lệch lạc, gù vẹo.

Gù lưng ở trẻ em do bẩm sinh:

Một số trẻ bị gù lưng do bẩm sinh. Nguyên nhân là do cột sống phát triển không bình thường ngay từ khi còn trong bụng mẹ.

Yếu cơ:

Các cơ ở lưng bị yếu khiến cột sống phải chịu nhiều áp lực hơn. Điều này khiến các đốt sống bị đè nén lâu ngày dẫn đến gù lưng.

Chế độ dinh dưỡng không hợp lý:

Trẻ ăn uống thiếu chất, đặc biệt là canxi và vitamin D khiến cho xương cột sống không thể phát triển bình thường, từ đó làm tăng nguy cơ bị gù lưng.

Do các vấn đề về sức khỏe:

Tật gù lưng ở trẻ em có thể xảy ra sau khi gặp các vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là ở xương cột sống. Bao gồm:

  • Chấn thương, gãy xương cột sống
  • Loãng xương
  • Thoát vị đĩa đệm
  • Hội chứng Marfan
  • Bệnh Prader-Willi
  • Bệnh Scheuermann
  • Ung thư xương.

Biến chứng

Hậu quả rõ ràng nhất mà tình trạng gù lưng để lại cho trẻ đó chính là sự mất thẩm mỹ về hình thể và dáng đi khòm khòm bất thường. Điều này khiến các bé trở nên tự ti, mặc cảm với ngoại hình của mình. Nhiều trẻ thậm chí còn bị bạn bè trêu chọc nên sống khép kín, ngại giao tiếp hoặc tham gia các hoạt động tập thể.

Gù lưng cũng ảnh hưởng lớn đến chiều cao của trẻ. Do cột sống bị cong vẹo, biến dạng, tốc độ tăng trưởng của bé cũng phát triển chậm lại. Chính vì vậy mà khi đứng chung với các bạn cùng trang lứa, trẻ bị gù lưng thường thấp hơn hẳn.

Ngoài ra, gù lưng còn gây ra nhiều vấn đề bất lợi cho sức khỏe của bé. Trẻ bị gù lưng trong thời gian dài khiến các đốt sống chịu nhiều áp lực và làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý ở cột sống như thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm.

Trường hợp bị gù lưng nặng, các cơ quan như tim, phổi, đường ruột, tủy sống hay thần kinh của trẻ có thể bị chèn ép. Từ đó dẫn đến nhiều triệu chứng bất thường như đau nhiều, khó thở, ăn không tiêu, mệt mỏi... làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của bé.

Để giảm thiểu nguy cơ gặp phải các biến chứng nguy hiểm và giúp trẻ có thể phát triển khỏe mạnh, bình thường, ngay khi bé có dấu hiệu bị gù lưng thì bạn nên đưa con đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp chẩn đoán

Để chẩn đoán xác định trẻ có bị gù lưng hay không, bác sĩ thường áp dụng các phương pháp sau:

- Khám lâm sàng:

  • Khai thác tiền sử bệnh, thói quen vận động hàng ngày của bé.
  • Kiểm tra tư thế của trẻ bằng cách quan sát dáng ngồi, dáng đứng, đi lại.
  • Đánh giá chức năng vận động và tính linh hoạt của cột sống bằng cách yêu cầu trẻ thực hiện một số động tác đơn giản. Chẳng hạn như cúi gập người về phía trước, vặn mình...).
  • Đo chiều cao
  • Kiểm tra phản xạ thần kinh hay sức cơ

- Chẩn đoán cận lâm sàng:

Để đưa ra kết luận chính xác về tình trạng gù lưng ở trẻ, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện thêm một số xét nghiệm hình ảnh. Bao gồm:

  • Chụp X-quang
  • Chụp CT
  • Chụp cộng hưởng từ

Các phương pháp trên cho hình ảnh chi tiết về cột sống, giúp bác sĩ phát hiện ra những sự thay đổi bất thường bên trong cấu trúc của cột sống. Ngoài ra, chẩn đoán hình ảnh cũng giúp phát hiện ra nguyên nhân khiến trẻ bị gù lưng có liên quan đến các bệnh lý ở cột sống, chẳng hạn như loãng xương, thoát vị đĩa đệm, u cột sống, dị tật bẩm sinh...

Biện pháp điều trị

Việc lựa chọn phương pháp điều trị gù lưng cho trẻ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, nguyên nhân, tính nghiêm trọng của bệnh cũng như mức độ ảnh hưởng của gù lưng tới cuộc sống của bé. Hầu hết các trường hợp trẻ bị gù lưng nhẹ đều được khắc phục bằng các phương pháp nội khoa. Phẫu thuật được lựa chọn sau cùng.

1. Điều trị gù lưng cho trẻ bằng nội khoa

  • Điều chỉnh tư thế sinh hoạt hàng ngày: Cha mẹ nên nhắc nhở bé cố gắng giữ thẳng lưng khi ngồi học, đi lại hay khi nằm. Sử dụng bàn học và ghế ngồi phù hợp với chiều cao của bé. Tránh để trẻ nằm ngủ với gối quá cao. Hướng dẫn trẻ ngồi xem tivi cách xa ít nhất 1 mét và khi ngồi học thì cần duy trì khoảng cách từ mắt đến mặt bàn từ 25 - 30cm tùy vào chiều cao của bé. Đây chính là một trong những cách chữa gù lưng tại nhà hữu ích cho các trường hợp bị bệnh do sai tư thế.
  • Kiểm soát cân nặng của trẻ: Trẻ bị gù lưng cần kiểm soát tốt cân nặng để tránh làm gia tăng áp lực lên cột sống. Đối với các bé đang bị béo phì, cha mẹ nên tìm cách giảm cân cho con từ sớm, tránh để tình trạng gù lưng tiến triển nghiêm trọng hơn.
  • Đeo nẹp lưng cho bé: Sử dụng nẹp lưng có thể giúp cố định cột sống, giảm đau lưng và giữ cho khu vực bị bệnh không tiếp tục diễn tiến xấu hơn. Tùy theo tình trạng bệnh của bé mà cha mẹ có thể cho con đeo đai suốt ngày hoặc mang cả vào ban đêm để kiểm soát được các dấu hiệu gù lưng ở trẻ.
  • Vật lý trị liệu: Trẻ bị gù lưng sẽ được chuyên gia vật lý trị liệu hướng dẫn tập luyện một số bài tập để tăng cường sức mạnh cho các cơ bắp ở vùng bụng và lưng nhằm giảm tải áp lực cho cột sống và cải thiện tình trạng còng lưng.
  • Thay đổi chế độ ăn: Tăng cường các thực phẩm giàu canxi và vitamin D trong khẩu phần ăn sẽ giúp cột sống của trẻ chắc khỏe hơn, giảm gù lưng, ngăn chặn nguy cơ gặp phải biến chứng ở cột sống.
  • Điều trị nguyên nhân: Trẻ bị gù lưng do bẩm sinh hay do bệnh lý cần được thăm khám thường xuyên và tiếp nhận điều trị để kiểm soát tốt bệnh, tránh để gù lưng tiến triển nặng hơn theo thời gian.

2. Chữa gù lưng cho trẻ bằng ngoại khoa

Trẻ bị gù lưng hầu hết không cần phải phẫu thuật. Đây là phương pháp được áp dụng sau cùng cho các trường hợp sau:

  • Trẻ bị gù lưng nặng ảnh hưởng đến khả năng vận động và sức khỏe
  • Gù lưng gây biến chứng chèn ép tủy, thần kinh hoặc ảnh hưởng đến các cơ quan khác.
  • Có tổn thương hay bất thường trong cấu trúc của cột sống cần được khắc phục bằng phẫu thuật.
  • Điều trị nội khoa không hiệu quả.

Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà

Một số cách đơn giản dưới đây có thể giúp giảm nguy cơ bị gù lưng cho trẻ:

  • Đi đứng đúng cách: Cha mẹ nên rèn cho bé tư thế đi đứng đúng ngay từ khi còn nhỏ. Tránh để bé ưỡn bụng, ưỡn ngực, khom lưng hay buông thõng hai vai khi đi. Dáng đi đúng chính là đứng thẳng người, hướng ánh mắt nhìn thẳng về phía trước và giữ cho hai vai được cân bằng.
  • Ngồi đúng tư thế: Ngồi bàn quá thấp hoặc cúi sát đầu xuống mặt bàn khi ngồi chính là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị gù lưng. Cha mẹ cần trang bị cho bé một chiếc bàn có độ cao phù hợp với chiều cao của con. Khi trẻ ngồi học, hãy nhắc nhở bé giữ thẳng lưng và đảm bảo không gian học của bé có đủ ánh sáng để không phải cúi sát mặt xuống bàn để nhìn chữ.
  • Điều chỉnh tư thế nằm ngủ: Bé có thể nằm ngửa hay nằm nghiêng nhưng không nên uốn cong người quá mức. Tốt nhất nên dùng gối thấp để duy trì được đường cong sinh lý tự nhiên của cột sống.
  • Ăn uống đầy đủ: Trẻ cần được bổ sung nguồn dưỡng chất phong phú để phát triển hoàn thiện về thể chất, nhất là hệ cơ xương khớp. Thường xuyên ăn các thực phẩm chứa nhiều canxi, vitamin D như tôm, cua, cá, ngũ cốc, các loại rau xanh hay sữa... sẽ giúp xương cột sống của bé chắc khỏe hơn, hạn chế được nguy cơ bị gù lưng.
  • Tập thể dục: Cha mẹ cần khuyến khích bé tập thể dục, rèn luyện thể chất mỗi ngày để nâng cao sức đề kháng và kích thích lưu thông máu đến nuôi dưỡng, tái tạo tổn thương ở cột sống, giúp xương cột sống chắc khỏe hơn.
Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
Bác Sĩ Lê Hữu Tuấn
Bác Sĩ Lê Hữu Tuấn
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh
TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh
Verified
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android