Hướng Dẫn Vật Lý Trị Liệu Thoát Vị Đĩa Đệm và Lưu Ý
Vật lý trị liệu thoát vị đĩa đệm ứng dụng sóng siêu âm, sóng ngắn, nhiệt nóng, nhiệt lạnh hay điện trị liệu để giảm đau lưng, nhức mỏi, làm giãn cơ và giảm áp cho đĩa đệm. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn được hướng dẫn thực hành các bài tập phục hồi chức năng, giải phóng áp lực cho dây thần kinh, giúp đi lại và vận động dễ dàng hơn.
Các phương pháp vật lý trị liệu thoát vị đĩa đệm
Có nhiều phương pháp vật lý trị liệu được áp dụng để điều trị triệu chứng và phục hồi chức năng vận động cho người bị thoát vị đĩa đệm. Bao gồm:
1. Siêu âm
Siêu âm là phương pháp sử dụng sóng siêu âm có tần số từ 20.000 Hz trở lên tác động trực tiếp lên cùng bị ảnh hưởng nhằm tạo ra các phản ứng cơ học, sinh học. Đây là kỹ thuật được áp dụng rộng rãi trong điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm tại các trung tâm vật lý trị liệu.
Phương pháp siêu âm mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh như:
- Kích thích các tế bào màng rung lên, qua đó tăng cường hoạt động màng.
- Cải thiện lưu thông tuần hoàn máu đến vùng cột sống bị bệnh để tổn thương ở đĩa đệm và dây thần kinh nhanh được chữa lành.
- Tăng lượng dinh dưỡng cục bộ
- Giảm đau
- Ức chế phản ứng viêm tại phần mềm xung quanh đĩa đệm bị thoát vị.
2. Kéo giãn cột sống
Kéo giãn cột sống cũng là một hình thức vật lý trị liệu thoát vị đĩa đệm được chỉ định cho hầu hết bệnh nhân, nhất là khi có vẹo cột sống, thoái hóa cột sống lưng hay cổ. Phương pháp này sử dụng máy tạo ra lực âm tại lòng đĩa đệm nhằm mục đích giải nén, giảm áp lực lên đĩa đệm và dây thần kinh, tạo không gian cho nhân nhầy đĩa đệm có thể dịch chuyển về vị trí ban đầu trong bao xơ, giúp bệnh nhân giảm đau lưng, tê bì chân tay.
Chống chỉ định phương pháp kéo giãn cột sống cho các đối tượng sau:
- Bị tổn thương, chèn ép tủy hay có vấn đề về ống tủy
- Lao cột sống
- U ác tính
- Viêm tấy hoặc áp xe ở vùng lưng
- Bị bệnh loãng xương
- Cao huyết áp
- Có chấn thương ở cột sống kèm theo gãy xương biến dạng
- Bà bầu
- Phụ nữ đang trong ngày hành kinh
- Thoát vị đĩa đệm gây hội chứng đuôi ngựa
- Viêm đa khớp dạng thấp
- Bị thoái hóa cột sống hay viêm cột sống dính khớp xuất hiện cầu xương nối giữa các đốt sống.
Thời gian kéo giãn cột sống mỗi lần khoảng 15 phút. Liệu trình điều trị có thể kéo dài từ 10 – 20 ngày tùy theo mức độ bệnh.
3. Vật lý trị liệu chữa thoát vị đĩa đệm bằng sóng ngắn
Sóng ngắn trị liệu còn được gọi là thấu nhiệt sóng ngắn. Phương pháp này có trong danh mục các dịch vụ được bảo hiểm y tế thanh toán nên được áp dụng khá rộng rãi tại các khoa Vật lý trị liệu của bệnh viện.
Các bước sóng được sử dụng trong điều trị thoát vị đĩa đệm có thể dao động từ 11 – 22m, bao gồm sóng ngắn liên tục và sóng ngắn ngắt đoạn. Sóng ngắn được phát ra liên tục sẽ tạo hiệu ứng nhiệt và mang đến các tác dụng như:
- Làm giãn cơ
- Tăng cường lưu thông máu đến các mô sâu, giúp đưa nhiều dưỡng chất hơn đến vùng đĩa đệm bị tổn thương.
- Loại bỏ kháng thể gây viêm.
Chống chỉ định:
- U ác tính
- Bệnh lao
- Nóng sốt
- Nhiễm trùng
- Đang cấy ghép các thiết bị điện tử trong cơ thể, chẳng hạn như máy điều hòa nhịp tim.
4. Nhiệt trị liệu
Một số bệnh nhân được vật lý trị liệu thoát vị đĩa đệm bằng phương pháp nhiệt. Kỹ thuật này sử dụng nhiệt nóng hoặc nhiệt lạnh tác động lên vùng tổn thương nhằm các mục đích sau:
- Giảm đau lưng, đau vai gáy, đau vùng hông -mông – chân
- Chống sưng viêm
- Tăng tuần hoàn máu đến cung cấp nhiều dưỡng chất để nuôi dưỡng và phục hồi tổn thương ở đĩa đệm.
- Phục hồi chức năng vận động cho người bệnh.
- Làm thư giãn thần kinh, giảm đau dây thần kinh tọa
- Giảm co cơ.
Đôi khi, bệnh nhân được điều trị bằng cả hai phương pháp nhiệt nóng kết hợp với nhiệt lạnh. Thông thường, liệu pháp lạnh được áp dụng trong các trường hợp bị sưng đau cấp tính, mới bị chấn thương. Khi tình trạng sưng viêm đã thuyên giảm thì mới chuyển qua điều trị bằng nhiệt nóng.
5. Thủy trị liệu chữa thoát vị đĩa đệm
Thủy trị liệu hay điều trị bằng nước là phương pháp sử dụng nước tác động trực tiếp lên các bề mặt của cơ thể, qua đó tăng toàn hoàn máu đến vùng đĩa đệm bị tổn thương, giảm đau, kích thích thụ cảm thần kinh, cải thiện tình trạng nhức mỏi và các cảm giác khó chịu trong người bệnh.
Những sự lựa chọn trong thủy trị liệu bao gồm:
- Ngâm mình trong nước
- Tắm nước ấm
- Điều trị với nước khoáng
- Trị liệu bằng vòi tia nước hay bồn xoáy
- Điều trị bằng khí dung…
6. Vật lý trị liệu thoát vị đĩa đệm bằng kích thích xung điện
Phương pháp này chủ yếu được chỉ định cho bệnh nhân bị đau cấp tính có liên quan đến tình trạng co thắt cơ. Dòng điện được sử dụng có tác dụng giảm đau lưng, đau cổ vai gáy bằng cách ức chế dẫn truyền tín hiệu thần kinh lên não.
Có 3 loại dòng điện chính là dòng điện một chiều, dòng điện xoay chiều và dòng điện xung. Trong đó, dòng điện xung thường được lựa chọn để điều trị cho bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm.
Chống chỉ định:
- Người mắc bệnh tim mạch
- Rối loạn tâm thần
- Giảm hoặc mất cảm giác
- U ác tính
- Có vết thương hở hay kích thích bên ngoài vùng da cần điều trị.
7. Laser trị liệu
Chiếu tia laser cường độ cao là phương pháp vật lý trị liệu điều trị thoát vị đệm được chỉ định cho một số bệnh nhân. Kỹ thuật này có tác dụng giảm đau, giảm cảm giác tê bì, ngứa ran, đồng thời thúc đẩy quá trình tái tạo các mô khỏe mạnh để làm lành tổn thương ở đĩa đệm và rễ thần kinh.
Chống chỉ định:
- U ác tính
- Sinh trưởng tiền ung thư tiềm tàng
- Sốt
- Động kinh
- Mang thai
- Có hình xăm ở vị trí cần chiếu tia laser
- Đanh sử dụng thuốc cản quang nhạy ánh sáng
- Cấy ghép kim loại trong cơ thể.
8. Bài tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng thoát vị đĩa đệm
Một số bài tập được thiết kế dành riêng cho bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm. Chúng giúp khôi phục lại trạng thái cân bằng cho hệ xương khớp, giảm co thắt cơ, tăng cường sức mạnh cho các cơ bị yếu, giảm áp lực lên đĩa đệm và dây thần kinh.
Ngoài ra, thường xuyên thực hành các bài tập vật lý trị liệu thoát vị đĩa đệm còn mang đến nhiều lợi ích cho người bệnh như:
- Giảm đau
- Tăng tuần hoàn máu
- Giúp xương khớp chắc khỏe, dẻo dai hơn
- Phục hồi khả năng vận động của cơ thể
- Làm thư giãn thần kinh, giảm căng thẳng
- Kích thích sản sinh các yếu tố chống lại phản ứng viêm trong cơ thể
- Cải thiện khả năng miễn dịch.
Dưới đây là một số bài tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng thoát vị đĩa đệm:
Bài tập 1: Căng cơ cổ
- Bệnh nhân ngồi trên sàn tập rồi bắt chéo hai chân lại. Giữ cho cột sống lưng luôn thẳng.
- Tay phải duỗi thẳng, để thả lỏng trên chân. Tay trái đặt lên đỉnh đầu rồi rồi nhẹ nhàng kéo đầu sang bên trái sao cho cơ cổ được kéo căng.
- Giữ nguyên tư thế trên trong khoảng 20 nhịp đếm. Hít thở đều đặn.
- Buông lỏng tay trái và hạ xuống, đưa đầu trở về tư thế ban đầu.
- Đổi tay và kéo căng cơ cổ qua bên phải. Mỗi bên tập luyện khoảng 10 lần liên tục.
Bài tập 2: Tư thế rắn hổ mang
- Nằm sấp trên tấm thảm tập yoga. Hai tay đặt ngang vai, lòng bàn tay úp xuống sàn.
- Hít vào một hơi thật sâu. Chống tay xuống sàn và đặt sát ngực để tạo lực đẩy nâng phần thân trên lên cao.
- Đầu ngửa lên cao, hướng mắt nhìn về phía trước. Kết hợp duỗi thẳng cánh tay và đẩy bả vai ra sau để mở rộng khoang ngực.
- Thở ra hít vào đều đặn trong 20 giây và lặp lại bài tập trên khoảng 3 lần liên tục.
Bài tập 3: Tư thế em bé
- Ngồi quỳ trên tấm thảm tập hoặc trên sàn. Hai đầu gối khép sát vào nhau. Tay buông lỏng.
- Giơ thẳng hai tay lên cao qua đầu rồi từ từ gập người xuống sao cho phần đầu chạm sàn và nằm giữa hai tay.
- Nhắm mắt lại thư giãn, thả lỏng và duy trì tư thế em bé trong 30 giây kết hợp hít vào thở ra đều đặn.
- Nâng phần thân trên lên một cách chậm rãi và thực hiện lại bài tập vật lý trị liệu thoát vị đĩa đệm này thêm 3 lần nữa.
Bài tập 4: Tư thế cây cầu
- Nằm ngửa trên sàn với tư thế hai tay duỗi thẳng, đặt ngang hông, sát mông.
- Co đầu gối lên để lòng bàn chân chạm đất. Sau đó siết chặt cơ mông và cơ bụng lại.
- Từ từ nâng hông lên cao, lấy tay và hai bàn chân làm điểm tựa giữ thăng bằng cho cơ thể. Phần từ đầu gối tới hông và vai tạo thành một đường thẳng.
- Hít thở sâu và cố gắng giữ tư thế cây cầu trong 20 – 30 giây.
- Hạ người, thả lỏng toàn thân và nghỉ 1 -2 phút trước khi bắt đầu thực hiện lại bài tập.
Bài tập 5: Tư thế chó úp mặt
- Quỳ bò trên sàn tập, mở rộng hai chân bằng hông. Các ngón tay xòe ra, lòng bàn tay chống xuống đất để cách nhau một đoạn bằng vai.
- Sử dụng lực của hai bàn tay chống xuống đất để nâng người lên cao đến khi tay chân đều được duỗi thẳng hết cỡ.
- Từ từ dịch chuyển hai tai về phía trước và hai chân lùi lại phía sau để giữ thăng bằng và kéo dài cơ thể. Chú ý ép chặt phần bắp đùi khi di chuyển.
- Hít thở đều đặn trong 30 giây. Trở lại tư thế ban đầu rồi thực hiện động tác trên thêm 3 lần liên tục.
Nguyên tắc cần tuân thủ khi vật lý trị liệu thoát vị đĩa đệm
- Lựa chọn cơ sở vật uy tín để điều trị. Vật lý trị liệu không đúng cách hoặc không phù hợp với thể trạng và tình trạng bệnh có thể gây tổn thương cho xương khớp và nhiều rủi ro ngoài ý muốn.
- Thăm khám trước khi tiến hành điều trị để được chuyên gia thiết kế một chương trình vật lý trị liệu thoát vị đĩa đệm phù hợp nhất.
- Thực hành các bài tập theo hướng dẫn của kỹ thuật viên hay chuyên gia vật lý trị liệu cho thuần thục trước khi tự tập tại nhà.
- Mặc trang phục rộng rãi, thoải mái khi đi làm vật lý trị liệu.
- Theo dõi sát sự tiến triển của bệnh trong suốt quá trình vật lý trị liệu và thông báo cho bác sĩ biết để điều chỉnh phương pháp điều trị cho phù hợp với từng giai đoạn.
- Trong quá trình làm vật lý trị liệu, bệnh nhân cần kết hợp với phương pháp điều trị của bác sĩ và có chế độ ăn uống lành mạnh. Điều chỉnh lại tư thế sinh hoạt hàng ngày cho đúng, không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng bia rượu và tập thể dục mỗi ngày để đạt được hiệu quả tốt hơn.
Thời gian vật lý trị liệu thoát vị đĩa đệm có thể kéo dài trong vài tháng hoặc lâu hơn tùy theo tình trạng bệnh của mỗi cá nhân. Người bệnh nên cố gắng kiên trì thực hiện theo đúng liệu trình của bác sĩ để bệnh nhanh có sự tiến triển tốt.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!