Viêm Họng

Triệu chứng và nguyên nhân

Viêm họng là loại bệnh về tai mũi họng rất phổ biến, có thể gặp ở mọi đối tượng, đặc biệt là thanh thiếu niên và trẻ nhỏ. Người bệnh sẽ thường cảm thấy cổ họng bị đau rát kèm với nhiều triệu chứng khó chịu khác. Theo đó, bệnh cần được chữa trị dứt điểm và kịp thời để không gây ra những biến chứng ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

Định nghĩa

Viêm họng tiếng Anh gọi là Sore Throat - Một dạng bệnh viêm nhiễm ở đường hô hấp, lớp niêm mạc ở họng và hầu xảy ra hiện tượng viêm và bị sưng tấy. Khi bị mắc bệnh, chúng ta sẽ thấy nóng và đau rát ở cổ họng, lúc nuốt thức ăn thường bị đau hoặc thậm chí dù chỉ nuốt nước bọt.

Hiện nay, y học phân chia bệnh viêm họng thành nhiều loại tùy thuộc vào nguyên nhân cũng như tình trạng tổn thương ở họng. Trong đó, những dạng bệnh thường gặp gồm:

Viêm họng cấp

Viêm họng cấp là gì? Đây được xem là giai đoạn nhẹ nhất của bệnh lý, thường sẽ biểu hiện ở cả trẻ nhỏ và người lớn, chủ yếu xuất hiện vào mùa đông lúc trời trở lạnh, khí hậu thay đổi đột ngột. Bệnh viêm họng thể cấp thường sẽ có những biểu hiện đi kèm cùng với một số bệnh liên quan tới đường hô hấp như sởi, viêm xoang, cúm,... Trong đó, viêm họng cấp được phân chia tiếp thành viêm trắng và viêm đỏ.

  • Viêm họng trắng cấp: Đây là chứng bệnh khá dễ dàng để phân biệt với các vùng niêm mạc sưng và phủ bởi những chấm trắng khá nổi bật. Những chấm này sẽ bong ra khá dễ dàng khi bạn ăn uống, lúc này sẽ có cảm giác xót, thậm chí là chảy máu niêm mạc họng. Nếu gặp phải triệu chứng này, bạn cần nhanh chóng chữa trị kịp thời vì đó là dấu hiệu khá nguy hiểm.
  • Viêm họng đỏ cấp: Có tới khoảng 60 đến 80% xảy ra bởi các loại vi khuẩn gồm: EBV, Adenovirus, Parainfluenzae, Herpes, Coxsackie, Zona và khoảng 20 - 40% là bởi tụ cầu vàng, liên cầu tan huyết nhóm A, B, C, G, Haemophilus Influenzae, Moraxella Catarrhalis. Những vi khuẩn đó có thể đi vào vòm họng qua nhiều điều kiện khác nhau và nhanh chóng lây lan phát triển, gây phá hủy cấu trúc của vùng niêm mạc ở trên thành họng.

Viêm họng thể mãn tính

Bệnh viêm họng mãn tính là giai đoạn chuyển tiếp của thể cấp khi người bệnh không được chữa trị dứt điểm, bệnh thường tái phát liên tục nhiều lần trong năm. Theo đó, bệnh thể mãn tính cũng phân chia thành những loại khác, cụ thể gồm:

Viêm họng xuất tiết

Là tình trạng phần niêm mạc bị đỏ và nóng lên, có thêm những hạt nổi ở sau của thành họng. Bên cạnh đó, người bệnh cũng bị tiết nhiều dịch nhầy dẫn tới hắt hơi, sổ mũi khá nhiều trong ngày. Bệnh lý này chủ yếu xảy ra do vấn đề thời tiết đột ngột thay đổi khiến cơ thể không kịp thích nghi.

Viêm họng mãn tính quá phát

Quá phát là hiện tượng niêm mạc ở họng của bệnh nhân vừa đỏ vừa dày lên, khu vực tổ chức bạch huyết bị gồ và xơ hóa, chúng tập trung thành một dải và được gọi là trụ giả.

Viêm họng đặc hiệu

Các chuyên gia phân chia nhóm đặc hiệu thành 3 loại chính dựa theo nguyên nhân dẫn tới bệnh bởi bạch hầu, liên cầu khuẩn và viêm họng vincent.

  • Viêm họng bởi liên cầu khuẩn: Có chứa khá nhiều nguy cơ biến chứng tiềm ẩn nhất hiện nay. Bệnh nhân lúc này sẽ có khả năng cao gặp phải các bệnh gồm: Viêm màng tim dẫn tới hẹp van tim, viêm khớp.
  • Viêm họng bởi bạch hầu: Thực tế, những bệnh nhân mắc viêm họng do bạch hầu sẽ có nguy cơ tử vong cao hơn so với những loại bệnh khác. Bệnh lý này xảy ra bởi vi khuẩn là bạch hầu, biểu hiện bằng các triệu chứng dễ làm chúng ta nhầm lẫn với ốm sốt thông thường, do đó sẽ khó để phát hiện từ sớm và có biện pháp điều trị.
  • Viêm họng Vincent: Vincent chính là một dạng vi khuẩn hình thoi và sống ký sinh tại họng. Khi chúng sinh sôi, phát triển sẽ phá hủy cấu trúc ở thành họng và gây nên viêm nhiễm.

Hình ảnh

Triệu chứng

Để có thể bước đầu xác định được bản thân có phải đang mắc viêm họng hay không, chúng ta dựa vào những đặc điểm dưới đây:

  • Vùng họng bị sưng to, đau rát, khi nuốt thức ăn, uống nước hoặc đơn giản là nuốt nước bọt đều thấy khó khăn.
  • Bệnh nhân sẽ có triệu chứng khàn giọng, ngừa ngáy, gai ở cổ và còn có đờm.
  • Khi được soi họng, bạn sẽ thấy họng bị sưng, có dấu hiệu xung huyết và nổi các mụn nhỏ gồ lên, đồng thời có thể có thêm chất nhầy bao phủ ở phần bề mặt niêm mạc họng.
  • Cổ họng tiết ra khá nhiều dịch, ban đầu dịch có thể ít và trong nhưng sau đó sẽ càng ngày càng đậm màu và lượng dịch nhiều hơn. Người bệnh khi đó có thể bị mất tiếng.
  • Các vi khuẩn tấn công vào họng mạnh mẽ sẽ gây ra triệu chứng buồn nôn. Đồng thời, bệnh nhân còn có thể bị sốt cao trong thời gian dài và không hạ, thường từ 38 đến 39 độ, cơ thể mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu.

Nguyên Nhân

Bệnh nhân bị viêm họng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc xác định chính xác yếu tố gây bệnh sẽ là tiền đề để chúng ta có cách chữa trị phù hợp, đạt được hiệu quả cao.

Y học hiện đang phân chia nguyên nhân viêm họng dựa theo 2 nhóm chính là bởi virus, vi khuẩn và các tác nhân từ môi trường bên ngoài.

Do nhóm vi khuẩn, virus gây bệnh:

Theo những nghiên cứu được thực hiện gần đây, bệnh viêm họng xảy ra có tới 80% các ca mắc là bởi vi khuẩn và virus tấn công vào họng, phá hủy kết cấu niêm mạc, tạo nên những vùng sưng, viêm nhiễm niêm mạc.

Một số loại virus có thể kể tới như: Virus cúm B, cúm A, Coronavirus, Parainfluenza,... Một số vi khuẩn thường gặp như: Tụ cầu, phế cầu, liên cầu khuẩn Beta tan huyết thuộc nhóm A.

Vi khuẩn xâm nhập gây bệnh khi cơ thể chúng ta có sức đề kháng yếu, hệ miễn dịch không đủ sức phản ứng lại các đợt tấn công của virus, vi khuẩn. Từ đó bạn sẽ nhanh chóng đổ bệnh, hoặc cũng có thể vào những thời điểm trời trở lạnh sẽ là điều kiện lý tưởng cho những chủng gây bệnh này phát triển mạnh mẽ.

Do những yếu tố tác động khác từ bên ngoài:

  • Việc sử dụng các chất kích thích như rượu bia hoặc thuốc lá, đồ ăn quá nóng, lạnh hoặc cay cũng là yếu tố gây ra viêm nhiễm ở phần niêm mạc họng. Khi đó các vi khuẩn sẽ nhanh chóng xâm nhập và làm tổ, hình thành nên viêm họng.
  • Người bệnh thường phải làm việc trong môi trường nhiều hóa chất độc hại, khói bụi ô nhiễm. Đây là nơi có lượng lớn các vi khuẩn và virus gây bệnh, không chỉ viêm họng mà còn nhiều bệnh lý về hô hấp khác.
  • Nhiều người thường có thói quen để điều hòa với nhiệt độ quá thấp khi trời nóng. Đến khi bạn ra ngoài sẽ dễ xảy ra tình trạng sốc nhiệt và nhiễm bệnh.
  • Các bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản, trào ngược dịch mật dạ dày cũng sẽ tăng nguy cơ mắc viêm họng. Các cơn trào ngược xuất hiện sẽ tạo điều kiện để những vi khuẩn từ dạ dày đi ngược lên họng, chúng bám lại và sinh sôi ở họng.

Đường lây truyền

Có rất nhiều người quan tâm đến vấn đề bệnh viêm họng có lây không. Theo đó, các chuyên gia về tai mũi họng cho biết, bệnh hoàn toàn có thể lây nhiễm qua đường hô hấp. Các vi khuẩn từ nước mũi, nước bọt có thể truyền nhiễm từ người bệnh sang người khỏe. Do đó, nếu bạn đang tiếp xúc gần với người mắc và họ bị hắt hơi hoặc sổ mũi, khả năng chúng ta bị nhiễm viêm họng sẽ rất cao.

Nhưng đồng thời, với những trường hợp bị viêm họng bởi yếu tố thời tiết, dị ứng thức ăn, uống nước lạnh, bạn sẽ không bị lây bệnh dù tiếp xúc gần. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần có những biện pháp để phòng tránh cũng như bảo vệ cho sức khỏe của chính mình.

Biến chứng

Khi chúng ta bị viêm nhiễm ở cấp độ nhẹ, viêm họng do biến chứng của cảm mạo, sốt, ốm sẽ có thể tự khỏi nếu cơ thể khỏe hơn, nhiệt độ cơ thể hạ về mức bình thường. Đối với trường hợp này, bệnh không có gì nguy hiểm.

Ngược lại, ở những ca bệnh viêm họng lâu ngày, tái phát liên tục không dứt sẽ khá nguy hiểm. Người bệnh có thể gặp phải các biến chứng nặng nề hơn gồm:

  • Biến chứng tại họng: Bệnh lý này có thể gây ra viêm amidan, áp xe quanh họng, áp xe thành họng.
  • Biến chứng ở các cơ quan lân cận: Bệnh nhân có thể bị viêm xoang, viêm mũi. Với những trường hợp trẻ nhỏ bị viêm họng nặng khi không được chữa trị kịp thời sẽ gây ra viêm phổi, viêm phế quản. Đặc biệt biến chứng tại phổi sẽ dẫn tới  nhiều ảnh hưởng tiêu cực khác như: Bé bị khó thở, phổi chứa mủ, chất nhầy, lúc này nguy cơ tử vong là khá cao nếu điều trị chậm trễ.
  • Viêm tai giữa: Đây là loại biến chứng có thể nói điển hình nhất ở những người bị bệnh viêm họng thể mãn tính giai đoạn nặng. Các vi khuẩn trong thành họng sẽ nhanh chóng lan tới vòi nhĩ cùng tai giữa, trong đó, trẻ em chính là đối tượng dễ gặp nhất bởi sức đề kháng lúc này còn yếu, phần sụn vòi nhĩ khá mềm và thường dễ bị vi khuẩn tấn công.
  • Các biến chứng ở thận, tim và các cơ khớp: Sẽ thường xảy ra ở những người mắc viêm họng bởi các liên cầu khuẩn Beta nhóm A. Chúng xâm nhập và gây ra các tổn thương cho người bệnh như viêm cầu thận, thấp khớp và ảnh hưởng tới van tim.

Phòng ngừa

Bệnh viêm họng tuy không quá nguy hiểm nhưng khi mắc dù ở mức độ nhẹ hay nặng cũng đều sẽ gây ra những trở ngại đối với cuộc sống sinh hoạt của người bệnh hàng ngày. Do đó, chúng ta cần chủ động có các biện pháp phòng tránh bệnh như sau:

  • Hãy luôn đảm bảo mặc đủ ấm để bảo vệ vùng cổ họng, đặc biệt khi vào trời lạnh nên quàng khăn, những người có thể trạng yếu nên quan tâm nhiều hơn tới vấn đề này.
  • Hạn chế tiếp xúc với những môi trường ô nhiễm độc hại, nhiều khói bụi và hóa chất. Nếu là yếu tố do công việc bắt buộc, cần mang đầy đủ đồ bảo hộ.
  • Không để điều hòa nhiệt độ quá thấp khi ngủ ban đêm. Nên dùng quạt khi thời tiết không quá nóng để bảo vệ cơ thể.
  • Bạn hãy thường xuyên uống nước ấm thay vì sử dụng nước lạnh. Tích cực súc miệng bằng nước muối đều đặn mỗi ngày để loại bỏ vi khuẩn trong khoang miệng và họng.
  • Chúng ta cần có một chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, hợp lý, bổ sung nhiều rau củ quả và các thực phẩm có nhiều chất chống oxy hóa, chất xơ, vitamin.
  • Tích cực tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe, luôn sinh hoạt điều độ, nghỉ ngơi hợp lý để sức đề kháng được duy trì ổn định. Điều này sẽ giúp bạn phòng ngừa được nhiều bệnh lý, bao gồm cả viêm họng.
Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp chẩn đoán

Viêm họng ở trẻ em hay người lớn cũng đều cần có những phương pháp chẩn đoán để đưa ra cách điều trị bệnh dứt điểm. Bệnh nhân nếu thấy sau khoảng vài ngày bị những biểu hiện trên nhưng không thuyên giảm dù đã chăm sóc sức khỏe cẩn thận, hãy đến gặp các bác sĩ để được kiểm tra chi tiết.

Tại các bệnh viện, cơ sở y tế, các bác sĩ sẽ áp dụng các biện pháp chẩn đoán bệnh như sau:

  • Chẩn đoán thông qua các dấu hiệu: Người bệnh có các cơn sốt cao 38 - 39 độ, cơ thể ớn lạnh, cổ họng đau rát, người mệt mỏi, phần hạch góc hàm có thể nổi lên cao. Dựa vào những dấu hiệu này, bác sĩ sẽ tạm thời nhận định đây là viêm họng. Tiếp đó, bạn cần thực hiện thêm những thủ tục kiểm tra khác để có được kết quả đánh giá tốt nhất.
  • Chẩn đoán thông qua quan sát vòm họng ban đầu: Các bác sĩ sẽ quan sát phần niêm mạc họng bằng những dụng cụ y khoa, việc chẩn đoán bằng mắt này có thể xác định bước đầu loại viêm họng chúng ta mắc.

Thực hiện xét nghiệm

Thông thường, bệnh có thể kết luận chính xác thông qua những chẩn đoán lâm sàng. Nhưng vẫn có một số ít trường hợp cần thực hiện thêm những xét nghiệm để có kết quả chi tiết hơn về nguyên nhân gây bệnh. Cụ thể như sau:

  • Xét nghiệm công thức máu: Với bệnh nhân ở thể nhẹ, lượng bạch cầu sẽ không tăng, nhưng nếu chuyển sang giai đoạn mãn tính, khối lượng này sẽ tăng cao hơn.
  • Phết dịch họng nuôi cấy vi khuẩn: Bác sĩ lấy phần dịch học của người bệnh để đem đi xét nghiệm, kiểm tra có virus hoặc vi khuẩn sinh sống trong họng hay không.

Sau khi đã thực hiện đủ các quy trình chẩn đoán và xét nghiệm, bệnh nhân sẽ có được kết quả cuối cùng. Dựa vào đây, các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ chữa trị thích hợp cho từng bệnh nhân.

Biện pháp điều trị

Khi đã được xác định mắc viêm họng, người bệnh cần sớm áp dụng các biện pháp điều trị để ngăn chặn xảy ra các biến chứng. Chúng ta có thể dùng thuốc Tây y, Đông y hoặc các mẹo chữa từ dân gian tùy thuộc vào từng tình trạng bệnh cụ thể.

Áp dụng mẹo dân gian

Dân gian ta từ lâu đã lưu truyền rất nhiều mẹo chữa viêm họng tại nhà vừa có hiệu quả cao, vừa an toàn cho sức khỏe. Những biện pháp này nhìn chung đều được đánh giá có giá rẻ, dễ dàng thực hiện, thích hợp với những ca bệnh mới mắc, vẫn còn ở thể nhẹ. Đối với những bệnh nhân mắc viêm họng mãn tính, đã xuất hiện biến chứng sẽ không thu được tác dụng.

Sử dụng gừng tươi

Gừng vốn là gia vị vô cùng quen thuộc trong mọi căn bếp của người Việt Nam. Gừng có tính ấm, vị cay, nồng, chứa lượng lớn hợp chất Gingerol được y học nhận định có khả năng chống oxy hóa và viêm nhiễm rất tốt. Các hoạt chất trong gừng sẽ nhanh chóng ức chế và tiêu diệt các loại vi khuẩn gây viêm nhiễm ở thành họng, hầu họng, làm giảm sưng viêm hiệu quả rõ rệt.

Cách thực hiện:

Cách 1

  • Bạn chuẩn bị 1 củ gừng tươi, đem rửa sạch, cạo vỏ và thái thành lát mỏng, dùng thêm một ít muối trắng.
  • Đem lát gừng ngậm trong miệng cùng một vài hạt muối cho tới khi đã hết hoàn toàn vị cay sẽ bỏ đi.
  • Hàng ngày, bệnh nhân nên ngậm gừng 3 đến 5 lần, sử dụng tốt nhất là vào buổi sáng và buổi tối trước lúc đi ngủ sẽ cho hiệu quả cao nhất.

Cách 2

  • Bạn dùng 1 lát gừng tươi và chuẩn bị thêm 2 - 3 thìa mật ong nguyên chất.
  • Cho gừng vào 1 cốc nước sôi, hoàn thêm mật ong cho tan đều.
  • Đợi một lúc cho các hoạt chất trong gừng ngấm vào nước sẽ uống nhân lúc nước vẫn còn ấm. Nếu bạn để quên làm nước nguội, có thể đem đi hấp cách thủy.
  • Mỗi ngày chúng ta có thể dùng cách này tối đa 3 lần sẽ cho thấy họng giảm sưng đau rõ rệt.

Cây cam thảo

Cam thảo vốn là vị thuốc được dùng rất phổ biến trong Y học cổ truyền. Cây thuốc này có vị ngọt, tính mát, có lượng hoạt chất axit Glycyrrhizic cao giúp ức chế các vi khuẩn, virus gây ra viêm họng, viêm phế quản, làm tiêu đờm,...

Bên cạnh đó, cam thảo còn có chứa rất nhiều chất chống oxy hóa giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng cũng như hệ thống miễn dịch. Cùng với khả năng trị viêm họng, cam thảo còn được tận dụng trong nhiều bệnh lý khác và y học cũng đã ghi nhận.

Cách thực hiện:

Cách 1

  • Chúng ta chuẩn bị một ít cam thảo, một vài rễ cây dâu tằm.
  • Đem rửa sạch các vị thuốc và cho vào nồi nước để sắc cùng 1 lít nước.
  • Bạn sắc đều cho tới khi nước vơi còn 1 nửa sẽ dùng để uống hết trong ngày.

Cách 2

  • Bạn cho một vài miếng cam thảo vào trong cốc nước sôi tương tự như pha trà.
  • Đợi khoảng 10 phút cho các dược chất ngấm ra nước để uống.
  • Trà cam thảo nên uống lúc còn ấm, mỗi ngày sử dụng 2 - 3 lần sẽ làm thuyên giảm các triệu chứng viêm họng tốt nhất.

Sử dụng thuốc Tây y

Hiện nay, thuốc Tây được rất nhiều người sử dụng. Ưu điểm của hướng điều trị này đó là cho kết quả nhanh chóng, dễ sử dụng, hiệu quả ngay từ những lần đầu dùng thuốc. Tuy nhiên, nhược điểm của thuốc Tây đó là khi bạn uống sai liều, sai cách có thể gây ra các tác dụng phụ. Hoặc cũng có những trường hợp uống nhiều thuốc Tây dẫn tới nhờn thuốc, việc chữa trị không còn đạt hiệu quả như mong muốn.

Theo đó, bệnh nhân cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của các bác sĩ, không lạm dụng thuốc. Hiện nay, một số nhóm thuốc trị viêm họng đó là:

  • Sử dụng thuốc kháng sinh

Thuốc kháng sinh thường được các bác sĩ chỉ định cho những bệnh nhân trưởng thành, dựa theo tình trạng sức khỏe thực tế ở thời điểm đó. Thông thường khi bạn bị viêm họng đã chuyển sang giai đoạn nặng, mãn tính sẽ cần sử dụng để làm giảm nhanh chóng những cơn sưng tấy, đau rát, giúp cho việc ăn uống bình thường hơn.

Viêm họng uống thuốc kháng sinh gì? Thuốc gồm có: Nhóm Macrolid (Erythromycin, Clarithromycin, Roxithromycin), nhóm Cephalosporin (Cefixime, Cephalexin), nhóm Penicilin (Penicilin, Amoxicillin). Những loại thuốc này sẽ giúp người bệnh nhanh chóng tiêu diệt các loại virus, vi khuẩn, làm giảm hiệu quả các biểu hiện và trị bệnh tận gốc.

  • Thuốc chống viêm trị viêm họng không chứa Steroid

Thường chỉ định các loại thuốc Diclophenac, Ibuprofen. Thuốc sẽ phát huy vai trò tác động trực tiếp tới cơ thể, ức chế sự tổng hợp Prostaglandin - một chất gây viêm và đồng thời ngăn ngừa những tín hiệu đau ở họng truyền tới hệ thần kinh.

Các loại thuốc này cần được kê với liều lượng cụ thể để tránh xảy ra các tác dụng phụ ảnh hưởng đến dạ dày, tá tràng hoặc hệ tiêu hóa nói chung.

  • Thuốc chống viêm chứa thành phần Steroid - Corticoid

Gồm có Dexamethason, Prednisolon, Methylprednisolon,... Thuốc có công dụng giảm nhanh chóng những cơn đau và sưng tấy ở họng. Giúp phá hủy cấu trúc của các tổ chức viêm để có thể cải thiện các triệu chứng mà người bệnh đang gặp phải.

Tuy nhiên, thuốc chỉ được dùng cho những trường hợp người bệnh bị viêm họng nặng, sử dụng theo đúng liều lượng được chỉ định để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

  • Thuốc giảm đau hạ sốt

Gồm có Ibuprofen và Paracetamol giúp bệnh nhân hạ cơn sốt, giảm đau nhanh chóng.

  • Thuốc chống viêm thuộc nhóm Enzyme

Đây là nhóm thuốc chứa một số loại chính gồm Serratiopeptidase, Alphachymotrypsin. Các men ở trong thuốc sẽ giúp ức chế những vi khuẩn gây bệnh, làm giảm hiện tượng phù nề rất hiệu quả.

Loại thuốc này được sử dụng rất nhiều vì khá an toàn, ít gây ra tác dụng phụ so với các thuốc khác. Nhóm thuốc Enzyme còn được dùng cho bệnh nhân bằng dạng tiêm, uống hoặc ngậm rất tiện dụng.

  • Thuốc trị ho

Là dạng thuốc điều trị triệu chứng ho do viêm họng khá an toàn, dễ dùng và cũng ít gây ra tác dụng phụ. Bạn có thể dùng Codein, Pholcodin,...

Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà

Để đảm bảo quá trình điều trị bệnh viêm họng đạt kết quả tốt nhất, người bệnh cần lưu ý những vấn đề ăn uống như sau:

Thực phẩm nên ăn:

  • Thực phẩm giàu kẽm: Các loại hải sản, nấm, đậu, các loại hạt,...
  • Thực phẩm giàu vitamin C: Bưởi, cam, chanh, chuối, xoài,...
  • Những món ăn mềm: Cháo, súp khoai tây, súp bí đỏ,...
  • Thực phẩm trơn mát: Rau đay, mồng tơi, bí, bầu, rau sâm,...

Các thực phẩm cần tránh:

  • Những món ăn có nhiều dầu mỡ: Khoai tây chiên, cánh gà chiên, viên chiên, xúc xích,...
  • Các món ăn cay nóng: Lẩu cay, tương ớt, tiêu,....
  • Các thức uống lạnh: Nước đá, nước ngọt lạnh, kem, chè, bia,...
  • Các chất kích thích: Rượu, thuốc lào, thuốc lá, cà phê,...

Như vậy, chúng tôi đã chia sẻ chi tiết tới bạn đọc những thông tin quan trọng nhất về bệnh viêm họng. Mong rằng những kiến thức này sẽ giúp chúng ta có những phương pháp chữa trị bệnh phù hợp, đồng thời biết cách để phòng ngừa, bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất.

Chuyên sâu

Câu hỏi thường gặp

Người bị viêm họng cần có chế độ ăn uống phù hợp để hạn chế tình trạng sưng đau, rát họng, đồng thời bổ sung dinh dưỡng giúp bệnh mau phục hồi.

Nên ăn:

  • Cháo, súp, trái cây mềm, rau củ quả, sữa chua.
  • Cá, thịt nạc, gừng, nghệ, tỏi, mật ong, chanh.

Kiêng:

  • Đồ chiên rán, cay nóng, socola, nho khô, lạc.
  • Đồ ăn, thức uống lạnh, rượu, bia, thuốc lá.
  • Đồ ăn khô cứng, bánh kẹo, nước ngọt, đồ chua.
Xem chi tiết

Khi đau họng, có thể uống các loại trà gừng, sữa quế, trà tía tô, trà chanh pha mật ong, nước ép cà rốt, nước ép từ củ cải, rau diếp cá và nước vo gạo, nước ép hoa quả, nước chanh, trà hoa cúc, trà cam thảo, và sử dụng nước vỏ bưởi. Tuy nhiên, nên tránh uống các đồ uống có cồn, cà phê, và thức uống lạnh khi bị viêm họng.

Xem chi tiết
Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android