Viêm Gan B Có Lây Qua Đường Ăn Uống Không, Cách Phòng Hiệu Quả?
Chúng ta đều biết, viêm gan B là căn bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, nó thường có diễn biến khôn lường và đến nay vẫn chưa có cách trị triệt để. Chính vì vậy mà nhiều người băn khoăn viêm gan B có lây qua đường ăn uống không, nên phòng bệnh như thế nào cho hiệu quả? Để giải đáp những thắc mắc này và có thêm kiến thức để bảo vệ mình, mời bạn cùng theo dõi bài viết sau đây.
Bệnh viêm gan B có lây qua đường ăn uống không?
Với câu hỏi, “viêm gan B có lây qua đường ăn uống không” thì câu trả lời là KHÔNG. Như chúng ta đều biết, virus HBV gây viêm gan B có thể tấn công và gây ảnh hưởng trực tiếp tới tế bào gan. Tuy chúng có tồn tại trong mồ hôi, tuyến nước bọt của người bệnh với tỉ lệ từ 1 – 2% nhưng tỉ lệ này rất thấp. Do đó mà hầu như không có khả năng lây nhiễm thông qua các tiếp xúc bình thường.
Ngoài ra, các hành động thân mật như trò chuyện, ngồi gần, nắm tay, ôm, hôn môi cũng không thể khiến bạn bị lây nhiễm viêm gan B. Chỉ có ngoại lệ là khi hôn môi mà trên miệng cả hai người có vết thương hở hoặc mắc các bệnh về răng miệng thì mới có nguy cơ lây nhiễm.
Dù được biết đến với khả năng lây nhiễm cao, nhưng virus siêu vi B lại không có khả năng lây qua đường ăn uống. Chính vì vậy mà những người khỏe mạnh không cần phải ăn uống hay có chế độ sinh hoạt riêng với người nhiễm bệnh. Điều này không chỉ là việc làm thừa mà còn khiến người bệnh mặc cảm, trở nên tự ti và dần xa lánh với cộng đồng, gây ảnh hưởng tới tình trạng và quá trình điều trị bệnh.
Xem thêm: Phác Đồ Điều Trị Viêm Gan B Mạn Tính Theo Chuẩn Bộ Y Tế
Cách giảm nguy cơ mắc viêm gan B hiệu quả
Như tìm hiểu ở trên, virus viêm gan B có khả năng lây nhiễm cao, gây ra nhiều tổn thương nghiêm trọng, do đó chúng ta cần chủ động phòng tránh nó bằng cách:
- Chủ động tiêm phòng vacxin viêm gan B, đặc biệt là những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao như nhân viên y tế, người làm việc với vật sắc nhọn, phụ nữ mang thai, người sống chung với người bị viêm gan B….
- Quan hệ tình dục an toàn, lành mạnh, nên sử dụng bao cao su mỗi khi quan hệ, hạn chế quan hệ tình dục với người chưa rõ tình trạng, không quan hệ tập thể, quan hệ với trai/gái mại dâm…
- Không dùng chung các vật dụng cá nhân, đồ dùng có khả năng dính máu của người khác như: Bàn chải đánh răng, dao cạo râu, kim tiêm, bông tai…
- Chỉ nên xăm hình hoặc xỏ khuyên ở các cơ sở thẩm mỹ uy tín, chất lượng để tránh lây nhiễm.
- Khi truyền máu hoặc nhận máu cần được kiểm tra kỹ càng, dụng cụ y tế sử dụng phải được đảm bảo an toàn.
- Phụ nữ khi mắc viêm gan B nên được điều trị mới nên có kế hoạch mang thai. Nếu trong quá trình mang thai mới phát hiện bị viêm gan B thì cần thăm khám, theo dõi thường xuyên và có phương án điều trị thích hợp. Sau khi sinh cần có giải pháp phòng chống lây lan cho trẻ.
Như vậy, chúng ta đã có câu trả lời cho câu hỏi “viêm gan B có lây qua đường ăn uống không”. Mặc dù không thể lây qua đường ăn uống, thế nhưng chúng ta vẫn cần phải chủ động phòng tránh để giảm nguy cơ mắc bệnh, bảo vệ sức khỏe của chính mình, người thân và cả cộng đồng.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!