Trẻ Sơ Sinh Bị Táo Bón

Triệu chứng và nguyên nhân

Trẻ sơ sinh bị táo bón là tình trạng xảy ra khá phổ biến do hệ tiêu hóa của trẻ còn chưa phát triển toàn diện, hoạt động chưa ổn định. Các triệu chứng của táo bón khiến trẻ cảm thấy rất khó chịu, thường xuyên quấy khóc, bỏ bú, ngủ ít,… Nếu tình trạng này diễn ra kéo dài sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cũng như sự phát triển của trẻ. Để hiểu rõ hơn về tình trạng táo bón ở trẻ sơ sinh cũng như nguyên nhân và cách điều trị thì bạn hãy cùng tôi theo dõi bài viết bên dưới đây.

Hình ảnh

Triệu chứng

Trẻ sơ sinh là đối tượng rất nhạy cảm, do trẻ chưa có khả năng nhận thức nên việc phát hiện bệnh thường rất khó khăn. Mẹ cần đặc biệt chú ý đến tình trạng sức khỏe của trẻ để sớm phát hiện ra dấu hiệu của bệnh và có các biện pháp xử lý đúng cách. Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết tình trạng táo bón ở trẻ sơ sinh mà chúng tôi tổng hợp được bạn có thể tham khảo:

– Trẻ quấy khóc, biếng ăn: Trẻ bị táo bón đồng nghĩa với việc gặp khó khăn trong việc đào thải chất cặn bã ra bên ngoài. Lúc này, các chất cặn bã sẽ tích tụ lại khiến cho độc tố bên trong phân bị cơ thể hấp thụ ngược. Nếu tình trạng này diễn ra kéo dài, trẻ sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi và khó chịu. Chú ý quan sát mẹ sẽ thấy bé có dấu hiệu biếng ăn, ngủ không sâu giấc, hay thức dậy và quấy khóc vào ban đêm.

– Trẻ đi ngoài ít: Tần suất đi đại tiện ở trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi thường là 2 – 3 lần/ngày. Nếu trẻ bị táo bón thì tần suất đi tiêu sẽ thấp hơn 2 lần/tuần. Lúc này mẹ cần chú ý quan sát thêm các triệu chứng đi kèm để có thể xác định trẻ có đang bị táo bón hay không.

– Trẻ đi ngoài khó khăn: Đi ngoài khó khăn là triệu chứng táo bón điển hình ở trẻ sơ sinh. Mỗi khi đi đại tiện trẻ sẽ có các dấu hiệu quấy khóc, khó rặn, đổ mồ hôi, người đỏ bừng,… Việc trẻ dùng lực để đẩy phân ra bên ngoài sẽ khiến hậu môn bị tổn thương và gây ra cảm giác đau rát, lúc này trẻ sẽ quấy khóc để hiểu hiện sự khó chịu của bản thân.

– Tính chất phân thay đổi: Táo bón khiến cho phân bị tích tụ bên trong đại tràng và không để đào thải ra bên ngoài. Lâu dần phân sẽ bị mất nước do bị đại tràng hấp thụ, dần trở nên khô cứng và vón cục. Khi trẻ đi ngoài, phân khô cứng sẽ chà xát vào thành hậu môn và gây tổn thương đến cơ quan này. Quan sát bạn sẽ thấy phân trẻ đào thải ra có lẫn máu. Ở trường hợp trẻ bị táo bón gây tổn thương đến niêm mạc hậu môn nếu không được xử lý kịp thời sẽ gây mưng mủ, viêm nhiễm và gia tăng nguy cơ bị trĩ.

– Chướng bụng, khó tiêu: Táo bón khiến chức năng của cơ quan tiêu hóa cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Lúc này thức ăn nạp vào sẽ không được tiêu hóa hết, tích tụ lại và gây ra triệu chứng chướng bụng khó tiêu. Khi mẹ dùng tay sờ vào bụng trẻ sẽ có cảm giác bụng trẻ to và cứng hơn bình thường. Nếu trẻ xì hơi sẽ có mùi hôi rất khó ngửi.

Cần nhanh chóng đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa nếu có các dấu hiệu sau đây:

  • Trẻ sơ sinh dưới 8 tuần tuổi không đi đại tiện trong 2 – 3 ngày
  • Bé khóc nhiều khi đi đại tiện hoặc đi ngoài có máu trong phân
  • Bé bỏ bú, không chịu ăn và tăng cân chậm
  • Bé bị sốt cao, nôn, bụng cứng và sưng đau

Nguyên Nhân

Trẻ sơ sinh bị táo bón là hiện tượng trẻ đi tiêu không hết, đi tiêu không thường xuyên hoặc gặp khó khăn khi đi tiêu. Lúc này, tần suất đi đại tiện của trẻ sẽ thấp hơn rất nhiều so với bình thường, cụ thể là sau 3 – 5 ngày trẻ mới đi tiêu một lần hoặc có thể là lâu hơn. Nếu tình trạng này diễn ra kéo dài khiến trẻ cảm thấy rất khó chịu và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Các nguyên nhân gây táo bón ở trẻ sơ sinh thường gặp là:

  • Ảnh hưởng bởi chế độ ăn uống của mẹ: Sữa mẹ là nguồn dưỡng chất chính của trẻ sơ sinh và gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trẻ. Chất lượng sửa mẹ chịu ảnh hưởng rất lớn bởi các loại thức ăn mà mẹ sử dụng hàng ngày. Trẻ sơ sinh có nguy cơ bị táo bón rất cao nếu mẹ thường xuyên sử dụng các loại đồ ăn cay nóng hoặc đồ ăn ít chất xơ trong thời gian cho con bú.
  • Do trẻ uống sữa ngoài: Táo bón cũng rất dễ xảy ra ở trẻ sơ sinh bú sữa ngoài. Trong sữa công thức chứa hàm lượng lớn protein, canxi, sắt,… nhưng lại không có chất xơ. Nếu bé bú loại sữa này trong thời gian dài sẽ khiến phân bị khô cứng vầ gây ra táo bón. Ngoài ra, táo bón cũng có thể xảy ra ở trẻ nếu mẹ có thói quen pha sữa công thức quá đặc, sai tỉ lệ in trên bao bì.
  • Thiếu nước: Trẻ sơ sinh nếu không được bổ sung đủ nước sẽ khiến quá trình tiêu hóa gặp nhiều khó khăn và làm gia tăng nguy cơ bị táo bón. Khi cơ thể bị thiếu nước sẽ khiến chất nhờn xung quanh thành ruột bị giảm đi, điều này đã khiến cho việc đào thải phân ra ngoài gặp nhiều khó khăn.
  • Sử dụng kháng sinh: Táo bón rất dễ xảy ra ở những trẻ mắc các bệnh lý về đường hô hấp do phải thường xuyên sử dụng kháng sinh để chữa bệnh. Thành phần dược tính trong kháng sinh đi vào cơ thể sẽ tiêu diệt hết vi khuẩn có lợi lẫn có hại. Điều này đã khiến cho hệ vi sinh vật bên trong đường ruột bị mất cân bằng, gây rối loạn hoạt động của cơ quan tiêu hóa với triệu chứng điển hình là táo bón.
  • Ăn thức ăn đặc: Trẻ sơ sinh rất dễ bị táo bón nếu mẹ cho trẻ ăn thức ăn đặc và cai sữa một cách đột ngột. Đặc biệt là giai đoạn bé chuyển sang ăn dặm, ăn bột sữa, ăn cháo ngũ cốc,… khiến cơ thể trẻ không được bổ sung đủ hàm lượng chất xơ cần thiết. Cho bé ăn thức ăn đặc quá sớm cũng sẽ gây áp lực lên cơ quan tiêu hóa và gây ra các bệnh lý về đường tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, táo bón,…
  • Do bệnh lý: Táo bón diễn ra kéo dài ở trẻ sơ sinh cũng rất có thể là do ảnh hưởng của một số bệnh lý tại đường tiêu hóa như phình đại tràng bẩm sinh, suy giáp, bệnh tiểu đường, mắc các bệnh về thần kinh,…

Biến chứng

Táo bón là tình trạng thường gặp ở trẻ sơ sinh và dễ khắc phục thông qua các mẹo đơn giản. Nhưng nếu để tình trạng này diễn ra kéo dài sẽ chuyển biến sang giai đoạn mãn tính và gây ra nhiều biến chứng không mong muốn. Cụ thể là:

  • Tác động tiêu cực đến tâm lý: Bị táo bón lâu ngày khiến phân bị ứ đọng bên trực tràng gây đầy bụng và chướng bụng, lúc này trẻ sẽ cảm thấy rất khó chịu. Nếu trẻ cố gắng đi đại tiện có thể tổn thương đến hậu môn gây đau đớn, điều này đã khiến cho trẻ thường xuyên cáu gắt và quấy khóc. Nếu tình trạng này diễn ra kéo dài sẽ khiến trẻ bị ám ảnh tâm lý mỗi khi đi vệ sinh.
  • Ảnh hưởng đến sự phát triển: Táo bón khiến hoạt động của hệ tiêu hóa trở nên trì trệ. Khi trẻ ăn, thức ăn nạp vào sẽ không được tiêu hóa hết, dần tích tụ bên trong và khiến tình trạng táo bón trở nên ngày càng nghiêm trọng hơn. Vì thế, trẻ bị táo bón thường có dấu hiệu biếng ăn và bỏ bú. Nếu tình trạng này diễn ra kéo dài sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của cơ thể, làm gia tăng nguy cơ suy dinh dưỡng, thấp còi,…
  • Gây ra bệnh lý về đường tiêu hóa: Trẻ sơ sinh bị táo bón nếu không được xử lý đúng cách và kịp thời sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về đường tiêu hóa, đặc biệt là bệnh trĩ. Ở trường hợp này, nếu mẹ không đưa bé đến gặp bác sĩ để được hướng dẫn điều trị sẽ biến chứng sang sa trực tràng, phình đại tràng, thậm chí là ung thư.
  • Suy giảm sức đề kháng: Phân tích tụ bên trong đại tràng sẽ khiến độc tố bị cơ thể hấp thụ ngược trở lại, lâu dần sẽ khiến sức đề kháng của trẻ bị suy giảm đáng kể. Táo bón còn khiến trẻ biếng ăn hoặc ăn kém, lúc này cơ thể trẻ sẽ không được bổ sung đầy đủ dưỡng chất và khiến hệ miễn dịch trở nên ngày càng suy yếu.
  • Biến chứng khác: Một số biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh nếu bị táo bón kéo dài là nhiễm độc thành niêm mạc ruột, tắc ruột, viêm ruột thừa, nứt kẽ hậu môn, ung thư trực tràng,…
Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp điều trị

Khi trẻ sơ sinh bị táo bón, mẹ tuyệt đối không tự ý mua thuốc về cho trẻ sử dụng khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Nếu trẻ chỉ bị táo bón với mức độ nhẹ, mẹ có thể áp dụng các mẹo trị bệnh đơn giản được lưu truyền trong dân gian để cải thiện tình trạng táo bón cho bé. Nếu tình trạng táo bón ở trẻ sơ sinh diễn ra kéo dài với mức độ ngày càng nặng, mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp. Dưới đây là một số cách đẩy lùi chứng táo bón cho trẻ sơ sinh bạn có thể tham khảo:

1/ Điều chỉnh thực đơn ăn uống của mẹ

Hầu như trẻ sơ sinh bú sữa mẹ bị táo bón đều do ảnh hưởng bởi chế độ ăn uống của mẹ. Ở trường hợp này, mẹ cần điều chỉnh lại chế độ ăn uống giúp cải thiện lại chất lượng sữa và hỗ trợ đẩy lùi chứng táo bón ở trẻ. Cụ thể là:

  • Ăn nhiều rau xanh và các loại thực phẩm có tác dụng nhuận tràng như khoai lang, rau mồng tơi, chuối, đu đủ,…
  • Hạn chế sử dụng các món ăn quá nhiều đạm hoặc đồ ăn chiên xào nhiều dầu mỡ.
  • Kiêng các loại đồ ăn cay nóng được nêm nếm bằng cách gia vị như gừng, nghệ, ớt,…
  • Bổ sung cho cơ thể đủ 2.5 lít nước mỗi ngày bằng cách uống nước lọc, nước ép trái cây tươi, nước canh, nước hầm rau củ quả,…

2/ Đổi sữa công thức và pha sữa đúng cách

Cho trẻ bú sữa công thức chứa quá nhiều dưỡng chất nhưng không có chất xơ sẽ gây ra tình trạng táo bón ở trẻ. Nếu trẻ bị táo bón do sữa công thức mẹ nên đổi loại sữa khác phù hợp hơn. Tốt nhất, mẹ nên tham khảo ý kiến chuyên gia thông tin các loại sữa công thức dành riêng cho trẻ táo bón. Hiện nay, các loại sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh đều được bổ sung thêm chất xơ hòa tan FOS và Inulin để hạn chế tình trạng táo bón ở trẻ.

Ngoài ra, thói quen pha sữa công thức quá đặc cho trẻ bú cũng là nguyên nhân gây táo bón ở trẻ sơ sinh. Vì thế, mẹ cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn pha sữa được in trên bao bì. Tránh tình trạng pha sữa quá đặc hay quá lỏng khiến chất lượng sữa không đảm bảo và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ.

3/ Cho trẻ uống thêm sữa và nước

Chuyên gia cho biết, nếu trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi bú hoàn toàn bằng sữa mẹ thì hoàn toàn không cần uống thêm nước. Nhưng nếu trẻ bú sữa mẹ mà vẫn bị táo bón thì mẹ nên cho trẻ uống thêm 100 – 200ml nước/ngày. Đồng thời, mẹ cũng nên tăng số lần bú của trẻ lên khoảng 5 – 8 lần/ngày. Cách này có tác dụng bổ sung nước cho trẻ, hỗ trợ bôi trơn đường ruột và hạn chế táo bón.

Ngoài ra, mẹ cũng có thể cho bé uống thêm nước ép hoa quả giúp cải thiện chức năng của cơ quan tiêu hóa. Thành phần dưỡng chất dồi dào và đa dạng trong nước ép trái cây mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe của trẻ sơ sinh. Mẹ nên pha nước trái cây với nước theo tỉ lệ 1:1 rồi cho bé uống.

4/ Bổ sung chất xơ cho trẻ

Với những trẻ đang trong giai đoạn ăn dặm, mẹ nên bổ sung vào trong chế độ ăn uống hàng ngày của trẻ các loại thực phẩm giàu chất xơ để đẩy lùi chứng táo bón như rau lang, táo, mận, lê,… Thành phần chất xơ trong các loại thực phẩm này sẽ có tác dụng làm mềm phân, kích thích nhu động ruột và giúp bé dễ đi tiêu hơn.

Nếu mẹ muốn cho trẻ sử dụng thức ăn đặc hãy bắt đầu với các món ăn như cháo, thực phẩm xay nhuyễn, trái cây nạo,.. Cần hạn chế cho trẻ sử dụng các loại thực phẩm dễ gây táo bón ngay trong giai đoạn đầu ăn dặm.

5/ Tắm nước ấm hoặc ngâm hậu môn trong nước ấm

Khi trẻ bị táo bón, mẹ nên cho trẻ tắm và ngâm mình trong nước ấm từ 8 – 10 phút. Nhiệt độ ấm của nước sẽ có tác dụng kích thích cơ vòng hậu môn và thúc đẩy hoạt động nhu động ruột. Điều này sẽ khiến cho việc đào thải phân từ đường ruột ra bên ngoài hậu môn diễn ra thuận lợi hơn. Nếu trẻ có dấu hiệu muốn đi vệ sinh, mẹ cũng có thể giúp bé đi vệ sinh nhanh và dễ hơn bằng cách ngâm hậu môn của trẻ trong nước ấm khoảng 5 phút.

6/ Massage bụng giúp trẻ dễ đi tiêu

Massage bụng sẽ giúp quá trình vận chuyển thức ăn bên trong đường ruột và đẩy phân ra bên ngoài hậu môn diễn ra thuận lợi hơn. Điều này sẽ hạn chế được tình trạng phân tích tụ bên trong cơ thể, bị đại tràng hấp thu nước và trở nên khô cứng. Cách massage giảm táo bón cho trẻ sơ sinh rất đơn giản, mẹ chỉ cần đặt 3 ngón tay chụm lại lên trên vùng bụng gần rốn của trẻ, ấn nhẹ với một lực vừa phải sau đó tiến hành xoay nhẹ theo chiều kim đồng hồ. Thời gian massage bụng tốt nhất dành cho trẻ sơ sinh là 3 phút.

7/ Đưa trẻ đi thăm khám

Sau khi áp dụng tất cả các mẹo ở trên mà tình trạng táo bón ở trẻ sơ sinh vẫn không có dấu hiệu cải thiện thì mẹ nên đưa trẻ đi thăm khám chuyên khoa. Lúc này, bác sĩ sẽ tiến hành kê đơn thuốc nhuận tràng dạng nhẹ giúp kích thích bé đi tiêu dễ dàng hơn. Ngoài ra, thăm khám chuyên khoa còn giúp phát hiện một số bệnh lý tiềm ẩn như phì đại tràng bẩm sinh, cường giáp, xơ nan,… Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra biện pháp can thiệp kịp thời và đúng cách để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ.

Tình trạng táo bón ở trẻ sơ sinh nếu diễn ra kéo dài sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ và phát sinh ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì thế, mẹ cần đặc biệt chú ý đến tình trạng sức khỏe của trẻ để sớm phát hiện ra dấu hiệu táo bón và có biện pháp xử lý đúng cách. Đồng thời, mẹ cũng nên chủ động đưa ra các biện pháp phòng tránh táo bón cho trẻ sơ sinh như giữ ấm cho trẻ, cho trẻ bú nhiều hơn, tập cho trẻ thói quen đi đại tiện đúng giờ, tập thể dục cho trẻ,…

Chuyên sâu
Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
BS.CKI Trần Văn Hiền
BS.CKI Trần Văn Hiền
ThS.BS.CKII Trần Kinh Thành
ThS.BS.CKII Trần Kinh Thành
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android