Viêm Cột Sống Dính Khớp

Triệu chứng và nguyên nhân

Viêm cột sống dính khớp gây ảnh hưởng đến cột sống và nhiều khu vực khác trên cơ thể. Nếu không phát hiện và điều trị sẽ để lại tổn thương lâu dài, không có khả năng phục hồi. Vì thế, bệnh lý này cần được điều trị đúng cách ngay từ sớm. Bài viết dưới đây là tổng hợp những thông tin cần biết về bệnh viêm cột sống dính khớp, cách chẩn đoán cũng như điều trị bạn có thể tham khảo.

Định nghĩa

Viêm cột sống dính khớp là hiện tượng viêm khớp gây dính khớp, hợp nhất một số xương lại với nhau. Đây là bệnh lý mãn tính có tiến triển chậm và gây tổn thương đến khớp cột sống, khớp cùng chậu, khớp chi,... Đồng thời, người bệnh còn phải đối mặt với tình trạng viêm tại các điểm bám gân và gây khó thở nếu ảnh hưởng đến xương sườn. Ở trường hợp nặng, bệnh có thể gây biến dạng khớp dẫn đến tàn phế vĩnh viễn. Thống kê tại Bệnh viện Bạch Mai cho biết, viêm cột sống dính khớp chiếm khoảng 20% trên tổng số bệnh nhân đang điều trị tại đây. Bệnh xảy ra ở nam giới nhiều hơn nữ giới và bệnh nhân dưới 30 tuổi chiếm đến 80%.

Đây là bệnh lý hiếm gặp, có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khớp bên trong cơ thể. Thông thường, bệnh sẽ gây ảnh hưởng đến phần cột sống lưng dưới, theo thời gian bệnh sẽ phát triển lan rộng gây ảnh hưởng đến khớp cột sống cổ cũng như các cơ quan khác trên cơ thể. Hiện nay, y khoa vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh lý này mà chỉ có thể giảm nhẹ triệu chứng giúp cải thiện lại chất lượng cuộc sống hàng ngày.

Hình ảnh

Triệu chứng

Viêm cột sống dính khớp là bệnh lý cần được phát hiện sớm và điều trị đúng cách để tránh phát sinh rủi ro không mong muốn. Vì thế, bạn cần nắm rõ các triệu chứng của bệnh để sớm phát hiện và đưa ra phương pháp xử lý đúng cách. Chuyên gia cho biết, viêm cột sống dính khớp là bệnh lý gây tổn thương đến các khớp xương cùng và vị trí cột sống kết nối với xương chậu, cụ thể là nơi mà dây chằng và gân gắn vào xương. Nếu bệnh tiến triển nặng sẽ gây hợp nhất các đốt sống lại với nhau. Triệu chứng của bệnh viêm cột sống dính khớp khá đa dạng, thường xảy ra các đợt viêm từ nhẹ đến trung bình, thậm chí là không có bất kỳ dấu hiệu cụ thể nào.

Dưới đây là một số triệu chứng đặc trưng của bệnh lý này bạn có thể tham khảo và nắm rõ để có thể sớm nhận biết ra bệnh.

  • Cột sống bị đau nhức và vận động không linh hoạt, cơn đau sẽ biểu hiện rõ hơn khi thay đổi tư thế ngồi. Thông thường, cơn đau sẽ bắt đầu từ khớp xương vùng chậu, sau đó lan ra một phần hoặc toàn bộ cột sống. Một số trường hợp, bệnh chỉ gây sưng đau dai dẳng ở một khớp lớn như khớp gối, khớp háng,...
  • Cơn đau sẽ diễn ra ở mức độ nặng vào buổi sáng hoặc khi thức giấc giữa đêm, nếu bạn tập luyện hoặc nghỉ ngơi thì cơn đau sẽ dần cải thiện.
  • Tư thế vận động xuất hiện một số bất thường như tăng gù cột sống lưng, tăng ưỡn cột sống cổ, khom lưng ra phía trước, chiều cao thấp hơn trước, khòm vai,...
  • Một số triệu chứng toàn thân có thể gặp phải là kém ăn, gầy sút cân, sốt nhẹ, thiếu máu, giảm chức năng phổi,...
  • Ngoài ra, bệnh còn có thể gây viêm tại nhiều cơ quan khác trên cơ thể như viêm ruột, viêm kết mạc mắt, viêm van tim, viêm cân gan bàn chân,...

Nguyên Nhân

Hiện nay y khoa vẫn chưa tìm ra chính xác nguyên nhân gây bệnh viêm cột sống dính khớp. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp khởi phát đều có liên quan đến yếu tố di truyền. Thống kê y khoa cho biết, các cặp đôi sinh đôi đồng trứng có tỷ lệ đồng mắc bệnh là 63%, còn với các cặp sinh đôi khác trứng là 13%. Nếu trong gia đình có cha mẹ hoặc anh chị bị bệnh thì khả năng mắc bệnh tăng cao gấp 6 - 16 lần. Dưới đây là các yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh bạn có thể tham khảo:

  • Có khoảng 90% ca bệnh có sự xuất hiện của kháng nguyên hòa hợp mô HLA – B27. Vì thế, những người mang gen HLA-B27 sẽ có nguy cơ mắc bệnh viêm cột sống dính khớp cao hơn những người khác.
  • Mô xương, xơ các mô sụn bị tổn thương khiến khả năng vận động bị hạn chế và gây phá hủy khớp.

Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao là:

  • Di truyền gen HLA – B27 từ gia đình
  • Nam giới có nguy cơ bị viêm cột sống dính khớp cao hơn phụ nữ
  • Bệnh thường gây ảnh hưởng đến những người ở cuối độ tuổi vị thành niên hoặc những năm đầu của tuổi trưởng thành.

Biến chứng

Khi bị viêm cột sống dính khớp ở mức độ nặng, cơ thể sẽ kích thích hình thành xương mới để chữa lành tổn thương tại cột sống. Các xương mới hình thành này có thể làm thu hẹp khoảng cách giữa các đốt sống và hợp nhất chúng lại với nhau. Điều này đã khiến cho cột sống bị cứng và kém linh hoạt, gây ảnh hưởng đến khả năng vận động hàng ngày. Ngoài ra, sự hợp nhất cột sống còn khiến lồng xương sườn bị cứng, hạn chế dung dịch phổi và ảnh hưởng đến chức năng của cơ quan này. Một số biến chứng khác có thể gặp phải khi bị viêm cột sống dính khớp là:

  • Viêm màng bồ đào: Có khoảng 40% bệnh nhân viêm cột sống dính khớp gặp phải biến chứng này. Viêm màng bồ đào sẽ gây ra các triệu chứng như viêm mắt, đau nhức mắt, hạn chế tầm nhìn và mắt trở nên nhạy cảm với ánh sáng.
  • Gãy xương: Ở giai đoạn đầu của bệnh, cột sống sẽ dần suy yếu và xương cũng trở nên yếu dần. Lúc này, xương rất dễ bị vỡ vụn và gây ra tư thế khòm hoặc gập người về phía trước khi vận động. Gãy đốt sống sẽ khiến tủy sống và dây thần kinh chịu áp lực rất lớn, dẫn đến tổn thương.
  • Vấn đề tim mạch: Viêm cột sống dính khớp cũng có thể gây ra một số vấn đề về tim mạch, đặc biệt là ở động mạch chủ. Lúc này, phản ứng viêm sẽ được kích thích khởi phát, gây biến dạng mạch tim và suy giảm chức năng tim.
  • Ung thư: Khi bị viêm cột sống dính khớp bạn sẽ có nguy cơ cao mắc một số bệnh lý ung thư như ung thư xương, ung thư ruột máu, ung thư ruột kết ở nữ và ung thư tuyến tiền liệt ở nam.

Phòng ngừa

Do y khoa chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây ra viêm cột sống dính khớp nên việc phòng ngừa bệnh cũng rất khó khăn. Tuy nhiên, bạn có thể phòng ngừa biến chứng của bệnh thông qua các biện pháp đơn giản sau đây:

  • Nên nằm ngủ hoặc nghỉ ngơi ở tư thế thẳng và nằm trên giường cứng, tránh nằm võng hoặc kê cao gối khi ngủ.
  • Tập luyện thể dục thể thao đều đặn mỗi ngày, nên ưu tiên các bài tập nhẹ nhàng như bơi lội, đạp xe,...
  • Duy trì cân nặng ở mức ổn định và hợp lý, tránh tình trạng thừa cân và béo phì.
  • Hình thành thói quen ăn uống khoa học giúp xương khớp luôn chắc khỏe và linh hoạt.
  • Nên hạn chế đến những nơi ẩm thấp, cần chú ý giữ ấm cơ thể khi trời chuyển lạnh hoặc thay đổi đột ngột.
  • Điều trị dứt điểm bệnh viêm bộ phận sinh dục, viêm đường tiết niệu và viêm đường ruột,...
  • Tiến hành tái khám định kỳ để kiểm tra mức độ tiến triển của bệnh, dựa vào đó bác sĩ sẽ thay đổi phác đồ điều trị sao cho phù hợp.
Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp chẩn đoán

Bệnh viêm cột sống dính khớp rất khó phát hiện thông qua các triệu chứng thông thường, nếu bệnh khởi phát ở nữ giới thì việc nhận biết bệnh càng khó hơn. Nhưng để xác định chính xác bệnh lý, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán bệnh thông qua việc kiểm tra triệu chứng lâm sàng và thực hiện xét nghiệm cận lâm sàng. Các loại xét nghiệm thường được sử dụng là:

  • Xét nghiệm công thức máu.
  • Xét nghiệm kháng nguyên hòa hợp mô HLA - B27.
  • Xét nghiệm hình ảnh: Chụp x-quang, chụp MRI,...

Viêm cột sống dính khớp cần được chẩn đoán phân biệt với bệnh Forestier vì triệu chứng của hai bệnh này khá giống như. Tuy nhiên, bệnh Forestier lại không gây viêm tại đốt sống và gai xương khi hình thành thường thô chứ không mảnh như viêm cột sống dính khớp. Còn với trường hợp bị viêm cột sống thể phối hợp ở giai đoạn đầu gây tổn thương đến khớp háng thì cần chẩn đoán phân biệt với lao khớp háng.

Biện pháp điều trị

Hiện tại, bệnh viêm cột sống dính khớp vẫn chưa có phương pháp điều trị. Thông thường, bác sĩ chỉ có thể kê đơn thuốc nhằm mục đích giảm viêm, giảm đau, phòng ngừa cứng khớp và khắc phục tư thế vận động xấu nếu có. Ở nước ta, bệnh lý này sẽ được lên phác đồ điều trị theo khuyến cáo của ASAS / EULAR 2011. Cụ thể là:

Dùng thuốc Tây y

Viêm cột sống dính khớp thường được điều trị bằng thuốc Tây y giúp đẩy lùi triệu chứng và ngăn ngừa bệnh chuyển biến sang giai đoạn nặng. Việc dùng thuốc trị bệnh cần tuyệt đối tuân thủ theo phác đồ mà bác sĩ chuyên khoa đã đưa ra để đảm bảo an toàn, tránh phát sinh tác dụng phụ gây hại đến sức khỏe. Các loại thuốc thường được dùng là:

  • Thuốc chống viêm không steroid: (Celecoxib, Meloxicam, Diclofenac, Etoricoxib) Thuốc có tác dụng giảm viêm đau và cứng khớp. Thường được sử dụng trong thời gian dài đối với những trường hợp viêm mãn tính. Cẩn thận khi dùng thuốc nếu mắc bệnh dạ dày, bệnh tim và bệnh thận.
  • Thuốc giảm đau: (Paracetamol) Người bệnh sẽ được kê đơn điều trị cùng với thuốc giảm đau thông thường hoặc các dạng kết hợp theo hướng dẫn của Tổ chức y tế thế giới.
  • Thuốc giãn cơ: (Eperisone) Thuốc có tác dụng giãn cơ, cải thiện tình trạng căng cứng cơ và mang lại hiệu quả giảm đau.
  • Thuốc corticosteroids: Thuốc được sử dụng bằng cách tiêm tại chỗ với những trường hợp viêm tại điểm bám gân hoặc viêm kéo dài tại các khớp ngoại biên. Việc tiêm thuốc cần được thực hiện thông quan hình ảnh siêu âm.
  • Thuốc thấp khớp DMARD: Đây là thuốc thấp khớp làm biến đổi bệnh  – DMARD, thuốc có công dụng chính là làm chậm quá trình tiến triển của bệnh và ngăn ngừa biến chứng. Tuy nhiên, nhóm thuốc này chỉ được kê đơn điều trị với những trường hợp có biểu hiện viêm khớp ngoại biên, không dùng cho thể viêm cột sống dính khớp thể đơn thuần.
  • Chế phẩm sinh học: Thường dùng là thuốc kháng TNF. Được kê đơn điều trị đối với những trường hợp viêm cột sống dính khớp tiến triển dai dẳng. Để có thể mang lại hiệu quả tốt nhất, người bệnh sẽ được kê đơn điều trị thuốc kháng TNF kết hợp với thuốc chống viêm không steroid.
  • Vitamin D3, canxi: Viêm cột sống dính khớp khiến cho mật độ xương bị sụt giảm đáng kể, vì thế việc sử dụng thêm viên uống bổ sung vitamin D3 và canxi là điều rất cần thiết.

Bên cạnh việc dùng thuốc, người bệnh còn được chỉ định thực hiện vật lý trị liệu để điều chỉnh lại tư thế vận động sao cho đúng, cải thiện độ linh hoạt của cột sống và tăng phạm vi chuyển động. Dựa vào mức độ bệnh trạng của mỗi người, bác sĩ sẽ tư vấn liệu pháp vật lý trị liệu sao cho phù hợp.

Phẫu thuật

Phẫu thuật chỉ được yêu cầu thực hiện đối với trường hợp đau nhức nghiêm trọng, gãy đốt sống cấp tính hoặc gây tổn thương đến khớp ở mức độ nặng nề. Các phương pháp phẫu thuật thường được chỉ định thực hiện là:

  • Thay khớp háng.
  • Điều chỉnh cột sống.

Dựa vào mức độ bệnh trạng của từng người, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phẫu thuật sao cho phẫu hợp. Phẫu thuật mang lại hiệu quả nhanh nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro và chi phí cao, vì thế mà phương pháp trị bệnh này sẽ được chỉ định thực hiện cuối cùng khi mà các phương pháp trị bệnh khác đều không mang lại hiệu quả tích cực.

Hỗ trợ điều trị viêm cột sống dính khớp

Để quá trình điều trị bệnh viêm cột sống dính khớp nhanh mang lại hiệu quả, người bệnh cũng nên chú ý đến thói quen sinh hoạt và chế độ ăn uống hàng ngày. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết bạn có thể tham khảo:

  • Tập thể dục đúng cách và đều đặn mỗi ngày giúp cột sống luôn mềm mại, linh hoạt và đứng thẳng. Đồng thời, tập thể dục còn được xem là phương pháp giảm đau khá an toàn và hiệu quả. Nên thực hiện một số bài tập kéo giãn cột sống.
  • Cải thiện lại tư thế vận động sao cho phù hợp, tránh các tư thế vận động xấu khiến lưng bị chùng xuống gây dù. Bạn có thể sử dụng thiết bị hỗ trợ, ghế hoặc đệm khi ngồi.
  • Chườm nóng hoặc chườm lạnh mỗi khi cơn đau nhức khởi phát gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Chườm nóng có tác dụng giảm đau và giảm cứng khớp, chườm lạnh sẽ mang lại hiệu quả giảm sưng viêm tại khớp.
  • Sử dụng các loại thảo dược lành tính trong tự nhiên để cải thiện triệu chứng của bệnh như đắp hỗn hợp lá hẹ giã nát với giấm ăn, đắp hỗn hợp lá đu đủ và rượu trắng,...
  • Người bệnh cũng có thể áp dụng một số biện pháp giảm đau an toàn trong đông y như xoa bóp, châm cứu,... Cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi thực hiện.
  • Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm lành mạnh vào trong thực đơn ăn uống hàng ngày như cá béo, các loại hạt, rau xanh và trái cây tươi, dầu oliu, sữa chua,...
  • Cắt giảm thực phẩm giàu chất béo, natri và đường. Hạn chế dùng đồ ăn chế biến sẵn hoặc đồ ăn đóng hộp. Nói không với rượu bia và chất kích thích.

Trên đây là tổng hợp những thông tin cần biết về bệnh viêm cột sống dính khớp bạn có thể tham khảo để hiểu rõ hơn. Bệnh lý này cần được phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt, nếu để lâu sẽ gây ra một số tổn thương lâu dài khó phục hồi. Khi có các triệu chứng ban đầu của bệnh, bạn cần nhanh chóng đến bệnh viện để được thăm khám và chẩn đoán bệnh.

Chuyên sâu

Câu hỏi thường gặp

  • Người bị viêm cột sống dính khớp nên ăn những thực phẩm giàu omega 3, canxi, probiotics, vitamin D và những trái  cây nhiều màu.
  • Nên kiêng những thực phẩm nhiều chất béo, omega 6, muối, gluten, đồ ngọt và các chất kích thích.
Xem chi tiết
Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android