Bệnh Gút Ở Chân

Triệu chứng và nguyên nhân

Bệnh gút ở chân gây sưng viêm, đau nhức dữ dội ở khớp ngón chân, cổ chân hay khớp gối. Bệnh kéo dài có thể tiến triển thành mãn tính và gây hình thành cục tophi khiến cho khớp bị biến dạng, hủy hoại, từ đó dẫn đến tàn phế suốt đời. Việc nắm rõ các dấu hiệu bệnh gút ở chân sẽ giúp bạn phát hiện và điều trị căn bệnh này kịp thời, tránh được các biến chứng nguy hiểm.

Định nghĩa

Bệnh gút ở chân (hay bệnh gout ở chân) là một dạng viêm khớp thường gặp ảnh hưởng đến một hay nhiều khớp ở chân, bao gồm các khớp ngón chân, khớp cổ chân, mắt cá chân hay khớp gối.

Căn bệnh này khởi phát khi hàm lượng axit uric trong máu tăng cao trong thời gian dài và lắng đóng tại các khớp ở chân dưới dạng các tinh thể muối urat sắc nhọn. Chúng gây tổn thương cho khớp và các mô mềm xung quanh dẫn đến các đợt gút cấp có tính chất đột ngột.

Hình ảnh

Triệu chứng

Các dấu hiệu bệnh gút ở chân thường xuất hiện vào ban đêm mà không có triệu chứng báo trước. Hầu hết bệnh nhân đều cảm thấy khớp bị sưng đau rõ rệt, phạm vi hoạt động cũng bị giới hạn đáng kể.

Triệu chứng chung của bệnh gút ở chân

  • Sưng khớp:

Tại vị trí bị ảnh hưởng, khớp có biểu hiện sưng to, phù nề . Nguyên nhân là do các tinh thể muối urat bám quanh khớp gây tổn thương cho xương, sụn và các mô mềm, đồng thời kích hoạt phản ứng viêm bùng phát dữ dội.

Tình trạng sưng khớp có thể tiến triển mạnh mẽ trong thời gian ngắn. Không chỉ khớp mà khu vực xung quanh có thể sưng nề thấy rõ.

Tuy nhiên, rất nhiều vấn đề khác về xương khớp cũng có thể gây sưng các khớp ở chân, chẳng hạn như viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp gối, thoái hóa khớp bàn chân hay viêm khớp phản ứng. Nếu gặp triệu chứng này, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị bệnh cho chính xác.

  • Đau nhức khớp ở chân dữ dội

Đây cũng là dấu hiệu bệnh gút ở chân đối tượng nào cũng gặp phải. Triệu chứng đau nhức xương khớp do gút chính là nỗi ám ảnh của hầu hết bệnh nhân.

Cơn đau xảy ra tại khớp chân bị ảnh hưởng thường có tính chất dữ dội và kéo dài. Nhiều người mô tả khớp bàn chân, cổ chân hay đầu gối của họ có cảm giác nóng cháy hoặc đau nhức như kim đâm trong khớp. Cần nghỉ ngơi tại chỗ và sử dụng thuốc giảm đau mới thấy dễ chịu hơn.

Cảm giác đau tăng mạnh mỗi khi đứng dậy, đi lại, tì đè lên khớp hoặc vận động mạnh. Lúc này, các tinh thể muối urat chà xát vào da và các mô mềm kích thích cơn đau bùng phát dữ dội.

Cảm giác đau nhức các khớp chân do bệnh gút có thể kéo dài trong vài ngày hoặc vài tuần tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh.

  • Khớp nóng đỏ

Vùng da quanh khớp chân bị ảnh hưởng bởi bệnh gút thường có dấu hiệu căng đỏ. Chạm tay vào có cảm giác nóng ấm và đau nhiều hơn. Đây là hiện tượng xảy ra khi cơ thể huy động các tế bào bạch cầu tập trung tại khớp để chống lại sự tấn công của các tinh thể axit uric. Tuy nhiên, cảm giác nóng ấm thường biến mất sau và ngày chứ không kéo dài quá lâu.

  • Cứng khớp, khó vận động

Khớp chân bị gút có biểu hiện sưng to dẫn đến cảm giác cứng khớp và khó vận động. Bạn sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện các cử động thông thường tại khớp, thậm chí không thể đi lại được vì quá đau.

Dấu hiệu bệnh gút ở chân theo giai đoạn phát triển

Bệnh gút nói chung và gút ở chân nói riêng đều được chia làm 2 giai đoạn phát triển chính là viêm khớp gút cấp tính và mãn tính.

- Viêm khớp gút cấp tính:

  • Bệnh thường khởi phát trong độ tuổi từ 40 - 60 hoặc sau thời kỳ mãn kinh ở phụ nữ.
  • Hầu hết các trường hợp, cơn gút cấp đầu tiên chỉ ảnh hưởng đến 1 khớp của chân, thường gặp nhất là khớp ngón chân. Ngoài ra, một số khớp khác cũng thường bị ảnh hưởng như khớp gối, mắt cá chân, gót chân, cổ chân hay mu bàn chân.
  • Bệnh gút cấp ở chân thường xuất hiện tự phát hoặc xảy ra sau một bữa ăn có nhiều chất đạm, uống nhiều bia rượu, căng thẳng quá mức hoặc chấn thương...
  • Bệnh bắt đầu với cảm giác tê ngứa, khó chịu và tình trạng cứng khớp ngón chân cái hay các khớp bị sưng viêm sau đó.
  • Khớp chân bị viêm có biểu hiện đau nhức dữ dội, sưng và nóng đỏ.
  • Khả năng vận động bị hạn chế.
  • Một số dấu hiệu bệnh gút ở chân trong giai đoạn cấp tính ảnh hưởng đến toàn thân. Chẳng hạn như mệt mỏi, chán ăn, ăn uống kém, sốt cao, rét run...
  • Các triệu chứng trên thường kéo dài trong 5 - 7 ngày. Sau đó tình trạng sưng đau khớp thuyên giảm dần.

- Bệnh gút ở chân mãn tính:

Bên cạnh các triệu chứng tương tự như giai đoạn cấp tính, bệnh gút ở chân mãn tính còn có các đặc điểm như sau:

  • Bệnh có tính chất kéo dài và tái phát nhiều đợt trong năm.
  • Các tinh thể urat lắng đọng nhiều hình thành lên các hạt hay cục tophi có kích thước không đồng đều.
  • Viêm đa khớp mãn tính.
  • Sỏi thận do tăng axit uric kéo dài.

Nguyên Nhân

Các dấu hiệu bệnh gút ở chân xảy ra là hậu quả của tình trạng tăng axit uric trong máu kéo dài. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này như:

  • Có bất thường về gen khiến cho quá trình sản xuất và đào thải axit uric bị mất cân bằng.
  • Tăng dị hóa tại các acid nhân nội sinh
  • Thường xuyên sử dụng các thực phẩm chứa nhiều purin
  • Rối loạn chuyển hóa purin
  • Uống nhiều bia rượu
  • Sử dụng một số loại thuốc tây kéo dài làm tăng axit uric trong máu
  • Có vấn đề về thận làm giảm khả năng đào thải axit uric qua thận, chẳng hạn như suy thận.
  • Ngoài ra, các yếu tố như béo phì, ít vận động, mãn kinh, có tiền sử mắc bệnh gút trong gia đình cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút ở chân.

Biến chứng

Bệnh gút ở chân nếu không được điều trị triệt để trong giai đoạn cấp tính ban đầu sẽ tái phát nhiều lần và tiến triển thành mãn tính. Lúc này, bệnh rất khó chữa khỏi hoàn toàn và có thể gây ra nhiều biến chứng như:

  • Biến dạng khớp, phá hủy khớp ở chân nghiêm trọng do sự xuất hiện của cục tophi
  • Tổn thương thận, suy thận, viêm khe thận và các vấn đề khác gây suy giảm chức năng hoạt động của thận và khiến sức khỏe bị giảm sút nghiêm trọng.
  • Bệnh gút ở chân gây tăng nguy cơ bị đau tim, đột quỵ hoặc viêm màng cơ tim.
  • Giảm thị lực
  • Rối loạn cảm xúc
  • Viêm loét dạ dày tá tràng
  • Tàn phế, mất khả năng đi lại bình thường.
Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp chẩn đoán

Bệnh nhân có dấu hiệu bệnh gút ở chân hoặc xuất hiện triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh nên tới bệnh viện khám và điều trị từ sớm để tránh gặp phải các biến chứng nguy hiểm.

Ngoài việc thăm khám lâm sàng, kiểm tra ngoài khớp, bác sĩ còn thực hiện một số phương pháp cận lâm sàng để chẩn đoán bệnh gút ở chân. Bao gồm:

  • Xét nghiệm dịch khớp: Bác sĩ sử dụng một cây kim dài chọc trực tiếp vào trong khớp bị tổn thương để hút dịch. Mẫu dịch này sau đó được đem vào phòng thí nghiệm quan sát dưới kính hiển vi để kiểm tra sự hiện diện của các tinh thể urat.
  • Xét nghiệm máu: Ở người mắc bệnh gút, nồng độ axit uric trong máu thường tăng cao vượt mức an toàn, thậm chí cao hơn gấp nhiều lần.
  • Chụp X-quang khớp chân: Chụp X-quang cho phép bác sĩ chẩn đoán phân biệt được các nguyên nhân gây viêm khớp khác, chẳng hạn như thoái hóa khớp, chấn thương, gai xương...
  • Siêu âm: Trên hình ảnh siêu âm, bác sĩ có thể quan sát thấy sự hiện diện của các tinh thể muối urat hay hạt tophi.
  • Chụp CT năng lượng kép (DECT): Phương pháp này có thể giúp phát hiện sớm sự có mắt của các tinh thể uric tại khớp ngay cả khi khớp chân chưa bị viêm.

Biện pháp điều trị

Hầu hết các trường hợp bị gút ở chân đều được điều trị bằng thuốc. Một số trường hợp được đề nghị làm phẫu thuật khi có biến chứng hoặc tổn thương khớp nghiêm trọng.

1. Thuốc trị gút ở chân

  • Thuốc chống viêm non-steroid (NSAIDs): Thuốc được chỉ định cho bệnh nhân bị sưng đau khớp chân do gút mà không có các bệnh khác đi kèm. Thuốc có tác dụng giảm sưng viêm, xoa dịu cơn đau ở khớp. Bệnh nhân thường được bác sĩ kê đơn thuốc NSAIDs với liều cao trong 2 - 3 ngày đầu giảm dần liều sử dụng trong khoảng 2 tuần.
  • Thuốc Corticosteroid: Loại thuốc này được chỉ định cho những bệnh nhân không đáp ứng hoặc chống chỉ định với các thuốc NSAIDs và Colchicin. Thuốc được sử dụng theo đường uống, tiêm bắp hay truyền tĩnh mạch với liều từ 20 – 50 mg trong giai đoạn tấn công.
  • Colchicine: Đây là thuốc điều trị gout có tác dụng giảm đau trong các giai đoạn cấp tính Bạn có thể dùng thuốc Colchicine mỗi ngày 3 lần, mỗi lần uống 0,5mg. Chú ý giảm liều xuống còn một nửa với các trưởng hợp độ lọc cầu thận nhỏ hơn 50ml/ph. Ngoài ra, loại thuốc này còn được sử dụng trong điều trị dự phòng tái phát bệnh gút cấp ở chân tái phát với liều lượng là 0,6 mg x 1-2 lần mỗi ngày.
  • Thuốc hạ axit uric trong máu: Allopurinol, probenecid, sunfinpyrazon, Urocozyme,...

2. Phẫu thuật chữa bệnh gút ở chân

Phẫu thuật thường được chỉ định cho bệnh nhân bị gút ở chân mãn tính xuất hiện các hạt tophi có kích thước to gây mất thẩm mỹ, biến dạng khớp và ảnh hưởng đến chức năng vận động của khớp. Một số trường hợp được phẫu thuật thay khớp nhân tạo nếu khớp chân bị hư hại nghiêm trọng.

Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà

Thay đổi lối sống có thể giúp hỗ trợ giảm nhẹ các dấu hiệu bệnh gút ở chân và đẩy nhanh quá trình phục hồi tổn thương ở khớp. Trong ăn uống và sinh hoạt hàng ngày, người bệnh cần chú ý:

  • Nghỉ ngơi tại chỗ trong những ngày khớp bị sưng đau nặng. Hạn chế đi lại, vận động mạnh hoặc khiêng vác vật nặng gây đau và tổn thương khớp chân nghiêm trọng hơn.
  • Sau khi cơn đau đã thuyên giảm, người bệnh có thể vận động nhẹ nhàng để không bị teo cơ, cứng khớp.
  • Tránh căng thẳng
  • Kiêng uống bia rượu và các thức uống có tính kích thích
  • Không hút thuốc lá
  • Duy trì cân nặng ở mức khỏe mạnh. Trường hợp bị béo phì nên tìm cách giảm cân sớm để giải phóng áp lực cho các khớp ở chân.
  • Hạn chế sử dụng các thực phẩm chứa nhiều purin, nhất là nội tạng động vật, các loại rau mầm, hải sản và thịt đỏ. Thay vì vậy, người mắc bệnh gút ở chân nên uống nhiều nước khoáng có tính kiềm, nước lọc kết hợp ăn rau xanh, hoa quả tươi để bổ sung chất xơ và các dưỡng chất có khả năng làm giảm axit uric trong máu.
  • Tập thể dục đều đặn mỗi ngày. Lựa chọn các bộ môn thể thao nhẹ nhàng, có tác dụng tăng cường sức bền cho các cơ và khớp ở chân.
  • Tránh sử dụng thuốc tây bừa bãi. Ngưng sử dụng một số loại tân dược có thể làm tăng axit uric trong máu, chẳng hạn như aspirin,corticoid hay thuốc lợi tiểu và đề nghị bác sĩ thay thế bằng loại thuốc khác an toàn hơn.
  • Kiểm soát tốt các vấn đề sức khỏe đi kèm nếu có để các dấu hiệu bệnh gút ở chân không còn cơ hội tái phát trở lại, nhất bệnh tiểu đường hay máu nhiễm mỡ...
Chuyên sâu
Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
Bác Sĩ Lê Hữu Tuấn
Bác Sĩ Lê Hữu Tuấn
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh
TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh
Verified
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android