Viêm Gan B Tiêm Mấy Mũi Là Đủ, Lịch Tiêm Chính Xác Nhất
Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm vô cùng nguy hiểm với khả năng lây lan nhanh chóng. Chính vì vậy, để phòng bệnh một cách tốt nhất, cả người lớn và trẻ nhỏ đều cần được tiêm vacxin đúng lịch và đủ số mũi theo như khuyến cáo của Bộ Y tế. Vậy viêm gan B tiêm mấy mũi là đủ, lịch tiêm như thế nào, hãy cùng Vietmec tìm hiểu trong bài viết sau đây.
Viêm gan B tiêm mấy mũi đối với trẻ nhỏ?
Trẻ nhỏ cần được tiêm phòng vacxin viêm gan B theo phác đồ dựa trên từng trường hợp sau đây:
Trường hợp người mẹ không bị nhiễm bệnh
Khi mẹ không bị nhiễm bệnh, tất cả trẻ sơ sinh nên được tiêm 1 mũi vacxin phòng ngừa viêm gan B ngay trong vòng 24 giờ sau sinh. Tuy nhiên, chỉ sử dụng vacxin ngừa viêm gan đơn giá đối với liều sơ sinh, ngoài ra có thể tiêm cùng với vacxin phòng lao BCG nhưng cần phải tiêm ở 2 vị trí khác nhau.
Từ các liều tiêm thứ 2, 3 và 4 có thể tiêm với vacxin phối hợp chứa thành phần viêm gan B (như vacxin 5 trong 1 hoặc 6 trong 1) và bắt đầu khi trẻ đủ 2 tháng tuổi, khoảng cách tối thiểu giữa 2 liều là 1 tháng. Liều cuối cùng sẽ được tiêm nhắc lại khi trẻ đủ 18 tháng với vacxin 6 trong 1, đồng thời nên theo khuyến cáo là hoàn thành trước 24 tháng tuổi.
Trường hợp người mẹ bị nhiễm
Đặc biệt, với trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm viêm gan B, ngoài mũi vacxin ngừa viêm gan B như các trẻ bình thường khác, bé cần được tiêm thêm 1 mũi kháng thể (hay huyết thanh kháng viêm gan B) HBIg (viết tắt của Hepatitis B Immune Globulin) ngay trong vòng 12 – 24 giờ đầu sau khi sinh.
Mục đích của quá trình tiêm chủng này là dùng Globulin miễn dịch kháng viêm gan B để tạo ra hệ miễn dịch thụ động, còn một mũi vacxin viêm gan B tái tổ hợp có nhiệm vụ tạo ra miễn dịch chủ động cho trẻ. Cần lưu ý, vị trí tiêm kháng thể HBIg phải khác so với vị trí tiêm vacxin viêm gan B.
Tới khi trẻ được 15 – 18 tháng tuổi thì cha mẹ cần đưa con đi xét nghiệm kiểm tra HBsAg và anti HBs lại nhằm chắc chắn rằng trẻ đã được bảo vệ toàn diện và không bị lây nhiễm virus viêm gan B từ mẹ.
Bên cạnh mũi tiêm sơ sinh và huyết thanh (nếu có) thì trẻ nhỏ còn được khuyến cáo nên tiêm thêm 4 mũi vacxin phòng chống viêm gan b theo phác đồ sau đây:
- Mũi 1: Mũi tiêm đầu tiên.
- Mũi 2: Cách mũi đầu 1 tháng.
- Mũi 3: Cách mũi đầu 2 tháng.
- Mũi 4: Cách mũi đầu sau 1 năm (mũi tiêm nhắc lại).
Trong đó, vacxin phòng viêm gan B cho trẻ có thể là loại vacxin đơn giá hoặc vacxin kết hợp (là vacxin 5 trong 1 hoặc 6 trong 1).
Trước khi tiêm phòng, trẻ cần được nhân viên y tế thăm khám trước về tình trạng sức khỏe. Đồng thời chỉ được tiêm vacxin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi đã bú tốt và không có vấn đề bất thường nào.
Trong trường hợp sinh non, sinh thiếu tháng, khó đẻ, cân nặng dưới 2kg, mẹ bị sốt trước và sau sinh, nước ối bẩn, thai già tháng, con bị ngạt, sinh ra dị tật… cần được thăm khám cẩn thận trước khi tiêm để tránh các sự cố có thể xảy ra. Đối với những trẻ sốt, đề kháng yếu, mắc các bệnh nhiễm khuẩn cấp tính thì cần được hoãn tiêm và theo dõi thêm.
Bên cạnh đó, số lượng kháng thể viêm gan B có thể giảm dần theo thời gian, vacxin viêm gan B cũng không có khả năng tạo ra đáp ứng miễn dịch vĩnh viễn. Chính vì vậy cha mẹ cần cho trẻ đi xét nghiệm HBsAg sau 5 năm tiêm chủng. Nếu thấy kháng thể HBsAg thấp hơn tiêu chuẩn, bác sĩ sẽ yêu cầu cho trẻ tiêm nhắc lại 1 mũi vacxin viêm gan B nhằm đảm bảo hiệu quả phòng bệnh.
Xem thêm: Phác Đồ Điều Trị Viêm Gan B Mạn Tính Theo Chuẩn Bộ Y Tế
Viêm gan B cần tiêm mấy mũi đối với người lớn?
Với người lớn, không phải ai cũng có thể tiêm vacxin phòng bệnh viêm gan B. Thay vào đó chúng ta cần thực hiện một số xét nghiệm cần thiết, nhằm biết cơ thể có đang bị nhiễm bệnh hoặc đã có kháng thể hay chưa. Kết quả của xét nghiệm cũng là cơ sở để quyết định bạn có đủ điều kiện tiêm phòng vacxin viêm gan B. Trong đó gồm có:
- HBsAg (-) và Anti HBS (+): Cho biết bạn đã nhiễm viêm gan B nhưng đã khỏi bệnh và cơ thể tự tạo ra kháng thể nên không cần tiêm ngừa. Bên cạnh đó cũng có thể là bạn đã từng tiêm ngừa vacxin viêm gan B trước đây.
- HBsAg (-) và Anti HBS (-): Cho biết cơ thể hoàn toàn chưa bị nhiễm virus viêm gan B, do vậy cần tiêm ngừa ngay để phòng chống bệnh.
- HBsAg (+) và Anti HBS (-): Cho biết cơ thể đang bị nhiễm virus viêm gan B và cũng không được bảo vệ bởi kháng thể. Khi này chúng ta không nên tiêm ngừa, bởi vacxin sẽ không có tác dụng, thậm chí còn khiến tình trạng nghiêm trọng hơn. Người bệnh cần thực hiện thêm một số xét nghiệm chuyên sâu để bác sĩ đưa ra quyết định nên điều trị hay chỉ cần theo dõi.
Trong trường hợp chưa từng nhiễm virus viêm gan B trước đó và cơ thể cũng không có kháng thể, bạn sẽ tiêm theo phác đồ điều trị cụ thể sau đây:
- Mũi số 1: Tiêm ngay sau khi có kết quả xét nghiệm máu.
- Mũi số 2: Tiêm sau 1 tháng so với mũi số 1.
- Mũi số 3: Tiêm sau 6 tháng so với mũi số 1.
Trong đó, loại vacxin phòng ngừa viêm gan B dành cho người lớn có thể là loại vacxin đơn giá hoặc vacxin kết hợp phòng ngừa virus siêu vi A và B.
Vacxin sau khi đi vào cơ thể người sẽ có khả năng phòng bệnh lên đến 95%, thế nhưng lượng kháng thể này sẽ giảm dần theo thời gian. Do vậy mà người lớn cũng giống như trẻ nhỏ, cần được tiêm một liều nhắc lại sau mỗi 5 – 10 năm kể từ mũi tiêm trước đó.
Điều này sẽ giúp chúng ta đảm bảo được lượng kháng thể trong cơ thể đủ cao và đủ mạnh để chống lại sự xâm nhập, tấn công của virus siêu vi B. Trước khi tiêm mũi nhắc lại cần làm xét nghiệm để kiểm tra nồng độ kháng thể anti HBs, nếu nồng độ anti HBs dưới mức 10UI/l sẽ được chỉ định tiêm nhắc lại.
Những lưu ý quan trọng khi tiêm vacxin viêm gan B
Dù là trẻ nhỏ hay người lớn, để đảm bảo an toàn khi tiêm phòng vacxin viêm gan B, đồng thời tránh các sự cố đáng tiếc có thể xảy ra, chúng ta cần lưu ý một số điểm quan trọng sau đây:
- Sau khi tiêm có thể xuất hiện một số tác dụng phụ nhẹ như đau nhức, sưng đỏ tại vùng tiêm, sốt nhẹ, mệt mỏi, ngứa ngáy, nổi mề đay, chóng mặt, nhức đầu… thế nhưng chúng sẽ mất dần sau 1 – 2 ngày. Trong trường hợp các tác dụng phụ này vẫn còn sau 3 ngày thì cần đến gặp bác sĩ để thăm khám và có hướng xử lý kịp thời.
- Cần theo dõi tình hình sức khỏe và thông báo ngay với bác sĩ, đặc biệt nếu có tiền sử bị dị ứng nặng với vacxin viêm gan B trước đó hoặc với bất kỳ thành phần nào của vacxin.
- Trong cùng một liệu trình, chúng ta hoàn toàn có thể chuyển từ vacxin của hãng này sang hãng khác theo sự chỉ định của bác sĩ.
- Nếu gặp gián đoạn trong quá trình tiêm, không nhất thiết phải tiêm lại toàn bộ từ đầu. Tuy nhiên chúng ta nên cố gắng đảm bảo tiêm đúng theo lịch được chỉ định, nhằm giúp vacxin mang lại hiệu quả bảo vệ tối đa.
- Trường hợp bị sốt hoặc nhiễm trùng cấp tính thì nên ngừng tiêm cho đến khi khỏi hoàn toàn.
- Khả năng đáp ứng miễn dịch của mỗi người là không giống nhau, nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như độ tuổi, giới tính, thể trạng, tình trạng sức khỏe, có hút thuốc, bị bệnh tiểu đường hay không… Chính vì thế mà cần theo dõi và cân nhắc tiêm thêm mũi bổ sung khi thấy cần thiết.
- Vacxin có thể tiêm cho phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú, hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu nào chỉ ra vacxin gây ảnh hưởng tới sự phát triển của bào thai hay em bé bú sữa mẹ.
- Một số trường hợp cần được làm xét nghiệm kháng thể để đánh giá hiệu quả như: Trẻ sinh ra từ người mẹ bị nhiễm virus viêm gan B, người có hệ miễn dịch suy giảm hoặc cơ thể mất gần hết khả năng miễn dịch (HIV, suy tủy, hóa trị), người có nguy cơ phơi nhiễm nghề nghiệp cao…
Bên cạnh đó, tiêm vacxin là cách tốt nhất để phòng chống viêm gan B, nhưng nó không đảm bảo được hiệu quả 100%. Chính vì vậy chúng ta vẫn nên bảo vệ bản thân bằng cách quan hệ tình dục an toàn, không dùng chung vật dụng với người nhiễm hoặc nghi nhiễm bệnh, cẩn trọng khi tiếp xúc với máu, dịch tiết của người khác, xây dựng lối sống khoa học, ăn uống, sinh hoạt điều độ, nên kiểm tra sức khỏe định kỳ…
Chúng ta vừa cùng nhau giải đáp vấn đề viêm gan B tiêm mấy mũi vacxin cho trẻ nhỏ và người lớn. Đây là nhiệm vụ vô cùng thiết yếu, cần được thực hiện càng sớm càng tốt, nhằm bảo vệ bản thân, gia đình và xã hội trước nguy cơ lây nhiễm cộng đồng.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!