Xẹp Đốt Sống D12

Triệu chứng và nguyên nhân

Xẹp đốt sống D12 gây ra triệu chứng đau nhức kéo dài và ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động của người bệnh. Ở một số trường hợp, xẹp đốt sống còn chèn ép lên tủy và làm gia tăng nguy cơ bị bại liệt. Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây xẹp đốt sống D12, dấu hiệu nhận biết cũng như cách điều trị thì bạn hãy cùng tôi theo dõi bài viết bên dưới đây.

Định nghĩa

Đốt sống D12 được xác định là đốt sống cuối cùng của đoạn đốt sống ngực, có kích thước lớn hơn so với các đốt sống khác và nối với đốt sống L1 bằng một đĩa đệm. Xẹp đốt sống D12 là hiện tượng thân đốt sống D12 bị gãy lún. Khi bị gãy xẹp đốt sống D12, tính ổn định của cột sống sẽ dần mất đi. Lúc này, người bệnh phải đối mặt với triệu chứng đau nhức kéo dài và gặp khó khăn khi cử động đột sống. Với những trường hợp nặng còn chèn ép rễ thần kinh và tủy sống, gây tê bì và làm tăng nguy cơ bại liệt.

Chuyên gia cho biết, nguyên nhân chính gây ra tình trạng xẹp đốt sống D12 là do chấn thương có ngoại lực tác động mạnh. Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể là hậu quả của bệnh loãng xương nặng hoặc ung thư xương. Khi đốt sống bị xẹp lún sẽ khiến chiều cao của thân đốt sống bị giảm đi. Dựa vào mức độ nghiêm trọng của bệnh lý, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh điều trị bảo tồn hoặc can thiệp ngoại khoa. Tốt nhất, bạn nên tiến hành điều trị càng sớm càng tốt để làm tăng khả năng phục hồi tổn thương.

Hình ảnh

Triệu chứng

Xẹp đốt sống lưng D12 khiến cột sống bị mất đi tính ổn định. Từ đó, tính linh hoạt và khả năng vận động sẽ bị ảnh hưởng. Ngay khi nghi ngờ bản thân bị xẹp đốt sống D12, bạn cần điều trị chuyên khoa càng sớm càng tốt để tránh các rủi ro không mong muốn. Dưới đây là các dấu hiệu nhận biết xẹp đốt sống D12 bạn cần nắm rõ:

  • Bị đau nhức ở vùng đốt sống bị tổn thương, cơn đau thường diễn ra âm ỉ và tăng dần mức độ theo thời gian. Khi dùng tay ấn vào đốt sống D12 sẽ có cảm giác đau nhói như điện giật.
  • Cơn đau sẽ tăng lên sau một chấn thương nhẹ, khi bưng bê vật nặng hoặc thay đổi tư thế. Nhưng nếu người bệnh dành thời gian nghỉ ngơi thì cơn đau sẽ dần thuyên giảm.
  • Cột sống bị mất đi tính linh hoạt và hạn chế phạm vi vận động. Người bệnh sẽ gặp khó khăn khi thực hiện các động tác cử động cột sống như cúi xuống, vặn người,...
  • Bị biến dạng cột sống với các triệu chứng như cong vẹo hoặc gù cột sống. Chiều cao cơ thể giảm đi nhưng không đáng kể.
  • Nếu dây thần kinh hoặc tủy sống bị chèn ép sẽ gây ra triệu chứng tê bì, châm chích, yếu chi,...

Nguyên Nhân

Thống kê y khoa cho biết, tình trạng xẹp đốt sống gây ảnh hưởng đến khoảng 750 nghìn người mỗi năm và nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng dần theo độ tuổi. Theo ước tính, có khoảng 40% phụ nữ trên 80 tuổi bị xẹp đốt sống lưng. Dưới đây là một số nguyên nhân gây xẹp đốt sống D12 thường gặp bạn có thể tham khảo:

+ Chấn thương: Xẹp đốt sống D12 thường xảy ra sau khi cột sống bị chấn thương do va chạm mạnh, té ngã hoặc tai nạn nghiêm trọng. Khi có áp lực tác động mạnh vào đốt sống sẽ khiến chúng bị đè nén, dẫn đến nứt vỡ và xẹp lún. Sau khi chấn thương xảy ra gây xẹp lún đốt sống, bạn phải đối mặt với tình trạng đau nhức đột ngột tại cột sống. Đồng thời, cường độ đau nhức cũng tăng dần theo thời gian kèm theo mất vững cột sống.

+ Loãng xương: Xẹp đốt sống D12 cũng có thể là hệ quả của bệnh loãng xương ở mức độ nghiêm trọng. Khi mật độ xương suy giảm, cấu trúc xương sẽ trở nên suy yếu, mỏng dần và mất đi khả năng chịu lực. Lúc này, xương sẽ rất dễ bị gãy khi có ngoại lực tác động vào. Xẹp đốt sống D12 do loãng xương thường xảy ra ở những trường trên 50 tuổi, phụ nữ mãn kinh và những người có chế độ ăn kiêng khắc nghiệt.

+ Khối u: Xuất hiện khối u bên trong xương cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng xẹp đốt sống D12. Sự xuất hiện của khối u đã khiến cột sống mất đi tính bền vững và làm tăng nguy cơ xẹp đốt sống. Nếu đây là khối u ác tính, tế bào ung thư trong khối u sẽ tấn công vào xương gây yếu xương mà giảm mật độ khoáng xương. Lúc này, xương rất dễ bị gãy vỡ chỉ với va chạm nhẹ.

Yếu tố nguy cơ

Những đối tượng có nguy cơ cao là:

  • Nghiện thuốc lá
  • Phụ nữ mãn kinh
  • Bị thừa cân béo phì
  • Chế độ ăn uống thiếu canxi
  • Sử dụng thuốc corticosteroid điều trị bệnh
  • Mắc bệnh xương khớp mãn tính, suy thận mạn, suy buồng trứng,..

Khi thuộc trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao, bạn cần chủ động có các biện pháp phòng ngừa ngay từ sớm và đặc biệt chú ý đến tình trạng sức khỏe của bản thân. Ngay khi xuất hiện triệu chứng bất thường, cần nhanh chóng thăm khám chuyên khoa để chẩn đoán bệnh và được hướng dẫn điều trị đúng cách.

Biến chứng

Xẹp đốt sống D12 gây ảnh hưởng đến người bệnh ở nhiều mức độ khác nhau dựa vào tính nghiêm trọng của bệnh lý. Nếu xẹp đốt sống xảy ra ở mức độ nhẹ sẽ gây ra triệu chứng đau lưng cấp tính. Lúc này, bạn có thể dùng thuốc kết hợp nghỉ ngơi giúp phục hồi tổn thương mà không cần điều trị can thiệp. Nhưng nếu bệnh đã gây tổn thương cột sống ở mức độ nghiêm trọng sẽ phát sinh ra các biến chứng sau đây:

  • Tăng số lượng đốt sống bị gãy xẹp, gây đau lưng dữ dội và kéo dài.
  • Bị hẹp ống sống và mất vững cột sống khiến khả năng vận động của cột sống bị suy giảm.
  • Ảnh hưởng đến sức khỏe của hệ hô hấp và hệ tim mạch.
  • Tổn thương dây thần kinh và tủy sống, gây rối loạn chức năng ruột và bàng quang, làm gia tăng nguy cơ bại liệt,...

Phòng ngừa

Xẹp đốt sống D12 có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào. Để phòng ngừa, bạn nên hình thành cho bản thân kế hoạch ăn uống và tập luyện khoa học. Bên cạnh đó, bạn cũng nên thận trọng khi tham gia các hoạt động sống hàng ngày. Dưới đây là hướng dẫn cụ thể bạn có thể tham khảo:

  • Tập luyện thể dục thể thao đều đặn mỗi ngày giúp tăng độ linh hoạt và dẻo dai của xương khớp, hạn chế được một số chấn thương không mong muốn.
  • Khi tham gia các hoạt động sống hàng ngày bạn cần phải cẩn thận để tránh bị té ngã, tai nạn xe hoặc va đập mạnh vào vật cứng.
  • Cần khởi động khớp kỹ trước khi hoạt động thể chất, nâng vật nặng và chơi thể thao đúng cách, không vận động quá mạnh hoặc duy trì các tư thế xấu.
  • Điều trị tốt các bệnh lý làm gia tăng nguy cơ bị gãy xẹp đốt sống. Nếu sử dụng thuốc điều trị bệnh dễ gây loãng xương, bạn cần sử dụng theo đúng liều lượng mà bác sĩ chuyên khoa đã chỉ định.
  • Kiểm soát cân nặng ở mức hợp lý, tiến hành giảm cân khoa học khi cần thiết. Thăm khám sức khỏe định kỳ giúp sớm phát hiện ra bất thường và có biện pháp can thiệp phù hợp.
  • Thực đơn ăn uống hàng ngày cần cân bằng các nhóm dưỡng chất nạp vào cơ thể. Nên tăng cường bổ sung canxi, vitamin D và magie cho cơ thể từ các nhóm thực phẩm lành mạnh giúp tăng mật độ xương.
Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp điều trị

Khi có dấu hiệu của bệnh xẹp đốt sống D12, bạn cần thăm khám chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân, xác định mức độ tổn thương và được hướng dẫn điều trị đúng cách. Các phương pháp xét nghiệm thường được áp dụng để chẩn đoán bệnh là xét nghiệm hình ảnh và đo loãng xương.

Sau khi đã có kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ dựa vào đó để đưa ra chẩn đoán chính xác và lên phác đồ điều trị.  Bạn chỉ cần điều trị nội khoa với trường hợp nhẹ và bắt buộc phải tiến hành can thiệp ngoại khoa nếu tình trạng bệnh đã chuyển biến nặng. Cụ thể là:

Dùng thuốc

Xẹp đốt sống D12 gây ra triệu chứng đau nhức kéo dài khiến người bệnh gặp nhiều phiền toái trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Lúc này, bác sĩ sẽ yêu cầu sử dụng thuốc Tây y để cải thiện triệu chứng trên. Dựa vào mức độ đau nhức và tình trạng bệnh ở từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc điều trị sao cho phù hợp. Thường dùng là:

  • Thuốc giảm đau thông thường: Được kê đơn điều trị với những trường hợp bị đau nhức ở mức độ vừa hoặc nhẹ. Thường dùng là Acetaminophen. Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng hạ sốt rất hiệu quả.
  • Thuốc chống viêm không steroid: Thuốc thường được kê đơn điều trị với những trường hợp bị đau nhức ở mức độ vừa. Tác dụng chính của nhóm thuốc này là kháng viêm, giảm đau và chống kết tập tiểu cầu. Người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ định để tránh gặp phải tác dụng phụ.
  • Thuốc giãn cơ: Thường được kê đơn điều trị với trường hợp bị xẹp đốt sống D12 do chấn thương kèm theo co thắt cơ. Tác dụng của nhóm thuốc này là giảm đau, giảm co thắt cơ và phòng tránh cứng cơ.
  • Thuốc chống loãng xương: Nếu bị xẹp đốt sống D12 do loãng xương, bác sĩ sẽ kê đơn điều trị bằng thuốc chống loãng xương giúp ngăn chặn quá trình phá hủy xương tiếp tục diễn ra và làm tăng độ khoáng xương. Từ đó, chất lượng xương sẽ tăng lên và đẩy nhanh tốc độ hồi phục tổn thương.

Can thiệp ngoại khoa

Can thiệp ngoại khoa được chỉ định thực hiện với những trường hợp bị xẹp đốt sống D12 ở mức độ nghiêm trọng, cột sống mất vững, gây tổn thương thần kinh đi kèm và không đáp ứng điều trị nội khoa. Các phương pháp can thiệp ngoại khoa thường được thực hiện để điều trị xẹp đốt sống D12 là:

+ Tạo hình thân đốt sống: Thích hợp áp dụng với những trường hợp bị xẹp thân đốt sống dưới 75% và không đáp ứng điều trị nội khoa. Bác sĩ sẽ tiến hành bơm xi măng sinh học qua da giúp tạo hình tại thân đốt sống. Từ đó, chức năng và cấu trúc đốt sống sẽ được phục hồi trở lại, hạn chế tình trạng đau nhức và tổn thương tiếp tục xảy ra trong thương lại.

+ Phẫu thuật cố định cột sống: Được chỉ định thực hiện với những trường hợp bị gãy xẹp đốt sống ở mức độ nặng và phát sinh ra biến chứng biến chứng biến dạng cột sống, tổn thương dây thần kinh,.. Mục đích của việc phẫu thuật là hợp nhất các đốt sống tổn thương với nhau, giải phóng chèn ép lên rễ thần kinh. Sau phẫu thuật, cấu trúc cột sống sẽ vững hơn, hạn chế gây tổn thương đến thần kinh và phòng ngừa khởi phát cơn đau. Sau phẫu thuật, người bệnh nên nghỉ ngơi kết hợp tập luyện phục hồi chức năng để có thể trở lại sinh hoạt bình thường.

Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà

Khi bị xẹp đốt sống D12, bạn cần có các biện pháp chăm sóc tại nhà đúng cách để hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa tổn thương trở nên trầm trọng hơn. Dưới đây là một số biện pháp chăm sóc tại nhà được chuyên gia khuyến khích thực hiện bạn có thể tham khảo:

+ Nghỉ ngơi: Khi bị xẹp đốt sống D12, người bệnh nên nằm nghỉ ngơi trên giường từ 6 - 8 tuần. Nghỉ ngơi có tác dụng làm dịu triệu chứng đau nhức, giúp đốt sống được thư giãn và có thời gian phục hồi. Trong thời điểm này, bạn vẫn có thể thực hiện các chuyển động nhẹ nhàng hoặc mang đai cột sống. Tuyệt đối không được vận động mạnh khiến tổn thương cột sống trở nên tồi tệ hơn và gây đau nhức ở mức độ nghiêm trọng hơn.

+ Nẹp cố định: Người bệnh nên dùng nẹp cố định cột sống trong thời gian nghỉ ngơi giúp phục hồi tổn thương tại đốt sống và giảm đau nhức. Ngoài ra, cách này còn có tác dụng ngăn ngừa bệnh tiến triển sang mức độ nghiêm trọng hơn.

+ Tập vận động: Sau thời gian dài nghỉ ngơi, người bệnh nên tiến hành tập luyện dưới sự hướng dẫn của chuyên gia trị liệu để phục hồi chức năng vận động và tăng cường sức mạnh cơ. Sau một thời gian dài tập vận động, người bệnh có thể trở lại sinh hoạt một cách bình thường.

Chuyên sâu

Câu hỏi thường gặp

Người bị xẹp đốt sống lưng thường được kê đơn các loại thuốc như thuốc giảm đau thông thường (ví dụ như Acetaminophen), thuốc chống viêm không steroid (NSAID), thuốc giãn cơ, thuốc giảm đau nhóm opioid, và thuốc chống loãng xương (ví dụ như Bisphosphonate). Các loại thuốc này giúp kiểm soát triệu chứng đau và nguyên nhân gây ra bệnh, như loãng xương hay ung thư xương. Tuy nhiên, quá trình sử dụng thuốc cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ và thường xuyên tái khám để điều chỉnh liều lượng hoặc loại thuốc khi cần thiết.

Xem chi tiết
Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
Bác Sĩ Lê Hữu Tuấn
Bác Sĩ Lê Hữu Tuấn
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh
TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh
Verified
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android