Xét Nghiệm PSA

Tổng quan

Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh lý đang ngày càng phổ biến ở nam giới. Khi ở giai đoạn đầu, bệnh không gây ra những triệu chứng rõ ràng vì thế rất khó để phát hiện. Xét nghiệm PSA là phương pháp giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh lý ngay từ những giai đoạn đầu. Vậy PSA là gì? Ưu nhược điểm của xét nghiệm PSA trong ung thư tiền liệt tuyến như thế nào? Hãy cùng Vietmec theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Tổng quan

Kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA – Prostate-specific Antigen) là một loại glycoprotein đã được mã hóa bởi gen KLK-3. Chúng được tiết ra bởi các tế bào biểu mô tiền liệt tuyến và có khối lượng phân tử dao động trong khoảng 30.000 – 34.000 dalton. Một phần nhỏ PSA cũng được tiết ra bởi các tế bào trong tuyến cận niệu đạo và hậu môn.

PSA chủ yếu được tìm thấy trong tinh dịch, một phần nhỏ khác sẽ lưu thông trong máu. Thông thường các tế bào ung thư tiền liệt tuyến sẽ tạo ra nhiều PSA hơn các tế bào lành tính. Chính điều này khiến nồng độ PSA trong máu của người bệnh tăng lên một cách đáng kể.

PSA là một loại glycoprotein đã được mã hóa bởi gen KLK-3
PSA là một loại glycoprotein đã được mã hóa bởi gen KLK-3

Bình thường nồng độ PSA trong máu của một nam giới khỏe mạnh thường là rất thấp. Sự xuất hiện của PSA với nồng độ cao thường liên quan đến những rối loạn bất thường ở tuyến tiền liệt. Nồng độ này cho thấy mức độ bệnh và sự tiến triển của khối u.

Thế nhưng một phần nhỏ nam giới có nồng độ PSA tăng lên ngay cả khi không mắc ung thư tiền liệt tuyến (có thể là phì đại tuyến tiền liệt lành tính, viêm tuyến tiền liệt hay kích thích tiền liệt tuyến,…). Vì thế bác sĩ cần định lượng thêm PSA tự do cũng như tỷ số fPSA/TPSA để chẩn đoán phân biệt chính xác nhất.

Thông thường tỷ lệ PSA tự do/PSA toàn phần dùng để chẩn đoán ung thư tiền liệt tuyến nếu nồng độ PSA tự do nằm trong khoảng 4-10ng/ml. Nếu tỷ lệ PSA tự do/PSA toàn phần dưới 15%, nguy cơ bị ung thư tiền liệt tuyến thuộc mức rất cao. Vì thế xét nghiệm PSA trong ung thư tiền liệt tuyến có thể hiểu đơn giản đây là một chỉ số vô cùng quan trọng. Ưu nhược điểm của PSA như thế nào sẽ được trình bày chi tiết ở nội dung sau.

Tại sao nó được thực hiện

Các chuyên gia y tế cho biết, thực tế không phải ai cũng được chỉ định thực hiện xét nghiệm PSA. Phương pháp này chỉ được áp dụng trong một số trường hợp nhất định, cụ thể là:

  • Sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt: Nam giới từ 50 tuổi trở lên nên thực hiện xét nghiệm PSA hàng năm để sàng lọc và phát hiện bệnh sớm nhất có thể.
  • Người có tiền sử gia đình mắc bệnh: Những người có tiền sử gia đình mắc ung thư tiền liệt tuyến nên thực hiện sàng lọc PSA từ năm 40 tuổi trở đi.
  • Dùng chỉ số PSA theo dõi quá trình điều trị ung thư: Bác sĩ chỉ định bệnh nhân làm xét nghiệm PSA để theo dõi quá trình điều trị cũng như nguy cơ tái phát ung thư tiền liệt tuyến. Tùy tình trạng bệnh lý mỗi người, xét nghiệm PSA cần được theo dõi sau khi điều trị ung thư từ 6 đến 36 tháng.

Xét nghiệm PSA giúp sàng lọc ung thư tiền liệt tuyến
Xét nghiệm PSA giúp sàng lọc ung thư tiền liệt tuyến

Thực hiện

Quy trình thực hiện xét nghiệm PSA trong ung thư tiền liệt tuyến rất đơn giản, không quá khác biệt so với những phương pháp xét nghiệm máu khác. Cụ thể như sau:

Trước khi thực hiện

Thực hiện định lượng PSA thông qua kỹ thuật xét nghiệm máu, thế nhưng người bệnh không cần nhịn ăn sáng hoặc chuẩn bị gì đặc biệt trước khi tiến hành lấy mẫu.

Trong khi thực hiện

Để thực hiện xét nghiệm PSA, kỹ thuật viên sẽ sát khuẩn vùng tĩnh mạch cánh tay của người bệnh, buộc dây garo và dùng xilanh sạch để lấy khoảng 3ml máu cho vào ống không hoặc có chứa chất chống đông là Li-Heparin và K3-EDTA và Sodium Citrat.

Bệnh phẩm đạt chuẩn phải là máu không bị vỡ hồng cầu. Để tránh hiện tượng bay hơi, kỹ thuật viên sẽ phải phân tích trong vòng 2 giờ. Do nồng độ PSA trong máu rất thấp nên việc định lượng đòi hỏi sử dụng một loại công nghệ có độ nhạy cao (kỹ thuật kháng thể đơn dòng).

Quy trình làm xét nghiệm PSA được thực hiện bởi người có chuyên môn
Quy trình làm xét nghiệm PSA được thực hiện bởi người có chuyên môn

Sau khi thực hiện

Sau khi đã có kết quả, kỹ thuật viên xem xét và đánh giá và in lên báo cáo hoặc ghi vào phiếu xét nghiệm rồi trả cho bệnh nhân. Người bệnh sẽ tiếp tục thực hiện những chỉ định chuyên khoa khác nếu có.

Kết quả xét nghiệm PSA được tính bằng đơn vị ng (nanogam)/mL và không có giá trị trung bình của người khỏe mạnh. Để đánh giá chỉ số PSA của người bệnh một cách chính xác nhất, bác sĩ có thể dựa vào các yếu tố khác như:

  • Độ tuổi.
  • Kích thước của tiền liệt tuyến.
  • Mức độ thay đổi nhanh hay của nồng độ PSA.
  • Các loại thuốc người bệnh đang dùng có gây ảnh hưởng đến kết quả đo PSA.

Ngoài ra bác sĩ có thể đề nghị thực hiện sinh thiết tiền liệt tuyến (lấy mẫu tế bào hoặc mô ở vùng này để kiểm tra hóa học) dựa trên kết quả làm PSA. Xét nghiệm này mang tính quyết định trong chẩn đoán ung thư tiền liệt tuyến.

Xét nghiệm PSA trong ung thư tiền liệt tuyến đôi khi có thể phải kết hợp với kiểm tra trực tràng DRE để cảm nhận rõ hơn về những bất thường ở cơ quan này, ví dụ khối u hoặc cục bất thường.

Người bệnh cũng có thể được bác sĩ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm khác như:

  • Dùng ngón tay thăm khám trực tràng bệnh nhân.
  • Chụp CT.
  • Siêu âm tuyến tiền liệt.
  • Xạ hình xương, PET,…

Kết quả

Như đã nói, nam giới trong độ tuổi từ 50 trở lên nên thực hiện định kỳ xét nghiệm PSA hằng năm. Đối với nam giới 40 tuổi trở lên, có người thân trong gia đình từng mắc bệnh nên thực hiện xét nghiệm PSA sớm để phát hiện bệnh và có hướng điều trị thích hợp.

Kết quả chỉ số PSA sẽ cảnh báo nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt, cụ thể như sau:

Chỉ số đánh giá PSA toàn phần ở nam giới bình thường

Với những nam giới bình thường sẽ có nồng độ PSA toàn phần trong máu rất thấp, dưới 4 ng/mL. Tuy nhiên do kích thước tuyến tiền liệt gia tăng theo độ tuổi nên sẽ có những tiêu chí đánh giá khác nhau cho từng độ tuổi. Cụ thể:

  • Nam giới từ 40 – 49 tuổi: Nồng độ PSA ≤ 2.5 ng/mL.
  • Nam giới từ 50 – 59 tuổi: Nồng độ PSA ≤ 3.5 ng/mL.
  • Nam giới từ 60 – 69 tuổi: Nồng độ PSA ≤ 4.5 ng/mL.
  • Nam giới từ 70 – 79 tuổi: Nồng độ PSA ≤ 6.5 ng/mL.

Nguy cơ mắc ung thư tiền liệt tuyến thông qua chỉ số PSA toàn phần

Nồng độ PSA toàn phần trong máu tăng lên đồng nghĩa với việc nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao. Giá trị giới hạn của chỉ số PSA toàn phần trong việc chẩn đoán ung thư là ≥ 4 ng/mL, độ nhạy là 21% và độ đặc hiệu 91%.

Với những người có tốc độ gia tăng chỉ số PSA toàn phần > 0.75 ng/mL/năm được xác định là có nguy cơ cao mắc ung thư tiền liệt tuyến. Ngoài ra những trường hợp có tốc độ tăng PSA < 0.75 ng/mL/năm được chẩn đoán là có nguy cơ mắc bệnh lý về tuyến tiền liệt lành tính.

Tuy nhiên chỉ số PSA toàn phần trong máu tăng không có nghĩa bạn đã mắc bệnh ung thư tiền liệt tuyến. Đôi khi đây là dấu hiệu nhận biết một số bệnh lý khác như phì đại tuyến tiền liệt lành tính. Vì thế để xác định ung thư tuyến tiền liệt bác sĩ cần xem xét thêm chỉ số PSA tự do trong máu người bệnh.

Chỉ số PSA toàn phần đánh giá nguy cơ ung thư
Chỉ số PSA toàn phần đánh giá nguy cơ ung thư

Chẩn đoán ung thư tiền liệt tuyến qua tỷ lệ PSA tự do/PSA toàn phần trong máu

Việc xác định chỉ số PSA tự do trong máu giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác nguy cơ mắc bệnh ung thư tiền liệt tuyến ở nam giới. Theo đó, trường hợp chỉ số PSA toàn phần tăng từ 4.1-10 ng/mL, kết hợp với việc xác định tỷ lệ PSA tự do/PSA toàn bộ trong máu ≤ 0.155, độ nhạy 85% và độ đặc hiệu 56.5% giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc bệnh ung thư tiền liệt tuyến.

Chỉ số PSA giúp tiên lượng mức độ tiến triển của ung thư

Ngoài việc dùng để chẩn đoán bệnh, xét nghiệm PSA trong ung thư tiền liệt tuyến cũng là một chỉ số quan trọng để bác sĩ đánh giá mức độ tiến triển của ung thư. Cụ thể như sau:

  • PSA < 10 ng/ml: Tình trạng ung thư còn khu trú trong tuyến tiền liệt.
  • PSA > 30 ng/ml: 80% ung thư đang ở giai đoạn thứ 3.
  • PSA > 50 ng/ml: 80% ung thư tuyến tiền liệt đã di căn tới bọng tinh.
  • PSA > 100 ng/ml: 100% ung thư tiền liệt tuyến có di căn xa.

Giá trị của PSA trong theo dõi sau điều trị ung thư

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) đã khuyến cáo, nam giới nên làm xét nghiệm PSA sau khoảng từ 6-8 tuần khi đã thực hiện phẫu thuật điều trị ung thư vì vẫn có khả năng phát hiện PSA trong máu.

Sau điều trị, mức PSA của bệnh nhân thường ở mức rất thấp. Tuy nhiên ở một số trường hợp, nồng độ PSA trong máu có thể không phát hiện được. Nếu xét nghiệm không thể phát hiện PSA sau phẫu thuật cắt bỏ tiền liệt tuyến, điều này không có nghĩa ung thư sẽ không tái phát. Chính các tế bào ung thư cũng có thể tạo ra PSA, lúc này bác sĩ sẽ tư vấn thêm về nồng độ PSA và phương pháp điều trị khác nếu cần thiết.

Bác sĩ cần biết tốc độ PSA trong máu tăng nhanh thế nào theo thời gian. Để làm được điều này, bác sĩ cần làm xét nghiệm PSA thường xuyên. Nếu kết quả PSA vẫn ổn định hoặc tăng ở mức chậm, người bệnh có thể không cần điều trị thêm.

  • Sau phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt toàn phần, chỉ số PSA phải không được tìm thấy hoặc  thấp hơn 0,05 ng/ml sau 21 ngày. Trường hợp PSA xuất hiện trở lại chứng tỏ có dấu hiệu bướu tái phát.
  • Sau điều trị nội tiết tố, nếu PSA trở lại bình thường sau 3 tháng đây là dấu hiệu rất tốt, người bệnh có khả năng sống trên 42 tháng.
  • Sau điều trị tia xạ, chỉ số PSA phải xuống dần đến mức rất thấp < 1 ng/ml (PSA giảm 50% sau 6 tháng và điểm thấp nhất là sau 14-16 tháng).
Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
Bác Sĩ Lê Hữu Tuấn
Bác Sĩ Lê Hữu Tuấn
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
Chuyên sâu
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android