Viêm Da Cơ Địa Ở Trẻ Em

Triệu chứng và nguyên nhân

Viêm da cơ địa ở trẻ em là bệnh lý da liễu thường xuất hiện theo từng đợt với các triệu chứng điển hình là mẩn đỏ, ngứa ngáy, ít nhiều đều gây ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ. Do vậy, bậc phụ huynh cần sớm nhận biết các triệu chứng điển hình của bệnh để có biện pháp can thiệp phù hợp.

Định nghĩa

Chuyên gia Vietmec cho biết, viêm da cơ địa ở trẻ em là tình trạng viêm da mãn tính, thường có xu hướng tái phát nhiều lần và liên quan nhiều tới yếu tố dị ứng cơ địa. Khi trẻ bị viêm da cơ địa, lớp bảo vệ của da sẽ bị mất đi khiến da mất nước, khô tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, vi trùng xâm nhập tạo nên nhiều nốt mẩn đỏ, ngứa ngáy. Thông thường, em bé bị viêm da cơ địa từ rất sớm, chủ yếu là trong độ tuổi từ 3 tháng tới 5 tuổi.

Một số báo cáo y tế còn đưa ra con số thống kê đáng kinh ngạc về bệnh lý da liễu này. Theo đó, có hơn 60% số bé bị viêm da cơ địa trong ngay 1 năm đầu đời, hơn 30% còn lại khởi phát bệnh trong 5 năm tiếp theo.Riêng đối với những trẻ lớn hơn, nguy cơ mắc viêm da cơ địa chỉ khoảng 10%.

Các bác sĩ chuyên khoa da liễu cho biết, bệnh viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ có xu hướng biến mất dần khi trẻ đến giai đoạn trưởng thành. Tuy nhiên, không ít trường hợp bệnh tái phát đi tái phát lại rất nhiều lần gây ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt và cuộc sống của trẻ.

Hình ảnh

Triệu chứng

Là tình trạng da liễu mãn tính, viêm da cơ địa thường được phát hiện thông qua các triệu chứng lâm sàng như da khô, da bị phát ban đỏ ở vùng mặt, cánh tay, chân, sau tai,... Riêng ở những trẻ mới biết đi và lớn hơn sẽ xuất hiện các tổn thương vùng cổ tay, đầu gối, mắt cá chân,...

Trong những trường hợp đặc biệt, bé bị viêm da cơ địa toàn thân với triệu chứng điển hình là ngứa ngáy vào ban đêm, khiến trẻ mất ngủ quấy khóc. Tùy thuộc vào từng giai đoạn của bệnh mà các dấu hiệu ở trẻ sẽ có sự khác biệt:

Giai đoạn cấp tính

Ở giai đoạn này, trẻ sẽ xuất hiện nhiều triệu chứng trên da, điển hình là:

  • Các nốt sần đỏ nổi trên da kèm theo mụn nước.
  • Bề mặt da phù nề, sau đó đóng vảy.
  • Những triệu chứng này thường xuất hiện ở vùng trán, cằm, má, cánh tay, chân (viêm da cơ địa ở chân trẻ em), thậm chí lan ra toàn cơ thể trẻ. Tùy thuộc vào mức độ nặng - nhẹ của bệnh mà những dấu hiệu kể trên có thể ít hay nhiều.

Giai đoạn bán cấp và mãn tính

Khi trẻ bị viêm da cơ địa giai đoạn bán cấp, các triệu chứng của viêm da cơ địa ở trẻ sẽ có xu hướng nhẹ hơn, thường không xuất hiện triệu chứng tiết dịch hay phù nề trên da.

Trái lại, viêm da cơ địa ở trẻ em thể mãn tính lại khiến da bị thâm dày, phân chia ranh giới rõ ràng giữa vùng da bị bệnh và vùng da lành. Đồng thời, trẻ cũng sẽ có nhiều vết nứt, tổn thương tại những khu vực nếp gấp như lòng bàn tay, lòng bàn chân, gáy, cổ,...

Nguyên Nhân

Các tài liệu y khoa đều cho rằng 80% số ca mắc viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ có liên quan đến di truyền. Bên cạnh nguyên nhân này, một số yếu tố khác cũng có thể tác động, làm cho các triệu chứng của viêm da cơ địa thêm trầm trọng hơn điển hình là không khí ô nhiễm, thức ăn gây dị ứng, độc tố tụ cầu trùng vàng...

Cụ thể, các yếu tố có thể là viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ gồm:

  • Khả năng đề kháng kém: Trẻ nhỏ là đối tượng có sức đề kháng còn hạn chế do hệ miễn dịch chưa thực sự hoàn thiện. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, virus tấn công và gây nên nhiều vấn đề về da liễu, hô hấp, điển hình là viêm da cơ địa ở trẻ em.
  • Yếu tố thời tiết: Khi thời tiết hanh khô hoặc lạnh, viêm da cơ địa rất dễ bùng phát hoặc có xu hướng gia tăng các triệu chứng.
  • Ăn uống chưa khoa học: Nếu trẻ thường xuyên dung nạp các thực phẩm dễ gây kích ứng, đồ ăn có chứa quá nhiều dầu mỡ, khó tiêu… hoặc ăn uống thiếu chất cũng có thể gây ra tình trạng viêm da cơ địa.
  • Các nguyên nhân khác: Một số trường hợp em bé bị viêm da cơ địa do tiếp xúc với các dị nguyên, sử dụng sữa tắm có độ pH cao, đang bị nhiễm trùng,...

Biến chứng

Viêm da cơ địa là bệnh lý phổ biến, gây nhiều rắc rối cho việc chăm sóc trẻ nên không ít phụ huynh băn khoăn đặt ra câu hỏi: Viêm da cơ địa ở trẻ em có lây không?”. Thực tế, bệnh lý này hoàn toàn không lây nhiễm từ trẻ này sang trẻ khác khi tiếp xúc, bệnh chỉ có xu hướng tái phát nhiều lần, gây khó khăn cho điều trị và ảnh hưởng đến sinh hoạt của trẻ.

Tuy là tình trạng thường gặp, chưa gây nguy hiểm cho tính mạng nhưng khi trẻ bị viêm da cơ địa, bố mẹ tuyệt đối không được chủ quan. Bệnh khiến trẻ khó chịu, thường xuyên quấy khóc, chán ăn,... tác động tiêu cực tới hoạt động phát triển thể chất cũng như trí não.

Đồng thời, nếu không điều trị viêm da cơ địa ở trẻ em sớm và đúng phương pháp, trẻ có thể gặp phải một số biến chứng như sau:

  • Viêm da bội nhiễm: Đây là tình trạng viêm da cực kỳ nghiêm trọng, gây nên các dấu hiệu đặc trưng là chảy dịch mủ, nổi bỏng mủ, vảy mủ đóng thành lớp vàng dày,... Khi những triệu chứng này không được kiểm soát có thể dẫn đến viêm mô thần kinh, viêm mô tế bào.
  • Hoại tử: Là tình trạng khẩn cấp, đe dọa trực tiếp tới tính mạng của trẻ. Bởi nếu viêm da hoại tử không được xử lý sẽ dẫn đến nhiều tác động tới tuần hoàn máu, gây nhiều vấn đề về tim mạch, dẫn tới tử vong.
  • Các biến chứng khác: Ngoài những biến chứng trên, khi trẻ bị viêm da cơ địa và không được điều trị cũng có thể dẫn tới nguy cơ hen suyễn, viêm kết mạc, viêm mũi dị ứng, sốt cao…

Phòng ngừa

Để con trẻ không bị viêm da cơ địa “làm phiền”, cha mẹ nên chủ động phòng tránh bằng việc áp dụng các biện pháp sau:

  • Xây dựng không gian sống sạch sẽ, chủ động cho trẻ tránh xa dị nguyên.
  • Cho trẻ uống đủ nước để thúc đẩy hoạt động trao đổi chất, giúp da có độ ẩm cao.
  • Ăn uống lành mạnh, khoa học, đủ chất, đảm bảo cơ thể có thể phát triển toàn diện, hệ miễn dịch khỏe mạnh.
  • Lựa chọn cho trẻ những sản phẩm dưỡng ẩm phù hợp, nhất là vào thời tiết mùa đông lạnh và khô hanh.
  • Luôn lựa chọn trang phục rộng rãi, khả năng thấm hút mồ hôi hiệu quả.
  • Tiêm phòng đầy đủ các mũi theo khuyến cáo của Bộ Y tế, chủ động thăm khám nếu trẻ xuất hiện những dấu hiệu bất thường.
Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp chẩn đoán

Trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh luôn có cơ địa vô cùng nhạy cảm. Do vậy, việc điều trị bệnh ở đối tượng này sẽ khó khăn hơn nhiều so với người lớn. Để đảm bảo hiệu quả cũng như an toàn cho trẻ trong suốt quá trình điều trị, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh, giai đoạn bệnh để xây dựng phác đồ phù hợp.

Các phương pháp chủ yếu được áp dụng để chẩn đoán bệnh lý này bao gồm:

  • Chẩn đoán lâm sàng: Bác sĩ tiến hành thăm khám sơ bộ vùng da bị bệnh và đặt ra các câu hỏi về tiền sử bệnh lý, triệu chứng đang gặp phải (nếu là trẻ sơ sinh, trẻ dưới 3 tuổi thì các thông tin này được khai thác từ bố mẹ). Căn cứ vào đó bác sĩ sẽ có kết luận sơ bộ.
  • Các xét nghiệm: Dựa trên những thăm khám lâm sàng, bác sĩ phân tích và chỉ định bệnh nhân thực hiện xét nghiệm phù hợp. Trong đó, xét nghiệm lẩy da là phổ biến nhất, giúp xác định IgE đặc hiệu trên da, từ đó tìm ra nguyên nhân để có hướng điều trị phù hợp.

Biện pháp điều trị

Việc điều trị viêm da cơ địa ở trẻ em là rất cần thiết, việc này giúp kiểm soát các triệu chứng, ngăn chặn bệnh diễn biến nặng hơn. Tùy thuộc vào từng giai đoạn của bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp đối với trẻ.

Bậc phụ huynh có thể tham khảo các biện pháp dưới đây:

Trị viêm da cơ địa ở trẻ bằng mẹo dân gian

Trong dân gian có rất nhiều loại thảo dược với tác dụng làm dịu da, loại bỏ triệu chứng ngứa ngáy khó chịu. Ưu điểm của phương pháp này là an toàn, lành tính, ít tác dụng phụ lại tiết kiệm chi phí. Đặc biệt, khả năng chống viêm, hỗ trợ điều trị viêm da cơ địa ở trẻ cũng vô cùng hiệu quả. Một số mẹo trị viêm da cơ địa tại nhà ở trẻ phổ biến nhất là:

  • Tắm nước lá sài đất: Sử dụng khoảng 100g lá sài đất đã rửa sạch bụi bẩn nấu cùng 2 lít nước, đun sôi trong 10 phút là tắt bếp. Dùng hỗn hợp nước thu được pha với nước lạnh để làm nước tắm cho trẻ, ngày dùng 1 lần để nhanh chóng hàn gắn các tổn thương trên da.
  • Bài thuốc tắm từ lá khế: Loại nước tắm này thường được dùng trong điều trị viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh và cho hiệu quả tích cực. Bố mẹ chỉ cần dùng 30g lá khế cho vào đun sôi cùng 2 lít nước. Phần nước thu được đem tắm cho trẻ, phần bã tận dụng để chà lên vùng da tổn thương nhằm loại bỏ các triệu chứng của bệnh.
  • Nước tắm lá kinh giới: Sử dụng lá kinh giới tươi xay nhuyễn và lọc lấy nước cốt. Sau đó đem phần nước thu được hòa cùng 2 lít nước dùng để tắm cho trẻ, nên thực hiện mỗi tuần 1-2 lần để giúp da mềm mại, bớt đi tổn thương. Đây là cách trị viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh hiệu quả, bố mẹ có thể thực hiện ngay tại nhà.

Tuy lành tính nhưng mẹo dân gian cần áp dụng lâu dài mới cho hiệu quả, do vậy phụ huynh phải thật sự kiên trì. Bên cạnh việc dùng các bài thuốc từ dân gian, bố mẹ cũng nên kết hợp sử dụng kem dưỡng, thuốc bôi ngoài theo chỉ dẫn của bác sĩ để bệnh nhanh khỏi.

Sử dụng các loại thuốc Tây

Bên cạnh phương pháp dân gian, tình trạng viêm da cơ địa ở trẻ em cũng có thể được xử lý bằng các loại thuốc Tây y. Chúng có tác dụng làm dịu da, chống khô da và ngăn chặn nguy cơ viêm nhiễm hiệu quả. Hai nhóm thuốc phổ biến có tác dụng chữa viêm da cơ địa ở trẻ gồm thuốc bôi ngoài và thuốc uống.

Thuốc bôi ngoài

Căn cứ vào tình trạng của mỗi em bé mà bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp. Để nhanh chóng có được hiệu quả, bác sĩ có thể kết hợp nhiều hơn 2 loại thuốc bôi cùng lúc.

Các loại thuốc điều trị viêm da cơ địa ở trẻ em thường có tác dụng cấp ẩm, giúp da nhanh chóng se lại, kích thích bong vảy nhanh,... Trong suốt quá trình dùng thuốc bố mẹ cần chú ý tuân thủ yêu cầu của bác sĩ chuyên khoa và tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn sử dụng để tránh gây hại cho sức khỏe của trẻ.

Thuốc uống

Các loại thuốc uống có tác dụng loại bỏ mẫn cảm, đem lại cho trẻ cảm giác dễ chịu trên da, loại bỏ cơn ngứa ngáy khó chịu hiệu quả. Một số loại thuốc dùng theo đường uống thường được các bác sĩ chỉ định là thuốc kháng sinh, thuốc ức chế miễn dịch, corticoid.

Trong đó, các loại thuốc kháng sinh tuy đem lại hiệu quả cao nhưng rất ít khi được chỉ định trong viêm da cơ địa ở trẻ em, bởi chúng tồn tại nhiều tác dụng phụ. Đồng thời, khi được kê đơn thuốc bố mẹ cần cho trẻ sử dụng đúng hướng dẫn, tránh việc tự ý thay đổi liều lượng.

Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà

Ngoài việc thăm khám và áp dụng các biện pháp viêm da cơ địa ở trẻ em, phụ huynh cũng cần đặc biệt chú trọng tới sinh hoạt hằng ngày của trẻ. Dưới đây là những lưu ý từ chuyên gia da liễu:

Về chế độ ăn uống

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị bệnh viêm da cơ địa ở trẻ em. Bố mẹ nên tham khảo thực đơn cho người bị viêm da cơ địa dựa theo gợi ý sau:

  • Đối với trẻ sơ sinh, nên được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, điều này giúp chức năng hệ miễn dịch được củng cố hiệu quả.
  • Khi sử dụng bất cứ loại thực phẩm nào cũng cần theo dõi trẻ, nếu phát hiện dị ứng, mẩn ngứa cần ngưng sử dụng lập tức.
  • Tăng cường các loại rau xanh, vitamin A, B, C, Omega3 trong các bữa ăn hằng ngày. Bởi những thực phẩm này có tác dụng tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

Về vệ sinh cơ thể

Khi cơ thể sạch sẽ, tình trạng viêm da không những được cải thiện mà còn giúp hạn chế nguy cơ bội nhiễm. Bố mẹ cần:

  • Đảm bảo phòng ngủ của trẻ luôn thoáng mát, có độ ẩm phù hợp, vệ sinh sạch sẽ.
  • Không để trẻ tiếp xúc với khói bụi, lông động vật...
  • Lựa chọn trang phục có chất liệu mềm, tránh những loại quần áo từ len, dạ… vì chúng có thể gây kích ứng da.
  • Hướng dẫn trẻ không nên cào, gãi vào vùng da tổn thương, tránh làm bệnh lây lan.
  • Tắm cho trẻ bằng nước ấm vừa phải, không sử dụng nước quá nóng.
  • Lựa chọn những sản phẩm chăm sóc da dịu nhẹ, độ pH thấp, chuyên dùng cho da nhạy cảm.
Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
ThS.BS Nguyễn Hữu Lĩnh
ThS.BS Nguyễn Hữu Lĩnh
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android