Viêm Gân Gót Chân

Triệu chứng và nguyên nhân

Viêm gân gót chân là một dạng chấn thương thường gặp. Tình trạng này thường xảy ra khi bạn sử dụng gân gót chân quá mức. Triệu chứng đặc trưng của bệnh lý này là đau nhức nghiêm trọng gây khó khăn khi thực hiện các hoạt động sống hàng ngày. Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây viêm gân gót chân cũng như cách điều trị thì bạn hãy theo dõi bài viết sau đây.

Định nghĩa

Gân gót chân hay còn được gọi là gân Achilles. Đây là phần gân nối liền giữa bắp chân với xương gót chân. Thông thường, chúng ta sẽ sử dụng phần gân này để thực hiện một số vận động thường ngày như chạy, nhảy, đi bộ,... Chuyên gia cho biết, gân gót chân có rất ít mạch máu và cách chỗ bám vào xương gót chỉ từ 3 - 6 cm. Vùng gân này được cấu tạo từ nhiều sợi collagen nhỏ nên rất dễ bị chấn thương chỉ với một tác động nhỏ và đột ngột.

Viêm gân gót chân thường xảy ra khi bạn hoạt động gót chân quá mức khiến vùng gân gót chân bị tổn thương dẫn đến viêm đau. Bệnh lý này rất dễ khởi phát ở vận động viên thể thao phải tập luyện với cường độ cao. Ngoài ra, bệnh cũng có thể xảy ra ở người trung niên thường chơi các bộ môn thể thao như bóng rổ, quần vợt,... vào mỗi cuối tuần. Dựa vào vị trí viêm mà bệnh lý này được chia thành hai dạng sau đây:

  • Viêm điểm bám gân gót chân: Viêm xảy ra ở vị trí gân gắn liền với xương gót chân, được xác định là phần dưới của gân gót chân.
  • Viêm ngoài điểm bám gân gót chân: Viêm xảy ra ở phần giữa của gân, thường gặp ở người trẻ tuổi phải hoạt động nhiều.

Hình ảnh

Triệu chứng

Triệu chứng đặc trưng của bệnh viêm gân gót chân là gây đau nhẹ ở phía sau chân hoặc trên gót chân. Nếu người bệnh leo cầu thang, chạy bộ kéo dài hoặc chạy nước rút thì cơn đau sẽ trở nên ngày càng nghiêm trọng hơn. Một số triệu chứng có thể gặp phải khi bị viêm gân gót chân là:

  • Khó chịu, sưng đau và nóng đỏ ở gót chân do bị chảy máu giữa các sợi gân. Khi dùng tay ấn vào sẽ có cảm giác đau nhức, cơn đau sẽ tăng lên khi bạn thực hiện động tác gấp duỗi bàn chân. Cảm giác ấm nóng khi dùng tay chạm vào vùng da gót chân.
  • Đau và cứng khớp vào buổi sáng sau khi ngủ dậy. Bắp chân cứng ngắc, phạm vi chuyển động bị hạn chế, không thể thực hiện động tác gấp bàn chân.
  • Khi gân gót chân bị đứt sẽ gây ra tình trạng đau nhức kéo dài dai dẳng, đôi khi là cứng đơ. Nhiều trường hợp còn nghe thấy tiếng phụt ở vùng gân bị đứt kèm theo đau nhức nghiêm trọng.

Nguyên Nhân

Căng thẳng ở chân lặp lại nhiều lần là nguyên nhân gây ra bệnh phổ biến nhất. Tình trạng này thường xảy ra ở những người tập thể dục quá mức. Ngoài ra, viêm gân gót chân cũng có thể khởi phát do ảnh hưởng từ bệnh viêm khớp dạng thấp hoặc viêm khớp nhiễm trùng. Một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh có thể kể đến là:

  • Tuổi tác: Gân được cấu tạo từ các sợi collagen. Khi tuổi tác càng cao thì hàm lượng collagen bên trong cơ thể sẽ dần suy giảm. Điều này đã khiến cho mô liên kết và khả năng đàn hồi của gân không còn tốt như lúc đầu, dễ bị kích thích và dẫn đến tổn thương.
  • Chấn thương: Chấn thương gót chân do chơi thể thao, tai nạn, giao thông, tai nạn lao động,... sẽ khiến vùng gân gót chân bị tác động bất ngờ và kích thích phản ứng viêm xảy ra.
  • Bệnh xương khớp: Mắc hội chứng bàn chân bẹt sẽ khiến lực phân bố lên bàn chân trở nên không đồng đều. Khi tình trạng này diễn ra kéo dài sẽ khiến vùng gân gót chân bị viêm và gây ra triệu chứng đau nhức rất khó chịu.
  • Yếu tố khác: Viêm gân gót chân cũng rất dễ khởi phát ở những người đang mắc bệnh rối loạn chuyển hóa, người bị thừa cân béo phì, người có khớp cổ chân yếu, đang sử dụng thuốc corticoid dài ngày, sử dụng giày dép không phù hợp,...

Yếu tố nguy cơ

Bác sĩ chuyên khoa cho biết, hầu hết các trường hợp bị viêm gân gót chân đều không quá nghiêm trọng và có thể tự cải thiện bằng cách chăm sóc tại nhà. Nhưng nếu sau thời gian dài tự điều trị mà tình trạng viêm đau không có dấu hiệu thuyên giảm, bạn cần đến bệnh viện thăm khám để tìm ra nguyên nhân và được hướng dẫn điều trị đúng cách.

Một số biến chứng có thể xảy ra khi tình trạng viêm gân gót chân diễn ra kéo dài là đau nhức nghiêm trọng, khả năng vận động bị hạn chế, gây biến dạng gân và xương gót chân,... Nguy hiểm nhất là làm suy yếu gân và gia tăng nguy cơ bị đứt gân. Khi gặp phải biến chứng này, bạn sẽ có triệu chứng đau nhức rất dữ dội và cần phải phẫu thuật để cải thiện.

Phòng ngừa

Viêm gân gót chân rất dễ khởi phát khi gặp điều kiện thuận lợi. Để quá trình điều trị nhanh mang lại hiệu quả và phòng ngừa tái phát bệnh thì bạn cần lưu ý những điều sau đây:

  • Khi tập luyện, bạn hãy bắt đầu với cường độ nhẹ rồi tăng dần lên để tránh gây áp lực đột ngột lên gót chân. Nếu có triệu chứng đau nhức khi tập luyện, bạn nên dừng lại và nghỉ ngơi.
  • Không nên thực hiện các động tác gây căng thẳng quá mức lên gót chân như chạy lên đồi,... Nếu phải tham gia các hoạt động này, bạn nên khởi động kỹ trước đó bằng cách tập thể dục tốc độ chậm.
  • Khi tập thể dục, nên sử dụng giày có tác dụng hỗ trợ gót chân và vòm bàn chân để hạn chế gây căng thẳng lên vùng gân gót. Không nên sử dụng giày đã quá cũ hoặc bị hao mòn quá mức.
  • Tiến hành kéo căng cơ bắp chân và gân gót chân vào mỗi buổi sáng hoặc trước khi tập thể dục. Thói quen này có tác dụng duy trì độ dẻo dai của gân và hạn chế khởi phát triệu chứng viêm.
  • Cải thiện sức mạnh của cơ bắp chân để hỗ trợ bắp chân và gân gót chân mỗi khi vận động, hạn chế gây áp lực quá mức lên các cơ quan này.
  • Khi tập luyện nên ưu tiên thực hiện các bài tập tác động thấp như đạp xe, bơi lội,... và tránh các bài tập tác động mạnh. Ngoài ra, bạn cũng có thể tập luyện xen kẽ giữa bài tập tác động mạnh với bài tập tác động thấp để tránh gây tổn thương đến gân gót chân.
Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp điều trị

Viêm gân gót chân nếu chỉ diễn ra ở mức độ nhẹ, bạn chỉ cần chăm sóc tại nhà đúng cách. Sau vài ngày, triệu chứng viêm đau sẽ được cải thiện đáng kể. Nhưng nếu tình trạng tổn thương gân diễn ra ở mức độ nghiêm trọng, bắt buộc bạn phải điều trị y tế. Lúc này, thời gian phục hồi tổn thương tại gân gót sẽ phụ thuộc vào cách điều trị cũng như việc tuân thủ khi chăm sóc vết thương của người bệnh. Dưới đây là một số cách điều trị viêm gót chân mà chúng tôi tổng hợp được bạn có thể tham khảo:

Tự cải thiện bằng phương pháp RICE

RICE được xem là phương pháp điều trị chấn thương cơ bản, dễ thực hiện và mang lại hiệu quả rất nhanh chóng. Nếu tình trạng viêm đau chỉ diễn ra ở mức độ nhẹ, bạn có thể áp dụng phương pháp này để cải thiện triệu chứng đau nhức tại nhà. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết về cách thực hiện bạn có thể tham khảo:

  • Rest (Nghỉ ngơi): Dành từ 1 - 2 ngày để nghỉ ngơi giúp cải thiện triệu chứng đau nhức, sau đó người bệnh có thể dễ dàng đi lại trở lại. Nghỉ ngơi còn giúp gân có thời gian thư giãn và đẩy nhanh tốc độ hồi phục tổn thương.
  • Ice (Chườm lạnh): Tiến hành chườm lạnh từ 15 - 20 phút/lần mỗi khi triệu chứng đau nhức xuất hiện. Chườm lạnh có tác dụng giảm viêm sưng khá hiệu quả và nhanh chóng.
  • Compression (Băng nén):  Dùng băng thể thao băng nén khu vực bị tổn thương để mang lại hiệu quả giảm đau nhức. Nén gân nhằm mục đích đẩy nhanh tốc độ làm lành tổn thương. Chú ý, không nén quá chặt khiến lưu lượng máu bị ảnh hưởng và gây phản tác dụng.
  • Elevation (Nâng cao chân): Khi nằm nghỉ ngơi, hãy nâng cao chân hơn so với tim để hạn chế tuần hoàn máu đến khu vực bị tổn thương và cải thiện triệu chứng sưng tấy.

Điều trị y tế

Ở những trường hợp không đáp ứng điều trị với phương pháp RICE, bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và hướng dẫn điều trị y tế. Lúc này, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán lâm sàng và yêu cầu người bệnh thực hiện thêm một số xét nghiệm cần thiết như chụp x-quang, chụp MRI, siêu âm,... Sau khi đã có kết quả chẩn đoán chính xác, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị sao cho phù hợp. Cụ thể là:

+ Dùng thuốc Tây y: Đa số các trường hợp bị viêm gân gót chân đều được kê đơn điều trị bằng thuốc Tây y giúp kiểm soát nhanh chóng triệu chứng đau nhức khó chịu do bệnh lý này gây ra. Thường được sử dụng là thuốc giảm đau thông thường, thuốc kháng viêm không chứa steroid, thuốc corticoid,... Việc dùng thuốc Tây y điều trị bệnh cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn mà bác sĩ chuyên khoa đã đưa ra để tránh phát sinh tác dụng phụ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

+ Vật lý trị liệu: Bên cạnh việc dùng thuốc Tây y, bác sĩ thường yêu cầu người bệnh áp dụng kết hợp với phương pháp vật lý trị liệu để đẩy nhanh tốc độ phục hồi tổn thương. Thông thường, người bệnh sẽ được hướng dẫn thực hiện các bài tập trị liệu nhằm mục đích kéo giãn cơ và tăng cường sức mạnh gân. Ở những trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ yêu cầu sử dụng thiết bị chỉnh hình như miếng đệm, miếng lót giày,...

+ Phẫu thuật: Trường hợp viêm gân gót chân không đáp ứng điều trị nội khoa, bác sĩ sẽ xem xét và yêu cầu thực hiện phẫu thuật để điều chỉnh gân gót chân. Ngoài ra, phẫu thuật cũng được chỉ định thực hiện với những trường hợp bị rách gân hoặc có nguy cơ đứt gân. Phẫu thuật mở là phương pháp điều trị được áp dụng phổ biến nhất ở trường hợp này. Lúc này, bác sĩ sẽ rạch đường nhỏ phía trên xương gót chân để khâu phần gân bị đứt rồi đóng vết mổ bằng chỉ khâu.

Phẫu thuật điều trị viêm gân gót chân có độ an toàn cao và ít phát sinh biến chứng. Tuy nhiên, sau phẫu thuật người bệnh sẽ cảm thấy rất đau đớn, hạn chế phạm vi chuyển động và dễ bị nhiễm trùng vết thương nếu không được chăm sóc đúng cách.

Chuyên sâu
Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android