Viêm Xương Khớp Thái Dương Hàm

Triệu chứng và nguyên nhân

Viêm xương khớp là hiện tượng khá phổ biến ở nhiều đối tượng khác nhau. Đây không phải căn bệnh nguy hiểm, tuy nhiên có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và đời sống sinh hoạt của người bệnh. Vậy viêm khớp xương thái dương hàm là bệnh gì? Tìm hiểu cách chữa trị và những lưu ý khi gặp tình trạng này qua bài viết dưới đây.

Định nghĩa

Khớp thái dương hàm là loại khớp động duy nhất trong sọ mặt của chúng ta, nó bao gồm diện khớp của xương thái dương và xương hàm dưới cùng các thành phần khác như: Bao khớp, đĩa khớp, mô sau đĩa, dây chằng khớp. Đây là bộ phận đóng vai trò quan trọng trong việc giúp hàm đóng mở, nhai thức ăn, nuốt và nói.

Viêm khớp thái dương hàm là tình trạng rối loạn khớp hàm và các cơ xung quanh mặt. Người bị hiện tượng này thường cảm thấy đau co thắt cơ, mất cân bằng phần khớp nối xương hàm và xương sọ, ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt hàng ngày.

Hình ảnh

Triệu chứng

Khi bị viêm khớp thái dương hàm, người bệnh thường gặp các biểu hiện như:

  • Đau hàm nhẹ và tự khỏi nếu bệnh ở giai đoạn mới bắt đầu.
  • Trong trường hợp bệnh nặng sẽ cảm thấy những cơn đau liên tục, dữ dội, đặc biệt trong lúc nhai và nuốt.
  • Người bệnh khó khăn khi đóng, mở miệng và cử động hàm.
  • Xuất hiện tiếng kêu khớp khi há miệng hoặc nhai, đồng thời phải liên tục ngậm miệng sang một bên.
  • Các triệu chứng đau đầu, đau tai, nhức thái dương, nhức mặt, mỏi cổ, cơ thể mệt mỏi cũng xuất hiện thường xuyên.
  • Ngoài ra, người bệnh còn bị nổi hạch ở một hoặc hai bên, khuôn mặt phình to lên và mất cân đối.

Nguyên Nhân

Đây không phải là loại bệnh nguy hiểm nếu như phát kịp thời và có cách điều trị phù hợp. Vậy đâu là nguyên nhân khiến bạn bị viêm xương khớp thái dương hàm? Có nhiều yếu tố gây ra tình trạng bệnh này, tiêu biểu có thể kể đến như:

  • Chấn thương vùng hàm mặt do va đập mạnh, tai nạn giao thông, bị ngã trong quá trình lao động hoặc khi đang tập luyện thể thao. Đây là nguyên nhân phổ biến và thường xảy ra một cách đột ngột mà người bệnh không lường trước được.
  • Theo như nghiên cứu, có đến 50% người bị viêm khớp dạng thấp sẽ gặp tình trạng viêm khớp thái dương hàm. Khi xuất hiện thoái hóa khớp, người bệnh bị viêm ở các khớp bàn tay, cổ tay, khớp khuỷu, gối và sau cùng là tổn thương khớp thái dương hàm. Trường hợp này thường xảy ra ở người cao tuổi - đối tượng có nhiều khớp bị thoái hóa hơn giới trẻ và trung niên.
  • Một nguyên nhân khác của bệnh viêm khớp thái dương hàm là do há miệng quá rộng một cách đột ngột, nhai kẹo cao su làm siết chặt hàm hay nghiến răng thường xuyên khi ngủ. Các hoạt động này vô tình tạo áp lực lớn lên khớp thái dương hàm và xuất hiện tình trạng viêm.
  • Bên cạnh đó, khi răng mọc lệch, chen chúc nhau hay nhổ răng hàm, răng khôn, stress, sang chấn tâm lý đều có thể gây ra hiện tượng viêm khớp thái dương hàm.

Biến chứng

Các triệu chứng của bệnh viêm khớp thái dương hàm thường rất khó nhận biết, chỉ khi xuất hiện các cơn đau dữ dội, người bệnh mới phát hiện. Trong trường hợp không kịp thời chữa trị, bạn có thể gặp một trong các biến chứng nguy hiểm sau:

  • Đau nhức ở khớp thái dương hàm một cách dữ dội: Người bệnh sẽ cảm thấy đau, khó chịu ở một hoặc cả hai bên khớp thái dương, đặc biệt là ở vị trí nổi hạch.
  • Không thể cử động khớp hàm: Khi bệnh diễn biến nặng, bạn sẽ không cử động được khớp hàm, khó há miệng để nhai, nuốt, nói và có thể bệnh đã chuyển sang giai đoạn mãn tính.
  • Xuất hiện tiếng lục cục khi nhai: Bạn thường xuyên cảm thấy mỏi hàm và đau đớn khi cử động. Cùng với đó, tiếng kêu lục cục xuất hiện trong miệng, hoạt động nhai, nuốt khó khăn.
  • Người bệnh bị đau đầu, chóng mặt, ù tai, sốt, khó chịu trong người, đặc biệt là vào chiều tối. Chú ý khi hạch nổi càng to thì sức khỏe của bạn càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
  • Biến dạng khuôn mặt: Nhiều người gặp tình trạng cơ nhai phì đại, sưng to, mặt mất cân đối và bị biến dạng. Lúc này các hoạt động liên quan đến cơ mặt gặp khó khăn.
  • Giãn khớp quai hàm: Đây là tình trạng xảy ra khi người bệnh bị nổi hạch, gây thủng đĩa khớp, phá hủy các đầu xương khiến các khớp xương bị cứng cùng với hiện tượng giãn khớp.

Phòng ngừa

Viêm khớp thái dương hàm là chứng bệnh thường gặp, người bệnh khi bị tình trạng này cần chú ý một số điều sau:

  • Bổ sung vào thực đơn hàng ngày những thức ăn mềm, dễ nhai nuốt, tránh cơ hàm hoạt động nhiều gây đau nhức. Bên cạnh đó, bạn cần hạn chế nhai một bên khiến cơ hàm bị lệch.
  • Nếu xảy ra tình trạng đau khớp, bạn cần sử dụng ngay miếng nhiệt hay túi chườm để giảm đau ngay lập tức.
  • Khi có ý định sử dụng thuốc hay bất kỳ phương pháp điều trị nào, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ, tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
  • Nên tập luyện các bài tập về xương khớp hàm thường xuyên để cải thiện tình trạng bệnh.
  • Trong quá trình sử dụng thuốc, cần tuân thủ những yêu cầu của bác sĩ, không tự ý thay đổi liều lượng. Nếu có những biểu hiện lạ, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp điều trị

Những người bị viêm xương khớp thái dương hàm cần cẩn thận khi thấy cơ thể có những biểu hiện bất thường và tìm cách chữa trị phù hợp với tình trạng bệnh. Một số biện pháp điều trị dành cho người bệnh có thể kể đến là:

Các biện pháp y học hiện đại

Y học hiện đại có khả năng khám và điều trị được nhiều loại bệnh khác nhau. Vì vậy người đang gặp chứng viêm xương khớp thái dương hàm có thể yên tâm khi sử dụng thuốc Tây, thực phẩm chức năng hay các biện pháp can thiệp ngoại khoa để cải thiện tình trạng sức khỏe.

Thuốc Tây y

Một số loại thuốc Tây y được chỉ định điều trị bệnh viêm khớp thái dương hàm như:

  • Thuốc chống viêm đặc trị Aspirin, Piroxicam, Meloxicam, Diclofenac có tác dụng ức chế phản ứng viêm và đẩy lùi các triệu chứng như: Sốt, đau khớp, đau đầu.
  • Thuốc giảm đau Paracetamol được chỉ định giúp người bệnh giảm đau đớn và cảm thấy dễ chịu hơn.
  • Thuốc kháng sinh như: Penicillin G, Oxacillin được sử dụng trong trường hợp bị viêm khớp thái dương hàm do nhiễm khuẩn.
  • Thuốc giãn cơ như: Diazepam và Cyclobenzaprine có tác dụng làm giãn cơ mặt để người bệnh có thể cử động dễ dàng hơn.

Can thiệp ngoại khoa

Các biện pháp can thiệp ngoại khoa được chỉ định trong trường hợp bệnh đang chuyển biến nặng và các loại thuốc kể trên không thể điều trị dứt điểm. Tùy từng tình trạng bệnh, bạn sẽ được bác sĩ yêu cầu các biện pháp khác nhau.

  • Liệu pháp chọc rửa khớp: Người bệnh được bác sĩ chèn kim vào khớp và bơm chất lỏng vào trong để loại bỏ các mảnh vụn và thành phần bị viêm.
  • Châm cứu bấm huyệt: Đây là phương pháp được đánh giá an toàn và mang đến hiệu quả cao cho người bệnh, giảm nhanh các cơn đau nhức và tránh căng thẳng, lo lắng. Khi điều trị bằng phương pháp này, có trường hợp sẽ khỏi sau khoảng 5 ngày và không mắc lại. Tuy nhiên cũng có trường hợp bệnh phức tạp hơn, cần điều trị cả năm hoặc phải chấp nhận chung sống với căn bệnh đến hết đời.
  • Phẫu thuật: Đây là phương pháp cuối cùng được chỉ định để sửa hoặc thay thế các khớp, tuy nhiên trường hợp này rất ít xảy ra.

Mẹo dân gian giúp giảm đau do viêm xương khớp

Thông thường, người bệnh hay áp dụng các mẹo giảm đau khớp tại nhà với nguyên liệu tự nhiên lành tính và dễ tìm. Người bị viêm xương khớp thái dương hàm có thể tham khảo một số cách sau đây:

Sử dụng lá ngải cứu

Ngải cứu là dược liệu thường được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như: Chế biến món ăn, dùng nấu nước tắm, gội, xông người hay đun để uống. Với công dụng lưu thông khí huyết, giảm đau, kháng viêm, ngải cứu được sử dụng trong việc điều trị các bệnh lý về xương khớp.

Nếu đang gặp tình trạng viêm xương khớp thái dương hàm, bạn có thể thực hiện theo cách sau:

  • Chuẩn bị 1 nắm lá ngải cứu tươi và rửa sạch, để ráo, sau đó xay hoặc nghiền nát cùng một ít nước.
  • Bạn dùng vải sạch để vắt phần nước cốt và loại bỏ phần bã. Cho vào 1 thìa mật ong và uống 2 lần trong ngày.

Lá lốt có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh xương khớp

Trong lá lốt chứa các thành phần như: Benzyl axetat, Beta - caryophylen và Ancaloit có tác dụng kháng khuẩn, tiêu viêm cực kỳ tốt, làm giảm nhanh chóng các cơn đau ở ổ khớp. Bên cạnh đó, các hoạt chất khác của lá lốt cũng hỗ trợ làm chắc xương và khỏe gân cốt.

Cách thực hiện cho những người bị viêm xương khớp:

  • Bạn chuẩn bị 1 nắm lá lốt rửa sạch, cho vào nồi và thêm 1 ít muối, nước để đun sôi 15 phút.
  • Sau đó, bạn chắt lấy phần nước và uống trực tiếp 2 lần mỗi ngày.

Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà

Người bị viêm xương khớp thái dương hàm có thể thường xuyên tập luyện các bài tập tại nhà để đẩy lùi tình trạng bệnh và cải thiện sức khỏe của bản thân.

  • Tập thể dục thư giãn cho hàm: Bạn giữ lưỡi cho đụng vào khoang miệng ở sau răng phía trên. Sau đó mở miệng ra để thư giãn các cơ hàm.
  • Gập hàm: Bạn ưỡn ngực thẳng, cho vai hướng ra sau, giữ cằm thẳng lên rồi hướng xuống cổ. Giữ nguyên tư thế này trong 3 giây, bạn lặp đi lặp lại trong 10 lần và thực hiện đều đặn hàng ngày.
  • Tư thế đẩy ngăn miệng mở ra: Bạn đặt ngón tay cái dưới cằm, mở miệng chậm rãi và dùng ngón tay cái đẩy cằm trở ngược lại. Bạn giữ yên trong vòng 3-6 giây, sau đó ngậm miệng từ từ.
  • Tư thế kéo ngăn miệng đóng lại: Dùng ngón tay trỏ và cái để bóp cằm lại và ngậm miệng lại một cách chậm rãi. Thực hiện động tác này thường xuyên để có thể hoạt động cơ hàm tốt hơn.
  • Chuyển động hàm về hai bên: Bạn đặt một vật tròn đường kính khoảng 2cm giữa răng cửa và hai răng hàm. Tiếp đó di chuyển hàm dưới về phía trước so với răng hàm trên. Thực hiện bài tập này từ 5-10 lần để mang lại hiệu quả cao.
Chuyên sâu

Câu hỏi thường gặp

  • Viêm khớp thái dương hàm có thể tự khỏi trong một số trường hợp nhẹ
  • Nếu gặp các triệu chứng đau dữ dội, khớp kêu lóc cóc, ù tai bạn cần đi khám để được bác sĩ điều trị kịp thời.
Xem chi tiết
Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
Bác Sĩ Lê Hữu Tuấn
Bác Sĩ Lê Hữu Tuấn
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh
TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh
Verified
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android