Viêm Dạ Dày Do Vi Khuẩn Hp

Triệu chứng và nguyên nhân

Viêm dạ dày do vi khuẩn Hp là một bệnh về đường tiêu hóa khá phổ biến, khi niêm mạc dạ dày bị viêm nhiễm do sự tấn công của vi khuẩn Hp. Điều này cần được phát hiện và điều trị kịp thời để tránh phát sinh các biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe. Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này, cách điều trị và phòng ngừa, hãy cùng Bác sĩ chuyên khoa theo dõi bài viết dưới đây.

Định nghĩa

Vi khuẩn Hp là loại vi sinh vật duy nhất có khả năng sinh sống bên trong môi trường acid đậm đặc của dạ dày nhờ cơ chế hoạt động riêng biệt. Sau khi chủng vi khuẩn này xâm nhập vào dạ dày, chúng sẽ sản sinh ra enzyme Urease trung hòa acid bao quanh, từ đó vi khuẩn sẽ được bảo vệ và không bị tấn công bởi dịch vị tiêu hóa. Viêm dạ dày là bệnh lý về đường tiêu hóa xảy ra khá phổ biến, đây là hiện tượng niêm mạc dạ dày bị kích ứng gây viêm đau. Viêm dạ dày do vi khuẩn Hp là hiện tượng niêm mạc dạ dày bị vi khuẩn Hp tấn công gây hại và kích thích khởi phát phản ứng viêm. Ở trường hợp này, vi khuẩn Hp là tác nhân chính gây ra bệnh viêm dạ dày.

Thống kê y khoa cho biết, nước ta có khoảng 70% dân số bị nhiễm vi khuẩn Hp nhưng không phải trường hợp nào cũng khởi phát bệnh viêm dạ dày. Thông thường, vi khuẩn Hp sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ không hoạt động và chưa gây hại đến dạ dày. Chỉ đến khi chúng chuyển sang trạng thái hoạt động thì mới bắt đầu gây ra các bệnh lý như viêm dạ dày cấp tính, viêm dạ dày mạn tính,... Các yếu tố làm gia tăng nguy cơ hoạt động của vi khuẩn là sức đề kháng suy yếu, nhiễm khuẩn với số lượng lớn,...

Theo chuyên gia, vi khuẩn Hp là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh lý về đường tiêu hóa. Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ phát sinh ra nhiều biến chứng nguy hiểm khác như:

  • Loét dạ dày tá tràng: Vi khuẩn Hp sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ gây tổn thương đến lớp màng nhầy. Lúc này, niêm mạc dạ dày sẽ không được màng nhầy bảo vệ nên dễ bị acid tiêu hóa tấn công gây viêm loét. Thống kê y khoa cho thấy, có khoảng 10% trường hợp viêm loét dạ dày dương tính vi khuẩn Hp
  • Thủng dạ dày: Các ổ viêm loét bên trong dạ dày nếu không được phát hiện và xử lý đúng cách, chúng sẽ dần ăn sâu vào bên trong thành dạ dày khiến chủng mỏng dần. Nếu gặp điều kiện thích hợp sẽ gây thủng dạ dày.
  • Ung thư dạ dày: Thống kê y khoa cho biết, những người bị nhiễm khuẩn Hp có nguy cơ bị ung thư dạ dày cao gấp 2 - 3 lần so với người bình thường. Tuy nhiên, thời gian để tiến triển sang ung thư lại khá dài, trung bình là 30 năm.

Hình ảnh

Triệu chứng

Vi khuẩn Hp có khả năng lây nhiễm khá mạnh mẽ thông qua nhiều con đường khác nhau như miệng - miệng, phân - miệng, dùng dụng cụ y tế không được vô trùng,... Nếu bạn không chủ động có các biện pháp bảo vệ bản thân sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Khi nghi ngờ bản thân bị viêm dạ dày do vi khuẩn Hp, bạn cần thăm khám và điều trị chuyên khoa để hạn chế nguy cơ phát sinh biến chứng.

Khi mới bị nhiễm khuẩn Hp, người bệnh sẽ không có bất kỳ triệu chứng khác thường nào. Nhưng nếu để vi khuẩn hoạt động mạnh mẽ bên trong dạ dày, chúng sẽ tấn công vào niêm mạc và kích thích phản ứng viêm xảy ra. Bạn có thể dễ dàng nhận biết ra tình trạng viêm dạ dày do vi khuẩn Hp thông qua các triệu chứng sau đây:

  • Đau vùng thượng vị, cơn đau có tính chất âm ỉ, dữ dội hoặc quặn thắt.
  • Cơn đau thường khởi phát khi đói và kéo dài từ vài phút cho đến vài giờ.
  • Dạ dày trống rỗng vào ban đêm hoặc vài giờ sau khi ăn.
  • Buồn nôn và nôn khan vào buổi sáng sớm.
  • Đầy bụng, chán ăn.
  • Ợ hơi, ợ chua.
  • Thiếu máu, thiếu sắt.
  • Gầy sút cân không rõ nguyên nhân.

Dựa vào mức độ bệnh trạng mà người bệnh sẽ phải đối mặt thêm một số triệu chứng khác. Khi thấy bản thân có triệu chứng như khó nuốt, máu trong phân hay thiếu máu thì bạn tuyệt đối không được chủ quan mà hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ chuyên khoa.

Phòng ngừa

Người bệnh cần nắm rõ các con đường truyền nhiễm của vi khuẩn Hp để có thể chủ động hơn trong việc phòng ngừa bệnh. Đồng thời, hình thành cho bản thân thói quen sinh hoạt và ăn uống lành mạnh giúp nâng cao sức đề kháng cơ thể và tăng khả năng chống lại sự tấn công gây hại của vi khuẩn. Cụ thể là:

  • Ăn chín uống sôi, tránh sử dụng các món ăn tái sống chưa nấu chín như tiết canh, gỏi, sushi, rau sống,...
  • Tránh sử dụng chung vật dụng cá nhân, ăn uống chung hoặc tiếp xúc thân mật với người đang bị bệnh
  • Vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi ăn và sau ki đi đại tiện.
  • Đến cơ sở y tế uy tín đảm bảo yếu tố vô trùng để thực hiện thăm khám và chữa bệnh.
  • Dành thời gian tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày giúp cải thiện sức khỏe toàn thân và tăng khả năng chống lại bệnh tật.
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc ngay khi có triệu chứng bất thường giúp sớm phát hiện bệnh lý và có biện pháp can thiệp đúng cách.
Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp điều trị

Để chẩn đoán bệnh viêm dạ dày do vi khuẩn Hp, bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về các triệu chứng lâm sàng mà bản thân mắc phải. Sau đó yêu cầu người bệnh thực hiện thêm một số xét nghiệm chuyên biệt để tìm ra sự hiện diện của vi khuẩn Hp. Các loại xét nghiệm tìm vi khuẩn Hp được sử dụng phổ biến là nội soi, test hơi thở, kiểm tra máu và phân,... Dựa vào kết quả thu được, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán chính xác về tình trạng bệnh và lên phác đồ điều trị phù hợp. Với những trường hợp viêm dạ dày do vi khuẩn Hp, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị bằng Tây y giúp tiêu diệt diệt vi khuẩn và cải thiện tổn thương bên trong dạ dày.

Thông thường bác sĩ sẽ kê đơn điều trị kết hợp hai loại kháng sinh để ngăn chặn nguy cơ kháng thuốc. Đồng thời, chỉ định người bệnh sử dụng thêm thuốc ức chế bơm proton (PPI) giúp kiểm soát nồng độ acid trong dạ dày và nâng cao hiệu quả của thuốc kháng sinh. Dưới đây là các phác đồ điều trị vi khuẩn Hp của Bộ y tế bạn có thể tham khảo:

+ Phác đồ 3 thuốc: Phác đồ này được sử dụng kéo dài từ 10 - 15 ngày. Các loại thuốc được dùng là:

  • Thuốc PPI: Omeprazol (1 viên/lần, dùng 2 lần/ngày).
  • Thuốc kháng sinh:
    • Amoxicillin (1g/lần, 2 lần/ngày).
    • Clarithromycin (500mg/lần, 2 lần/ngày) hoặc Metronidazole( 500mg/lần, 2 lần/ngày).

+ Phác đồ 4 thuốc: Được dùng thay thế nếu phác đồ điều trị 3 thuốc không mang lại hiệu quả hoặc người bệnh đã từng dùng kháng sinh clarithromycin trị bệnh trước đó. Phác đồ điều trị này được sử dụng liên tục từ 10 - 14 ngày.

  • Thuốc PPI (1 viên/lần, 2 lần/ngày).
  • Thuốc kháng sinh: Metronidazole hoặc Tinidazole (500mg/lần, 2 lần/ngày).
  • Thuốc Bismuth: (2 viên/lần, ngày uống 2 lần).

Hoặc:

  • Thuốc PPI (1 viên/lần, 2 lần/ngày).
  • Thuốc kháng sinh:
    • Amoxicillin (1g/lần, ngày uống 2 lần).
    • Clarithromycin (500mg/lần, 2 lần/ngày).
    • Metronidazole (500mg/ lần, ngày dùng 2 lần).

+ Phác đồ điều trị nối tiếp: Được kê đơn sau khi các phác đồ điều trị ở trên đã kết thúc và mang lại hiệu quả tích cực.

  • 5 ngày đầu: Dùng thuốc PPI kết hợp với kháng sinh Amoxicillin
  • 5 ngày tiếp theo: Dùng thuốc PPI kết hợp với kháng sinh Tinidazole và Clarithromycin

Ở trường hợp điều trị thất bại với tất cả các phác đồ điều trị ở trên, bác sĩ sẽ yêu cầu sử dụng phác đồ cứu vãn bằng cách dùng kết hợp hai loại kháng sinh trở lên. Dựa vào tình trạng bệnh của mỗi người, bác sĩ sẽ cân nhắc để lên phác đồ điều trị sao cho phù hợp. Trong suốt quá trình điều trị, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định về liều lượng và thời gian dùng thuốc mà bác sĩ chuyên khoa đã đưa ra. Tránh tình trạng vi khuẩn bị kháng kháng sinh gây khó khăn cho việc điều trị sau này.

Nếu tình trạng nhiễm khuẩn chỉ diễn ra với mức độ nhẹ, bạn có thể sử dụng các loại thảo dược lành tính trong tự nhiên thay thế cho thuốc Tây y để trị bệnh. Hai phương pháp được sử dụng phổ biến là uống nước trà xanh hoặc ăn tỏi ngâm mật ong. Thành phần dược tính trong các loại thảo dược này khi đi vào cơ thể sẽ ức chế hoạt động của vi khuẩn Hp bên trong dạ dày và giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên, dùng thảo dược tự nhiên trị bệnh chỉ có khả năng ngăn chặn hoạt động gây hại của vi khuẩn tiếp tục diễn ra chứ không thể tiêu diệt tận gốc. Nếu người bệnh ngừng áp dụng, sau một thời gian vi khuẩn vẫn có thể phát triển gây bệnh trở lại.

Trên đây là tổng hợp những thông tin cần biết về bệnh viêm dạ dày do vi khuẩn Hp mà chúng tôi tổng hợp được bạn có thể tham khảo. Khi có các dấu hiệu của bệnh bạn cần thăm khám và điều trị đúng cách ngay từ sớm. Tránh để bệnh chuyển biến sang giai đoạn nặng và phát sinh biến chứng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
BS.CKI Trần Văn Hiền
BS.CKI Trần Văn Hiền
ThS.BS.CKII Trần Kinh Thành
ThS.BS.CKII Trần Kinh Thành
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android