Viêm Bao Gân Cổ Tay

Triệu chứng và nguyên nhân

Viêm bao gân cổ tay được được hiểu là lớp vỏ bao quanh gân cổ tay bị viêm. Hầu hết các trường hợp khởi phát bệnh đều do thói quen lạm dụng cổ tay mãn tính. Bệnh lý này cần được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, giúp cải thiện khả năng vận động của cổ tay và ngăn ngừa biến chứng.

Định nghĩa

Viêm bao gân là một dạng tổn thương tại khớp thường gặp. Tình trạng này có thể xảy ra tại bất kỳ khớp nào trên cơ thể, điển hình là cổ tay. Viêm bao gân cổ tay xảy ra khi lớp vỏ bọc bên ngoài gân cổ tay bị kích ứng quá mức và gây ra tình trạng viêm sưng. Lúc này, lớp màng bao bọc bên ngoài gân (hay còn được gọi là màng hoạt dịch) sẽ dày lên bất thường và dẫn đến sưng tấy.

Khi người bệnh chuyển động cổ tay, gân và đường hầm sẽ cọ xát với nhau, gây ra triệu chứng đau nhức kéo dài. Nếu triệu chứng đau nhức diễn ra ở mức độ nghiêm trọng, hoạt động của cổ tay và ngón tay sẽ bị hạn chế. Ở một vài trường hợp, cơn đau nhức còn phát triển lan rộng đến cẳng tay và ngón tay, gây ra tình trạng nóng bỏng và tê bì.

Chuyên gia y tế cho biết, viêm bao gân cổ tay gồm có hai dạng tổn thương là hội chứng De Quervain (viêm xảy ra tại bao gân và các gân kiểm soát, khiến tính nhạy cảm của cổ tay và ngón tay cái tăng lên) và hội chứng ống cổ tay (viêm bao gân gây tổn thương dây thần kinh trong ống cổ tay, hình thành nên triệu chứng tê yếu, ngứa ran và đau nhức).

Khi có các dấu hiệu của bệnh, bạn cần thăm khám và điều trị đúng cách ngay từ sớm giúp phục hồi tổn thương tại cổ tay. Ngăn ngừa tổn thương chuyển biến nặng, phát sinh rủi ro và ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày.

Hình ảnh

Triệu chứng

Bạn cần chú ý đến tình trạng sức khỏe của bản thân để sớm phát hiện ra dấu hiệu của bệnh và đưa ra biện pháp can thiệp đúng cách ngay từ sớm. Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết bệnh viêm bao gân cổ tay bạn có thể tham khảo:

  • Đau nhức nghiêm trọng tại khu vực bị tổn thương.
  • Cơn đau sẽ nặng hơn khi về đêm hoặc khi chuyển động cổ tay.
  • Cổ tay tổn thương bị sưng to, khi sờ vào có cảm giác mềm mại.
  • Theo thời gian cơn đau sẽ phát triển lan rộng đến ngón tay và cẳng tay
  • Khả năng chuyển động của cổ tay bị suy giảm đáng kể.

Tùy thuộc vào dạng tổn thương mà bạn phải đối mặt với một số triệu chứng khác như đau co thắt, nóng bỏng hoặc tê bì ngón tay, ngứa ran ở lòng bàn tay, chuột rút, rối loạn cảm giác,...

Nguyên Nhân

Viêm bao gân cổ tay thường xảy ra khi bạn quá lạm dụng khớp cổ tay. Điều này đã khiến cho vỏ bọc bao quanh gân bị kích ứng, dày lên và gây sưng tấy. Lúc này, gân sẽ ma sát với vỏ bọc và gây ra triệu chứng đau nhức. Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao là nữ giới, người từ 30 - 50 tuổi và phụ nữ đang mang thai.

Ngoài ra, tình trạng viêm bao gân cổ tay cũng có thể khởi phát do tác động của một số nguyên nhân sau đây:

  • Chấn thương: Viêm bao gân cổ tay thường khởi phát khi chấn thương tại khớp cổ tay không được điều trị dứt điểm. Đồng thời, chấn thương gân cổ tay cũng là điều kiện thuận lợi để bệnh khởi phát nhanh hơn.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Tình trạng viêm khởi phát ở bao gân cổ tay cũng có thể là do tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị bệnh như kháng sinh Fluoroquinolone, thuốc chữa cholesterol có nồng độ statin cao,...
  • Bệnh lý: Viêm bao gân cổ tay rất dễ khởi phát nếu bạn mắc phải một số bệnh lý như viêm khớp, viêm khớp dạng thấp, u nang gân,... Với những trường hợp có u nang ở cổ tay, tổn thương tại gân sẽ nhanh chuyển biến nặng, làm gia tăng nguy cơ rách gân và biến dạng tay. Điều này đã khiến cho khả năng vận động của tay bị suy giảm đáng kể.
  • Hệ quả sau phẫu thuật: Mô sẹo hình thành bên trong khớp cổ tay sau khi phẫu thuật điều trị bệnh cũng sẽ gây ảnh hưởng đến chuyển động của gân bên trong đường hầm. Lầu dài sẽ kích thích phản ứng viêm xảy ra.

Biến chứng

Viêm bao gân cổ tay là bệnh lý có tiến triển từ từ. Ban đầu, triệu chứng của bệnh không rõ ràng, người bệnh vẫn có thể chuyển động cổ tay và ngón tay một cách bình thường. Khi bệnh đã chuyển biến nặng thì triệu chứng của bệnh sẽ đa dạng hơn. Đồng thời, tần suất và mức độ đau nhức cũng trở nên nghiêm trọng hơn.

Tuy nhiên, đây là bệnh lý không quá nguy hiểm và có thể điều trị khỏi bằng phương pháp bảo tồn, rất ít trường hợp phải tiến hành phẫu thuật để sửa chữa gân. Ngược lại, nếu bệnh lý này không được điều trị và chăm sóc tốt sẽ gây ra các triệu chứng như đứt gân, biến dạng cổ tay, teo cơ, mất cảm giác, liệt bàn tay,...

Phòng ngừa

Viêm bao gân cổ tay gây ra triệu chứng đau nhức khiến người bệnh gặp phải nhiều phiền toái trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Vì thế, bạn cần phải chủ động trong việc phòng ngừa, tránh để bệnh tái phát nhiều lần. Dưới đây là các biện pháp phòng ngừa viêm bao gân cổ tay mà chúng tôi tổng hợp được bạn có thể tham khảo:

  • Điều chỉnh lại thời gian làm việc và nghỉ ngơi sao cho phù hợp. Không nên quá lạm dụng cổ tay hoặc làm việc quá sức, Sau thời gian dài vận động cổ tay, bạn nên dành thời gian để xoa bóp và thư giãn. Đặc biệt là những người phải làm việc nhiều với bàn phím, máy rung xóc,...
  • Cần loại bỏ các thói quen gây kích thích không tốt đến cổ tay như lặp lại một động tác ở cổ tay và bàn tay kéo dài, bẻ nắn khớp,... Cần có các biện pháp bảo hộ cổ tay khi chơi thể thao hoặc khi thực hiện lặp lại các động tác ở cổ tay nhiều lần.
  • Nên khởi động cổ tay trước khi chơi thể thao hoặc vận động mạnh. Cách này có tác dụng làm thư giãn gân cơ, bôi trơn khớp xương và hạn chế chấn thương.
  • Chế độ ăn uống hàng ngày cần cân bằng dưỡng chất nạp vào cơ thể. Nên tăng cường bổ sung canxi, vitamin, omega-3, protein, kẽm, chất chống oxy hóa,... Đây đều là những thành phần dưỡng chất thiết yếu dành cho xương, giúp xương luôn chắc khỏe và hoạt động linh hoạt.
  • Thường xuyên thực hiện các bài tập dành cho cổ tay và bàn tay giúp cải thiện sức mạnh cơ, độ chắc khỏe của xương và độ dẻo dai của gân. Điều này sẽ hạn chế được nguy cơ chấn thương cổ tay và phòng ngừa bệnh viêm bao gân cổ tay.
Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp điều trị

Khi thăm khám chuyên khoa, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán bệnh bằng cách kiểm tra biểu hiện bên ngoài và mức độ vận động của cổ tay. Cách này có tác dụng xác định gân và vị trí bị tổn thương. Sau đó, người bệnh sẽ được yêu cầu thực hiện siêu âm hoặc chụp x-quang giúp phân biệt với các tổn thương khác, để từ đó có thể đưa ra chẩn đoán chính xác nhất.

Sau khi đã có kết quả chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh phương pháp điều trị phù hợp nhất. Dưới đây là các cách điều trị viêm bao gân cổ tay mà chúng tôi tổng hợp được bạn có thể tham khảo:

Giảm đau tại nhà

Với những trường hợp đau nhức ở mức độ không quá nghiêm trọng, người bệnh có thể tự giảm đau tại nhà bằng các mẹo đơn giản như chườm lạnh, nghỉ ngơi, vận động,... Dưới đây là hướng dẫn chi tiết về cách thực hiện bạn có thể tham khảo:

+ Nghỉ ngơi: Dừng các hoạt động không cần thiết giúp thư giãn cổ tay và tạo điều kiện cho cơn đau biến mất. Vì thế, khi cơn đau cổ tay khởi phát bạn cần hạn chế vận động, thay vào đó hãy dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi. Khi nghỉ ngơi, nên nâng tay cao hơn tim giúp tuần hoàn máu về tim diễn ra thuận lợi hơn, hỗ trợ đẩy lùi triệu chứng viêm sưng. Sau khi tình trạng viêm đau đã thuyên giảm, bạn nên tập chuyển động ngón tay và cổ tay với cường độ tăng dần để tránh bị cứng khớp.

+ Dùng nẹp: Khi bị viêm bao gân cổ tay, bạn nên sử dụng nẹp cố định giúp hạn chế các cử động không cần thiết và tránh gây áp lực lên bao gân bị tổn thương. Điều này cũng có tác dụng rất tích cực trong việc giảm đau và tạo điều kiện để tái tạo mô mới. Dựa vào mức độ tổn thương và khả năng phục hồi tại khớp mà thời gian dùng nẹp ở mỗi người sẽ có sự khác nhau. Thông thường, người bệnh cần dùng nẹp 24 tiếng/ngày và kéo dài từ 4 - 6 tuần.

+ Chườm lạnh: Chườm lạnh có tác dụng đẩy lùi triệu chứng viêm sưng và đau nhức khá hiệu quả. Bạn có thể áp dụng nhiều lần trong ngày mỗi khi cơn đau khởi phát. Chú ý, chỉ nên chườm từ 15 - 20 phút/lần và không quá 4 lần/ngày. Cách thực hiện khá đơn giản, cho đá lạnh vào túi chườm rồi áp lên da. Tránh chườm đá trực tiếp lên da để tránh bị bỏng lạnh.

+ Vận động khoa học: Nếu không phải đeo nẹp theo chỉ định của bác sĩ, bạn không nên bất động cổ tay lâu ngày. Thay vào đó, hãy thực hiện một số bài tập nhẹ nhàng ở cổ tay và bàn tay nhằm cải thiện sức mạnh cơ và kéo giãn cơ. Đồng thời, việc duy trì vận động đều đặn mỗi ngày còn có tác dụng tăng tuần hoàn máu, giảm đau nhức và cải thiện khả năng vận động tay.

Điều trị y tế

Dựa vào mức độ nghiêm trọng của bệnh lý, bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh phương pháp điều trị phù hợp nhất. Với những trường hợp viêm không quá nghiêm trọng, bạn có thể điều trị bằng cách dùng thuốc tây y hoặc tiến hành vật lý trị liệu. Nhưng nếu bệnh đã gây tổn thương nghiêm trọng đến cổ tay, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện phẫu thuật.

+ Dùng thuốc Tây y: Dùng thuốc Tây y sẽ đẩy lùi nhanh chóng triệu chứng đau nhức ở cổ tay, giúp người bệnh có thể vận động tay và lao động bình thường. Thường được sử dụng là:

  • Thuốc chống viêm không steroid (Ibuprofen, Naproxen): Tác dụng chính của thuốc là giảm viêm sưng và đau nhức. Loại thuốc này thường được sử dụng bằng đường uống. Với trường hợp nghiêm trọng thì có thể sử dụng thuốc dạng tiêm.
  • Tiêm steroid (Corticoid): Đây là thuốc chống viêm mạnh, thường được kê đơn khi loại thuốc ở trên không mang lại hiệu quả. Thuốc được sử dụng bằng cách tiêm quanh gân. Sau khi tiêm, triệu chứng của bệnh sẽ được khắc phục hoàn toàn, bạn không cần phải điều trị thêm.

Thuốc Tây y có tác dụng nhanh nhưng cũng tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ không mong muốn. Khi dùng thuốc để điều trị bệnh viêm bao gân cổ tay, bạn cần tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị mà bác sĩ chuyên khoa đã đưa ra. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc về dùng tại nhà.

+ Vật lý trị liệu: Hầu hết các trường hợp bệnh đều được chỉ định thực hiện vật lý trị liệu giúp phục hồi chức năng của gân - bao gân và tăng sức mạnh cơ. Từ đó, khả năng vận động của người bệnh sẽ được cải thiện đáng kể. Đồng thời, việc thực hiện vật lý trị liệu còn có tác dụng kích thích tuần hoàn máu bên trong cơ thể và chữa lành tổn thương tại gân.

+ Phẫu thuật: Phẫu thuật được chỉ định thực hiện với những trường hợp viêm bao gân cổ tay không có chuyển biến tốt sau khoảng 3 - 6 tháng điều trị nội khoa hoặc có tổn thương nghiêm trọng tại cổ tay. Mục đích của việc phẫu thuật là giải phóng vỏ bọc gân, tăng không gian đường hầm, hạn chế ma sát giữa gân và đường hầm. Điều này đã giúp cho tổn thương tại gân nhanh chóng được phục hồi.

Sau phẫu thuật, người bệnh cần đeo nẹp trong vài tuần để hạn chế cử động cổ tay, ngăn ngừa biến chứng sau phẫu thuật. Sau đó, tiến hành vật lý trị liệu để phục hồi chức năng cổ tay. Sau khoảng 3 tuần là vết mổ sẽ lành nhưng phải cần từ 3 - 4 tháng để phục hồi toàn hoàn.

Bài viết trên đây là tổng hợp những thông tin cần biết về bệnh viêm bao gân cổ tay bạn có thể tham khảo. Triệu chứng đặc trưng của bệnh lý này là viêm sưng kèm theo đau nhức ở cổ tay và ngón tay. Nếu bệnh không được chữa trị đúng cách và kịp thời sẽ phát sinh ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Ngay khi có các dấu hiệu của bệnh, bạn cần đến gặp bác sĩ để làm kiểm tra và được hướng dẫn điều trị đúng cách.

Chuyên sâu
Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
Bác Sĩ Lê Hữu Tuấn
Bác Sĩ Lê Hữu Tuấn
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh
TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh
Verified
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android