Viêm Amidan

Triệu chứng và nguyên nhân

Viêm amidan là bệnh thuộc nhóm tai mũi họng đã rất quen thuộc với chúng ta. Nhưng không phải ai cũng hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của bệnh cũng như biết cách chữa trị phù hợp. Để có những kiến thức chi tiết về chứng bệnh này, bạn đọc hãy theo dõi những thông tin của Vietmec trong bài viết dưới đây.

Định nghĩa

Amidan chính xác là một bộ phận tuy nhỏ nhưng có vai trò rất quan trọng đối với hệ thống tai mũi họng. Đây được xem là cửa ngõ đầu tiên để ngăn chặn các vi khuẩn, virus tấn công vào hệ thống hô hấp của chúng ta.

Giới y học xếp amidan vào nhóm tổ chức lympho lớn nhất trong cơ thể, chúng sẽ tập trung ở ngay bên dưới phần niêm mạc hầu, tạo thành 2 đám ở hai bên thành họng. Nhóm tế bào này sẽ tạo ra vòng bạch huyết Waldeyer gồm có: Amidan vòng họng (VA), amidan đáy lưỡi, amidan vòi và amidan khẩu cái. Trong đó, amidan khẩu cái sẽ được phân bố đều ở hai bên thành họng và cũng chiếm diện tích lớn nhất, đồng thời đây cũng là nơi thường xuyên mắc viêm nhiễm nhất.

Theo đó, hệ thống amidan sẽ có chức năng bảo vệ cho vòm họng trước sự tấn công từ các loại vi khuẩn ở bên ngoài. Ở khu vực này, những kháng thể IgG sẽ được sản sinh, có vai trò vô cùng thiết yếu đối với hệ miễn dịch nói chung.

Hệ miễn dịch được tạo ra bởi các kháng thể của amidan sẽ đặc biệt quan trọng đối với đối tượng là trẻ nhỏ. Bởi chúng hoạt động tốt nhất là ở thời điểm con người từ 4 đến 10 tuổi. Nhưng càng về sau sẽ càng suy giảm hoạt động.

Khi gặp phải sự tấn công liên tục, ồ ạt của vi khuẩn, amidan quá mức chịu đựng sẽ dẫn tới tình trạng viêm nhiễm kèm các biểu hiện đỏ rát và sưng đau. Những tế bào kháng thể khi tiêu diệt những vi khuẩn tập trung cũng sẽ để lại phần xác của vi khuẩn và bạch cầu ở ngay amidan, từ đó hình thành nên các cục mủ. Mủ sẽ làm bạn bị đau rát amidan và hơi thở cũng có mùi khá khó chịu.

Khi tình trạng amidan viêm nhiễm xảy ra liên tục, tái phát thường xuyên, hệ miễn dịch sẽ ngày càng kháng cự yếu hơn. Vi khuẩn xâm nhập và tấn công dễ dàng, làm viêm nhiễm lan sang những vùng cơ thể khỏe khác và điển hình chính là viêm họng.

Hình ảnh

Triệu chứng

Amidan khi bị viêm sẽ phân chia thành 2 dạng là viêm amidan cấp và viêm amidan mãn tính.

Viêm amidan thể cấp tính

Amidan viêm nhiễm cấp tính là tình trạng amidan khẩu cái bị sung huyết. Viêm cấp tính sẽ thường xảy ra ở đối tượng từ 5 đến 15 tuổi và do các loại virus hoặc vi khuẩn gây nên. Bệnh viêm amidan cấp tính có thể chính là thời kỳ đầu của một số bệnh lý khác khá nguy hiểm như: Viêm khớp cấp, viêm màng não, bại liệt,...

Triệu chứng của người bị viêm amidan thể cấp tính:

  • Người bệnh sẽ thường xuyên cảm thấy bị sởn gai ốc, sau đó là những cơn sốt cao có thể lên tới 39 - 40 độ.
  • Cổ luôn có cảm giác vướng khi nuốt và nuốt sẽ thấy đau.
  • Rêu lưỡi trắng và bẩn, miệng bị khô.
  • Chán ăn, không còn cảm giác thèm ăn, cơ thể luôn thấy mệt mỏi.
  • Bạn thường hay thở khò khè, ngáy to về đêm và khi quan sát trực tiếp có thể thấy amidan trong vòng họng sưng to, tấy đỏ.
  • Các cơn ho xuất hiện thường xuyên, ho kèm đờm và lúc ho sẽ thấy tức ngực.

Viêm amidan mãn tính

Nếu bạn bị viêm amidan tái phát thường xuyên, lặp lại quá nhiều lần ở amidan khẩu cái sẽ có nguy cơ chuyển thành viêm mãn tính. Lúc này amidan có thể viêm quá phát hoặc ở dạng viêm xơ teo, nhìn chung đều là hình thức của mãn tính.

Triệu chứng khi amidan đã chuyển sang viêm mãn tính:

  • Người bệnh sẽ thường xuyên có những cơn sốt vặt đặc biệt là khi về chiều tối.
  • Các cơn ho khan có thể kéo thành từng cơn dài, chủ yếu vào buổi sáng sớm.
  • Bệnh nhân cũng sẽ có cảm giác vướng ở trong cổ họng và người thấy mệt mỏi khó chịu. Đồng thời cổ họng cũng có thể bị đau, cơn đau thậm chí kéo tới tận vùng tai.
  • Hơi thở của bạn lúc này sẽ có mùi khá khó chịu, sắc mặt xanh xao, gầy yếu và sụt cân nhanh chóng.

Nguyên Nhân

Các chuyên gia tai mũi họng cho biết, viêm amidan chủ yếu xảy ra do các loại virus và vi khuẩn. Theo đó, y học đã xác định một số chủng vi khuẩn và virus có liên quan trực tiếp tới bệnh lý này gồm:

  • Vi khuẩn: Tụ cầu, liên cầu, vi khuẩn A.Pneu Haemophilus, xoắn khuẩn, liên cầu Beta tan huyết nhóm A, các vi khuẩn ái khí, yếm khí,...
  • Virus: Sởi, cúm hoặc ho gà,...

Ngoài các loại vi khuẩn, virus kể trên, cũng có một số tác nhân gây ra bệnh bạn cần biết như sau:

  • Thời tiết thay đổi: Trẻ nhỏ chính là nhóm đối tượng rất nhạy cảm với những thay đổi của thời tiết. Vì khi đó hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện thật sự, sức đề kháng yếu sẽ dễ dàng bị các loại vi khuẩn tấn công vào những thời điểm giao mùa, cơ thể chưa kịp thích nghi. Bạn cần lưu ý những trường hợp trời đổ mưa đột ngột, không khí ẩm tăng cao và thời tiết chuyển lạnh,...
  • Môi trường sống ô nhiễm: Không khí, nguồn nước bị ô nhiễm nặng chính là một trong những nguồn truyền nhiễm vi khuẩn cực nhanh vì chúng ta tiếp xúc trực tiếp hàng ngày. Ở những khu vực có mức ô nhiễm không khí, nước báo động, điều kiện sinh hoạt kém thường sẽ có tỷ lệ người mắc viêm amidan nhiều hơn rõ rệt.
  • Cơ địa nhạy cảm dễ dị ứng: Với những đối tượng dễ bị mắc các bệnh lý như viêm mũi dị ứng hay viêm da dị ứng, thường có cơ địa rất nhạy cảm, sức đề kháng cũng kém. Những trường hợp này dễ bị các vi khuẩn tấn công và làm amidan bị viêm nhiễm.
  • Mắc một số bệnh lý tai mũi họng: Nếu bạn đang bị các chứng bệnh viêm xoang, viêm họng, viêm lợi và không chữa trị triệt để, ổ viêm nhiễm có thể sẽ phát triển mạnh, làm lây lan vi khuẩn và tấn công vào amidan.

Đường lây truyền

Cùng với thắc mắc bệnh có nguy hiểm không, cũng rất nhiều người muốn biết liệu viêm amidan có phải là bệnh có khả năng lây nhiễm. Theo đó, khoa học cũng đã nghiên cứu và khẳng định rằng bệnh hoàn toàn không có khả năng lây lan. Do đó, nếu bạn là người khỏe mạnh, tiếp xúc với người bị viêm amidan cũng không cần lo lắng về khả năng truyền bệnh.

Tuy vậy, amidan lại là chứng bệnh có thể tái phát liên tục trong năm, đồng thời đây cũng là bởi một loại gen trội gây ra, vì vậy bệnh này tuy không lây từ người này sang người khác khi tiếp xúc gần nhưng lại có khả năng di truyền từ bố mẹ sang con cái.

Các nghiên cứu được thực hiện đã chỉ ra rằng, có đến 60% bệnh nhân mắc viêm amidan có liên quan tới yếu tố di truyền hiện nay.

Biến chứng

Mặc dù amidan chỉ là một bộ phận nhỏ thuộc hệ thống tai mũi họng, nhưng khi bệnh để lâu hoàn toàn có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. Cụ thể như sau:

  • Biến chứng tại chỗ: Người bệnh sẽ thường gặp nhất là hiện tượng viêm tấy cùng với áp xe ở quanh amidan, xảy ra ở các trường hợp viêm cấp tính nhưng không điều trị triệt để làm viêm tái phát liên tục. Biểu hiện cho biết bạn đang bị viêm tấy, áp xe đó là đau họng kéo dài, hàm bị khít lại, giọng nói khò khè và chảy nước dãi, hơi thở cũng có mùi khó chịu,...
  • Biến chứng gần: Sẽ là những biến chứng dạng viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tai giữa, áp xe thành họng, viêm mũi, viêm xoang,... Ổ vi khuẩn trong amidan có thể tấn công nhanh chóng sang bất cứ cơ quan lân cận nào, do đó người bệnh tuyệt đối không chủ quan.
  • Biến chứng xa: Viêm amidan ở người lớn khi không được chữa trị dứt điểm sẽ là nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý khá nghiêm trọng khác đó là: Viêm cơ tim, viêm khớp cấp, viêm nội mạc tim, nhiễm khuẩn huyết,...

Như vậy, có thể thấy rằng, viêm amidan không phải là bệnh lý chúng ta có thể xem nhẹ việc điều trị. Nếu nhận thấy bản thân có những triệu chứng nghi ngờ, cần sớm tới các cơ sở y tế để được thăm khám và chữa trị kịp thời.

Phòng ngừa

Bệnh viêm amidan có thể gặp phải ở bất cứ đối tượng nào là trẻ nhỏ hoặc người lớn. Do đó, chúng ta cần có những cách phòng ngừa bệnh từ sớm, hạn chế tối đa nguy cơ tổn thương amidan, đặc biệt là trong những thời điểm tiết trời giao mùa. Một số gợi ý dưới đây có thể giúp ích cho bạn và người thân trong gia đình phòng ngừa viêm amidan tốt nhất:

  • Hãy luôn giữ vệ sinh răng miệng cũng như đường hô hấp thật tốt. Cần duy trì đều đặn thói quen dùng nước muối súc miệng. Đặc biệt với đối tượng trẻ nhỏ, bậc phụ huynh nên chú  ý cho bé vệ sinh răng miệng mỗi buổi sáng, trước lúc đi ngủ buổi tối và sau khi ăn.
  • Chúng ta cần chú ý giữ ấm cho cổ họng cùng tai khi thời tiết chuyển lạnh, không bật điều hòa ở nhiệt độ quá thấp, đặc biệt khi ngủ về đêm.
  • Cần vệ sinh sạch sẽ nhà cửa thường xuyên, nên sử dụng thêm các thiết bị lọc không khí, tạo độ ẩm cho không gian sống. Tránh để bụi bẩn và nấm mốc có cơ hội phát triển, sinh sôi các vi khuẩn gây bệnh về tai mũi họng.
  • Khi ra ngoài cần đeo khẩu trang đầy đủ, tránh tiếp xúc với các môi trường hóa chất độc hại, nhiều khói bụi ô nhiễm.
  • Hạn chế việc ăn uống đồ lạnh, thường xuyên sử dụng nước ấm để uống, có thể uống một cốc nước chanh pha mật ong ấm vào mỗi buổi sáng.
  • Cần sinh hoạt, nghỉ ngơi điều độ, hợp lý để sức đề kháng của cơ thể luôn được ổn định. Nếu có dấu hiệu viêm amidan phải sớm tới bệnh viện để được thăm khám.
Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp chẩn đoán

Viêm amidan nhẹ ban đầu sẽ có triệu chứng tương tự như các bệnh lý tai mũi họng khác và khiến không ít người nhầm lẫn. Do vậy, để biết chắc chắn rằng amidan có bị viêm hay không, bạn nên đến tìm gặp các bác sĩ tiến hành thăm khám, chẩn đoán chi tiết.

Theo đó, quy trình chẩn đoán bệnh sẽ bao gồm khám lâm sàng và cận lâm sàng đối với cả viêm amidan thể mãn tính, cấp tính.

Phương pháp chẩn đoán lâm sàng

Thăm khám lâm sàng sẽ kiểm tra dựa vào những triệu chứng của người bệnh bao gồm cả thực thể và toàn thân. Cụ thể như sau:

Với amidan viêm cấp tính:

  • Bệnh nhân sẽ có những triệu chứng toàn thân gồm: Rét run người, ớn lạnh, cơ thể mệt mỏi, bị đau đầu, mất cảm giác thèm ăn, tiểu ít và nước tiểu có màu sẫm, thường bị táo bón kèm sốt cao tới 39 độ.
  • Những triệu chứng cơ năng như: Cổ họng khô rát, đau họng, khi nuốt đau kéo lên hai tai, thở khò khè, khi nói sẽ bị chuyển sang giọng mũi, lúc ngủ ngáy to, có ho theo cơn và ho có đờm, giọng bị khàn,...
  • Các triệu chứng thực thể: Bác sĩ kiểm tra sẽ thấy lưỡi bệnh nhân có rêu trắng, phần niêm mạc họng bị tấy đỏ, bệnh nhân luôn có cảm giác khô miệng. Quan sát amidan sẽ thấy sưng to, gần chạm vào nhau, ở một số bệnh nhân sẽ thấy amidan có các chấm nhỏ với lớp phủ trắng không gây chảy máu. Tổ chức lympho ở sau thành họng cũng bị sưng đỏ với kích thước khá to.

Nếu có những dấu hiệu trên đây, khả năng cao người bệnh đã bị viêm amidan cấp tính.

Đối với viêm amidan mãn tính: 

  • Triệu chứng toàn thân: Thường sẽ không có triệu chứng đặc biệt, cơ bản giống với thể cấp tính. Ngoài ra người bệnh sẽ có cơ thể xanh xao, gầy gò và thường ớn lạnh, sốt nhẹ.
  • Triệu chứng cơ năng: Bệnh nhân khó nuốt, luôn cảm thấy vướng ở cổ họng, hai bên tai bị đau, hơi thở có mùi và ho khan, thở khò khè,...
  • Triệu chứng thực thể: Phần amidan sẽ xuất hiện các khe, hốc chứa chất như bã đậu màu trắng, amidan cũng sưng khá to,...

Phương pháp chẩn đoán viêm amidan cận lâm sàng

Đối với người nghi ngờ viêm amidan cấp tính, bệnh nhân sẽ chỉ cần thực hiện xét nghiệm công thức máu. Nhưng ở các trường hợp mãn tính sẽ được bác sĩ chỉ định thực hiện thêm một số xét nghiệm kiểm tra bao gồm:

  • Xét nghiệm Viggo - Schmidt.
  • Xét nghiệm Le Mée.
  • Tiến hành đo tỉ lệ ALSO ở trong máu.

Biện pháp điều trị

Khi điều trị bệnh viêm amidan ở trẻ hay người lớn với thể cấp tính đều sẽ tập trung hơn vào việc cải thiện những biểu hiện của bệnh, tăng cường thể trạng cho bệnh nhân. Đồng thời sẽ hạn chế tối đa việc cho người bệnh sử dụng thuốc kháng sinh, chỉ dùng cho những trường hợp có tiên lượng xấu, nghi ngờ xảy ra các biến chứng. Với những người bị viêm mãn tính, thông thường các bác sĩ sẽ gợi ý cắt amidan. Chi tiết các hướng chữa trị là:

Điều trị viêm amidan tại nhà

Với những người bị viêm amidan thể nhẹ, cấp tính sẽ có thể sử dụng các biện pháp chữa trị tại nhà với các mẹo dùng nguyên liệu thiên nhiên cùng một số cách chăm sóc cơ bản như sau:

  • Luôn uống nhiều nước ấm và ăn đồ ăn dạng lỏng: Các loại canh súp, trà, nước lọc đều rất tốt cho người đang bị viêm amidan. Đồ ấm sẽ giúp chúng ta làm dịu hiệu quả các cơn đau rát, đồng thời làm giảm kích ứng. Bệnh nhân ưu tiên dùng những loại trà thảo mộc, kết hợp thêm mật ong để giảm viêm.
  • Luôn súc miệng với nước muối vào buổi sáng: Khi thức dậy vào sáng sớm là lúc cổ họng của bạn dễ bị đau rát, khô và ho nhất. Khi đó, nên dùng nước muối loãng ấm để ngậm khoảng 10 giây và nhổ đi sẽ làm dịu đau rát rõ rệt.
  • Dùng các máy tạo ẩm trong nhà: Khi phòng ngủ của bạn quá hanh khô cũng là yếu tố làm viêm amidan tiến triển xấu hơn.
  • Dùng lá diếp cá: Có rất nhiều bệnh nhân viêm amidan đã lựa chọn sử dụng lá diếp cá tươi để giảm viêm nhiễm tại nhà. Theo đó, bạn chỉ cần chuẩn bị một nắm lá rau diếp cá tươi, đem rửa sạch và ngâm thêm với nước muối pha loãng trong khoảng 15 phút. Sau đó, vớt ra và nấu sôi với lượng nước vo gạo vừa đủ. Đến khi lá diếp cá đã chín nhừ, bạn tắt bếp và chắt lấy nước cốt để uống hàng ngày. Phương pháp này sau vài lần sử dụng sẽ giảm đau và amidan cũng bớt sưng tấy rõ rệt.
  • Trà gừng: Chúng ta chuẩn bị 1 củ gừng rửa sạch, cạo vỏ và thái thành những lát mỏng, đập dập gừng rồi pha với nước nóng tương tự như pha trà. Sau 10 phút, bạn thêm vào 1 thìa mật ong và uống ngay khi còn ấm. Trà gừng sẽ làm dịu họng, giảm cơn đau rát và giúp tiêu viêm tốt nhất.
  • Lá hẹ tươi: Đây cũng là nguyên liệu được dùng phổ biến trong dân gian để cải thiện viêm amidan. Bạn có thể dùng một nắm lá hẹ rửa sạch, thái thành từng khúc nhỏ. Sau đó trộn với 2 thìa mật ong để hấp cách thủy 15 phút. Phần nước thu được bạn sẽ dùng uống hàng ngày giúp bệnh nhanh chóng thuyên giảm.

Cùng với các nguyên liệu trên, bạn có thể tận dụng thêm những thảo mộc khác để giảm viêm nhiễm amidan như: Rau thài lài, chanh, lá bạc hà, lá dâu, lá tía tô, lá trầu, tỏi,... Tuy nhiên, các biện pháp này sẽ chỉ phù hợp với bệnh nhân nhẹ, người đã bị viêm amidan nặng khi sử dụng sẽ không thu được hiệu quả như mong muốn.

Thuốc Tây y chữa viêm amidan

Tây y là hướng chữa trị được nhiều người lựa chọn bởi đem đến hiệu quả rất nhanh chóng. Tùy theo nguyên nhân gây bệnh cũng như mức độ viêm nhiễm ở amidan, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc chữa viêm amidan phù hợp cho bạn. Một số loại thuốc thường được dùng trong đơn thuốc hiện nay gồm:

  • Thuốc kháng sinh: Có công dụng kháng khuẩn, giảm viêm nhiễm và hỗ trợ đẩy lùi tốt các cơn đau cho người dùng. Những thuốc đó là: Amoxicillin, Penicillin, Azithromycin, Fluoroquinolones,...
  • Nhóm thuốc giảm đau: Khi amidan bị tổn thương, thuốc giảm đau sẽ không thể thiếu trong đơn của bệnh nhân. Nhóm thuốc này sẽ giúp làm giảm sưng đau và hạ sốt rất tốt. Thuốc thường được dùng cho người bệnh là Paracetamol, Aspirin,...
  • Thuốc giảm ho và sung huyết: Sử dụng để hạn chế các cơn ho cho người bệnh, những thuốc đặc trị thường được dùng gồm: Toplexil, Codein, Bromhexin hoặc Dextromethorphan,...
  • Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể được chỉ định dùng thêm một số loại thuốc như viên ngậm, thuốc xịt để sát khuẩn, loại bỏ virus trong khoang miệng, đồng thời giúp chúng ta ngăn chặn các tác nhân gây bệnh từ môi trường bên ngoài.

Với những trường hợp viêm amidan mãn tính, xuất hiện mủ, người bệnh cần phải cắt amidan để không làm viêm nhiễm lây lan ra các bộ phận khác. Phẫu thuật amidan sẽ được thực hiện trong các trường hợp sau:

  • Viêm amidan tái phát khoảng 5 - 6 lần trong năm.
  • Amidan xuất hiện tiên lượng biến chứng áp xe.
  • Người bệnh có các biến chứng viêm xoang, viêm mũi, viêm phổi, viêm phế quản.
  • Có nguy cơ xảy ra các biến chứng nguy hiểm hơn như: Nhiễm khuẩn huyết, viêm màng trong tim, rối loạn tiêu hóa trong thời gian dài.
  • Bệnh nhân bị vướng họng khi nuốt, khó thở, hệ hô hấp bị ảnh hưởng nặng,...

Tuy nhiên, không phải trường hợp bệnh nhân nào cũng cần phẫu thuật. Nếu bạn thuộc vào một trong những ca sau đây sẽ không thể chỉ định mổ:

  • Bệnh nhân bị các hội chứng hoặc bệnh chảy máu.
  • Người bị viêm amidan đồng thời mắc các chứng bệnh suy gan thận, suy tim, cao huyết áp.
  • Bệnh nhân đang bị đái tháo đường, AIDS, lao,...
  • Nữ giới đang ở chu kỳ kinh nguyệt, cho con bú hoặc đang trong thai kỳ.
  • Những người có thể trạng yếu, người già trên 50 tuổi hoặc trẻ nhỏ.

Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà

Chúng ta cần biết rằng, chế độ ăn uống mỗi ngày sẽ tác động rất nhiều tới kết quả điều trị của bệnh nhân. Khi bạn sử dụng thực phẩm đúng cách, bệnh sẽ được cải thiện tốt, việc chữa viêm nhiễm amidan từ đó sẽ thuận lợi hơn.

Những thực phẩm chúng ta nên sử dụng gồm:

  • Nhóm thực phẩm góp phần tăng cường miễn dịch: Gồm những loại hoa quả, rau củ có chứa nhiều vitamin C, A, B, vitamin D, cùng các khoáng chất photpho, magie. Cụ thể là bưởi, cam, quýt, ngũ cốc các loại, sữa và chế phẩm từ sữa,...
  • Nhóm thực phẩm giàu kẽm: Thành phần này sẽ có công dụng giúp bạn ức chế những vi khuẩn gây ra viêm nhiễm, giảm tình trạng đau nhức và kích thích cho cơ thể sản sinh thêm nhiều kháng thể hơn. Chúng ta có thể tăng cường lượng kẽm qua trứng, cua, thịt bò, hàu, rong biển,...
  • Nhóm thực phẩm giúp kháng viêm: Bệnh nhân nên bổ sung thêm nguồn kháng sinh tự nhiên từ các thực phẩm sử dụng hàng ngày như: Đinh hương, súp lơ xanh, gừng, củ cải, nghệ, cà chua, bơ,...

Người bị viêm amidan cần kiêng những thực phẩm:

  • Những đồ ăn quá khô cứng: Các thực phẩm này khi đi qua họng sẽ dễ làm cho amidan bị tổn thương, làm sưng đau và viêm nhiễm nặng hơn. Đặc biệt, chúng cũng có khả năng gây chảy máu bề mặt của niêm mạc, khi đó quá trình chữa trị sẽ cần nhiều thời gian hơn.
  • Thực phẩm nhiều cay nóng và dầu mỡ: Các món ăn có tính cay, chứa dầu mỡ nhiều đều là yếu tố kích thích niêm mạc họng làm amidan bị sưng to và người bệnh đau rát hơn. Thậm chí bạn còn có thể bị mất nước, đờm tích tụ ứ đọng và không thể đẩy ra khỏi họng.
  • Những thức uống có cồn, thuốc lá, chất kích thích: Rượu, bia, cà phê, thuốc lá cần phải tránh hoàn toàn nếu bạn không muốn amidan bị tổn thương nhiều hơn. Các chất kích thích này sẽ làm chúng ta tăng tần suất ho, thân nhiệt tăng cao và còn bị khàn tiếng.

Viêm amidan đã không còn là bệnh lý xa lạ với chúng ta, nhưng để hiểu rõ về bệnh thì không phải ai cũng nắm được những thông tin quan trọng. Đặc biệt là các biến chứng có thể xảy ra ở amidan. Do đó, bạn cần bổ sung những kiến thức liên quan tới bệnh, có cách chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bản thân thật tốt.

Chuyên sâu

Câu hỏi thường gặp

Bệnh nhân bị viêm amidan nên bổ sung những loại thực phẩm sau trong bữa ăn hàng ngày:

  • Hoa quả tươi, rau xanh: Rau cải, rau ngót, mồng tơi, diếp cá, rau má,…
  • Thực phẩm giàu kẽm: Rong biển, gan động vật, hàu,….
  • Thực phẩm giàu protein: Thịt băm, gà xé, cá hồi, sữa, trứng,…
  • Luôn uống đủ nước
  • Thực phẩm giàu Vitamin C: Cam, quýt, …
Xem chi tiết
Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android