Trĩ Huyết Khối

Triệu chứng và nguyên nhân

Trĩ huyết khối là hiện tượng có các cục máu đông được hình thành bên trong búi trĩ dẫn đến ngứa ngáy, khó chịu và đau đớn dữ dội. Nếu không được điều trị búi trĩ có thể bị viêm, nhiễm trùng và ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường của người bệnh.

Định nghĩa

Bệnh trĩ huyết khối là hiện tượng bên trong búi trĩ không có máu lưu thông nhưng có các cục máu đông được hình thành. Trĩ huyết khối có thể được biểu hiện đơn lẻ như một khối u hoặc một khối tròn lớn màu tím thẫm.

Về cơ bản, trĩ huyết khối được chia thành hai loại, bao gồm:

  • Bệnh trĩ ngoại huyết khối: Trĩ ngoại huyết khối là dạng phổ biến nhất, được biểu hiện ở bên ngoài hậu môn và hình thành từ một búi trĩ ngoại bị vỡ. Tình trạng này dẫn đến đau đớn dữ dội, mất ngủ, suy nhược cơ thể và ảnh hưởng đến các sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
  • Bệnh trĩ nội huyết khối: Trĩ nội huyết khối hình thành từ búi trĩ nội bị vỡ, nằm bên trong trực tràng. Tình trạng này dẫn đến sưng tấy, viêm đỏ và chảy máu thành giọt khi người bệnh đi đại tiện. Ngoài ra, trĩ nội huyết khối có thể dẫn đến mệt mỏi, uể oải và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Hầu hết các trường hợp, trĩ huyết khối có thể tự vỡ và được cơ thể tái hấp thu sau 1 – 4 tuần. Tuy nhiên đôi khi búi trĩ có thể không tự vỡ và dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng. Do đó, nếu nhận thấy có cục máu đông ở bên trong búi trĩ hoặc khi búi trĩ đau đớn dữ dội, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán phù hợp.

Hình ảnh

Triệu chứng

Bệnh trĩ huyết khối thường có thể được nhìn thấy dưới dạng một khối u nhỏ ở bên ngoài hậu môn. Búi trĩ thường có màu xanh đậm, tím thẫm hoặc đen do có cục máu đông ở bên trong tĩnh mạch. Trong khi đó, búi trĩ bình thường không có màu xanh đậm và giống như một cục cao su ở hậu môn.

Tùy thuộc vào các loại bệnh trĩ huyết khối, các dấu hiệu có thể bao gồm:

1. Trĩ ngoại huyết khối

Trĩ ngoại huyết khối là dạng trĩ huyết khối phổ biến nhất. Búi trĩ nằm ở bên ngoài đường lược, có thể quan sát bằng mắt thường. Ngoài ra, người bệnh có thể nhận biết trĩ ngoại thông qua một số dấu hiệu, chẳng hạn như:

  • Chảy máu do tổn thương mô da và các mạch máu.
  • Đau đớn dữ dội, đặc biệt là khi búi trĩ bị va chạm, ma sát.
  • Ngứa hậu môn thường xảy ra khi búi trĩ gây tắc nghẽn lưu thông máu ở hậu môn, dẫn đến ngứa ngáy dữ dội;
  • Đau đớn khi đi đại tiện, đặc biệt là khi phân khô cứng gây va chạm và ma sát vào búi trĩ. Trong các trường hợp người bệnh bị táo bón, cần dùng sức rặn khi đi ngoài, điều này có thể gây tổn thương hoặc vỡ búi trĩ.

Ngoài ra, búi trĩ ngoại huyết khối có thể dẫn đến nhiễm trùng và áp xe hậu môn trong một số trường hợp. Nếu bị nhiễm trùng, người bệnh có thể bị sốt hoặc mệt mỏi.

2. Bệnh trĩ nội huyết khối

So với trĩ ngoại huyết khối, trĩ nội huyết khối không phổ biến. Búi trĩ nằm ở trên đường lược, do đó người bệnh thường không thể nhìn thấy hoặc sờ được búi trĩ. Tuy nhiên, trĩ nội huyết khối có thể dẫn đến một số dấu hiệu và triệu chứng, chẳng hạn như:

  • Không đau hoặc ít đau, do búi trĩ nằm bên trên đường lược, thường không có nhiều dây thần kinh cảm giác;
  • Thường xuyên đi ngoài ra máu, máu có thể xuất hiện dưới dạng nhỏ giọt hoặc cục máu đông;
  • Chảy máu từ trực tràng khi búi trĩ bị vỡ, lượng máu có thể thấm ướt giấy vệ sinh hoặc bắn thành tia trong các trường hợp nghiêm trọng;
  • Người bệnh có dấu hiệu thiếu máu mãn tính, chẳng hạn như tụt huyết áp, mệt mỏi thường xuyên, choáng váng hoặc suy giảm trí nhớ;
  • Có cảm giác vướng ở trực tràng;
  • Rò rỉ phân, xảy ra các búi trĩ gây áp lực khiến cơ thắt hậu môn trở nên yếu và mất kiểm soát;
  • Nóng rát, ngứa ngáy, viêm sưng ở trực tràng, hậu môn;
  • Sa búi trĩ, thường xảy ra ở giai đoạn nghiêm trọng. Lúc này búi trĩ thường gây đau đớn dữ dội và có thể sờ thấy bằng tay.

Ngoài ra, bệnh trĩ nội huyết khối có thể gây ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của người bệnh, chẳng hạn như di chuyển, ngồi, đi đại tiện hoặc tiểu tiện.

Nguyên Nhân

Bệnh trĩ hình thành khi các mạch máu nằm ở trong ống hậu môn bị viêm hoặc phình. Bất cứ tình trạng nào gây tăng áp lực lên các tĩnh mạch trong trực tràng đều có thể dẫn đến bệnh trĩ, bao gồm trĩ huyết khối.

Tương tự như các dạng bệnh trĩ khác, có nhiều nguyên nhân và yếu tố rủi ro có thể dẫn đến bệnh trĩ huyết khối, chẳng hạn như:

  • Táo bón hoặc tiêu chảy mãn tính: Tiêu chảy hoặc táo bón trong thời gian dài có thể khiến thành tĩnh mạch bị tổn thương, dẫn đến áp lực lên xương chậu, hậu môn và dẫn đến bệnh trĩ.
  • Ít vận động: Người có tính chất công việc ngồi nhiều, chẳng hạn như lái xe, nhân viên văn phòng, có thể gây áp lực lên hậu môn – trực tràng, dẫn đến cản trở lưu lượng máu lưu thông và dẫn đến bệnh trĩ.
  • Căng thẳng khi đi đại tiện: Căng thẳng khi đi đại tiện có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động kiểm soát phân và các mạch máu ở hậu môn, dẫn đến hình thành búi trĩ huyết khối.
  • Chế độ ăn uống ít chất xơ: Chất xơ là hoạt chất cần thiết để tăng trọng lượng phân, giúp phân mềm và giảm táo bón. Do đó, thiếu chất xơ có thể dẫn đến táo bón, tổn thương thành mạch và hình thành các búi trĩ huyết khối.
  • Béo phì: Béo phì có thể gây áp lực lên các tĩnh mạch hậu môn, trực tràng và dẫn đến hình thành các búi trĩ.
  • Mang thai và sinh con: Sự thay đổi của tử cung và nồng độ hormone trong thai kỳ có thể gây áp lực lên các tĩnh mạch ở hậu môn. Điều này khiến lưu lượng máu khó lưu thông và tăng nguy cơ hình thành các búi trĩ huyết khối.
  • Bệnh lý đường tiêu hóa: Có một số bệnh lý đường tiêu hóa, chẳng hạn như viêm ruột, viêm loét đại tràng, bệnh Crohn, có thể làm tăng nguy cơ hình thành búi trĩ huyết khối.
  • Tuổi cao: Ở người cao tuổi, các tĩnh mạch ở hậu môn có xu hướng trượt xuống dưới và hệ thống tiêu hóa cũng hoạt động kém chất lượng lơn. Do đó, chỉ cần một lực tác động nhẹ cũng có thể khiến tĩnh mạch hậu môn bị tổn thương, viêm, sưng và hình thành các búi trĩ.

Biến chứng

Hầu hết các loại bệnh trĩ đều không nguy hiểm và không gây đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Tuy nhiên bệnh trĩ huyết khối có thể đau đớn nghiêm trọng và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Trong một số trường hợp hiếm gặp, người bệnh trĩ huyết khối có thể dẫn đến một số biến chứng, chẳng hạn như:

  • Hình thành cục máu đông: Máu đông được hình thành khi trĩ huyết khối di chuyển trở lại tuần hoàn máu. Điều này có thể gây cản trở lưu thông máu và một số vấn đề sức khỏe khác.
  • Hoại tử búi trĩ: Hoại tử xảy ra khi búi trĩ có kích thước to, gây cản trở sự lưu thông máu, cắt lượng máu lưu thông đến búi trĩ và dẫn đến hoại tử.
  • Nhiễm khuẩn huyết: Nhiễm khuẩn huyết hay ngộ độc máu, xảy ra khi vi khuẩn từ hậu môn, búi trĩ xâm nhập và phát triển trong máu. Các dấu hiệu bao gồm thường xuyên khó thở, đánh trống ngực, đau dạ dày, sốt cao, khó thở và buồn nôn.

Các biến chứng khác bao gồm mất máu và nhiễm trùng nghiêm trọng. Do đó, nếu nhận thấy các dấu hiệu hình thành cục máu đông bên trong búi trĩ, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán phù hợp.

Phòng ngừa

Sau khi điều trị bệnh trĩ huyết khối có thể tái phát và gây đau đớn dữ dội. Do đó, để ngăn ngừa nguy cơ tái phát, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề như:

  • Bổ sung chất xơ trong chế độ ăn uống từ trái cây, rau xanh và ngũ cốc nguyên cám. Chất xơ có thể hỗ trợ làm mềm phân và giúp người bệnh đi ngoài dễ dàng hơn.
  • Uống đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày để ngăn ngừa táo bón và căng thẳng liên quan đến bệnh trĩ.
  • Luyện tập thể dục đều đặn mỗi ngày để giúp cơ thể năng động, hỗ trợ nhu động ruột và phòng ngừa nguy cơ bệnh trĩ.
  • Đi đại tiện mỗi ngày và cố gắng tạo thói quen đi đại tiện vào một thời gian nhất định để ngăn ngừa táo bón, bệnh trĩ. Đi đại tiện ngay khi cần, không nên nhịn, điều này có thể khiến phân khô cứng và khó đi ra khỏi hậu môn.
Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp chẩn đoán

Người bệnh nên đến bệnh viện ngay khi nhận thấy đau đớn và ngứa xung quanh hậu môn hoặc chảy máu khi đi đại tiện. Điều quan trọng là người bệnh nên trao đổi với bác sĩ, bởi vì đau và chảy máu ở hậu môn có thể là dấu hiệu xuất huyết tiêu hóa hoặc ung thư.

Để chẩn đoán bệnh trĩ huyết khối, bác sĩ có thể kiểm tra các triệu chứng và tiền sử bệnh lý. Trong quá trình khám sức khỏe, bác sĩ có thể mang găng tay, bôi trơn hậu môn, sau đó đưa ngón tay vào trực tràng để xác định khối u.

Ngoài ra, nếu người bệnh có dấu hiệu hoặc nguy cơ ung thư ruột kết, bác sĩ có thể đề nghị một số xét nghiệm chẩn đoán, chẳng hạn như:

  • Nội soi trực tràng: Thông thường người bệnh trĩ nội huyết khối thường không cảm thấy đau đớn hoặc ít đau, do đó bác sĩ có thể đề nghị nội soi trực tràng để xác định kích thước và vị trí của búi trĩ.
  • Nội soi đại tràng xích – ma: Bác sĩ sử dụng một ống nội soi mỏng, linh hoạt, có gắn camera ở đầu để quan sát phần bên dưới đại tràng. Trong xét nghiệm này bác sĩ có thể xác định các dấu hiệu tiền ung thư, chẳng hạn như polyp và các thay đổi khác ở ruột kết.
  • Nội soi đại tràng: Trong thủ thuật này, bác sĩ sử dụng một ống nội soi dài, mỏng để quan sát toàn bộ chiều dài của ruột kết.

Thông qua các xét nghiệm, bác sĩ có thể xác định búi trĩ huyết khối, mức độ nghiêm trọng và các biến chứng liên quan. Điều này có thể giúp bác sĩ có kế hoạch điều trị và phòng ngừa phù hợp.

Biện pháp điều trị

Hầu hết các búi trĩ huyết khối có thể tự cải thiện, mặc dù điều này có thể mất 2 – 3 tuần hoặc lâu hơn để khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, người bệnh có thể tham khảo nhiều biện pháp cải thiện các triệu chứng và phòng ngừa các rủi ro liên quan, chẳng hạn như:

1. Tự chăm sóc tại nhà

Trong các trường hợp các triệu chứng nghiêm trọng, người bệnh có thể thực hiện các biện pháp điều trị bệnh trĩ tại nhà, chẳng hạn như:

  • Làm mềm phân, chẳng hạn như uống nhiều nước và thực hiện chế độ ăn uống nhiều chất xơ.
  • Tránh rặn khi đi đại tiện, thay vào đó người bệnh có thể nghiêng người về trước, thư giãn và hít thở chậm để phân tự đi ra khỏi cơ thể.
  • Ngâm hậu môn trong bồn tắm từ 10 – 15 phút mỗi lần, 2 – 3 lần mỗi ngày để làm dịu hậu môn và cải thiện cơn đau. Sau khi ngâm, nhẹ nhàng vỗ hậu môn, không chà xát vùng da để tránh kích ứng.
  • Chườm đá hoặc khăn lạnh lên khu vực đau để giảm đau và chống viêm tại chỗ.
  • Bôi kem hoặc thuốc mỡ không kê đơn để giảm đau, làm mềm da và giúp người bệnh đi ngoài dễ dàng hơn.
  • Mặc quần áo thoải mái để tránh gây va chạm hoặc cọ xát lên búi trĩ.
  • Tập thể dục nhẹ nhàng để hỗ trợ lưu thông máu, tuy nhiên người bệnh nên tránh các bài tập tác động cao hoặc mang vác nặng.
  • Hạn chế quan hệ tình dục, đặc biệt là quan hệ thông qua đường hậu môn;
  • Uống nhiều nước vào buổi sáng để kích thích nhu động ruột và duy trì thói quen đi đại tiện lành mạnh.
  • Không trì hoãn nhu cầu đi đại tiện, điều này có thể khiến phân cứng, táo bón và khiến các triệu chứng trĩ trở nên nghiêm trọng hơn.

2. Thuốc điều trị trĩ huyết khối

Bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc để cải thiện các triệu chứng bệnh trĩ và phòng ngừa các biến chứng liên quan. Tuy nhiên điều quan trọng là sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh các tác dụng phụ.

Các loại thuốc phổ biến bao gồm:

  • Thuốc giảm đau, chẳng hạn như Ibuprofen, Acetaminophen và Aspirin, có thể hỗ trợ giảm sưng, đau và chống viêm.
  • Thuốc mỡ bôi trĩ thường có chứa Hydrocortison để ngăn ngừa các triệu chứng bệnh trĩ. Tuy nhiên các loại thuốc này chỉ được sử dụng tối đa 2 lần mỗi tuần để tránh gây tổn thương mô ở hậu môn.
  • Chất làm mềm phân hoặc thuốc đặt hậu môn để giúp người bệnh đi ngoài dễ dàng hơn.

3. Thủ thuật loại bỏ trĩ huyết khối

Phương pháp chính được sử dụng để điều trị bệnh trĩ huyết khối là thực hiện các thủ thuật để loại bỏ búi trĩ và tạo một vết cắt bên trong cục máu đông, dẫn lưu máu ra ngoài. Trước khi thực hiện thủ thuật này, người bệnh sẽ được gây tê cục bộ hoặc gây mê để tránh các giác đau đớn.

Phương pháp này mang lại hiệu quả tốt nhất nếu người bệnh thực hiện điều trị trong vòng 3 ngày sau khi búi trĩ xuất hiện. Phương pháp này hiệu quả cao, nhanh chóng, tuy nhiên cục máu đông có thể tái phát. Do đó, người bệnh có thể cảm thấy đau và cần thực hiện kế hoạch cải thiện các triệu chứng tại nhà.

Các thủ thuật loại bỏ búi trĩ huyết khối phổ biến bao gồm:

  • Thắt búi trĩ bằng dây cao su: Trong thủ thuật này, bác sĩ tiến hành vệ sinh hậu môn, tiêm thuốc giảm đau và sử dụng vòng cao su để thắt góc búi trĩ. Điều này nhằm mục đích loại bỏ nguồn máu cung cấp cho búi trĩ, khiến búi trĩ tự teo và rụng đi.
  • Cắt trĩ bằng phương pháp longo: Trong phương pháp này, bác sĩ cắt một phần tĩnh mạch để giảm lưu lượng máu đến búi trĩ và khâu treo búi trĩ vào niêm mạc hậu môn.
  • Cắt trĩ bằng phương pháp Doppler: Phương pháp này sử dụng máy siêu âm Doppler và ống nội soi để xác định nhánh động mạch, khâu động mạch để làm giảm lưu lượng máu đến búi trĩ.
  • Cắt trĩ huyết khối bằng phương pháp HCPT: Phương pháp này sử dụng sóng cao tần để làm tiêu búi trĩ mà không gây đau đớn hoặc biến chứng.
  • Tiêm xơ búi trĩ: Trong phương pháp này, bác sĩ sẽ tiêm hóa chất, thường là cồn 70 độ, vào búi trĩ để làm xơ búi trĩ và khiến búi trĩ tự rụng.

Các triệu chứng trĩ huyết khối có thể kéo dài trong 7 – 10 ngày. Nếu được điều trị phù hợp, các búi trĩ thường co lại trong 1 tuần và mất vài tuần để hồi phục bình thường. Sau khi điều trị, bác sĩ có thể hướng dẫn người bệnh các biện pháp kiểm soát các triệu chứng và phòng ngừa biến chứng hiệu quả. Do đó, điều quan trọng là người bệnh nên đến bệnh viện để được hướng dẫn cụ thể.

Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
BS.CKI Trần Văn Hiền
BS.CKI Trần Văn Hiền
ThS.BS.CKII Trần Kinh Thành
ThS.BS.CKII Trần Kinh Thành
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android