Viêm Điểm Bám Gân Lồi Cầu Ngoài Xương Cánh Tay

Triệu chứng và nguyên nhân

Viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài xương cánh tay là bệnh lý lành tính và không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, bệnh sẽ gây ra triệu chứng đau nhức khiến người bệnh cảm thấy rất khó chịu và gặp nhiều phiền toái trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này thì bạn hãy cùng tôi theo dõi bài viết bên dưới đây.

Định nghĩa

Viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài xương cánh tay là tình trạng viêm xảy ra tại điểm bám của nhóm gân duỗi cổ tay và duỗi chung các ngón với mỏm lồi cầu ngoài của xương cánh tay. Triệu chứng đặc trưng của bệnh lý này là đau nhức ở vùng khuỷu tay hoặc cổ tay. Khi mới khởi phát bạn chỉ có cảm giác đau nhẹ, nhưng cơn đau sẽ tăng lên khi bạn thực hiện động tác duỗi cổ tay. Với những trường hợp nặng có thể gây ra tình trạng rách gân cơ và tụ máu tại các phần mềm xung quanh. Đây là bệnh lý thường gặp ở người chơi Tennis nên còn được gọi với cái tên là Tennis elbow.

Chuyên gia cho biết, viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài xương cánh tay thường khởi phát ở người trong độ tuổi 30 - 50 và thuộc nhóm bệnh lý lành tính. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh thường diễn ra kéo dài, có thể từ vài tháng cho đến cả năm. Hầu hết các trường hợp bệnh đều có thể tự khỏi mà không cần điều trị nhiều. Nhưng với những trường hợp bệnh tái phát nhiều lần hoặc có chuyển biến xấu, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và hướng dẫn điều trị đúng cách. Nếu chủ quan, bệnh sẽ tiến triển sang giai đoạn mãn tính và gây ra tình trạng thoái hóa hoặc xơ hóa gân duỗi.

Hình ảnh

Triệu chứng

Viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài xương cánh tay là bệnh lý không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh sẽ khiến bạn gặp phải một vài phiền toái trong đời sống hàng ngày. Khi có các dấu hiệu của bệnh, bạn cần thăm khám chuyên khoa xác định mức độ bệnh trạng để có biện pháp can thiệp sớm. Dưới đây là một số triệu chứng điển hình của bệnh bạn cần phải nắm rõ để sớm nhận biết ra bệnh:

  • Khởi phát cơn đau ở khu vực bị tổn thương. Cơn đau có thể xảy ra ngay cả khi bạn không làm gì và tăng dần lên khi thực hiện động tác duỗi cổ tay hoặc cẳng tay. Với những trường hợp nặng, cơn đau sẽ phát triển lan rộng xuống cả cẳng tay và cổ tay.
  • Tình trạng viêm đau khiến khả năng vận động của người bệnh bị ảnh hưởng đáng kể. Lúc này, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện các động tác như duỗi bàn tay, ngửa bàn tay, cầm nắm đồ vật,...
  • Ở một số trường hợp sẽ có thêm triệu chứng tê rần và nóng ran ở vùng khuỷu tay. Theo thời gian, tình trạng này sẽ bắt đầu lan rộng đến cánh tay và các ngón tay.

Nguyên Nhân

Nguyên nhân chính gây ra tình trạng của bệnh là do sự căng thẳng quá mức của nhóm cơ duỗi cổ tay và ngón tay hoặc tổn thương xảy ra ở vùng gân cơ duỗi và mang xương. Khi bạn lặp lại các động tác co duỗi nhóm cơ cẳng tay nhiều lần sẽ gây căng thẳng mô và hình thành nên một vết rách nhỏ ở các gân bám lồi cầu ngoài xương cánh tay. Nếu tình trạng này diễn ra kéo dài, ngay vị trí bám gân sẽ tăng sinh mạch, kích thích phản ứng viêm và gây phù nề các phần mềm ở xung quanh.

Một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh mà bạn cần lưu ý là:

  • Vận động quá mức nhóm cơ duỗi cổ tay và ngón tay: Tình trạng này thường xảy ra ở vận động viên thể thao phải sử dụng tay nhiều như vận động viên tennis, vận động viên cầu lông,... Chơi thể thao không đúng cách cũng là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh lý này.
  • Tính chất công việc: Viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài xương cánh tay cũng rất dễ khởi phát ở thợ giết mổ gia súc, công nhân xây dựng, đầu bếp, họa sĩ,...
  • Vận động cánh tay mạnh một cách đột ngột hoặc sai cách khiến cho gân cơ ở khu vực này bị tổn thương.

Phòng ngừa

Viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài xương cánh tay nếu tái phát nhiều lần sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính, khiến tốc độ thoái hóa khớp diễn ra nhanh chóng hơn. Để phòng ngừa tình trạng này khởi phát trở lại thì bạn cần lưu ý những điều sau đây:

  • Cần chơi thể thao đúng kỹ thuật và sử dụng thiết bị chơi thể thao có kích thước phù hợp. Nên sử dụng thêm băng giảm chấn khi chơi thể thao để hạn chế tối đa nguy cơ bị chấn thương.
  • Nên làm nóng cơ thể trước khi chơi thể thao hoặc tập luyện thể dục thể thao. Tiến hành cải thiện sức mạnh vùng cơ bắp xung quanh khớp khuỷu tay bằng một số bài tập đơn giản như tập cử tạ với trọng lượng vừa phải, bóp phanh nhỏ,...
  • Nếu tính chất công việc yêu cầu phải thực hiện các động tác ở tay lặp lại nhiều lần, bạn cần giãn cách thời gian hợp lý và tiến hành nghỉ ngơi giúp thư giãn gân cơ.
  • Sau khi phục hồi chấn thương, bạn nên chơi thể thao với tần suất và cường độ thấp để cơ thể quen dần rồi mới từng bước khôi phục lại khả năng tập luyện như lúc đầu.
  • Chú ý nâng vật nặng đúng tư thế và đúng cách. Cần giữ cho cổ tay cứng và ổn định khi nâng vật nặng để hạn chế gây áp lực xuống vùng khuỷu tay. Không nên dùng khuỷu tay quá sức, nên tiến hành nghỉ ngơi khi có dấu hiệu đau.
Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp chẩn đoán

Khi có các dấu hiệu của bệnh, bạn cần thăm khám chuyên khoa để được chẩn đoán bệnh và hướng dẫn điều trị đúng cách. Lúc này, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán bệnh thông qua việc kiểm tra triệu chứng lâm sàng và kết quả của một số xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết.

  • Xét nghiệm hình ảnh sẽ được chỉ định thực hiện để chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý có triệu chứng tương tự như thoái hóa khớp khuỷu, hội chứng đường hầm cổ tay, viêm túi thanh dịch ở khuỷu tay,... Khi xét nghiệm bilan và chụp x-quang sẽ cho ra kết quả bình thường.
  • Siêu âm gân cơ bằng đầu dò tần số cao sẽ cho ra kết quả gân to hơn bình thường, phát hiện đứt gân, lắng đọng canxi trong gân, vị trí bám gân không đều, tăng sinh mạch máu,...
  • Chụp cộng hưởng từ sẽ thấy được hình ảnh chi tiết về tổn thương tại gân cơ và dây chằng ở vùng khớp khuỷu tay.

Sau khi đã có chẩn đoán chính xác về tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn phương pháp điều trị phù hợp. Nếu bệnh xảy ra ở mức độ nhẹ, triệu chứng của bệnh có thể tự khỏi sau đó mà không cần điều trị. Nhưng nếu bệnh có tiến triển xấu, bạn bắt buộc phải điều trị chuyên khoa để giải quyết dứt điểm tình trạng bệnh. Đa số các trường hợp bệnh đều được điều trị bảo tồn, phẫu thuật chỉ được thực hiện khi điều trị bảo tồn thất bại.

Biện pháp điều trị

Điều trị bảo tồn

Hầu hết các trường hợp viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài xương cánh tay đều được chỉ định điều trị bằng phương pháp bảo tồn. Điển hình nhất là dùng thuốc Tây y và vật lý trị liệu. Ở mỗi phương pháp điều trị bệnh đều có ưu và nhược điểm, bạn cần phải tìm hiểu kỹ trước khi áp dụng.

+ Dùng thuốc

Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh sử dụng thuốc Tây y để cải thiện các triệu chứng đau nhức khó chịu do bệnh lý này gây ra. Dựa vào tình trạng bệnh ở từng trường hợp cụ thể mà phác đồ điều trị bằng thuốc Tây y sẽ có sự khác nhau. Các loại thuốc thường được kê đơn là:

  • Thuốc giảm đau: Thường dùng là paracetamol, aspirin,... Tác dụng chính của nhóm thuốc này là giảm đau nhức ở mức độ vừa và nhẹ
  • Thuốc chống viêm không steroid: Có thể dùng thuốc dạng uống hoặc bôi ngoài da đều được. Thuốc có tác dụng chính là giảm viêm đau, giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn. Thường dùng là gel bôi diclofenac, viên uống celecoxib,...
  • Thuốc Corticosteroid: Chỉ định điều trị đối với những bệnh nhân bị đau nhức nghiêm trọng và kéo dài nhưng không đáp ứng với các loại thuốc giảm đau khác. Thuốc Corticosteroid thường được dùng bằng cách tiêm tại chỗ. Tuy nhiên, loại thuốc này tiềm ẩn rất nhiều tác dụng phụ nên chỉ được sử dụng khi cần thiết.

Người bệnh cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn dùng thuốc mà bác sĩ chuyên khoa đã đưa ra để đảm bảo an toàn cho sức khỏe cũng như hiệu quả mang lại. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc hoặc thay đổi liều lượng khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để tránh phát sinh tác dụng phụ.

+ Vật lý trị liệu

Ngoài việc dùng thuốc Tây y, bạn cũng thể áp dụng phương pháp vật lý trị liệu để cải thiện triệu chứng viêm đau. Vật lý trị liệu còn có khả năng phục hồi tổn thương ở khuỷu tay, hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc Tây y. Dưới đây là hướng dẫn cụ thể bạn có thể tham khảo:

  • Tiến hành chườm lạnh khoảng 10 - 15 phút ngay tại khu vực bị tổn thương hoặc khu vực có triệu chứng viêm đau. Bạn có thể thực hiện cách này nhiều lần mỗi ngày khi cơn đau xuất hiện.
  • Sử dụng băng hỗ trợ cẳng tay khi lao động để giảm sự căng kéo cơ duỗi ở khớp khuỷu, ngăn ngừa tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn.
  • Có thể thực hiện một số liệu pháp giảm đau trong vật lý trị liệu mỗi khi cơn đau khởi phát như sử dụng laser lạnh, sóng ngắn, điện phân,...

Lưu ý: Khi bị viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài xương cánh tay, người bệnh không tự ý xoa bóp bằng dầu nóng hoặc nắn chỉnh để điều trị bệnh. Điều này sẽ khiến tình trạng viêm diễn ra kéo dài gây khó khăn cho việc điều trị sau này.

Can thiệp ngoại khoa

Với những trường hợp không đáp ứng điều trị với các phương pháp ở trên hoặc bệnh tái phát nhiều lần, bác sĩ sẽ xem xét và chỉ định làm phẫu thuật. Phẫu thuật nội soi là phương pháp được ưu tiên áp dụng hiện nay do có nhiều ưu điểm như ít xâm lấn và ít đau nhức. Dựa vào tình trạng bệnh mà mục đích phẫu thuật sẽ có sự khác nhau. Cụ thể là:

  • Tạo hình gân cơ duỗi (có thể cắt ngắn hoặc kéo dài)
  • Loại bỏ các tổ chức hư hỏng bên trong
  • Giải phóng gân duỗi khỏi mỏm lồi cầu

Phẫu thuật điều trị bệnh mang lại hiệu quả cao nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro không mong muốn. Người bệnh cần phải cân nhắc thật kỹ và tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi thực hiện. Tốt nhất, bạn chỉ nên làm phẫu thuật điều trị viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài xương cánh tay khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Chuyên sâu
Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
Bác Sĩ Lê Hữu Tuấn
Bác Sĩ Lê Hữu Tuấn
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh
TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh
Verified
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android