Xét Nghiệm Tiểu Đường

Tổng quan

Tiểu đường (đái tháo đường) là căn bệnh có biểu hiện ban đầu không rõ ràng nên chỉ khi xét nghiệm tiểu đường, nhiều người mới phát hiện ra. Về lâu dài, nếu không được điều trị, người bệnh dễ gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, cách tốt nhất để phòng ngừa rủi ro là kiểm tra định kỳ và chữa trị từ sớm.

Nguy cơ

Bệnh tiểu đường rất đáng lo ngại vì ai cũng có nguy cơ mắc phải. Tuy nhiên, những đối tượng sau đây dễ bị nhất và cần được xét nghiệm tiểu đường thường xuyên:

1. Người bị béo phì

Người bị béo phì chính là đối tượng đầu tiên cần làm xét nghiệm tiểu đường định kỳ. Bởi vì cơ thể họ có nguy cơ bị rối loạn chuyển hóa bất cứ lúc nào. Khi điều này xảy ra, lượng đường trong máu cao khiến các chỉ số xét nghiệm máu trở nên bất thường.

Người bị bệnh béo phì rất cần được xét nghiệm tiểu đường định kỳ
Người bị bệnh béo phì rất cần được xét nghiệm tiểu đường định kỳ

Bên cạnh đó, nguyên nhân gây béo phì ở nhiều người là do chế độ ăn không khoa học. Cơ thể nặng cân khiến việc vận động, luyện tập thể thao của họ cũng khó khăn hơn. Vì thế, lượng mỡ thừa trong cơ thể nhiều và đường trong máu cũng cao. Nếu những người này đồng thời mắc bệnh về đường huyết và huyết áp thì rất nguy hiểm.

Vì vậy, nếu bị béo phì, bạn nên kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên. Việc này có thể thực hiện ngay tại nhà hoặc đến cơ sở y tế lấy máu xét nghiệm 3 tháng 1 lần.

2. Người bệnh gout nên xét nghiệm tiểu đường

Vì sao người bị bệnh gout nên làm xét nghiệm tiểu đường? Bởi vì h căn bệnh này có mối quan hệ mật thiết và ảnh hưởng lẫn nhau. Gout xuất hiện khi hàm lượng axit uric trong máu người bệnh tăng cao. Cụ thể, nồng độ axit uric trong máu bệnh nhân đái tháo đường type 2 thường cao. Ngược lại, người bị gout có nồng độ axit uric cao dễ có nguy cơ bị tiểu đường.

Người bị tiểu đường type 2 thường bị ứ đường trong máu do cơ thể không sử dụng được insulin. Khi đó, axit uric trong máu cũng tăng, dẫn đến bệnh gout. Ngược lại, khi chỉ số axit uric tăng cao trong máu thì cơ thể càng bị kháng insulin mạnh, khiến bệnh tiểu đường biến chứng nguy hiểm.

Nghiên cứu năm 2014 công bố trên The Annals of the Rheumatic Diseases cho biết mối liên hệ giữa gout và tiểu đường rõ rệt hơn ở phụ nữ. Theo đó, có đến 71% chị em bị gout có nguy cơ bị đái tháo đường.

Người bệnh gout bị biến chứng tiểu đường ở giai đoạn muộn và khá nguy hiểm. Vì vậy, họ cần được xét nghiệm thường xuyên để phát hiện kịp thời, tránh rủi ro đáng tiếc.

3. Bệnh nhân bị rối loạn mỡ máu hoặc có huyết áp cao

Những người bị rối loạn mỡ máu hoặc huyết áp cao cũng nên kiểm tra chỉ số đường huyết thường xuyên. Bởi vì các chỉ số máu và huyết áp bất thường chính là nguyên nhân dẫn đến rối loạn đường huyết, từ đó gây ra bệnh tiểu đường.

Theo tổ chức Blood Pressure UK ước tính, có 25% bệnh nhân tiểu đường type 1 và 80% người bị đái tháo đường type 2 có huyết áp cao. Huyết áp tăng cao làm cho tình trạng sức khỏe của người bệnh tiểu đường diễn tiến xấu, dễ biến chứng. Cụ thể, khi huyết áp tăng, đường huyết tăng theo khiến bệnh nhân tiểu đường phải đối mặt với nguy cơ mù lòa, suy giảm chức năng thận và có thể tử vong.

Ngược lại, đái tháo đường cũng khiến huyết áp tăng nhanh. Đó là do khả năng co giãn của mạch máu giảm, lượng máu lưu thông trong cơ thể tăng lên và hoạt động của insulin kém hiệu quả.

Tăng huyết áp có thể dẫn đến biến chứng tiểu đường
Tăng huyết áp có thể dẫn đến biến chứng tiểu đường

4. Phụ nữ bị u nang

Tình trạng kháng insulin ở bệnh nhân u nang buồng trứng chính là nguyên nhân khiến họ bị tiểu đường type 2. Khi mắc bệnh buồng trứng đa nang, cơ thể chị em không sử dụng hiệu quả insulin tiết ra. Do đó lượng đường huyết trong máu không được chuyển hóa nhiều, gây dư thừa đường huyết.

Một số nghiên cứu ở Úc trên 8000 phụ nữ đã phát hiện người bị u nang buồng trứng có nguy cơ bị tiểu đường type 2 cao gấp 4 - 8.8 lần so với người không bị. Đặc biệt, phần nhiều trong số họ là những chị em u nang buồng trứng khi còn trẻ. Mặc dù người bệnh đã điều chỉnh chế độ ăn và tập luyện thể dục thể thao nhưng tỷ lệ mắc vẫn cao.

Chính vì vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo những ai mắc bệnh u nang buồng trứng nên xét nghiệm tiểu đường định kỳ để ngăn ngừa hoặc sớm phát hiện ra bệnh.

5. Phụ nữ mang thai

Xét nghiệm tiểu đường còn được thực hiện ở phụ nữ mang thai, gọi là xét nghiệm tiểu đường thai kỳ. Bởi lẽ đây là đối tượng rất dễ mắc chứng tiểu đường thai kỳ, gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Mặc dù chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây bệnh nhưng giới chuyên gia cho rằng, ở chị em mang bầu, nhau thai bài tiết ra các hormone như Lactogen, Estrogen, Progesteron hay Prolactin. Chính quá trình này dẫn đến tình trạng kháng insulin. Do đó, mẹ bầu bị tăng lượng đường trong máu, dẫn đến tiểu đường thai kỳ.

Thời điểm mang bầu ở tuần thứ 18 đến 24 chị em nên tiến hành xét nghiệm tiểu đường nhất vì đây là giai đoạn dễ mắc bệnh. Tuy nhiên, trong các xét nghiệm máu khi mang thai ở một số tuần đầu của thai kỳ hoặc các lần kiểm tra nước tiểu, bác sĩ cũng lưu ý đến chỉ số này. Đặc biệt, chị em bị nghén ngọt hoặc thừa cân nên kiểm tra đường huyết thường xuyên để tránh bị tiểu đường.

Chị em nên tiến hành xét nghiệm tiểu đường từ tuần 18 đến 24 của thai kỳ
Chị em nên tiến hành xét nghiệm tiểu đường từ tuần 18 đến 24 của thai kỳ

Thực hiện

Để xác định người bệnh có bị tiểu đường hay không, y học hiện nay có nhiều cách. Phổ biến nhất phải kể đến 6 phương pháp dưới đây.

1. Phương pháp xét nghiệm dung nạp glucose đường ống

Xét nghiệm dung nạp glucose nhằm xác định lượng glucose lúc đói và sau khi uống glucose. Mục đích của phương pháp này là đánh giá khả năng chuyển hóa đường trong cơ thể.

Đây là cách xét nghiệm tiểu đường dễ thực hiện, chi phí không cao. Người bệnh cần nhịn ăn trước khi lấy máu lần 1 để kiểm tra lượng đường lúc đói. Sau đó uống một lượng đường glucose theo chỉ định và lấy máu xét nghiệm tiểu đường sau ăn 2 giờ. Sau khi phân tích mẫu máu, bác sĩ sẽ đọc kết quả xét nghiệm tiểu đường cuối cùng.

  • Nếu chỉ số đường huyết trên 200mg/dL, bệnh nhân đã bị tiểu đường.
  • Nếu lượng glucose trong máu là 140 - 199mg/dL, bệnh nhân đang ở giai đoạn tiền tiểu đường.
  • Chỉ số glucose dưới 140mg/dL (tương đương 7.8 mmol/L) thì người đó có đường huyết ổn định.

2. Xét nghiệm đường niệu

Xét nghiệm đường niệu còn gọi là xét nghiệm tiểu đường bằng nước tiểu. Mục đích của phương pháp là định lượng glucose có trong nước tiểu, từ đó kết luận về tình trạng bệnh tiểu đường. Trước đây, phương pháp này thường được dùng để theo dõi hiệu quả điều trị bệnh tiểu đường.

Xét nghiệm nước tiểu có thể chẩn đoán tình trạng tiểu đường
Xét nghiệm nước tiểu có thể chẩn đoán tình trạng tiểu đường

Ở người bình thường, glucose được tái hấp thu hoàn toàn ở phần ống thận. Khi đó, chỉ số đường sẽ duy trì ở mức trung bình khoảng 0.5 mol/24 giờ. Tuy nhiên, người bị tiểu đường có lượng glucose trong máu quá cao, thận không thể giữ nổi glucose dẫn đến nước tiểu có đường. Bên cạnh đó, nếu chức năng thận không tốt hoặc bị tổn thương thì glucose cũng bị đào thải qua đường tiểu. Đây chính là cơ sở để xét nghiệm tiểu đường qua đường niệu.

Đối với phương pháp này, chỉ số glucose tiêu chuẩn là 1.6g/L. Nếu lượng đường cao hơn thì người xét nghiệm đã mắc bệnh tiểu đường.

3. Xét nghiệm ngẫu nhiên

Phương pháp xét nghiệm tiểu đường như thế nào gọi là ngẫu nhiên? Theo WHO, việc lấy mẫu máu tại thời điểm bất kỳ cũng là một trong những tiêu chuẩn để chẩn đoán bệnh đái tháo đường. Người ta không cần quan tâm đến vấn đề bệnh nhân đã ăn chưa, ăn được bao lâu.

Có hai cách tiến hành xét nghiệm này là lấy máu ly tâm tách huyết tương rồi xét nghiệm trên hệ thống máy hóa sinh bán tự động hoặc sử dụng máy đo đường huyết cá nhân để đo máu toàn phần tại mao mạch.

Nếu trong xét nghiệm máu toàn phần, lượng đường chiếm từ 10.0 mmol/l trở lên hoặc xét nghiệm huyết tương chứa từ 11.1 mmol/l đường thì người đó bị đái tháo đường. Trường hợp lượng đường dưới 7.8 mmol/l thì cần tiến hành thêm nghiệm pháp tăng đường huyết nhằm khẳng định kết quả.

4. Xét nghiệm lúc đói

Phương pháp xét nghiệm tiểu đường nhịn ăn mấy tiếng? Đối với xét nghiệm đường huyết khi đói, bệnh nhân phải nhịn ăn ít nhất 8 tiếng. Rất nhiều đơn vị hiện nay vẫn đang thực hiện cách làm này là chủ yếu. Ở người bình thường, đường huyết khi đói là khoảng 4.4 - 5.0 mmol/l.

  • Nếu xét nghiệm 2 lần gần nhau sau ăn 8 giờ cho chỉ số đường huyết từ 126mg/dL (từ 7.0 mmol/l trở lên) thì người được xét nghiệm bị đái tháo đường.
  • Nếu chỉ số glucose huyết tương dưới 5.6 mmol/l hoặc dưới 4.4 mmol/l đối với mẫu máu toàn phần thì người được xét nghiệm không bị đái tháo đường.
  • Trường hợp glucose huyết tương từ 5.6 - 6.4 mmol/l hoặc máu toàn phần chứa 4.4 - 5.5 mmol/l đường huyết thì người đó có nguy cơ bị đái tháo đường cao, cần làm nghiệm pháp tăng đường huyết.

5. Xét nghiệm HbA1C

Khi tiến hành HbA1C xét nghiệm tiểu đường có phải nhịn ăn không? Đây là một hình thức kiểm tra đường huyết không cần nhịn ăn.

HbA1C thể hiện sự kết hợp giữa Hgb trong máu và đường glucose, cho biết tình trạng gắn kết của đường trên Hb hồng cầu.

Xét nghiệm HbA1C
Xét nghiệm HbA1C

Hgb trong máu là gì? Đó là hàm lượng hemoglobin có nhiệm vụ vận chuyển oxy và tạo màu hồng cầu. Nó có mối liên hệ chặt chẽ với đường huyết, được thể hiện bằng chỉ số HbA1C.

Ở người bình thường, HbA1C chiếm khoảng 4 - 6 % trong toàn bộ Hgb. Khi chỉ số này tăng vượt ngưỡng chuẩn 1% thì giá trị đường huyết tăng lên 30mg/dL, tương ứng 1.7 mmol/l.

  • Khi xét nghiệm tiểu đường, chỉ số HbA1C đạt từ 6.5% trở lên thì bác sĩ kết luận bệnh nhân đã bị đái tháo đường.
  • Nếu mức HbA1C từ 5.7 - 6.4% thì bệnh nhân đang ở giai đoạn tiền tiểu đường.
  • HbA1C dưới 5.7 thì người được xét nghiệm không bị tiểu đường.

6. Nghiệm pháp tăng đường huyết

Đây là một phương pháp xét nghiệm tiểu đường hữu ích. Nó được áp dụng nhiều đối với phụ nữ mang thai nhằm phát hiện tiểu đường thai kỳ sớm.

Cách làm này được đánh giá là an toàn, dễ thực hiện. Những chị em có chỉ số BMI từ 25 kg/m3 hoặc vòng eo từ 80cm trở lên, gia đình có người bị đái tháo đường, bị hội chứng u nang buồng trứng, có tiền sử tiểu đường thai kỳ nên tiến hành xét nghiệm này.

Ngoài ra nó còn được chỉ định trong trường hợp bệnh nhân hấp thu kém hoặc mất khả năng dung nạp glucose qua đường uống.

Bác sĩ sẽ tiến hành tiêm glucose tĩnh mạch với liều lượng tương ứng 0.5g/kg thể trọng. Sau đó tiến hành lấy máu xét nghiệm và định lượng lại glucose 10 phút/lần trong 60 phút.

Đối với phụ nữ mang thai, người ta làm đường huyết tĩnh mạch khi đói, sau đó cho mẹ bầu uống 75g glucose và 250ml nước. Tiếp theo, tiến hành làm đường huyết tĩnh mạch sau khi uống glucose từ 1 - 2 giờ và kết luận.

Chuyên sâu
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android