Viêm Gan Tối Cấp

Triệu chứng và nguyên nhân

Viêm gan tối cấp là bệnh lý có thể gặp ở mọi lứa tuổi, giới tính. Bệnh biến chứng nguy hiểm và đe dọa trực tiếp đến tính mạng. Vậy làm sao để bạn có thể nhận biết được căn bệnh này, đồng thời điều trị đúng phương pháp và phòng ngừa hiệu quả? Hãy cùng chúng tôi đi tìm đáp án chi tiết ngay trong bài viết dưới đây.

Định nghĩa

Bệnh viêm gan tối cấp hay còn được được gọi là suy gan cấp tính hay suy gan tối cấp, được giải thích là tình trạng viêm gan ở giai đoạn cuối. Lúc này gan bắt đầu suy yếu rất nhanh, chỉ sau vài ngày hoặc vài tuần, tùy thuộc vào nguyên nhân, bệnh sẽ biến chứng thành suy gan và nghiêm trọng hơn sẽ dẫn đến tử vong.

Theo các báo cáo thống kê, hiện nay có khoảng 80% ca bệnh thời kỳ biến chứng bị tử vong và chỉ khoảng 20% bệnh nhân được cứu sống.

Mặc dù, viêm gan siêu vi thể tối cấp thường gặp ở những người có tiền sử bị viêm gan B, tuy nhiên mọi đối tượng, kể cả người trẻ tuổi khỏe cũng có nguy cơ mắc bệnh. Bệnh có thể bùng phát nhanh chóng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng loạt bộ phận khác trong cơ thể, điển hình như: Suy thận, ảnh hưởng đến não, rối loạn đông máu,... Bởi vậy, các chuyên gia đã nhận định, căn bệnh này nguy hiểm hơn tình trạng viêm gan B.

Hình ảnh

Triệu chứng

Một số triệu chứng của bệnh lý nguy hiểm này bao gồm:

  • Cảm thấy cơ thể không có sức, mệt mỏi.
  • Buồn nôn, nôn ói không kiểm soát và thậm chí là nôn ra máu.
  • Bụng chướng khó chịu, căng tức và thường bị nhầm lẫn với bệnh đau dạ dày.
  • Người bệnh có dấu hiệu vàng da, đặc biệt là vùng cánh tay, lòng bàn tay và vùng cổ hoặc vàng mắt.
  • Cảm thấy rất bối rối, bị thở gấp, mạch đập nhanh và có thể xuất hiện tình trạng co giật.
  • Bệnh nhân bị buồn ngủ, sau đó có thể rơi vào tình trạng hôn mê sâu.
  • Nhiều người có những thay đổi trong tính cách, hành vi, dễ cáu kỉnh và nổi nóng hơn.
  • Có thể bị rối loạn thị giác và mất phương hướng.
  • Hiện tượng rối loạn đông máu làm bệnh nhân dễ bị chảy máu hoặc bầm tím hơn, nhiều trường hợp nguy hiểm hơn là không thể cầm máu.
  • Ngoài ra, một số người bệnh còn có thể gặp phải tình trạng như đi tiểu ra máu.

Như vậy, bạn có thể thấy, đa số các triệu chứng của bệnh thường là cấp tính và xảy ra rất đột ngột. Bởi vậy, ngay khi những triệu chứng này xuất hiện, người nhà bệnh nhân nên đưa người bệnh đi cấp cứu ngay để phòng ngừa nguy cơ tử vong.

Nguyên Nhân

Bệnh này thường do các nguyên nhân hàng đầu sau đây gây ra:

  • Dùng quá liều thuốc Acetaminophen: Đây là một loại thuốc giảm đau, hạ sốt thường được kê đơn hoặc không kê đơn. Nếu bạn dùng với liều lượng cao và kéo dài trong nhiều ngày, gan sẽ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng và dẫn đến viêm gan.
  • Một số loại virus: Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến viêm gan siêu vi tối cấp là do nhiễm virus viêm gan A, B, C, D hoặc E. Bên cạnh đó, các loại virus khác như Epstein-Barr (EBV), Cytomegalo (CMV), Herpes Simplex (HSV),... cũng có thể dẫn đến gan bị nhiễm độc, suy gan đột ngột.

Ngoài ra sẽ có một số nguyên nhân ít phổ biến hơn gây ra bệnh như sau:

  • Thuốc kháng sinh: Một số loại thuốc kháng sinh được kê đơn trong điều trị một số bệnh lý, đặc biệt là ung thư có thể gây tổn thương gan và sau đó dẫn đến suy gan.
  • Viêm gan tự miễn: Khi hệ thống miễn dịch của bạn bị tấn công sẽ gây tổn thương đến các tế bào gan.
  • Bệnh ung thư: Các khối u phát triển mạnh và bắt đầu di căn đến gan sẽ khiến gan bị tổn thương nghiêm trọng.
  • Các vấn đề về tĩnh mạch: Một số bệnh liên quan đến tĩnh mạch trong gan, hay còn gọi là hội chứng Budd-Chiari có thể gây tắc nghẽn và dẫn đến suy gan.
  • Ngộ độc nấm: Một số loại nấm hoang dã ngoài tự nhiên như Amanita phalloides chứa các độc tố rất mạnh gây hại đến gan.
  • Bệnh Wilson: Tình trạng rối loạn này có khả năng dẫn đến tích tụ độc tố trong gan và nhiều cơ quan khác vô cùng nguy hiểm.
  • Một số loại thảo dược như: Kava, cây hoa chuông, ma hoàng có thể dẫn đến suy gan.
  • Các nguyên nhân khác: Rối loạn chuyển hóa đường galactose (galactosemia), hội chứng mắt đỏ, bệnh thiếu hụt alpha-1-AT, bệnh tyrosin máu (tyrosinemia), hội chứng HELLP ở thai phụ (Tăng men gan, thiếu máu tán huyết và giảm tiểu cầu),...

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, các bác sĩ cũng không thể tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Bởi vậy, khi thấy các dấu hiệu bất thường của cơ thể bạn nên đi khám tại các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị bệnh tốt nhất.

Biến chứng

Bệnh sẽ bộc phát ngay khi bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu vàng da. Các triệu chứng tiến triển mạnh mẽ và rất nhanh chóng trở nên nghiêm trọng.

Cụ thể tình trạng của người bệnh có thể sẽ xấu đi do biến chứng từ các tổn thương thứ phát ở não (Còn gọi là bệnh não gan). Sau đó phát triển đến hôn mê và phù não trong khoảng thời gian ngắn chỉ từ vài ngày đến vài tuần. Cùng với đó là hiện tượng rối loạn đông máu do suy gan hoặc đông máu lan tỏa trong lòng mạch, rồi phát triển thành suy thận chức năng (Hay hội chứng gan thận).

Ngoài ra, người bệnh còn có thể rơi vào tình trạng thở gấp, mạch yếu và đi đến “hôn mê gan”. Hoặc xuất huyết nghiêm trọng và khó cầm được máu dù đã sử dụng thuốc.

Đây đều là những biến chứng vô cùng nguy hiểm của bệnh và đe dọa trực tiếp đến tính mạng. Chúng có thể xuất hiện cả ở những người đã điều trị khỏi trên một tuần. Bởi vậy, người bệnh cần hết sức lưu ý và đến ngay bệnh viện gần nhất khi thấy xuất hiện tình trạng trên để được hỗ trợ kịp thời.

Phòng ngừa

Căn bệnh này do hai nguyên nhân chủ yếu gây ra là dùng quá Acetaminophen và viêm gan siêu virus gây ra. Bên cạnh đó bệnh có thể lây nhiễm qua rất nhiều con đường khác nhau, đặc biệt là đường tiêu hóa.

Bởi vậy để phòng mắc bệnh, đồng thời tránh lây nhiễm, mỗi người cần có một chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý và lưu ý một số vấn đề sau đây:

  • Chỉ uống Acetaminophen theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý tăng giảm liều dùng. Đồng thời chú ý kiểm tra hướng dẫn sử dụng để biết liều lượng được khuyến nghị để tuân thủ đúng theo.
  • Tránh tiếp xúc với dịch cơ thể và máu của người khác. Điều này sẽ giúp làm giảm nguy cơ bị nhiễm siêu virus viêm gan.
  • Tiêm phòng vắc xin phòng ngừa viêm gan A và B đầy đủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
  • Nếu được bác sĩ chẩn đoán là mắc bệnh viêm gan, người bệnh cần tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị. Tránh để bệnh nặng và làm chức năng gan bị suy yếu nghiêm trọng hơn.
  • Luôn chú ý giữ vệ sinh, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để loại bỏ vi khuẩn.
  • Nên ăn chín uống sôi và hạn chế nạp vào cơ thể những thực phẩm tái sống như tiết canh. Đồng thời đảm bảo đồ ăn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
  • Bảo quản đồ ăn thừa thật cẩn thận, che đậy kỹ càng tránh để vi khuẩn, virus xâm nhập vào.
  • Tuyệt đối không sử dụng các loại thực phẩm đã hết hạn sử dụng hoặc không đảm bảo vệ sinh.
  • Chú ý thăm khám bệnh định kỳ 6 tháng/lần để kịp thời phát hiện sớm bệnh và có hướng điều trị kịp thời.
Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp chẩn đoán

Bước đầu để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ hỏi bạn một số thông tin về tiền sử bệnh, đã từng sử dụng ma túy hay tiếp xúc với các chất độc không. Sau đó là các kiểm tra về triệu chứng bệnh viêm gan và mức độ tỉnh táo của người bệnh. Từ đó, họ mới có thể tìm ra nguyên nhân gây bệnh và chỉ định thực hiện các xét nghiệm phù hợp.

Thông thường sẽ bao gồm một số phương pháp như sau:

  • Xét nghiệm máu và nước tiểu: Thực hiện xét nghiệm này sẽ giúp bác sĩ thấy được gan của bạn đang hoạt động như thế nào dựa vào thời gian máu đông lại. Nếu người bệnh bị viêm gan ở thể tối cấp, máu sẽ đông chậm hơn bình thường.
  • Chẩn đoán hình ảnh gan: Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh gan cho phép bác sĩ kiểm tra mức độ tổn thương, những vấn đề về tĩnh mạch hoặc các vấn đề khác như khối u. Thường người bệnh sẽ được siêu âm, chụp CT hoặc MRI.
  • Sinh thiết gan: Bác sĩ sẽ dùng thủ thuật để lấy một phần nhỏ trong mô gan của người bệnh để tiến hành kiểm tra.

Như vậy, có thể thấy để các bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng viêm gan, cần phải kết hợp đầy đủ cả biện pháp đánh giá lâm sàng và những xét nghiệm cận lâm sàng.

Biện pháp điều trị

Bệnh lý được điều trị dựa vào các triệu chứng của bệnh nhân và nguyên nhân gây ra bệnh. Cụ thể sau khi bạn được chẩn đoán chính xác về tình trạng và mức độ bệnh lý, các bác sĩ sẽ lên phác đồ và liệu trình phù hợp. Thông thường sẽ bao gồm các phương pháp như sau:

Điều trị bệnh viêm gan theo y học hiện đại

Bệnh viêm gan tối cấp được chữa trị theo hướng là trực tiếp điều chỉnh những triệu chứng bất thường đi kèm với rối loạn chức năng tế bào gan. Còn trường hợp nặng hơn sẽ cần can thiệp bằng phương pháp ngoại khoa thì mới có thể điều trị dứt điểm bệnh. Cụ thể:

Thuốc Tây

Một số loại thuốc thường được các bác sĩ kê đơn trong điều trị bệnh lý nguy hiểm này như sau:

  • Thuốc giải độc: Trong trường hợp gan bị suy yếu do người bệnh dùng quá liều Acetaminophen, hoặc ngộ độc nấm, các bác sĩ sẽ kê đơn cho bạn dùng thuốc giải độc N - acetylcysteine nhằm ngăn chặn tác dụng phụ của thuốc giảm đau trên. Thuốc này cũng được dùng để điều trị một số nguyên nhân khác của tình trạng suy gan cấp tính.
  • Thuốc điều trị bệnh viêm gan do virus: Các bác sĩ thường chỉ định sử dụng một số loại thuốc kháng virus để điều trị viêm gan do siêu virus.
  • Thuốc điều trị nguyên nhân viêm gan tự miễn: Người bệnh thường được kê đơn các loại Steroid để chữa trị bệnh.

Bên cạnh đó, để cải thiện các triệu chứng bệnh và giảm tác dụng phụ, các bác sĩ cũng sẽ chỉ định bệnh nhân sử dụng một số loại thuốc hỗ trợ khác như:

  • Thuốc để giảm áp lực lên não: Bác sĩ thường cho người bệnh truyền tĩnh mạch dung dịch manitol 20% để cải thiện tình trạng này.
  • Thuốc ngăn ngừa chảy máu: Gan của mỗi người được tạo ra từ các hóa chất giúp đông máu, bởi vậy khi không hoạt động nó không thể tạo ra được chất này. Từ đó, nguy cơ cơ thể bạn bị xuất huyết rất cao nên cần dùng thuốc để ngăn ngừa chảy máu. Loại thuốc cụ thể sẽ được bác sĩ chỉ định tùy vào tình trạng của người bệnh.

Can thiệp ngoại khoa

Trong trường hợp các phương pháp điều trị khác không còn tác dụng và gan không thể hoạt động được bình thường, các bác sĩ sẽ cân nhắc và tư vấn người bệnh thực hiện ghép gan. Cụ thể để cấy ghép gan, các bác sĩ sẽ loại bỏ lá gan bị hư hỏng và thay một lá gan mới khỏe mạnh từ người hiến tạng cho bệnh nhân.

Sau khi thực hiện phẫu thuật, cả người cho và người nhận gan đều cần phải được theo dõi sức khỏe tại bệnh viện và tại nhà thường xuyên. Đồng thời thực hiện các xét nghiệm định kỳ để đảm bảo gan mới đang hoạt động tốt. Nguyên nhân do hệ thống miễn dịch có xu hướng đào thải vật ghép để bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của các vật thể xâm nhập từ ngoài. Bởi vậy cần ức chế khả năng miễn dịch để phòng ngừa trường hợp đào thải lá gan mới.

Mẹo dân gian hỗ trợ điều trị viêm gan thể tối cấp

Bên cạnh việc dùng thuốc Tây, người bệnh cũng có thể áp dụng một số bài thuốc dân gian hỗ trợ điều trị bệnh tại nhà. Một số mẹo đơn giản bạn có thể áp dụng theo như sau:

Cây mật nhân

Mật nhân (Còn gọi là bá bệnh) thường được sử dụng kết hợp với cây cà gai leo để điều trị bệnh viêm gan.

Cách thực hiện như sau:

  • Chuẩn bị 10g mật nhân và 10g cà gai leo.
  • Đem cả 2 loại thảo dược này rửa sạch và sắc cùng 1.5 lít nước.
  • Đun sôi trong 15 phút, rồi chia ra dùng dần trong ngày.

Cây nhọ nồi

Cây nhọ nồi (Còn gọi là cỏ mực) là vị thuốc hỗ trợ điều trị viêm gan cấp được nhiều người chọn dùng.

  • Chuẩn bị 30g cỏ nhọ nồi, 15g đương quy, 15g trạch tả và 20g trinh nữ.
  • Đem tất cả nguyên liệu đi rửa sạch, sau đó cho vào nồi và sắc cùng 500ml nước ấm, lưu ý đun lửa nhỏ.
  • Đến khi cạn còn 250ml thì tắt bếp và chia ra uống 3 lần/ngày.

Cây xạ đen

Xạ đen là loại thảo dược được nhiều người áp dụng để hồi phục các tổn thương của gan do virus gây ra. Theo nghiên cứu, trong vị thuốc này chứa nhiều hoạt chất dược tính cao như: Flavonoids, acid amin, triterpenoid,… Các thành phần này mang đến tác dụng tiêu độc, kháng viêm vô cùng hiệu quả nên y học hiện nay cũng sử dụng để điều chế các thuốc, thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị viêm gan, xơ gan hoặc men gan cao.

Cách thực hiện như sau:

  • 40g xạ đen, 30g cà gai leo, 10g mật nhân.
  • Tất cả nguyên liệu đi rửa sạch, rồi bỏ vào nồi sắc cùng với 1 lít nước.
  • Đun lửa nhỏ đến khi nước cạn còn ½ so với lượng ban đầu thì tắt bếp, chia ra uống 3 lần/ 1 ngày.
  • Kiên trì thực hiện bài thuốc này sau khoảng 3 tháng, người bệnh sẽ thấy các triệu chứng được cải thiện rõ rệt.

Lưu ý: Ưu điểm của phương pháp này là an toàn, lành tính, nguyên liệu dễ kiếm, đồng thời cũng dễ thực hiện. Tuy nhiên, đa phần đều là cách chữa truyền miệng dân gian, chưa có sự kiểm chứng, hiệu quả còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Để đảm bảo an toàn, nhanh chóng khỏi bệnh thì tốt nhất người bệnh không nên lạm dụng và nên chuyển sang bài thuốc mang tính đặc trị cao hơn.

Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà

Chế độ ăn uống ảnh hưởng rất lớn đến quá trình điều trị các bệnh lý về gan. Dưới đây là một số nhóm thực phẩm mà người bị bệnh nên bổ sung hoặc cần hạn chế mà chúng tôi đã tổng hợp.

Người lớn viêm gan tối cấp nên ăn gì?

Các nhóm thực phẩm sau hỗ trợ rất tốt cho quá trình phục hồi của người bệnh:

  • Thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất như rau xanh, trái cây
  • Các loại đỗ như đỗ trắng, đỗ đỏ, đỗ tương,... giúp giải độc tố cho gan, làm mát gan, đồng thời bổ sung nhiều năng lượng để cơ thể.
  • Các món ăn dễ tiêu như cháo, súp, canh, sữa chua,... sẽ giúp cho gan không phải làm việc quá tải.
  • Những loại thực phẩm ngọt, nhiều bột như gạo tẻ, bột mì chứa hàm lượng đường tự nhiên cao và không gây hại cho gan.

Thực phẩm người bệnh viêm gan tối cấp nên kiêng

Khi bị viêm gan thể tối cấp, gan của người bệnh sẽ cực kỳ yếu đi, bởi vậy nên không nên nạp vào cơ thể những thực phẩm khiến gan phải hoạt động quá tải. Bởi vậy, bạn nên tránh ăn các thực phẩm sau:

  • Lòng đỏ trứng chứa nhiều cholesterol bởi vậy không tốt cho người bệnh viêm gan. Nếu ăn, tối đa một tuần bạn chỉ nên ăn 1 - 2 quả.
  • Các loại nội tạng của động vật đều chứa rất nhiều cholesterol không tốt cho người bệnh.
  • Thực phẩm quá nhiều đạm như thịt ba ba, dê mặc dù chứa nhiều đạm và vitamin cần thiết cho cơ thể nhưng lại mang tính nóng và khó tiêu hóa.
  • Tôm và các loại cá biển rất giàu đạm nhưng cũng chứa nhiều cholesterol và thuỷ ngân, làm gan phải hoạt động nhiều hơn để lọc thải độc tố và chuyển hóa các chất.
  • Măng giàu chất xơ nhưng lại chứa nhiều độc tố có hại cho gan, hơn nữa lại khó tiêu hóa và tác động tiêu cực đến quá trình chuyển hóa của gan.
  • Nhân sâm có tính nóng nên làm tăng nhiệt độ cơ thể, vì vậy người bệnh viêm gan ăn nhiều nguy cơ xuất huyết nội rất cao.
  • Hạn chế các thực phẩm nhiều dầu mỡ vì chúng dễ làm gan bị nhiễm mỡ và gây ảnh hưởng tới chức năng gan.
  • Không phải ai uống bia rượu cũng mắc các bệnh về gan, nhưng phần đa những người bị ung thư gan đều do lạm dụng chúng. Người bị viêm gan tối thể cấp sử dụng thực uống này cũng rất nguy hại cho quá trình điều trị và sức khỏe.

Viêm gan tối cấp là bệnh lý vô cùng nguy hiểm, tiềm tàng nhiều nguy hại cho sức khỏe và đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh. Hơn nữa, bệnh lại diễn tiến rất nhanh, bởi vậy bạn cần chú ý thăm khám ngay khi có những triệu chứng bất thường, tránh để diễn tiến xấu. Ngoài ra, mỗi người nên chú ý kiểm tra và chăm sóc sức khỏe bản thân tốt nhất vì bất kỳ ai cũng có thể trở thành đối tượng của căn bệnh này.

Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
BS.CKI Trần Văn Hiền
BS.CKI Trần Văn Hiền
ThS.BS.CKII Trần Kinh Thành
ThS.BS.CKII Trần Kinh Thành
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android