Viêm Loét Dạ Dày

Triệu chứng và nguyên nhân

Viêm loét dạ dày là một vấn đề tiêu hóa phổ biến, chia thành hai loại là cấp tính và mạn tính. Đối với thể cấp tính, bệnh thường có thể được điều trị hiệu quả bằng các phương pháp thông thường. Tuy nhiên, đối với thể mạn tính, tình trạng này có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng.

Định nghĩa

Viêm loét dạ dày là tình trạng hình thành các vết loét gây đau đớn ở niêm mạc dạ dày và phần đầu của ruột non (tá tràng). Thông thường có một lớp chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi tác động của dịch tiêu hóa. Tuy nhiên khi lớp chất nhầy này giảm đi, sẽ tạo điều kiện cho acid dạ dày phá hủy các mô, dẫn đến viêm loét.

Viêm loét dạ dày thường diễn ra theo hai giai đoạn như sau:

  • Giai đoạn cấp tính: Các triệu chứng của bệnh thường xuất hiện đột ngột và diễn tiến nhanh chóng. Trong giai đoạn này, bệnh có thể được chữa hoàn toàn mà không dẫn đến bất cứ biến chứng nào.
  • Giai đoạn mạn tính: Ở thể mạn tính, các triệu chứng viêm loét dạ dày diễn tiến chậm và kéo dài. Các biện pháp điều trị trong giai đoạn này thường mang lại hiệu quả không cao, dễ tái phát. Nếu không được điều trị phù hợp, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng.

Hình ảnh

Triệu chứng

Viêm loét dạ dày là bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến. Bệnh có thể dẫn đến một số dấu hiệu và triệu chứng như:

1. Đau thượng vị

Đau thượng vị hay đau ở vùng bụng trên rốn là dấu hiệu viêm loét dạ dày phổ biến nhất. Cơn đau dạ dày có thể là đau âm ỉ, tức bụng hoặc đau quặn từng cơn. Thông thường, cơn đau thường trở nên dữ dội hơn khi bụng trống và có thể kéo dài vài phút đến vài giờ.

Trong trường hợp loét tá tràng, cơn đau thường phổ biến vào lúc nửa đêm và gần sáng. Cơn đau cũng có thể lan ra phía sau lưng.

2. Đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn và nôn

Viêm loét dạ dày gây tổn thương niêm mạc dạ dày. Điều này có thể làm chậm hệ thống tiêu hóa, dẫn đến cảm giác đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn và nôn.

3. Ợ chua hoặc nóng rát vùng thượng vị

Ợ chua, ợ hơi và nóng rát vùng thượng vị là triệu chứng viêm dạ dày trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, các triệu chứng này thường phổ biến ở bệnh nhân trào ngược dạ dày.

4. Rối loạn tiêu hóa

Các triệu chứng rối loạn tiêu hóa, chẳng hạn như tiêu chảy hoặc táo bón, có thể là một dấu hiệu nhận biết viêm loét dạ dày tá tràng. Rối loạn tiêu hóa có thể khiến người bệnh bị tụt cân do không thể hấp thụ đầy đủ các chất dinh dưỡng.

5. Mất ngủ

Cảm giác đầy bụng, khó tiêu hoặc đau khi bị viêm dạ dày có thể khiến người bệnh khó ngủ, ngủ không ngon hoặc mất ngủ.

Các vết loét dạ dày nhỏ có thể không gây ra triệu chứng. Tuy nhiên, các vết loét lớn có thể dẫn đến xuất huyết dạ dày và gây ảnh hưởng đến tính mạng. Do đó, nếu nhận thấy bất cứ triệu chứng viêm loét nào, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán phù hợp.

Nguyên Nhân

Nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến viêm loét dạ dày là nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) và sử dụng NSAID quá liều. Ngoài ra, căng thẳng và một số loại thực phẩm cũng có thể dẫn đến tình trạng này.

1. Nhiễm vi khuẩn H. pylori

Có khoảng 50% dân số thế giới nhiễm vi khuẩn H. pylori và tình trạng này thường không có dấu hiệu nhận biết. Các vi khuẩn Hp có thể lây từ người này sang người khác, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.

Vi khuẩn Hp thường dính vào các lớp chất nhầy trong đường tiêu hóa, dẫn đến kích thích hệ thống tiêu hóa và phá hủy các lớp lót bảo vệ dạ dày. Khi không có lớp lót bảo vệ, axit có thể ăn vào mô dạ dày và dẫn đến loét.

Tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp, nhiễm vi khuẩn H. pylori không gây tác động tiêu cực đến hệ thống tiêu hóa. Chỉ có khoảng 10 - 15% các trường hợp nhiễm H. pylori gây loét dạ dày.

2. Sử dụng thuốc NSAID thường xuyên

Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn NSAID có thể làm mòn lớp chất nhầy trong đường tiêu hóa và gây loét. Một số loại thuốc phổ biến bao gồm:

  • Aspirin.
  • Naproxen.
  • Ibuprofen.
  • Thuốc NSAID theo toa.

Có một loại thuốc giảm đau không kê đơn, không phải NSAID là Acetaminophen. Acetaminophen không gây hại cho dạ dày và thường được chỉ định giảm đau cho người không thể dùng NSAID.

Người nhiễm vi khuẩn và thường xuyên sử dụng NSAID có thể gây tổn thương niêm mạc dạ dày, điều này dẫn đến viêm loét dạ dày nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ loét dạ dày do NSAID bao gồm:

  • Sử dụng NSAID liều cao.
  • Người dùng trên 70 tuổi.
  • Bệnh nhân là phụ nữ.
  • Sử dụng corticosteroid (thường được kê đơn để điều trị viêm khớp, bệnh lupus hoặc hen suyễn) kết hợp với NSAID.
  • Sử dụng NSAID trong thời gian dài.
  • Có tiền sử viêm loét dạ dày.

3. Các yếu tố nguy cơ

Bên cạnh việc sử dụng NSAID và nhiễm vi khuẩn Hp, có một số yếu tố nguy cơ khác có thể dẫn đến viêm loét dạ dày, chẳng hạn như:

  • Thường xuyên hút thuốc lá và sử dụng rượu bia hoặc các loại đồ uống có cồn khác. Khói thuốc lá có chứa hơn 200 loại chất độc hại, đặc biệt là nicotine. Chất nicotine có thể kích thích cơ thể tiết ra nhiều cortisol, đây là nguyên nhân chính dẫn đến viêm loét dạ dày.
  • Căng thẳng thần kinh có thể ảnh hưởng đến khả năng bài tiết axit dạ dày và làm tăng nguy cơ viêm loét.
  • Thói quen sinh hoạt thiếu khoa học, chẳng hạn như thức khuya, thường xuyên bỏ bữa ăn sáng, lười vận động,… có thể làm tăng nguy cơ viêm loét dạ dày.

Ngoài ra, đôi khi viêm loét dạ dày cũng có thể xảy ra khi người bệnh mắc Hội chứng Zollinger-Ellison. Đây là tình trạng hình thành một số khối u ở đường tiêu hóa, gây kích thích cơ thể sản xuất acid và dẫn đến tổn thương niêm mạc dạ dày.

Các khối u này có thể là ung thư hoặc không phải ung thư, điều quan trọng là người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán phù hợp.

Biến chứng

Đôi khi vết loét dạ dày có thể tự lành mà không cần điều trị. Tuy nhiên nếu nhận thấy các triệu chứng viêm loét, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán phù hợp.

Nếu không được điều trị, viêm loét dạ dày có thể dẫn đến một số rủi ro nghiêm trọng, chẳng hạn như:

  • Chảy máu từ vết loét có thể dẫn đến xuất huyết dạ dày và gây nguy hiểm đến tính mạng;
  • Vết loét gây ảnh hưởng đến các cơ quan khác, chẳng hạn như tuyến tụy;
  • Thủng dạ dày, xảy ra khi các vết loét tạo nên một thủng ở đường tiêu hóa;
  • Tắc nghẽn đường tiêu hóa do các mô dạ dày bị viêm, sưng tấy;
  • Ung thư dạ dày, đặc biệt là ung thư túi dạ dày.

Để phòng ngừa các biến chứng liên quan đến loét dạ dày, người bệnh nên đến bệnh viện ngay khi nhận thấy các triệu chứng như:

  • Mệt mỏi.
  • Khó thở.
  • Chất nôn hoặc phân có màu đỏ hoặc đen.
  • Cơn đau dạ dày xuất hiện đột ngột và không biến mất.

Phòng ngừa

Người bệnh có thể giảm nguy cơ viêm loét dạ dày nếu tuân theo các khuyến nghị phòng ngừa của bác sĩ chuyên môn. Dưới đây là một vài lưu ý Vietmec chia sẻ đến bạn đọc:

  • Bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ nhiễm trùng: Vi khuẩn H. pylori có thể lây lan từ người này sang người khác hoặc qua thức ăn và nước uống. Do đó, người bệnh có thể bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng bằng cách thường xuyên rửa tay với xà phòng và ăn thức ăn được nấu chín hoàn toàn.
  • Sử dụng thuốc giảm đau thận trọng: Nếu cần thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau, người bệnh nên thực hiện các bước an toàn khi sử dụng, chẳng hạn như uống thuốc kèm thức ăn. Trao đổi với bác sĩ về việc thay đổi liều lượng hoặc loại thuốc để giảm nguy cơ tổn thương dạ dày.
  • Tránh các thói quen xấu: Một số thói quen không lành mạnh có thể gây ảnh hưởng đến dạ dày cần thay đổi, chẳng hạn như hút thuốc, uống rượu hoặc sử dụng các chất kích thích.
Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp chẩn đoán

Để chẩn đoán viêm loét dạ dày, bác sĩ có thể đề nghị một số xét nghiệm chẳng hạn như:

1. Nội soi

Nếu các triệu chứng viêm loét dạ dày nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị nội soi đường tiêu hóa trên để xác định các vết loét. Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ đưa một ống nội soi (ống dài, mảnh, có đèn và camera siêu nhỏ ở đầu) qua cổ họng, vào dạ dày để xác định các bất thường.

2. Kiểm tra H. Pylori

Xét nghiệm vi khuẩn H. pylori có thể xác định nguyên nhân gây loét dạ dày và giúp bác sĩ đề ra phác đồ điều trị phù hợp nhất. Xét nghiệm hơi thở là cách tốt nhất để kiểm tra vi khuẩn H. pylori trong dạ dày. Tuy nhiên bác sĩ cũng có thể đề nghị xét nghiệm phân, nước tiểu hoặc lấy mẫu thông qua nội soi để kiểm tra vi khuẩn H. pylori.

3. Kiểm tra hình ảnh

Đôi khi các xét nghiệm hình ảnh như chụp X - quang và chụp CT có thể được đề nghị để kiểm tra vết loét ở dạ dày. Người bệnh sẽ được đề nghị uống một chất lỏng đặc biệt để bao phủ đường tiêu hóa và làm cho các vết loét có thể được nhìn thấy rõ ràng hơn.

Biện pháp điều trị

Điều trị viêm loét dạ dày phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản dẫn đến vết loét. Hầu hết các vết loét đáp ứng tốt các phương pháp phi phẫu thuật, tuy nhiên đôi khi người bệnh có thể cần được phẫu thuật.

Điều quan trọng là người bệnh cần điều trị các vết loét kịp thời để tránh các rủi ro liên quan. Nếu vết loét chảy máu, bác sĩ có thể chỉ định nhập viện để nội soi và sử dụng thuốc điều trị loét thông qua đường tĩnh mạch. Đối với trường hợp loét dạ dày chảy máu nghiêm trọng, người bệnh có thể cần được truyền máu.

1. Điều trị phi phẫu thuật

Đối với hầu hết các trường hợp, loét dạ dày thường được điều trị bằng một số loại thuốc, chẳng hạn như:

  • Thuốc ức chế bơm proton (PPI): Các loại thuốc này có thể làm giảm axit dạ dày và giúp vết loét dạ dày nhanh lành hơn. Các loại PPI phổ biến bao gồm Prilosec, Prevacid, Aciphex, Protonix và Nexium.
  • Thuốc chẹn thụ thể histamine (thuốc chẹn H2): Các loại thuốc này có thể làm giảm khả năng sản xuất acid dạ dày, chẳng hạn như như Pepcid, Axid, Tagamet và Zantac.
  • Thuốc kháng sinh: Kháng sinh thường được sử dụng để điều trị tình trạng loét dạ dày do nhiễm vi khuẩn H. pylori.
  • Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày: Các loại thuốc này có thể tạo ra một lớp mỏng bao phủ niêm mạc dạ dày để ngăn ngừa các tổn thương liên quan đến axit tiêu hóa. Các bác sĩ thường khuyên người bệnh sử dụng Pepto-Bismol và Carafate.

Các triệu chứng loét dạ dày có thể thuyên giảm nhanh chóng sau khi điều trị. Tuy nhiên ngay cả khi các triệu chứng biến mất, người bệnh nên tiếp tục sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, đặc biệt là đối với trường hợp nhiễm H. pylori, để đảm bảo tất cả vi khuẩn đã được loại bỏ hoàn toàn.

Các loại thuốc điều trị viêm loét dạ dày đôi khi có thể dẫn đến một số tác dụng phụ, chẳng hạn như:

  • Buồn nôn.
  • Chóng mặt.
  • Đau đầu.
  • Tiêu chảy.
  • Đau bụng.

Các tác dụng phụ này thường là tạm thời và sẽ biến mất sau khi kết thúc điều trị. Do đó, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ nếu tác dụng phụ kéo dài hoặc trở nên nghiêm trọng.

2. Điều trị phẫu thuật

Trong một số trường hợp rất hiếm, tình trạng viêm loét dạ dày có thể trở nên phức tạp và cần được phẫu thuật để điều trị. Phẫu thuật thường được chỉ định cho một số trường hợp như:

  • Loét dạ dày tái phát.
  • Xuất huyết dạ dày.
  • Thủng dạ dày.

Phẫu thuật có thể bao gồm:

  • Loại bỏ toàn bộ vết loét;
  • Lấy một phần mô khác ở ruột để chữa lành vết loét dạ dày;
  • Thắt động mạch để để ngăn ngừa xuất huyết dạ dày;
  • Cắt dây thần kinh để hạn chế khả năng sản xuất axit dạ dày.

3. Các biện pháp khắc phục tại nhà

Để hỗ trợ cải thiện các triệu chứng loét dạ dày, người bệnh có thể tham khảo một số biện pháp tự chăm sóc, chẳng hạn như:

  • Thay đổi loại thuốc giảm đau: Nếu cần sử dụng thuốc giảm đau thường xuyên, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để đổi loại thuốc, chẳng hạn như acetaminophen, để tránh gây kích ứng dạ dày.
  • Kiểm soát căng thẳng: Căng thẳng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng loét dạ dày tá tràng. Do đó, người bệnh nên dành thời gian để tập thể dục, trò chuyên với bạn bè hoặc thực hiện các kỹ thuật thư giãn, chẳng hạn như yoga và thiền định.
  • Không hút thuốc: Thuốc lá có thể gây ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày, khiến dạ dày dễ bị loét hơn. Ngoài ra, khói thuốc lá cũng có thể làm tăng axit dạ dày và dẫn đến viêm loét.
  • Tránh sử dụng rượu: Sử dụng quá nhiều rượu có thể gây kích ứng và ăn mòn lớp màng nhầy bên trong dạ dày và ruột. Điều này có thể dẫn đến viêm và chảy máu.

Bác sĩ có thể đề nghị các biện pháp tự chăm sóc tại nhà phù hợp để kiểm soát vết loét. Do đó, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.

Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà

Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh có thể tăng cường sức khỏe tổng thể và cải thiện chức năng của đường tiêu hóa. Nói chung người bệnh nên thực hiện chế độ ăn uống nhiều trái cây, rau xanh và chất xơ.

Ngoài ra, người bệnh nên thường xuyên bổ sung các loại thực phẩm hỗ trợ điều trị nhiễm vi khuẩn H. pylori, chẳng hạn như:

  • Bông cải xanh, súp lơ trắng, bắp cải và củ cải.
  • Rau xanh, chẳng hạn như rau bina và cải xoăn.
  • Thực phẩm giàu probiotic, chẳng hạn như dưa cải và sữa chua.
  • Táo;
  • Quả hạch như việt quất, mâm xôi, dâu tây.
  • Dầu ô liu.

Người ra những người bị viêm loét dạ dày có thể kèm theo trào ngược dạ dày. Do đó, người bệnh nên tránh các loại thức ăn chua và cay trong khi điều trị các vết loét.

Viêm loét dạ dày là tình trạng rất phổ biến, xảy ra khi axit dạ dày ăn mòn lớp niêm mạc bảo vệ dạ dày. Hầu hết các trường hợp, vết loét có thể được chữa lành trong vài tuần. Điều quan trọng là người bệnh nên đến bệnh viện để được hướng dẫn cụ thể.

Chuyên sâu

Câu hỏi thường gặp

Viêm loét dạ dày nên ăn: Men vi sinh, nghệ, bông cải xanh, các loại quả mọng, chuối, tinh bột, mật ong, các món canh, sữa chua, gừng, đậu bắp, trà thảo dược, thực phẩm giàu dinh dưỡng và vitamin.

Nên kiêng: Rượu, thực phẩm chiên, thực phẩm có tính acid, caffeine, thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm cay, thực phẩm giàu chất béo.

Xem chi tiết

Viêm loét dạ dày có thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng điều quan trọng là cần điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn để tránh biến chứng nghiêm trọng và đảm bảo sức khỏe.

Xem chi tiết
Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
BS.CKI Trần Văn Hiền
BS.CKI Trần Văn Hiền
ThS.BS.CKII Trần Kinh Thành
ThS.BS.CKII Trần Kinh Thành
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android