Viêm Xung Huyết Hang Vị Dạ Dày

Triệu chứng và nguyên nhân

Viêm xung huyết hang vị dạ dày là tình trạng viêm niêm mạc vùng hang vị, dẫn đến giãn nở các mạch máu, khiến niêm mạc dạ dày trở nên sưng đỏ. Tình trạng này cần được điều trị phù hợp để tránh các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.

Định nghĩa

Hạng vị là bộ phận nằm ngang của dạ dày, từ bờ cong nhỏ của dạ dày đến lỗ môn vị. Hang vị dạ dày chịu trách nhiệm cắt nhỏ thức ăn, giúp dạ dày hấp thụ các chất dinh dưỡng nhanh chóng và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, chính chức năng cắt nhỏ thức ăn có thể khiến hang vị dạ dày dễ bị viêm nhiễm bởi các hóa chất có trong thức ăn.

Viêm hang vị dạ dày phù nề xung huyết xảy ra khi niêm mạc dạ dày bị viêm, dẫn đến ứ huyết ở vùng niêm mạc dạ dày. Điều này khiến niêm mạc dạ dày trở nên viêm, tấy, sưng đỏ và xung huyết.

Các ổ viêm ở hang vị có thể có nhiều kích thước và mức độ nghiêm trọng khác nhau, thường xuất hiện dưới dạng màu đỏ hoặc vàng khi được siêu âm. Ngoài ra, những vị trí viêm sưng lâu ngày không được điều trị, khi tiếp xúc với thức ăn có thể khiến tình trạng viêm trở nên nghiêm trọng hơn.

Viêm xung huyết hang vị có thể gây tác động đến các dây thần kinh, mạch máu và khiến các tổn thương trở nên nghiêm trọng hơn.

Hình ảnh

Triệu chứng

Có khoảng 20% các trường hợp viêm hang vị dạ dày phù nề xung huyết không có triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, tùy thuộc vào mức độ viêm, các triệu chứng phổ biến bao gồm:

  • Buồn nôn và nôn: Hang vị dạ dày cần co bóp để cắt nhỏ và nghiền thức ăn. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến các ổ viêm, khiến tình trạng viêm trở nên nghiêm trọng hơn và dẫn đến buồn nôn, nôn. Ngoài ra, tình trạng viêm hang vị khiến hoạt động của cơ quan này bị ảnh hưởng, dẫn đến thức ăn bị đọng lại ở dạ dày, dẫn đến buồn nôn và nôn.
  • Đau thượng vị: Đau thượng vị là dấu hiệu phổ biến ở những người bị viêm hang vị dạ dày. Cơn đau có thể lan ra vai, ngực hoặc lưng và thường trở nên nghiêm trọng hơn khi người bệnh ăn no hoặc nằm xuống vào ban đêm.
  • Ợ chua: Tình trạng xung huyết ở hạng vị khiến chức năng hoạt động kém hơn. Điều này khiến thức ăn không được tiêu hóa phù hợp, dẫn đến ợ chua, ợ hơi và trào ngược dạ dày.
  • Mệt mỏi mãn tính: Người bị xung huyết hang vị dạ dày thường cảm thấy mệt mỏi không rõ lý do. Ngoài ra, người bệnh cũng có biểu hiện da tái xanh, người gầy gò, thiếu cân và suy dinh dưỡng nghiêm trọng.
  • Đi ngoài ra máu: Xung huyết hang vị dạ dày có thể khiến người bệnh đi ngoài ra máu hoặc phân có màu đen.

Nguyên Nhân

Hang vị là một bộ phận quan trọng của dạ dày, chịu trách nhiệm xử lý và giúp dạ dày tiêu hóa thức ăn. Viêm hang vị dạ dày phù nề xung huyết thường liên quan đến một số nguyên nhân chẳng hạn như:

  • Nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (Hp): Theo thống kê, có khoảng 70% người bệnh viêm hang vị dạ dày phù nề xung huyết liên quan đến nhiễm vi khuẩn Hp. Nhiễm vi khuẩn Hp có thể gây tổn thương niêm mạc dạ dày và dẫn đến viêm dạ dày. Ngoài ra vi khuẩn có thể tấn công vào các tế bào của hang vị, dẫn đến chảy máu và xung huyết.
  • Lạm dụng thuốc: Một số loại thuốc giảm đau, chẳng hạn NSAID, prednisolon, dexamethason, có thể gây tổn thương hang vị dạ dày nếu sử dụng quá liều lượng quy định. Lạm dụng thuốc dẫn đến bào mòn niêm mạc dạ dày và thành hang vị. Điều này khiến hang vị yếu dần và dễ bị tổn thương bởi các hoạt chất có trong thức ăn, dẫn đến viêm hang vị.
  • Chế độ ăn uống thiếu khoa học: Chế độ ăn uống có tác động trực tiếp đến dạ dày và hang vị dạ dày. Do đó, người có thói quen ăn uống không lành mạnh, chẳng hạn như ăn nhiều đồ ăn cay nóng, dầu mỡ, thức ăn chế biến sẵn, có thể gây áp lực lên dạ dày và dẫn đến viêm dạ dày hoặc viêm hang vị vị dạ. Ngoài ra, thời gian ăn uống không hợp lý, chẳng hạn như ăn quá no hoặc để dạ dày trống trong thời gian dài, có thể khiến niêm mạc hang vị bị viêm và xung huyết.
  • Sử dụng các chất kích thích: Các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,… có thể gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của dạ dày và các cơ quan liên quan, chẳng hạn như hang vị dạ dày. Lạm dụng các chất kích thích có thể là nguyên nhân dẫn đến viêm phù nề xung huyết hang vị dạ dày.
  • Căng thẳng kéo dài: Khi cơ thể làm việc quá sức, tinh thần luôn ở trong trạng thái mệt mỏi, lo lắng. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh, rối loạn khả năng cân bằng của dạ dày và tăng nguy cơ viêm xung huyết hang vị. Ngoài ra, căng thẳng có thể gây ảnh hưởng đến chức năng của hệ thống miễn dịch, điều này làm giảm khả năng bảo vệ niêm mạc dạ dày trước các tác nhân xâm nhập vào cơ thể.
  • Mất ngủ: Người có chất lượng giấc ngủ kém hoặc mất ngủ thường xuyên có thể làm tăng acid dạ dày và khiến dạ dày co bóp liên tục. Bên cạnh đó, dạ dày thường rỗng vào ban đêm, do đó việc tăng tiết acid có thể dẫn đến viêm dạ dày, viêm hang vị và gây xung huyết hang vị dạ dày.
  • Bệnh lý tự miễn: Bệnh tự miễn là bệnh lý khiến cơ thể mất khả năng chống lại các tổn thương bên ngoài. Điều này khiến các tác nhân gây hại tấn công vào cơ thể, bao gồm hang vị dạ dày, dẫn đến viêm và xung huyết.

Biến chứng

Nếu được điều trị phù hợp, viêm xung huyết hang vị thường không nguy hiểm và đáp ứng các phương pháp điều trị thông thường. Tuy nhiên nếu không được điều trị, tình trạng này có thể dẫn đến:

  • Đau đớn, khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và tâm lý của người bệnh;
  • Tăng nguy cơ viêm loét dạ dày, xuất huyết dạ dày hoặc thủng dạ dày;
  • Tăng nguy cơ ung thư dạ dày, đặc biệt là khi viêm hang vị liên quan đến vi khuẩn Hp.

Do đó, để phòng ngừa các rủi ro liên quan, người bệnh nên đến bệnh viện nếu nhận thấy các triệu chứng viêm hang vị dạ dày phù nề xung huyết.

Phòng ngừa

Có nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến viêm hang vị dạ dày phù nề xung huyết, do đó rất khó để phòng ngừa các rủi ro gây bệnh. Tuy nhiên, để hạn chế nguy cơ, người bệnh có thể lưu ý một số vấn đề, chẳng hạn như:

  • Thực hiện chế độ ăn uống chống viêm: Bằng cách thay đổi chế độ ăn uống, người bệnh có thể ngăn ngừa tình trạng viêm trong cơ thể và phòng ngừa các triệu chứng viêm hang vị. Người bệnh nên bổ sung nhiều rau xanh, trái cây và hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn có đường hoặc có tính acid.
  • Bổ sung men vi sinh: Sử dụng men vi sinh có thể bổ sung các loại vi khuẩn tốt vào đường tiêu hóa và ngăn ngừa vi khuẩn H. pylori gây viêm hang vị.
  • Ăn các bữa ăn nhỏ: Các bữa ăn lớn, nhiều carbohydrate có thể gây căng thẳng cho hệ tiêu hóa và khiến tình trạng viêm hang vị phù nề xung huyết trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, người bệnh nên chia nhỏ các bữa ăn và ăn thường xuyên hơn để hỗ trợ quá trình tiêu hóa.
  • Không hút thuốc: Thuốc lá có thể làm hỏng niêm mạc dạ dày của làm tăng nguy cơ phát triển ung thư dạ dày, do đó người bệnh nên hạn chế sử dụng.
  • Không lạm dụng thuốc giảm đau: Sử dụng quá nhiều thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như aspirin hoặc ibuprofen có thể làm hỏng niêm mạc dạ dày, khiến tình trạng viêm hang vị trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Giảm căng thẳng: Căng thẳng có thể gây bùng phát các triệu chứng viêm xung huyết hang vị. Do đó, giảm căng thẳng là một biện pháp quan trọng để kiểm soát và phòng ngừa bệnh. Người bệnh có thể dành thời gian để nghe nhạc, tập hít thở, yoga hoặc thiền để để cải thiện sức khỏe tinh thần.
Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp chẩn đoán

Để chẩn đoán viêm hang vị dạ dày phù nề xung huyết, bác sĩ có thể xem xét các bệnh sử cá nhân và gia đình. Sau kiểm tra lâm sàng, bác sĩ có thể đề nghị một số xét nghiệm bao gồm:

  • Nội soi đường tiêu hóa trên: Trong xét nghiệm này bác sĩ sử dụng một ống nội soi mỏng có chứa một camera nhỏ đưa qua miệng và xuống niêm mạc dạ dày để quan sát hang vị. Bác sĩ có thể kiểm tra tình trạng viêm nhiễm và đề nghị sinh thiết để xác định các nguyên nhân tiềm ẩn.
  • Xét nghiệm máu: Bác sĩ có thể đề nghị thực hiện nhiều xét nghiệm máu, chẳng hạn như kiểm tra số lượng hồng cầu để xác định người bệnh có bị thiếu máu hay không. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể tầm soát nhiễm H. pylori bằng xét nghiệm máu.
  • Chụp X - quang đường tiêu hóa trên: Đôi khi bác sĩ đề nghị chụp X - quang đường tiêu hóa trên để tìm kiếm các bất thường. Người bệnh có thể được đề nghị nuốt một chất lỏng màu trắng, phủ lên đường tiêu hóa để bác sĩ quan sát các vết loét rõ ràng hơn.
  • Xét nghiệm phân: Xét nghiệm này được thực hiện để kiểm tra sự hiện diện của máu trong phân, một dấu hiệu phổ biến của tình trạng viêm xung huyết hang vị.

Biện pháp điều trị

Tùy thuộc vào nguyên nhân cơ bản, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc điều trị bệnh như sau:

  • Thuốc kháng sinh: Kháng sinh được chỉ định để điều trị tình trạng viêm xung huyết hang vị do nhiễm vi khuẩn Hp. Các loại kháng sinh phổ biến bao gồm clarithromycin và amoxicillin hoặc metronidazole. Người bệnh nên sử dụng kháng sinh theo đúng liều lượng được kê đơn, ngay cả khi các triệu chứng đã được cải thiện.
  • Thuốc trung hòa acid dạ dày: Các loại thuốc trung hòa acid dạ dày thường có chứa Aluminium hydroxide và Magnesium carbonate. Thuốc có tác dụng hạn chế tình trạng viêm loét dạ dày, cầm máu và ngăn ngừa các vết loét mới ở hang vị. Các loại thuốc phổ biến bao gồm Yumangel, Gastropulgite, Phosphalugel, Pepsane,…
  • Thuốc ức chế bơm proton: Thuốc ức chế bơm proton (PPIs) hoạt động để giảm khả năng sản xuất dịch vị dạ dày, thường được sử dụng để cải thiện các vấn đề ở dạ dày do tăng tiết acid, bao gồm viêm xung huyết hang vị. Các loại thuốc phổ biến bao gồm Esomeprazole, Omeprazole, Pantoprazole hoặc Rabeprazole.
  • Thuốc ức chế chọn lọc thụ thể H2: Các loại thuốc ức chế chọn lọc thụ thể H2 có tác dụng hạn chế quá trình bài tiết ở dạ dày, được sử dụng phổ biến để điều trị viêm hang vị, viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày và hội chứng Zollinger-Ellison. Các loại thuốc thường dùng bao gồm Cimetidine, Famotidine 40 hoặc Ranitidin 150, 300.
  • Thuốc chống co thắt: Trong các trường hợp viêm hang vị dạ dày phù nề xung huyết dẫn đến co thắt dữ dội, bác sĩ có thể đề nghị thuốc chống co thắt để giảm đau và cải thiện các triệu chứng. Các loại thuốc phổ biến bao gồm Alverin và Drotaverin. Tuy nhiên thuốc chống co thắt chống chỉ định đối với phụ nữ mang thai, bệnh nhân bị tắc ruột, liệt ruột.

Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà

Nếu các triệu chứng viêm xung huyết hang vị không nghiêm trọng, người bệnh có thể tự kiểm soát các triệu chứng viêm xung huyết hang vị tại nhà với một số lưu ý như:

  • Chia nhỏ các bữa ăn hàng ngày và ăn thường xuyên hơn. Việc chia nhỏ các bữa ăn có thể giảm áp lực lên hang vị, giúp quá trình cắt nhỏ thức ăn hiệu quả và ngăn ngừa các triệu chứng viêm hang vị.
  • Tránh thức ăn gây kích ứng dạ dày, chẳng hạn như thức ăn cay nóng, đồ chiên, thức ăn béo hoặc các loại thực phẩm chế biến sẵn.
  • Tránh tiêu thụ rượu bởi vì rượu có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày và khiến các triệu chứng xung huyết hang vị dạ dày trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Cân nhắc thay đổi loại thuốc giảm đau nếu người bệnh cần sử dụng thuốc giảm đau để điều trị các vấn đề khác. Người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc an toàn hơn với dạ dày, chẳng hạn như acetaminophen.
Chuyên sâu
Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
BS.CKI Trần Văn Hiền
BS.CKI Trần Văn Hiền
ThS.BS.CKII Trần Kinh Thành
ThS.BS.CKII Trần Kinh Thành
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android